Trẻ em tị nạn Syria ở Lebanon đối mặt với bạo lực và lạm dụng tình dục

10:29 26/12/2016
Ủy ban cứu trợ quốc tế (IRC) cho biết, trẻ em Syria tị nạn tại Lebanon thường xuyên phải đối mặt với bạo lực và bị bóc lột sức lao động. IRC kêu gọi Chính phủ Lebanon có những giải pháp "mạnh tay" để giải quyết vấn đề đáng lo ngại này.


60% trẻ em là nạn nhân của bạo lực

"Trẻ em tị nạn Syria buộc phải làm việc cực nhọc suốt đêm để kiếm tiền hỗ trợ gia đình. Các em có thể phải làm việc 10 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần", một đoạn trong báo cáo của IRC viết.

Theo IRC, 25% trẻ em phải làm việc cả ngày lẫn đêm, 60% là nạn nhân của bạo lực. Phần lớn trẻ em trong độ tuổi từ 6 - 10, làm những công việc trên đường phố như bán CD, hoa, kẹo cao su, giấy ăn hoặc ăn xin tại Tripoli và Beirut.

Tất cả 173 trẻ em tị nạn Syria tham gia khảo sát của IRC đến Lebanon từ giữa năm 2012 - 2104. Vì vậy, các em đã bỏ học ít nhất hai năm. Hầu hết trẻ em được khảo sát là con trai nhưng ở Beirut, gần một nửa trong số đó là trẻ em gái.

Cuộc sống của người tị nạn Syria ở Lebanon gặp nhiều khó khăn.

Một số trẻ em sống ở Beirut thường xuyên đi xe bus đến các khu du lịch ở Tripoli làm việc vì ở đây có thể kiếm được nhiều tiền hơn. IRC cho biết, thu nhập hằng ngày của các em từ 6 - 25 USD.

Năm ngoái, một nghiên cứu của UNICEF, "Save the Children" và Tổ chức Lao động quốc tế ước tính rằng, khoảng 1.500 trẻ em làm việc trên các đường phố của Lebanon. Đây là đối tượng dễ bị bóc lột lao động.

"Trẻ em làm việc trên đường phố là dấu hiệu rõ ràng nhất về cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria ở Lebanon. Những công việc trên đường phố là quá sức đối với trẻ em.

Bên cạnh đó, các em còn phải đối mặt với bạo lực và nhiều tệ nạn xã hội khác", Sara Sannouh, một nhân viên của IRC làm việc tại Lebanon cho biết.

Sara Sannouh cho biết thêm, IRC đang triển khai một số chương trình giúp đỡ trẻ em tị nạn Syria làm việc trên đường phố như giúp các em tìm công việc nhẹ nhàng tại các trung tâm do IRC tổ chức, hướng dẫn các em cách đảm bảo an toàn cho bản thân khi làm việc. Với sự trợ giúp của IRC, 150 trẻ em Syria đã được quay trở lại trường học.

Nguy cơ bị lạm dụng tình dục

Một số nguồn tin cho hay, không chỉ bị bóc lột sức lao động, kiếm tiền trên đường phố, trẻ em gái còn bị ép buộc kết hôn sớm hoặc bán dâm kiếm tiền cho gia đình.

Theo đó, một số bé gái mới 13 tuổi đã bị gia đình ép kết hôn vì bố mẹ muốn đảm bảo an toàn cho con gái, đồng thời để giảm bớt căng thẳng tài chính cho gia đình. "Có rất nhiều hậu quả thực sự từ bi thảm của cuộc xung đột Syria.

Lao động cưỡng bức và kết hôn sớm của trẻ em tị nạn Syria là một trong số đó", Sara Sannouh nói.

Ước tính, hiện có khoảng 1,1 triệu người Syria xin tị nạn tại Lebanon, một nửa là trẻ em. Cuộc sống của người tị nạn Syria ở Lebanon gặp nhiều khó khăn. Hầu hết không có tiền, trong khi phải chi trả nhiều khoản để duy trì cuộc sống.

Khó khăn càng nhân lên gấp bội kể từ khi Lebanon thực hiện quy định về cư trú mới, trong đó có việc yêu cầu người tị nạn đóng khoản phí 200 USD.

Nhiều người tị nạn không dám kiếm việc làm vì không được cấp giấy phép cư trú. Bên cạnh đó, người tị nạn cũng bị từ chối cấp giấy phép lao động.

Nhiều người cho rằng, quy định về vấn đề người tị nạn mới của Lebanon đã đẩy người tị nạn vào chân tường. Do không có các giấy tờ cần thiết, người tị nạn luôn phải sống trong nỗi sợ phải tiếp xúc với các cơ quan chức năng, đặc biệt là tại nhiều trạm kiểm soát trên cả nước. Chính trong bối cảnh này, trẻ em trở thành "công cụ" kiếm tiền chính của các gia đình tị nạn.

Theo nhận định của các chuyên gia, để giải quyết vấn đề đang đặt ra, Lebanon phải có chính sách cho phép người tị nạn làm việc, đảm bảo trẻ em được học tập và không bị lao động cưỡng bức.

Theo đó, tất cả các bên, kể cả chính phủ Lebanon, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các nhóm xã hội dân sự phải đặc biệt chú ý đến vấn đề đang đặt ra để giải quyết một cách thấu đáo.

Tường Phạm (tổng hợp)

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文