Tiếng vọng buồn ở xóm Việt kiều

13:18 01/11/2016
Mang tiếng là Việt kiều về nước nhưng Mai Thị Châu đang trong cảnh tứ cố vô thân, không một cục đất chọi chim, sống tầm gửi trong căn lều giữa cánh rừng cao su bạt ngàn tại ấp Bà Phái (Long Nguyên - Bến Cát - Bình Dương). 31 tuổi, một nách ôm 4 đứa con của những người đàn ông khác nhau, Châu héo mòn, khô quắt như sợi dây leo.


1.Lần thứ hai chúng tôi quay lại xóm Việt kiều Campuchia để giữ lời hứa mang một chút gì đó cho lũ trẻ. Cảnh và người vẫn thế, nhưng cảm giác đau xót hơn hai năm về trước, bởi một vài người quen đã mất tích khỏi xóm và mấy đứa nhỏ hốc hác, gầy trơ xương vì đói ăn.

Cánh rừng cao su xanh thẳm, rậm rạp, u tối hơn nhưng dễ nhận ra bởi tiếng nô đùa của trẻ con. Mẹ Châu đi lượm ve chai chưa về, nên mấy đứa con ở nhà tự tắm cho nhau, tự giặt quần áo. Đứa lớn nhất trong bầy con của Châu năm nay 11 tuổi, đứa nhỏ nhất gần một tuổi, toàn là trai.

Căn nhà trơ trọi giữa rừng cao su.

Lần này được nghe kể về người đàn bà góa bụa Mai Thị Châu, chúng tôi không tin, muốn tìm gặp bằng được chị. Chiều sẩm tối, Châu chạy chiếc xe máy phành phạch chồm lên nhào xuống trên những mô đất gồ ghề của rừng cao su.

Vừa thấy dáng mẹ, bốn đứa con nhào lại, chúng mong mỏi từ lâu lắm rồi. Trên tay Châu, chỉ có một bọc thuốc viêm phụ khoa và lọ cốm thuốc loại nhỏ nhất. Lũ trẻ chia nhau ăn, nhấm nháp canh cách và cười khoái chí. Người mẹ góa này nhỏ lắm, thêm chứng bệnh lúc tỉnh lúc mê nên chẳng biết thế nào mà đoán.

Châu không thể nhớ nơi chôn nhau cắt rốn của mình ở miệt nào của Nam Bộ, Châu chỉ nhớ những tháng năm lênh đênh cùng cha mẹ trên con thuyền đánh cá giữa Biển Hồ. Ở đó, nhiều người Việt lấy làm nơi ký thác. 18 tuổi, Châu được gả cho anh chàng gốc Campuchia.

Chẳng yêu đương gì nhưng Châu đẻ như gà, liền tù tì ba thằng con trai, mỗi đứa hơn nhau đúng 2 tuổi. Khi Biển Hồ cạn kiệt cá tôm, cuộc sống đói lăn đói lóc, thì cha Châu bệnh tật mà qua đời, gửi xác nơi Biển Hồ. Chồng Châu bắt đầu sinh tật. Anh ta thường xuyên nhậu nhẹt, mỗi lần có "ma men" vào người, anh ta luôn gửi những trận đánh trời giáng vào thân xác vợ con.

Buổi tối cái ngày cách nay 4 năm có lẻ, không biết uất ức thế nào, anh ta lôi thằng con lớn nhất ra giữa chiếc thuyền, gầm hú chửi bới một hồi, dồn cú đấm cay nghiệt vào ngực đứa trẻ. Hậu quả, thằng con bị dập xương ức, gẫy ba đốt xương ngực.

Châu lao vào ôm con, gào khóc thảm thiết. Ngay đêm hôm ấy, Châu ôm ba đứa con lao lên đất liền. Bà mẹ thương con quá, cũng ôm theo đứa con trai tật nguyền quyết định rời bỏ Biển Hồ. Về Việt Nam, họ không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào, mẹ con bà cháu Châu dắt nhau đi xin đất dựng lều cùng một số đồng hương ở bên Campuchia.

Trong túp lều không có gì đáng giá.

Cuộc sống tạm ổn, lũ con Châu cứng cáp lên, Châu đã phải lòng người đàn ông bản địa, làm nghề bốc vác. Một nách nuôi ba con, một nách chăm ông chồng không hôn thú sớm xỉn chiều say, Châu trở thành tôi mọi lúc nào không hay. Rồi một thời gian ngắn, khi đã "khai thác" cạn kiệt cả thể xác lẫn tinh thần người đàn bà góa bụa này, anh ta "chùi mép" ra đi, bỏ lại "cục thịt" mới ba tháng tuổi, đang ngoe nguẩy đói sữa.

