Thợ vẽ tranh truyền thần duy nhất còn sót lại ở TP HCM

18:00 26/07/2015
Cần mẫn ngồi vẽ tranh trên vỉa hè đường Điên Biên Phủ, sau hơn 20 năm, thấm thoắt cả thành phố chỉ còn mỗi ông Từ Hoa Lợi là còn theo đuổi nghề này.

Nửa thế kỷ vẽ truyền thần

Ông Từ Hoa Lợi vẫn còn nhớ như in ngày ông rời quê nhà Quảng Ninh để lên Thủ đô thi vào trường Y Hà Nội một ngày cuối năm 1955 . "Thoắt đó mà đã vừa tròn 60 năm cuộc đời", ông tếu táo. Học y một thời gian, thấy niềm đam mê hội họa thuở nhỏ vẫn còn âm ỉ trong lòng, ông quyết định chuyển sang học tiếp tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội để nuôi tiếp ước mơ được vẽ.

Sinh năm 1937 trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật, ông nói: "Lúc đầu tôi học y chỉ vì nghe theo lời cha mẹ, sau này ra làm bác sĩ sẽ dễ mưu sinh hơn. Nhưng khi học được một thời gian thì tôi thấy tự dằn vặt mình, nếu theo đuổi mãi cái không yêu thì sau này sẽ làm khổ xã hội, làm khổ người khác, nên phải ngừng ngay việc học". Lúc đó ông chỉ học được khoảng một năm.

Cậu sinh viên Từ Hoa Lợi khi đó mang quyết tâm cao, xách ống vẽ, bút mực đến trường Mỹ thuật thuyết phục thầy cho vẽ thử. Một vài bức họa theo như ông nói vui là "bột phát, nghĩ sao vẽ vậy" khiến các thầy cô sửng sốt bởi tài năng của cậu học trò rẽ ngang từ trường y, rồi nhận ông vào học. Năm 1959, ông tốt nghiệp.

Họa sĩ Từ Hoa Lợi hàng ngày ngồi trước số 596 Điện Biên Phủ, quận 10 bất kể nắng mưa.

Ông Từ Hoa Lợi nhớ lại, khoá học đó, ông là một trong những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc. Rời trường Mỹ thuật, ông được nhà nước phân công theo Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương làm họa sĩ vẽ trang trí quảng cáo. Cũng từ những ngày tháng rong ruổi theo đoàn mà ông quen biết, yêu rồi lập gia đình với bà Tạ Thị Kim Dung, diễn viên của đoàn xiếc, người khi đó là "hoa khôi của cả đoàn".

Khi còn là sinh viên năm thứ hai, ông đã mày mò ra ngoài tìm thầy để học môn vẽ tranh truyền thần, bộ môn không được giảng dạy ở trường, cũng không được dạy ở bất cứ trường lớp chính quy nào mà chỉ được những người đi trước truyền lại cho những ai đam mê bộ môn vẽ chân dung đặc tả như hình chụp này.

Khi ấy, ở khắp Hà Nội cũng không có nhiều thầy dạy vẽ thể loại hội họa mà ông đam mê nên hết đại học, ông tiếp tục lặn lội xuống Hải Phòng "tầm sư" họa sĩ Đặng Nguyên Mão. Ông cho biết: "Từ khi thầy mất, tôi là người kế thừa duy nhất vẫn theo nghiệp đến tận nay".

Khi đã có với nhau 4 người con, nghe theo người chị ruột, ông bà Từ Hoa Lợi quyết định vào Nam sinh sống, làm việc.

"Hai mươi lăm năm qua nhanh như cái chớp mắt, kể từ ngày đầu tiên của năm 1990 vợ chồng tôi bước chân tới thành phố này. Căn phòng trọ nhỏ trên đường Điện Biên Phủ mà chúng tôi ở hồi mới vào cũng gắn bó với tôi chừng ấy thời gian, nơi cặp vợ chồng già đi về có nhau và cũng chứng kiến 10 năm tôi lui tới một mình, kể từ ngày bà nhà mất", họa sĩ trầm ngâm. Ông nhớ lại, khi vợ mất, cuộc sống bị đảo lộn, ông buồn bã một thời gian nhưng niềm đam mê quá lớn với nghiệp vẽ đã động viên ông trở lại, vì "tôi coi nghề này như người bạn đời thứ hai song hành với mình, không còn người thân bên cạnh nhưng còn cái nghề sẽ theo tôi suốt đời".

Chỉ vào cửa hàng bán đồ gia dụng mặt tiền đường Điện Biên Phủ sầm uất, ông nói, qua hơn 20 năm, nhiều thứ thay đổi, nhà cửa đập bỏ rồi lại xây mới nhưng chỉ có ông là hàng chục năm nay vẫn cần mẫn bày tranh ngồi trên vỉa hè trước căn nhà số 596 này.

