Tình người như cổ tích

13:30 30/07/2015
Ba người con trai của bà mắc bệnh tim bẩm sinh, đứa chết yểu, đứa ngớ ngẩn, chỉ còn một đứa duy nhất gọi được tiếng cha mẹ. Hơn nửa cuộc đời bà vùi đầu vào con, hơn nửa cuộc đời chưa biết thành phố có gì đẹp, một chữ cắn đôi cũng chịu. Bà mỉm cười cam chịu, đạp lên nỗi đau để sống. Trong vòng xoáy bĩ cực, bà lại nhận thêm một đứa trẻ "đỏ hỏn" về nuôi thay cha mẹ nó đang ngồi tù…
Vượt lên mọi nỗi đau

Vợ chồng bà Trần Ngọc (57 tuổi) và ông Thái Phục Thành (59 tuổi) ngụ số nhà 189/14 đường Gia Phú (phường 1, quận 6, TP Hồ Chi Minh) sinh được ba người con trai. Ông bà hoàn toàn khỏe mạnh, dòng họ cũng hoàn toàn bình thường nhưng không hiểu sao cả ba người con của ông bà đều mắc bệnh tim bẩm sinh. Vừa chào đời chân tay đã cong queo, miệng méo xệch và thần thái thì ngơ ngác không biết nhận thức thế giới bên ngoài.

Con cái "thực vật" như vậy, bà Ngọc phải ở nhà chăm lo, nuôi dưỡng. Ngày nào bà cũng vất vả từ sáng đến tối. Chúng rủ nhau ốm liên miên và đi bệnh viện triền miên. Ông Thành làm kỹ sư cơ khí, nhưng một tháng xin phép nghỉ đột xuất để chạy vào bệnh viện dễ đến gần 30 ngày. Ông chủ không chịu được cảnh "vô kỷ luật" của ông, thế là đuổi việc. Chồng mất việc, con lũ lượt vào viện, bà Ngọc héo như sợi rơm khô.

Thân bà tiều tụy, lo lắng mà đổ bệnh. Sống trong cảnh bĩ cực mãi làm bà Ngọc, ông Thành cũng chai sạn đi. Thôi thì cứ mặc kệ mà sống, đạp lên nỗi đau để sống. Càng lớn, hai người con càng ngơ ngẩn trầm trọng. Chúng chưa bao giờ gọi được tiếng "cha", "mẹ". May còn đứa thứ hai bệnh nhẹ hơn, biết ăn biết nói và nhận thức được cuộc sống nên bà Ngọc cho đi học.

Nhưng học vừa đủ biết chữ đã phải dừng vì sức khỏe yếu. Mong mỏi mắt thằng thứ hai cũng đến tuổi lập gia đình. Ông bà tìm mối cưới vợ cho con, mừng đến rơi nước mắt. Con lấy vợ nhưng chờ mãi chưa có cháu ẵm bồng, hai ông bà cứ thấp thỏm lo âu. Người con út chỉ sống được tròn 20 năm đã bỏ ông bà về cát bụi. Bà lôi một xấp hình cũ ra bần thần: "Nó đây, người như sợi bún vậy mà nuôi được 20 năm thì mất. Giờ còn thằng anh nữa, hơn 30 tuổi rồi".

Nguồn thu chính của gia đình bà Ngọc là từ việc làm bu đông.

Ngày trước ở chung với gia đình nhà chồng, con cái bệnh tật, sinh hoạt phiền phức nên người dì cho mượn căn nhà bây giờ để ở. Người con trai đầu 34 tuổi vẫn phải nhốt trong lồng có cửa sắt ngăn lại. Cậu cười suốt ngày và khóc suốt ngày. Chuyện vệ sinh ra nhà rồi "nhầy nhụa" khắp nhà đã không còn là điều ghê gớm và kinh tởm với bà Ngọc nữa.

Hơn 30 năm, bà đã quen và xem chuyện đó là điều bình thường. Ở trong lồng mãi bí bách, nhiều lần cậu vùng vẫy đập đầu vào tường muốn ra ngoài. Đập đến tóe máu đầu, trượt chân ngã sưng húp mặt mũi, tay chân.

