"Ứng dụng hẹn hò" qua mạng làm tăng tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng thế giới thứ ba ở Pakistan
"Con đường mới" cho các cuộc gặp gỡ trong cộng đồng thế giới thứ ba
Trong khi tại nhiều quốc gia, công nghệ có thể hỗ trợ cuộc chiến chống lại HIV/AIDS thì ở Pakistan, công nghệ lại bị coi là "tác nhân" dẫn tới sự gia tăng số người trẻ tuổi nhiễm HIV. Ứng dụng di động và truyền thông xã hội đã mở ra "con đường mới" cho các cuộc gặp gỡ ở Pakistan.
Đối với những người đồng tính nam và gái mại dâm, điện thoại thông minh giúp họ "giải phóng tình dục", kết nối với các đối tác tại nhiều địa bàn khác nhau. Bên cạnh đó, do sự kỳ thị, hiếm có cuộc tranh luận công khai về HIV hay đồng tính xuất hiện ở Pakistan. Thông tin về bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng rất hạn chế.
Sophia Furqan, một cán bộ cấp cao của tổ chức kiểm soát HIV/AIDS ở Pakistan cho biết, "ở Pakistan, tỷ lệ nhiễm HIV trong đối tượng quan hệ tình dục đồng tính nam tăng nhanh do dễ tiếp cận các ứng dụng hẹn hò nam.
Tại chợ Abpara ở Islamabad, xuất hiện nhiều cửa hàng cài đặt các ứng dụng trên điện thoại di động. |
Kết quả một cuộc điều tra gần đây cho thấy, 39% số người được hỏi cho biết đã tìm bạn tình thông qua các ứng dụng di động. Tỷ lệ người nhiễm HIV đã tăng đột biến ở Pakistan trong 10 năm qua, từ 8.360 người có HIV vào năm 2005 tăng lên gần 46.000 vào năm 2015 - tăng 17,6%/ năm (so với tỷ lệ tăng 2,2%/năm trên toàn cầu)".
Tại Lahore, thành phố lớn thứ hai của Pakistan, một số tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS đã nỗ lực tiếp cận với cộng đồng thế giới thứ ba (LGBT) và nam giới hoạt động mại dâm. Raza Haidar, thành viên của Dostana Male Health Society cho biết, tổ chức này đã cố gắng tuyên truyền, cung cấp bao cao su, chất bôi trơn miễn phí cho cộng đồng LGBT và nam giới hoạt động mại dâm.
"Không có nghi ngờ gì về việc các ứng dụng di động và truyền thông xã hội đã thúc đẩy sự gia tăng các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Tôi thừa nhận, có sự tồn tại của những mối tình đồng tính nhưng các ứng dụng di động và phương tiện truyền thông xã hội đã giúp những người không quen biết dễ tiếp cận nhau hơn, nhất là đối với nam giới", ông Raza Haidar nói.
Raza Haidar cho biết thêm, các mối quan hệ đồng tính ngoài hôn nhân dễ che giấu hơn so với cặp đôi khác giới. Một người đàn ông và một phụ nữ ở cùng phòng sẽ ngay lập tức gây nghi ngờ, nhưng hai người đàn ông ở chung phòng lại được cho là quan hệ bạn bè.
"Nếu biết về HIV sớm hơn, tôi sẽ sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục"
Yasir, 41 tuổi, là một người đồng tính nam. Anh để tóc dài, đánh son đậm, mắt được chuốt bằng mascara. Anh bắt đầu làm công việc mại dâm từ bảy năm trước để kiếm tiền trang trải cuộc sống cho 10 thành viên trong gia đình.
Phải mất bốn năm sau, Yasir mới biết HIV là gì thông qua một chương trình truyền hình Ấn Độ. "Ngay khi biết có một căn bệnh như vậy, tôi vội vã đến phòng khám để kiểm tra. Mọi thứ đã quá muộn", Yasir nói.
Yasir đã sống chung với HIV được ba năm. Anh đã tìm hiểu về các bệnh lây truyền qua đường tình dục và cách phòng tránh nhưng không nói với bất cứ ai về việc mình bị nhiễm HIV. "Nếu biết về HIV sớm hơn, tôi sẽ sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục", Yasir cho biết.
Bảy năm trước, ở tuổi 19, Ayan bắt đầu bán dâm kiếm tiền để nuôi sống gia đình. Khi cha qua đời, Ayan chỉ là một đứa trẻ nhưng là con trai cả trong gia đình. Gánh nặng gia đình khiến Ayan bỏ dở giấc mơ vào giảng đường đại học để bước vào con đường bán dâm. Cách đây hai năm, Ayan bị chẩn đoán nhiễm HIV.
Mặc dù vậy, Ayan vẫn tiếp tục công việc bán dâm của mình. Đối với Ayan, ứng dụng di động và phương tiện truyền thông xã hội giúp cuộc sống của anh an toàn hơn do tiếp cận được nhiều khách hàng hơn so với việc đứng đón khách ngoài đường phố. "Với sự phát triển của công nghệ, hoạt động kinh doanh của tôi thuận lợi hơn. Mỗi ứng dụng là một ứng dụng hẹn hò, ngay cả các nền tảng chính thống như Facebook", Ayan nói.
Theo Furqan, trong quan niệm của phần lớn người dân Pakistan, quan hệ tình dục đồng giới là điều đáng xấu hổ và không thể chấp nhận. Thực tế là, giáo dục giới tính trong các trường học ở Pakistan đang thiếu trầm trọng. Sự thiếu hiểu biết đã làm tăng nguy cơ lây truyền các bệnh tình dục. "Chỉ có 8,6% nam giới quan hệ tình dục đồng giới tham gia khảo sát gần đây cho biết có sử dụng bao cao su", Furqan nói.