Một nghề đòi hỏi sự kỳ công

Người họa sĩ tóc hoa râm hàng ngày đều đặn rời khỏi nhà đúng 8 giờ sáng, ăn vận chỉnh tề quần tây, áo sơmi đóng thùng, giày tây như một vị công chức, từ tốn cuốc bộ từ căn phòng trọ đến nơi đặt giá vẽ ngoài lề đường cách đó không xa. Tác phong làm việc của ông cũng "chuẩn mực" kiểu văn phòng hệt như cách ăn mặc của ông: ra ngoài đúng giờ, và đúng 5 giờ chiều là dọn dẹp ra về, mặc cho có ai níu giữ trò chuyện cũng từ chối.

Những bức vẽ từng qua tay ông được thận trọng đặt trên giá vẽ.

Đang tiếp chuyện khách, thấy trời lâm thâm đổ mưa, ông đứng dậy căng vội cây dù rồi trở vào, "trời mưa hay nắng, tôi không nghỉ bao giờ". Ông cho biết, tranh truyền thần không chỉ đơn giản là nhìn hình mẫu rồi phác họa lại chân dung mà còn phải "vẽ" được thần thái, nét tính cách của nhân vật. Đó là điều đưa giá trị của tranh truyền thần quý hơn nhiều so với ảnh chụp chỉ mô tả được hình ảnh đơn thuần.

Trong sự nghiệp của mình, họa sĩ nhận nhiều "đơn đặt hàng" có hình mẫu chỉ là trí nhớ mù mờ của khách hàng mô tả lại để ông vẽ. "Đó là một gia đình cách mạng ở Củ Chi, thời chiến tranh vì loạn lạc mà không lưu lại được hình ảnh của hai ông bà cụ. Hôm ấy, tôi nhờ tập họp con cháu trong gia tộc lại rồi nghe miêu tả nét mặt, chiều cao, đặc điểm thân thể của nhân vật, đồng thời phác họa dựa trên hình mẫu đứa cháu đích tôn là người giống cụ ông lúc sinh thời nhất. Hình vẽ ra, người con út của ông bà đã hơn 85 tuổi ôm bức hình oà khóc nức nở, con cháu khóc theo khiến tôi cũng cảm động ứa nước mắt", mắt ông sáng lên khi nhắc lại kỷ niệm mà ông cho rằng đáng nhớ nhất trong đời.

Hoặc có vị khách đã tìm đến chỗ ông hồi thập niên 1990, sau đó ra nước ngoài định cư đến mười mấy năm mới về nước, họ vô cùng ngạc nhiên khi sau chừng ấy năm, ông họa sĩ vẫn còn ngồi ở đây, dù tóc đã đổi màu.

Trước mặt ông, "cửa hàng" chỉ là một giá vẽ lớn treo tầm 10 bức tranh nhiều kích cỡ đã và đang vẽ cho khách cùng lỉnh kỉnh đồ nghề. Những món đồ đó bao gồm: 5-7 cây chì, cọ, đầu lọc thuốc, thước dã chiến làm từ mảnh khung, gôm tẩy, kính lúp. Tất cả dụng cụ ấy được dùng chỉ để vẽ nên bức tranh có hai màu đen trắng. Theo lời ông, "môn vẽ này không quy định đồ nghề. Dụng cụ là bất cứ thứ gì, miễn phù hợp cho một bức chân dung". "Đồ nghề là do mình tạo nên chứ làm gì có ai tạo ra sẵn. Mắt tôi là thước, nó tự đo tỷ lệ đấy", ông cười.

Họa sĩ chậm rãi phân tích, nghề vẽ tranh truyền thần đặc biệt không giống với các trường phái hội họa khác, nó đòi hỏi sự tỉ mỉ cao và kiên trì tuyệt đối. "Một khi đã ngồi trên bàn vẽ này thì không nghe đến việc gì xung quanh, người đứng đằng sau mình coi như không có, xe cộ chạy ồn ào sát bên nhưng tai và não coi như không có tiếng gì. Nếu đang vẽ mà tâm phân tán thì sẽ không vẽ được. Vì thế người dám theo đuổi vẽ truyền thần rất hiếm, ít ai chịu được cái nghề vừa cực vừa khó này", ông giải thích.

Gần 60 năm tuổi nghề, ông không thể nhớ hết đã có bao nhiêu khách hàng, vô vàn kỷ niệm vui buồn nhưng buồn ít hơn vui, vì "đó là cái may mắn trời ban cho". Cầm trên tay một bức ảnh nhỏ xíu như ảnh thẻ 2x3, ông đặt sát bên bức tranh khổ 20x40m được vẽ lại từ tấm ảnh ấy để so sánh thành quả. Ảnh được ông vẽ lại chi ly đến từng nếp nhăn trên khoé mắt, bóng khuất sau vạt áo sơ-mi. Ông nói: "Đó là cái hay của tranh truyền thần mà máy móc không làm được. Ở những bức đòi hỏi độ khó cao như bức này, kinh nghiệm 50 năm đã dạy cho tôi cách vẽ nó".

Nhiều ảnh cũ đã bạc màu, sờn rách được ông vẽ lại sinh động như thật.