Có lần ngã mạnh quá đến ngất xỉu. Bà Ngọc quệt vội hàng nước mắt, nói trút lòng: "Dù phải chăm sóc vất vả thế nào tôi cũng cam chịu, mỗi ngày được nhìn thấy con cười vô thức như vậy cũng hạnh phúc rồi. Ngoài đời còn bao nhiêu người phải chật vật đi tìm con. Chúng tôi không trách ai cả, con cái là máu mủ của mình". 

Ngoài việc gia đình, chăm sóc bé Q., bà Ngọc còn khổ tâm với cậu con trai 34 tuổi.

"Sẽ nuôi đến khi nào không thể nữa…"

Thấy gia cảnh vợ chồng bà Ngọc khó khăn, một người hàng xóm giới thiệu cho bà Ngọc nhận giữ trẻ để kiếm thêm tiền chữa bệnh cho con. Lúc đầu bà cũng hơi ái ngại, vì chưa giữ trẻ bao giờ. Hơn nữa, trong nhà vẫn còn một đứa trẻ 34 tuổi. Hàng xóm khuyên: "Đằng nào thì ông bà cũng ở nhà, giờ già rồi ai thuê nữa. Giữ em bé vừa có tiền vừa vui cửa vui nhà".

Ông bà bàn với nhau một hồi thì đồng ý. Người phụ nữ ôm bé gái mới được hai tháng tuổi tới. Chị ta giới thiệu tên là Lý Ngọc Mỹ N., 30 tuổi (ngụ phường 4, quận 6, TP Hồ Chí Minh), làm nghề buôn bán. Tiền công giữ trẻ là 3 triệu đồng/tháng. Từ ngày có bé Lý Ngọc Minh Q. trong nhà, cuộc sống của ông bà Ngọc sôi động và vui hẳn.

Đều đặn hàng tháng, cô N tới thăm con và trả tiền lương đàng hoàng. Được một năm thì cô N. im ỉm, không thấy tăm hơi đâu nữa. Vợ chồng bà Ngọc hoang mang, tìm cách liên lạc với gia đình cô N. Lúc này mới biết gia cảnh của N. vô cùng bi đát.

Cha mẹ N. mất sớm, anh em nghèo đói, không ai biết hiện giờ N. ở đâu. Gọi điện sang bên nhà chồng N hỏi thăm cũng không thấy. Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, mẹ chồng N. nghe tin con dâu tự nhiên biến mất thì tá hỏa đi tìm. Hỏi tất cả những bạn bè, lùng sục tất cả các nơi thân quen nhưng không ai biết tung tích N.

Ông bà Ngọc mang bé Q. sang trả bên nội, nhưng sang rồi thấy bà nội bé Q. tóc bạc trắng vẫn phải còng lưng ngoài đường bán buôn, vừa lo cho cả gia đình vừa chăm thêm đứa cháu là con ruột của vợ chồng N. (anh trai bé Q.). Cảnh nhà thê lương quá, bà Ngọc ôm bé Q. quay về nhà. Bà thầm nghĩ: "Không có người mẹ nào bỏ được con đâu. Chắc là N. đi làm ăn đâu đó rồi sẽ về nhận lại bé Q."

Càng ngóng N. thì càng biệt tăm. Bé Q. lớn lên mỗi ngày trong vòng tay yêu thương của ông bà ngoại không phải là máu mủ. Câu đầu tiên bé biết gọi là "mí ngoại" (bà ngoại). Suốt ngày bé cuốn lấy ông bà ngoại. Từ chỗ bất đắc dĩ phải nuôi thêm con người dưng, ông bà Ngọc ngày càng yêu thương bé Q. nhiều hơn.

Nhà toàn người bệnh, lại không có con gái, bà Ngọc quyết định giữ bé Q. ở nhà nuôi với hy vọng mong manh: Người mẹ sẽ quay lại đón con. Năm tháng sau, bà Mai hớt hải chạy sang nhà bà Ngọc thông báo tin động trời: "Con N. buôn ma túy bị công an bắt rồi". Trời đất như sụp đổ, hai bà già ôm nhau gào khóc.

