Trái tim nhân ái ở mái ấm ở mái ấm Hồng Quang

17:54 15/10/2018
Tiếng thơm từ lâu đã lan tỏa về mái ấm Hồng Quang, nơi có những em nhỏ bị bỏ rơi từ khi lọt lòng, lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng của một sư thầy giàu lòng nhân ái, nhưng phải đến mùa Trung thu năm nay tôi mới thu xếp được để cùng đoàn thiện nguyện Tao đàn Năm châu - Trái tim Nhân ái đến thăm các em.


Vượt gần 100 cây số, đoàn chúng tôi đến mái ấm vừa lúc trời chợt đổ cơn mưa rào. Có lẽ ông trời xúc động vì thấy có người đến thăm các em mồ côi cơ nhỡ?

Mái ấm cũng chính là ngôi chùa Hồng Quang, tọa lạc tại thôn Phước Tấn, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trên đường vào khu căn cứ Núi Dinh. Nơi đây hiện là mái nhà của 75 trẻ mồ côi cơ nhỡ, em lớn nhất 14 tuổi, trong khi em nhỏ nhất chỉ mới sinh được vài ngày.

Những đứa trẻ “đói” hơi người

Xuống xe, sau khi cùng anh chị em trong đoàn chuyển gạo, bánh, cặp và những vật dụng ủng hộ mái ấm vào trong, tôi đi thẳng ra sau, nơi chăm sóc những thành viên bé nhất của “gia đình” Hồng Quang. 

Trong căn phòng khoảng 20m² có chừng chục cái nôi/cũi với hơn 10 em bé đang được chăm sóc. Có em còn đỏ hỏn, nghe đâu nhà chùa chỉ mới nhặt được trước cổng cách đó vài ngày. Có em bị bại não, chỉ nằm yên một chỗ. Có em chưa biết bò, nằm trong nôi mở to đôi mắt nhìn chúng tôi. Có em đã chập chững biết đi, đứng thẳng người giơ tay về phía chúng tôi đòi bế.

Những em bé “đói” hơi người. 

Các cô bảo mẫu nhắc chúng tôi: Anh chị mà bế nó lên thì khó bỏ xuống lắm. Thật vậy, tôi thử bế một em lên, dỗ dành một hồi rồi định đặt trở xuống, nhưng em cố quắp chặt lấy người tôi, khiến tôi không đành lòng để em trở lại. Một cô bảo mẫu giải thích: “Trẻ con ở đây bị cha mẹ bỏ, nên rất thèm tình thương, thèm được bế ẵm”.

Ở một khu khác là các em lớn hơn, khoảng từ 3-5 tuổi, đã biết chạy nhảy, đùa giỡn. Vì không có điều kiện và không đủ người trông, nên nhà chùa phải để các em vào một khu vực rộng, có những song sắt xung quanh như một cái “lồng chim” lớn. Các em ở trong đó chạy nhảy, nô đùa.

Thương các em quá, tôi rút cây sáo mang theo ra thổi tặng các em vài bài. Các em nghe say sưa, em thì nhún nhảy, em lại mơ màng. Khi tôi dừng lại các em lại òa lên đòi tôi thổi tiếp, dường như các em cũng rất “đói” những món ăn tinh thần.

Ngoài hai khu kể trên, các em lớn hơn thì phụ giúp các cô làm bếp, phụ khuân đồ, các em nhỏ hơn thì chơi bóng ngoài sân cỏ nhân tạo. Toàn thể mái ấm có kiến trúc chắp vá, có lẽ được cơi nới theo rất nhiều đợt.

Từ cái duyên đến cái nghiệp

Sau khi đi hết một vòng thăm hỏi các em, tôi ngồi lại trò chuyện cùng Đại đức Thích Thiện Thông, trụ trì chùa Hồng Quang, cũng là người tạo dựng mái ấm Hồng Quang. Thầy cho biết đã về chùa này từ năm 1999, năm 2005 thầy bắt đầu nhận nuôi những em nhỏ đầu tiên. Hiện mái ấm đang nuôi dưỡng 75 em, trong đó có tới 67 em bị bỏ rơi từ lúc sơ sinh.

Đại đức Thích Thiện Thông. 

“Cơ duyên nào khiến thầy biến nhà chùa thành mái ấm?”, tôi hỏi.

“Người ta bỏ bé trước cổng chùa vào một đêm khuya. Mình phát hiện ra rồi đem vào nuôi luôn. Từ đó, có lẽ là cái duyên, nên cứ mỗi tháng người ta lại bỏ trước cổng chùa 2-3 cháu, có tháng tới 4-5 cháu. Khi người ta bỏ thì mình nghĩ rằng trước nhất phải cứu sống nó trước đã, chứ không hề có ý tưởng thành lập cái này cái kia. Rồi khi nuôi các con thì gắn bó, nghĩ thôi mình cố gắng, giúp được gì thì giúp, làm được gì thì làm”, sư thầy nhớ lại.

Sư thầy kể để mái ấm tồn tại đến ngày nay, sư thầy phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Và khó khăn nhất đối với sư thầy là phải “vượt qua chính mình”.

“Người ta nói rằng có con mới biết được công ơn của cha mẹ. Mình cũng không phải là ông thần hay ông thánh. Thời gian đầu chưa có người phụ, mình phải một mình chăm tới 40 trẻ. Khi nhận nuôi trẻ mình chỉ mới hơn 20 tuổi thôi. Mình nghĩ nó đã vô phước bị cha mẹ bỏ rồi, mà nếu giờ mình bỏ nó nữa thì nó sẽ như thế nào?”, sư thầy kể.