Châu chỉ vào bốn đứa con, ba đứa lớn cùng cha, còn đứa nhỏ thì… bị người ta "bỏ của" chạy lấy người. Châu nhìn con cười, có vẻ hãnh diện vì đang sở hữu số lượng kỷ lục về con trai ở cái làng Việt kiều này. Nhưng dù thế nào thì nụ cười ấy vẫn có nét méo mó: "Mình nghèo rồi phải sinh con nhiều chứ, sau này nó lớn sẽ nuôi lại". Châu giải thích như vậy và bằng lòng với số phận.

2.Sao những người đàn ông cứ đến rồi đi? Thôi từ nay đừng yêu nữa, ở vậy mà nuôi con, chúng tôi hỏi. Châu buông lời chua chát: "Vì đói khổ quá, đông con quá nên họ sợ. Không phải con họ, họ cũng chẳng đủ sức đi làm để nuôi một bầy như vậy. Giờ một mình ốm đau thế này, tôi lại bị bệnh phụ khoa mãn tính nữa, thật khó mà nuôi nổi các con".

Nhưng chẳng lẽ bỏ con chết đói? Thế là Châu gắng lượng lết cái thân xác còm cõi đi làm. Thằng bé chưa được một năm, Châu bỏ ở nhà cho thằng lớn trông để đi mót mủ cao su kiếm gạo. Mùa này mủ khô người ta tạm nghỉ cạo, thì đói lăn lóc. Châu mò mẫm đi mót điều, mót sắn kiêm lượm ve chai. Sáng sớm đi làm vắt đụm sữa vào cái cốc để đó cho thằng út, tối sẩm mới lết cái xác phờ phạc về, ngực căng sữa đau nhức tê tái.

Châu mời chúng tôi lên căn chòi làm theo kiểu người rừng, có sàn chống thú dữ. Nhưng ở đây văn minh rồi nên làm vậy để tránh gà, chó nhảy vào vì nhà không có cửa, và cũng để trời mưa nước không tràn vào được. Leo lên chòi của mẹ con Châu phải khom lưng, cúi đầu vì nó sát với nóc. Muỗi nhiều quá, vo ve như nhạc rừng.

Một người đàn ông hiếm hoi ở xóm.

"Ổ" của năm mẹ con góa bụa không khác nào cái tổ chim. Có lẽ thứ quý giá nhất là hai tấm hình chụp bốn đứa con đứng sát lạt vào nhau. Châu vạch đụn rẻ rách căng trước cửa, bên trong màn vẫn buông tối um, mùi ẩm ướt ngai ngái bốc lên. Châu bảo nơi này năm mẹ con cô sẽ rúc vào nhau mỗi đêm mệt nhoài với cuộc mưu sinh. 

Bỏ con đi làm, Châu không lo việc chúng nheo nhóc, đói khát như thế nào, Châu sợ nhất có kẻ xấu vào bắt lũ trẻ mang đi bán nội tạng. Điều này, Châu nghe mấy người xóm dưới cảnh báo, đã từng xảy ra trường hợp bắt cóc trẻ con bán sang Trung Quốc. Không biết làm sao đối phó với nỗi lo trên, Châu chắt bụng mua một con chó lai thật hung dữ làm "vệ sĩ" cho bọn nhỏ. Con chó giờ đây chính là tài sản có giá trị nhất của năm mẹ con Châu.

Ở xóm lều tạm giữa rừng cao su này, còn có mẹ con chị Hạnh, bà Xiên, tất cả những người phụ nữ ấy đều trong cảnh "mẹ góa con côi". Châu không lấy làm xấu hổ với thân phận góa bụa của mình, bởi nhìn sang bên trái, bên phải, những người phụ nữ kia cũng đang "chăn đơn gối chiếc", sống cảnh không chồng mà có con.

Nhà kế bên là mẹ ruột chị Châu, cũng cảnh góa bụa thảm thương hơn. Một nách bà nuôi thằng con đích tôn bị liệt nửa người, một nách nuôi đứa con của người em gái ruột. Cha mẹ đứa trẻ ấy đều chết ở Biển Hồ, bà xách nó về vì nó không còn ai thân thích trên đời này nữa.

Mang tiếng không chồng, nhưng nguyên nhân sâu xa của nỗi bất hạnh ấy không phải họ là phụ nữ lăng loàn, mất nết. Hầu hết đều có một đời chồng ở Campuchia nhưng sớm dang dở, đứt gánh vì nhiều nguyên nhân.