Chuyện cuộc sống, công việc của N. ông bà Ngọc không hề hay biết. Khi đến gửi con, N. có nói ngắn gọn là do chồng đi làm xa, nhà neo người. Hóa ra, chồng N. đang ngồi tù vì tội buôn bán ma túy. Lúc đó, N. đang mang thai bé Q., chỉ còn một tháng nữa là sinh. Con trai buôn ma túy, bà Mai không hề hay biết. Đến khi công an có giấy thông báo về nhà bà mới ngã ngửa. Lần này đến lượt con dâu sa vào vòng lao lý.

Bà Mai cũng không ngờ con dâu lại nối gót chồng đi buôn "cái chết trắng" để rồi tan cửa nát nhà, con cái bơ vơ, nheo nhóc. Vợ chồng ông bà Ngọc nghe xong chỉ buồn và lấy làm tiếc cho N. Một phần vì ông bà không hiểu biết nhiều về xã hội.

Thậm chí, một chữ cắn đôi bà Ngọc cũng chịu. Bà nuôi bé Q. vì tình thương với con trẻ và đạo nghĩa ở đời. Ba đứa con dứt ruột đẻ ra đã không lành lặn, nay có bé Q. suốt ngày ríu rít trong nhà, vợ chồng bà Ngọc cảm thấy niềm vui và sự ấm áp.

Bé Q. suốt ngày quấn quýt bên "mí ngoại".

Bé Q. bây giờ đã tròn 3 tuổi, đã biết nói và biết cảm nhận được sự yêu thương của "mí ngoại". Không biết có ai nói với bé về hoàn cảnh, nhưng mỗi khi nhắc đến cha, mẹ là bé chạy lại ôm chặt "mí ngoại" khóc. Có bất cứ người khách lạ vào nhà là Q. chạy đi ẩn náu. Bé luôn miệng thét lên: "Đừng bắt con, con không đi đâu". Không biết từ bao giờ, bản năng chạy trốn đã hình thành trong suy nghĩ của đứa trẻ lên ba này.

Năm nay bé Q. đến tuổi đi nhà trẻ, ông bà Ngọc gửi Q. vào một trường tư nhân, mỗi tháng hết hơn một triệu đồng. Đó là tiền ông bà còng lưng, chảy máu tay làm bu đông gia công tại nhà. Mỗi ngày, ông bà bắt đầu làm từ lúc 7 giờ sáng cho đến 21 giờ mới nghỉ. Cứ 100 cái bu đông mới được 2.000 ngàn đồng. Một ngày làm tổng lực cũng được 70-80 ngàn đồng.

Phần ăn và sinh hoạt của bé Q. không đáng kể nhưng tiền đóng học thì chật vật. Ông bà muốn xin cho bé Q. tạm trú vào gia đình để được học trường nhà nước, nhưng không được chính quyền đồng ý. Ái ngại trước nghĩa cử cao thượng của ông bà Ngọc, bà Mai lâu lâu qua thăm cháu, cũng chỉ cho được hộp sữa, cái bánh. Khi không có tiền mua đồ thì bà sang phụ làm bu đông giúp. 

Bà Mai thở ngắn than dài: "Con dại cái mang", làm cha mẹ thì phải chịu. Nay bắt ông bà gánh vác chuyện nhà mình, tôi khổ tâm lắm, nhưng bần cùng mới làm như vậy. Nếu ông bà Ngọc không nuôi bé Q. thì tôi cũng chịu. Tôi không còn khả năng nữa rồi". Bà Ngọc chỉ cười, không oán thán trách cứ ai.

Bà tâm sự: "Chúng tôi sẽ nuôi dạy bé Q. đến khi nào cha mẹ về nhận lại. Còn nếu không nhận lại thì chúng tôi sẽ nuôi đến khi nào không thể nữa".

Ngày tòa án nhân dân TP HCM xử Lý Ngọc Mỹ N., bà Ngọc ôm bé Q. đến dự. Bị cáo N. cúi gằm mặt và khóc suốt, cô không dám ngẩng mặt lên nhìn con một lần. Tòa tuyên án N. 10 năm tù về tội tàng trữ, mua bán chất ma túy. Nghe xong bản án, N. khóc lịm dưới vành móng ngựa. Bà Ngọc cũng ôm mặt khóc. Vậy là 10 năm nữa, bé Q. mới được gặp mẹ. 10 năm nữa, ông bà phải gồng mình lên nuôi dưỡng bé Q.
Ngọc Thiện

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文