Tuy vậy, thu nhập từ nghề này hiện nay, ông Từ Hoa Lợi cho hay "gấp 10 lần lúc tôi mới vào nghề". Thời gian đầu, lượng người biết đến ông không nhiều. Khi mới vào Nam sinh sống, hàng xóm, người dân xung quanh tò mò đặt vẽ thử, thấy đẹp rồi lại giới thiệu cho bạn bè. Khách cũ giới thiệu cho khách mới, cứ thế tiếng tăm của ông mỗi lúc một xa.

Trung bình, loại tranh mà ông nhận được yêu cầu vẽ nhiều nhất là khổ 30x40m. Cá biệt có khi ông được đặt bức to đến 1m2, "đó là một gia đình 4 người, kích cỡ phải to như thế mới đủ và bức đó tôi được trả 3 triệu, là một trong số những bức cao giá nhất mà tôi từng vẽ", ông nhớ lại. Mỗi ngày ông đều được đặt hàng, mỗi bức hoàn thành trong thời gian 5-6 tiếng, một ngày có thể xong một hoặc hai bức tuỳ theo độ khó và kích cỡ của tranh. "Những ngày gần Tết, nhu cầu cao nên tôi vẽ suốt ngày, đêm phải thức đến hơn 11 giờ mới đảm bảo tiến độ", ông nói. Hoạ sĩ tiết lộ, thu nhập một tháng của ông tầm 30-40 triệu, đến Tết khoản thu gấp đôi nên ông sống "rất được" với nghề.

Nỗi lo thất truyền

Người họa sĩ tóc lấm tấm bạc cứ nhắc đi nhắc lại về nỗi lo khi tuổi đã xế chiều mà truyền nhân vẫn còn xa xăm. "Ba con trai đầu của tôi đều làm kiến trúc sư nhưng các con đều phải ngậm ngùi thú thật là không thể theo nổi nghề của bố. Ngay cả con mình, hiểu rõ nghề của mình hơn ai hết mà còn không dám dấn thân thì dám trông chờ vào ai đây?", ông thoáng buồn.

Như bao người thợ còn đeo bám một nghề mưu sinh của thời cũ, ông chia sẻ vẫn cố tìm kiếm một người thực sự có đủ đam mê để truyền lại. Ông đã từng nhận vài học trò cách đây hơn chục năm nhưng họ ra mở tiệm, làm ăn 5,6 năm nản chí rồi cũng nghỉ. Từ đó đến nay, vừa thất vọng, phần vì quá bận nên ông không còn nhận học trò nữa, trừ khi "có người có ham muốn thực sự, biết yêu nghề và giữ nghề, không bị đồng tiền chi phối thì tôi mới nhận".

Ông tâm sự mình vừa mới có thêm chắt nội, và dù con cháu đã khôn lớn, sự nghiệp vững vàng muốn ông về quê để đoàn tụ nhưng ông vẫn sẽ ngồi đây, viết tiếp duyên nghiệp như một thói quen từ nửa đời người. "Khi xưa tôi làm được tiền có gởi ra Bắc lo cho con, nhưng nay chúng đã lớn có thể tự lo cho mình thì tôi cũng khuây khỏa dành trọn phần đời còn lại cho nghề vẽ của tôi mà không còn vướng bận gì nữa", ông cười mãn nguyện.

Huỳnh Diên

Ngày 27/11, trao đổi với PV Báo CAND, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, qua công tác tuần tra kiểm soát từ ngày 1/11 đến hết ngày 24/11, lực lượng CSGT toàn thành phố đã xử lý 2.291 trường hợp vi phạm giao thông liên quan đến học sinh. Trong số này có 517 trường hợp lái xe khi không đủ điều kiện, xử phạt 275 trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện.

Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự đang được dư luận và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ rất cao. Dư luận xã hội và ĐBQH đánh giá, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay, tránh để tồn tại thực trạng tài sản “đóng băng”, không lưu thông, hay nằm “phơi sương, phơi nắng” trong khi đất nước đang rất cần nguồn lực để phát triển.

Sáng 27/11, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại...

Một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt hơn một năm giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah đã giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo Israel, làm dấy lên cả hy vọng lẫn những câu hỏi tại một khu vực đang bị chiến tranh tàn phá.

Mang cái tên đặc biệt, Võ Thị Nở (SN 1979, không nơi cư trú nhất định) từng có 5 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng ngựa quen đường cũ, Nở vẫn tiếp tục thực hiện nhiều vụ móc túi, lấy trộm ĐTDĐ đắt tiền tại khu vực rạp chiếu phim và bệnh viện xung quanh khu vực quận 1, quận 3, TP Hồ Chí Minh…

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Israel và Lebanon đã chấp nhận đề xuất của Washington nhằm chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc giữa Israel và Hezbollah, mở đường cho việc kết thúc gần 14 tháng giao tranh xuyên biên giới đã giết chết hàng nghìn người.

Những tuyên bố gần đây của NATO về khả năng thực hiện các cuộc tấn công “phòng ngừa” nhằm vào Nga đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên, đẩy thế giới đến gần hơn với nguy cơ xung đột trực tiếp.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 26/11 cho biết sẽ áp thuế đáp trả Mỹ, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa Mexico nếu nước này không ngăn chặn dòng ma túy và người di cư qua biên giới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文