Dường như một lần đau chưa thấm sâu nên chẳng bao lâu chị Châu, chị Hạnh lại lên chuyến đò thứ hai, lại đẻ rồi lại tan vỡ. Chị Châu lý giải rằng: "Thì cũng phải có người đàn ông để dựa vai chứ, nhưng không đoán được người ta bỏ mình đi sớm vậy".

Những đứa trẻ tự tắm cho nhau.

Nói về hoàn cảnh của những người đàn bà trong xóm Việt kiều Campuchia, ông Nguyễn Văn Có - Trưởng ấp Bà Phái trăn trở: "Không có kiến thức về kế hoạch hóa gia đình, con sinh ra một cách vô tội vạ, đói lắm. Hầu như họ không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào nên nhiều năm nay vẫn sống trong cảnh vô gia cư, vô thừa nhận. Những đứa trẻ không có giấy khai sinh, không được đến trường. Họ sống chủ yếu bằng nghề mót mủ cao su, mót bất cứ thứ gì bán được, ăn được để tồn tại".

Cái chòi mẹ con chị Châu đang ở cũng phải đi năn nỉ cong lưỡi, phải van lơn kêu gào người ta mới cho ở nhờ. Chưa biết sẽ bị bốc đi lúc nào. Chẳng biết tương lai sẽ trôi dạt tới đâu nữa. Nhìn bầu trời nhỏ nhoi xuyên qua kẽ lá, người mẹ 4 con vẫn tràn ngập lạc quan, vì ở nơi này không phải chỉ riêng mình chị ta cô độc, nghèo khó.

Ở lòng hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) kia, còn có hàng trăm con người cũng dạt từ Biển Hồ về, cũng sống lây lất giữa trời, cơm không có ăn, áo không có mặc. Chị Châu bảo rằng, nếu mai này phải lang bạt đến nơi nào đó, thì nhất quyết sẽ không trở lại Biển Hồ, nhất định không vùi đời con vào cái lòng hồ mà đời mẹ đã "tắm qua".

 Rời căn lều mẹ con Châu, rời cánh rừng cao su âm u thăm thẳm, chúng tôi không khỏi giày vò bởi cảnh tượng rách xác xơ của những tấm bạt che nắng che mưa, che đầu lũ trẻ như chính cuộc đời của mẹ chúng. Những đôi mắt tròn xoe, ngơ ngác, những tấm thân trần trơ xương, đen bẩn. Và, tiếng cười trong veo của chúng, hồn nhiên như cây cỏ chẳng biết mai này ghé qua, mẹ chúng có thêm đứa em nào nữa không.

Ngọc Thiện

Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự đang được dư luận và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ rất cao. Dư luận xã hội và ĐBQH đánh giá, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay, tránh để tồn tại thực trạng tài sản “đóng băng”, không lưu thông, hay nằm “phơi sương, phơi nắng” trong khi đất nước đang rất cần nguồn lực để phát triển.

Một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt hơn một năm giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah đã giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo Israel, làm dấy lên cả hy vọng lẫn những câu hỏi tại một khu vực đang bị chiến tranh tàn phá.

Mang cái tên đặc biệt, Võ Thị Nở (SN 1979, không nơi cư trú nhất định) từng có 5 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng ngựa quen đường cũ, Nở vẫn tiếp tục thực hiện nhiều vụ móc túi, lấy trộm ĐTDĐ đắt tiền tại khu vực rạp chiếu phim và bệnh viện xung quanh khu vực quận 1, quận 3, TP Hồ Chí Minh…

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Israel và Lebanon đã chấp nhận đề xuất của Washington nhằm chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc giữa Israel và Hezbollah, mở đường cho việc kết thúc gần 14 tháng giao tranh xuyên biên giới đã giết chết hàng nghìn người.

Những tuyên bố gần đây của NATO về khả năng thực hiện các cuộc tấn công “phòng ngừa” nhằm vào Nga đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên, đẩy thế giới đến gần hơn với nguy cơ xung đột trực tiếp.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 26/11 cho biết sẽ áp thuế đáp trả Mỹ, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa Mexico nếu nước này không ngăn chặn dòng ma túy và người di cư qua biên giới.

Theo báo cáo của Chính phủ, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án, trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam. Vậy nhưng đến nay, các địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao 720,4/721,25km (đạt khoảng 99,9%), trong đó, nhiều địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文