Tuyết trắng ở Ô Quý Hồ

07:00 12/02/2015
Sa Pa đêm có tuyết rơi. Đã mấy năm nay Sa Pa có tuyết rơi rồi đấy. Thiên hạ đổ lên để thấm tháp chút tuyết rơi lạnh, chút buốt giá băng tan mà tạo hóa ban tặng cho vùng nhiệt đới.

Từ dưới xuôi lên Lào Cai giờ gần hơn với đường cao tốc còn mới nên xe chạy thật nhanh và êm, không bị mệt. Nghe tin Sa Pa tuyết rơi, thế là các bạn trẻ thuê xe, phóng xe lên với tuyết. Vừa hay là hai ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật nên người nao nức thật nhiều. Đi sớm thì gần trưa bạn tới Sa Pa. Đi trưa thì chiều tối bạn mới tới nơi. Tuyết không rơi ở Sa Pa mà đêm đã qua, tuyết rơi ngắn thôi trên Ô Quý Hồ, trên Y Tý…

Đèo Ô Quý Hồ được mệnh danh là ''Vua đèo vùng Tây Bắc", nhưng bạn có thể chạy ôtô, xe máy tiếp lên đèo để ngắm băng đang tan dần trên các mái nhà, trên cây cỏ, trên các bậc thang, lối đi… Lên Y Tý thì khó hơn vì đường đi lại không dễ dàng như vậy. Trong mưa gió những ôtô gầm thấp không thể tới.

Vẻ đẹp của đèo Ô Quý Hồ luôn luôn biến ảo. Bên phía Lào Cai thì mù sương, bên phía Lai Châu thì nắng ấm, mùa đông thì có băng tuyết, mùa hạ thường có mây bao phủ bồng bềnh, tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Đường lên đèo núi non thật hùng vĩ, chỉ cách điểm du lịch nổi tiếng thác Bạc chừng 10km, vì vậy ai đã một lần đến với Sa Pa đều mong lên đỉnh đèo để được hít thở không khí trong lành của đất trời Sa Pa, để được ghi lại những khoảnh khắc đẹp hoặc chụp ảnh lưu niệm trong chuyến đi. Vẻ đẹp của đèo Ô Quý Hồ, của Sa Pa trong sương mù và nhất là trong ngày tuyết rơi, băng tan cho cảm giác khác lạ tuyệt vời, nhất là với những bạn ở tận phương Nam không hề có mùa đông.

Đến trưa lên Ô Quý Hồ thì băng đang tan. Trời mưa không to nhưng dày hạt. Người từ các xe ào ra trong mưa, quên mưa để ngắm, đúng hơn là chụp ảnh với tuyết, thể hiện các kiểu trên băng đang tan. Chụp ảnh một lúc là ngấm ướt và lạnh. Đến trưa thì đường bắt đầu nghẽn. Xe đi từ Sơn La, Lai Châu sang thì thưa vắng, nhưng xe từ Sa Pa lên thì mỗi lúc mỗi đông. Trên đỉnh đèo đổ xuống nhiều xe hàng, những container to và dài ứ đọng. Đèo mờ trong sương. Xe lên xuống dồn lại, ùn tắc lại. Trưa mà mù sương, mù mịt mưa. Một dãy quán tạm với bạt che chống chếnh, kín người uống cốc chè, ăn quả trứng nướng ấm nóng chờ đến lượt xe chạy.

Lên xe cho ấm và chờ về Sa Pa. Không nhúc nhích. Thế này thì khéo đến tối mới xuống được. Có một vị cũng lớn tuổi, rời khỏi xe mình vì xe ở tít phía sau ,lao lên những chiếc xe phía trên đi nhờ để cầu may.

Thì đây, ôtô nhích nửa bánh xe. Thì đây, một chiến sĩ Công an trong tấm áo mưa mỏng, mũ mưa gần như lật khỏi đầu, lộ rõ khuôn mặt ửng đỏ vì rét buốt đang gạt cho xe hàng dừng lại, dồn sang bên. Lại một chiến sĩ Công an nữa vừa chạy từ dưới dốc lên vừa vẫy cho những xe con chuyển sang lề trái để chuyển bánh. Cứ như vậy, 2 chiến sĩ Công an chạy lên xuống, dạt sang trái, sang phải hướng dẫn cho xe chạy và dừng. Băng vẫn đang tan. Đường ướt nước và lạnh ngấm dần. Ngồi trên xe, nhìn hai anh trong sương mù và mưa ròng  mặt đỏ mọng vì cước. 

Hằng ngày, gặp các anh trên đường quen rồi - chẳng nghĩ gì. Sự phân công lao động, trách nhiệm của mỗi người, mỗi ngành nghề trong cuộc sống - chẳng nghĩ gì.

Hằng ngày, đi về trên phố, nhất là những giờ cao điểm nhiều chỗ như những nút thắt xe và xe và người, chỗ thì có Công an chỉ dẫn, tháo gỡ, chỗ thì chẳng thấy Công an - cũng quen rồi, cũng chẳng nghĩ gì.

Đôi khi chứng kiến những tai nạn trên đường, đọc báo về những vụ cướp, giết, hiếp, thấy các anh vất vả, thấy các anh hy sinh, lại chợt nghĩ, nếu biết chắc 5, 10 phút thôi, không nơi nào có Công an thì những gì xảy ra nhỉ? Cuộc sống có được bình yên không nhỉ? Đôi khi thôi.

Thì đây, trên đèo Ô Quý Hồ, các anh đã có mặt, chẳng tiếng còi vì gió lắm nghe sao rõ, dốc đèo dài lắm nghe sao được. Nơi nào gay cấn, chẳng cứ phải tai nạn gì, cướp giật gì là các anh có mặt. Không thấy nét nhăn nhó, chỉ thấy một khuôn mặt đỏ bừng trong tuyết lạnh thông đường, giúp người dân được ngắm tuyết, được thỏa mãn chụp hình trên băng tuyết.

Chẳng thể uống đâu một chén nước ấm lòng. Chẳng thể dừng lại đâu xoa đôi tay ửng cóng. Vẫy cho xe nối nhau chạy lại, còn vẫy chào khi người trên xe vẫy chào cảm ơn các anh. Dừng xe chốc lát để sà xuống với tuyết, để chụp vài kiểu ảnh mà tay chân đã tê cóng. Các anh ở đây bao lâu nhỉ? Mấy tiếng đồng hồ mới được thay ca nhỉ? Chao ôi, lạnh và buốt lạnh

Rời Sa Pa, khi mưa đã tạnh, nắng ửng dần. Ô Quý Hồ với sương mù dày đặc, với mưa dầm dề, với tuyết đóng băng trắng trên rừng cây, mái nhà… và các anh - những người chiến sĩ Công an trong mưa, trong sương, trong tuyết lạnh vì niềm vui nao nức của người dân theo về nơi phố đông người ở chốn thị thành.

Bùi Kim Anh

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Bước vào nghề với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ ngành Điện đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kể cả những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

Ngày 7/5, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ để điều tra, làm rõ nguyên nhân một nam công nhân tử vong trong lúc làm việc tại xưởng sản xuất…

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文