Nhờ thiện tâm của bá tánh

Sư thầy kể, lúc đầu nuôi 1-2 em cũng không có gì khó khăn, nhưng khi các em càng lúc càng đông, thì tất cả mình phải tự lo. Đây là cơ sở tự nguyện, cho nên tất cả chi phí nhà chùa phải tự lo. Hiện tại mái ấm duy trì đến thời điểm bây giờ trung bình 1 tháng hơn 200 triệu đồng.

Em bé cố bấu víu hơi người.

Kinh phí lớn như vậy, nhưng mái ấm Hồng Quang tồn tại cho đến ngày nay chủ yếu chỉ nhờ thiện tâm của cộng đồng, mỗi người chung tay góp sức. Các bảo mẫu và những người phụ việc ở mái ấm đều là những phật tử nguyện đóng góp thiện tâm. 

“Các cô ở đây thực sự nói thuê thì cũng chưa hẳn là thuê. Hầu hết là các cô vào giúp xong rồi mình bồi dưỡng thôi. Chứ thực ra ở đây 24/24 mà tháng 2-3 triệu đồng thì không thể nuôi sống được gia đình. Người ta xuất phát từ thiện tâm là chính. Thực sự các cô đây cũng có chồng con, gia đình, nhưng bỏ hết công ăn việc làm để vào mái ấm mình”, sư thầy cho biết. 

Cần chính sách hỗ trợ

Đại đức Thích Thiện Thông chia sẻ, việc nuôi dưỡng các em đã khó, nhưng việc dạy dỗ các em còn khó hơn. 

“Định hướng của mái ấm trước nhất là cứu sống, sau đó là nuôi dưỡng. Nhưng vấn đề là phải giáo dục. 3 vấn đề mà mình vướng mắc: Một là nuôi các em nên người, tức dạy cho các em về kỹ năng sống. Hai là hướng nghiệp cho các em cái nghề để tự lo cho bản thân. Tu cũng có thể coi như một cái nghề để các em được nên người. Những em không tu được thì phải hướng nghiệp cho các em những nghề khác. Và cuối cùng là làm sao cho đời sống các em được ổn định, được tốt hơn”, sư thầy tâm sự. 

Được biết, mái ấm Hồng Quang nuôi dưỡng các em cho tới trưởng thành. “Tốp đầu tiên có em cũng 24-25 tuổi rồi, có em đến nay đã ra đời lập nghiệp, lập gia đình. Còn tốp thứ hai có các em đang học đại học”, sư thầy cho biết.

Được biết, từ khi mái ấm được thành lập, Nhà nước đã hỗ trợ rất tốt về mặt giấy tờ, pháp lý. Hiện nay tất cả các bé bị bỏ rơi đều có giấy khai sinh, được nhập hộ khẩu thường trú, được cấp bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, địa phương vẫn chưa có chính sách để các bé mồ côi được hưởng các chế độ.

Sắp tới, sư thầy Thích Thiện Thông mong muốn có được cơ sở tươm tất để có chỗ cho các em ăn, ngủ, chơi đùa được thoải mái. “Hiện nay hầu như mái ấm chưa có được công trình nào hết, chỉ là các công trình tạm bợ. Sắp tới phải cho xây dựng khu nhà bếp trước, hiện tại nhà bếp chỉ xây tạm bợ. Cho nên sẽ cố làm nhà bếp, nhà ăn và khu vệ sinh cho các em, để đảm bảo vệ sinh an toàn trước”, sư thầy nói.

Những đoàn thiện nguyện như chúng tôi đến rồi lại đi, chỉ có thể mang đến cho các em một chút sẻ chia nhỏ bé. Nhưng hy vọng rằng sẽ có rất nhiều đoàn thiện nguyện, nhiều mạnh thường quân, nhiều trái tim nhân ái cùng chung tay chia sẻ, để những mảnh đời cơ nhỡ ở mái ấm Hồng Quang luôn cảm nhận được hơi ấm tình người.

Văn Cường

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

Sáng ngày 8/5, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự phát biểu chỉ đạo. Tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có bài phát biểu tham luận với chủ đề "Ứng dụng dữ liệu dân cư hỗ trợ phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn trong chuyển đổi số ngân hàng"...

Thanh tra Bộ Giáo dục- Đào tạo vừa có kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam đối với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam (gọi tắt Công ty IDP) có trụ sở đặt tại số 161-161A, đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Tàu cá mang số hiệu QB 92198 TS của ngư dân Quảng Bình đang đánh bắt trên vùng biển gần đảo Cồn Cỏ thì bất ngờ bốc cháy dữ dội. Trên tàu có 7 ngư dân may mắn đã được cứu nạn an toàn.

Không chỉ sử dụng chữ ký “khô” (dấu chữ ký) của GS Trần Phương – Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng nhà trường để điều hành các hoạt động, HUBT hiện cũng chưa hoàn thành việc chuyển đổi mô hình từ trường đại học dân lập sang mô hình đại học tư thục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cũng chưa thành lập được Hội đồng trường (HĐT) theo quy định. Điều đó dẫn tới việc HUBT nhiều năm nay rơi vào tình trạng khủng hoảng công tác quản trị, nội bộ mất đoàn kết; các vụ tố cáo, khiếu nại kéo dài.

70 năm về trước, phát huy truyền thống của quê hương Xôviết anh hùng, bằng ý chí, quyết tâm, quân và dân xứ Nghệ đã cùng dốc sức đồng lòng, góp máu xương làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều đã cao tuổi, song ký ức về năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, về chiến tranh khốc liệt mà hào hùng và cảm xúc hân hoan trong ngày vui chiến thắng vẫn còn nhớ như in...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文