Trẩy hội hay ở nhà?
Thế mà cuộc hành hương đất Tổ mấy ngày qua với thác người khủng khiếp đã làm hỏng tính thiêng liêng của lễ tưởng nhớ. Có người thốt lên "Nhìn vào biển người thì thấy người Việt Nam mình liều mạng thật, không sợ chết".
Để bảo vệ cho một số người khỏi bị dẫm đạp thì lực lượng Cảnh sát đã nỗ lực cứu nguy. Trên tất cả các trang mạng xã hội dầy đặc hình ảnh Cảnh sát, Cảnh sát cơ động tham gia cứu hàng trăm cháu bé đưa về chỗ an toàn. Nơi nào có nguy hiểm, ở đó có Cảnh sát. Đây là hình ảnh tận tụy, dũng cảm, tương thân tương ái thường thấy của những cán bộ chiến sĩ Công an khi dân gặp nguy khốn.
Minh họa: Lê Tâm. |
Nhưng chắc chắn những chiến sĩ đó cũng không được vui khi việc cứu người lại diễn ra ở một lễ hội hỗn loạn mà lẽ ra mỗi người hành hương đều phải ý thức về hình ảnh đẹp của mình. Lực lượng Cảnh sát với con số nghìn thật như muối bỏ bể trước con số hàng triệu du khách (theo ước tính của tỉnh qua ôtô, xe máy thì thậm chí khoảng 5 triệu người).
Có ai đó tinh nghịch đã thiết kế một cái áp phích quảng cáo phim, dùng đồ họa ghép ảnh cuộc chen lấn xô đẩy tại đất Tổ một cách tân kỳ rồi đưa dòng chữ quảng cáo phim "Đền Hùng thất thủ". Đây là bộ phim nhiều diễn viên lịch sử nhất trong lịch sử điện ảnh nước nhà… Áp phích cười ra nước mắt này liền được chia sẻ trên mạng cực nhanh.
Theo phong cách chế, một đồ họa gia ẩn danh đã mượn giả lập người xưa mắng nay bằng cách vẽ hình vua Hùng nói: "Ta không muốn các con rủ rê tụ tập, ăn nhậu say xỉn rồi nói là đi đám giỗ ta". Tuy ở cõi xa nhưng 18 vị vua Hùng nhìn thấy cả đấy. Hẳn 18 đức Quốc Tổ vô cùng buồn.
Có điều may mắn là chưa có thiệt hại về người. Nếu so với các cuộc hành hương tại thánh địa Mecca xứ Ả Rập thì ta còn khá. Ở Mecca năm nào mà không chết vài trăm người vì giẫm đạp nhau mới là chuyện lạ. Chúng ta cũng chưa tệ đến đấy đâu.
Các nhà phân tích cho rằng, sự tưởng nhớ đã mai một, thói mê tín lên ngôi. Động cơ cầu lợi đã tăng nhiệt cho quyết tâm chen nhau bằng mọi giá. Có người tư vấn: Sao cứ phải đi vào ngày 10/3 nếu là con cháu đất Việt thì 365 ngày đều có thể lên lễ được". Người khác lại cãi: Làm thế lại mang tiếng lạm dụng ngày thường, trốn việc đi lễ. Có người reo lên: "Ơn trời phút cuối mình lại quyết định ở nhà! Quyết định sáng suốt nhất tháng này".
Các lễ hội đang biến tướng là một thực tế. Tính mục tiêu của niềm tin trở nên mờ nhạt nhường cho thói quen nhắc lại những cách hành xử lạc hậu. Khó có ban tổ chức nào đủ giải pháp thỏa cho hàng triệu người. Mỗi người hãy tìm cho mình giải pháp khôn ngoan nhất. Chớ đông mà tưởng là vui.
Càng đông, tính trách nhiệm mỗi cá nhân càng thấp. Càng đông, sự động não càng giảm. Hãy bảo trọng!
Còn bạn, tính trẩy hội hay ở nhà?