Vật lộn mưu sinh trên lòng hồ Dầu Tiếng

14:11 25/08/2016
Các hộ dân mưu sinh ở hồ Dầu Tiếng, thuộc địa phận hai xã Phúc Minh, Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Không ít hộ dân vẫn sống kiểu không nhà, không chứng minh thư, không biết chữ… và lớp con cháu họ phải đối mặt với nguy cơ như thế hệ trước.


Phận người "cày đêm"

Giữa cái nắng trưa gay gắt, dù đang là mùa thu, hàng chục hộ dân vẫn gỡ cá, lưới, chuẩn bị cho một đêm mưu sinh trên lòng hồ mênh mông. Nhiều em bé cũng phải góp sức cùng cha mẹ phân loại cá, gỡ lưới. Thi thoảng trẻ con lại nhảy xuống nước dìm mình cho đỡ nóng, còn người lớn chui vào lều thuyền dùng mũ quạt mát rồi lại tiếp tục công việc.

Anh Nguyễn Văn Đây thu gọn xâu lưới rồi ngồi nghỉ. Mớ âm thanh thều thào đầy mệt mỏi của anh thốt ra, tôi vẫn nghe rõ. Anh nói mình ở tận An Giang, từ nhỏ theo gia đình đến Biển Hồ (Campuchia) sinh sống bằng nghề đánh cá.

Anh Đây cứ lớn lên trong cái nắng nôi, dập dềnh của kiếp người vất vả, rồi lấy vợ, sinh con đẻ cái. Tám năm trở lại đây, nguồn thủy sản bên Biển Hồ cạn kiệt, người dân phải di chuyển dần về Việt Nam tìm cách mưu sinh.

Anh Đây cũng theo "làn gió" ấy quay về, dừng chân ở hồ Dầu Tiếng. Trước đây ít người về, con cá, con cua dồi dào. Nay người mưu sinh tăng lên, nhiều người dân bản địa cũng bám lấy nghề cá, tạo nên sự cạnh tranh lớn trong việc đánh bắt ở lòng hồ.

Cuộc sống tạm bợ của người dân.

Anh Đây nói: "Một đêm kiếm cá, mỗi gia đình thu nhập được khoảng 200 ngàn đồng. Hộ nào đông, lưới lớn thì thu nhập chia theo đầu người có thể khá hơn". Chị Nguyễn Thị Em, vợ anh Đây mới chỉ hơn 40 tuổi, nhưng đã hom hem bởi đẻ tới năm đứa con mà đứa út chưa đầy bốn tuổi. Quanh năm quần quật, đầu tắt mặt tối, tưởng chẳng lúc nào có thời gian nghỉ ngơi. Chị Em thậm chí còn không nhớ nổi nơi mình đang cư ngụ thuộc xã gì. Chị cũng hiếm khi được tiếp xúc với ti vi, còn sách báo thì hầu như chẳng nhìn thấy bao giờ.

Cũng chừng hơn 40 tuổi như anh Đây, anh Nguyễn Văn Hùng không nhớ chính xác mình sinh tháng, năm nào. Thế nhưng ở lòng hồ chỗ nào nông, chỗ nào sâu, góc nào lắm cá thì anh thuộc hết. Nói là thuộc hết, nhưng không phải anh cứ muốn là khai thác được ở chỗ lắm cá. Những chỗ đó nước sâu, cần lưới lớn, thuyền lớn mà anh chỉ có lưới nhỏ với chiếc thuyền bé tẻo teo. So với mặt hồ chẳng khác nào chiếc lá tre.

Theo anh Hùng, bà con mưu sinh bằng nghề chài lưới, đánh bắt ở khu vực có nhiều kiểu. Nếu đánh bắt gần bờ thì có thể "triển khai" vào ban ngày. Còn đánh bắt xa bờ thì tiến hành trong đêm. Chừng 12h đêm là họ chèo thuyền ra xa bờ, giăng lưới, đánh bắt và trở về khi ánh mặt trời lên, khoảng 8h. "Chúng tôi được mệnh là những người ngủ ngày, cày đêm đó. Nếu không chịu khó thì kiếm đâu ra cái mà ăn. Cứ đánh cá, mang vào đến bờ là có tiền. Tiểu thương đến mua hết tất cả các loại, kể cả tôm tép", anh Hùng chia sẻ.

Qua tìm hiểu, người dân mưu sinh có khá nhiều thành phần, trong đó có hơn 120 hộ từ Biển Hồ trở về, được dân địa phương gọi là "Việt kiều". Những người này sống men theo lòng hồ, thuộc địa phận các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và cả Bình Phước. Đa số họ sống tạm bợ, kham khổ, một số người đã mua được đất, làm nhà nhưng vẫn bám lấy nghề chài lưới. Thêm nữa, một số người dân bản địa cũng chăn thả trâu bò, vịt trong lòng hồ, làm tăng thêm sự "náo nhiệt" của cuộc sống nơi đây. Vào mùa gió chướng, những đêm sóng to, do thuyền nhỏ nên người dân gặp rất nhiều khó khăn. Giữa màn đêm mịt mù có những chiếc thuyền đã bị lật.

Khát vọng lên bờ

Với người thuyền chài, ai cũng muốn kiếm được mảnh đất để "cắm dùi", thế nhưng đối với "Việt kiều" ở lòng hồ Dầu Tiếng, đó là ước muốn xa vời. Nhiều hộ gia đình suốt bao nhiêu năm chỉ kiếm đủ ăn, làm sao có tiền dành dụm để mua đất? Bởi thế, đã có những gia đình bốn đời sống lênh đênh trên sóng nước. Từ thời ở miền Tây, sang Campuchia hay trở về Dầu Tiếng, cả một khoảng thời gian đằng đẵng tìm hy vọng, nhưng cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống tằn tiện.

Anh Nguyễn Văn Thương sống nay đây mai đó cùng bố mẹ ở Đồng Tháp, rồi sang Campuchia. Tuổi thơ nhiều thiệt thòi, chỉ biết học bơi, học đánh cá, hay làm sao để kiếm được nhiều cá chứ chưa từng được "sờ" đến cái chữ. Lấy vợ cũng không biết chữ, sáu đứa con lần lượt được sinh ra cũng phải đối mặt với "thảm họa" như cha mẹ chúng.

Chị Lê Hoài nhìn những đứa con nhem nhuốc của mình, thở dài và nói: "Đời chúng tôi như khóm lục bình trôi, nay đây mai đó. Biết chữ cũng tốt, nhưng chữ đâu có quan trọng bằng kiếm cá. Thành ra nhiều đứa trẻ cứ phải bỏ học ở nhà phụ giúp cha mẹ. Nghĩ cũng thương tụi nhỏ, nhưng đâu còn cách nào khác. Chúng tôi đâu có tiền".

Khai thác cá trên lòng hồ.

Cũng theo chị Hoài, ở bên nước bạn, sống biệt lập tại Biển Hồ, cũng chỉ kiếm cá đắp đổi sống qua ngày. Một số thì làm thuê, một số ăn xin khách du lịch. Bao nhiêu cảnh đời sống không giấy tờ tùy thân, không biết tiếng địa phương.

Vào những đợt Chính phủ Campuchia cấm đánh bắt cá, người dân lại đói dài đói rạc. Cuộc sống đã tăm tối, lại càng tăm tối hơn khi không biết đọc, biết viết. Nhiều người về Việt Nam cảm thấy an tâm hơn, ấm áp hơn, nhưng không có giấy tờ tùy thân cũng trở thành một trở ngại lớn, khiến cho nhiều đứa trẻ chẳng được đến trường.

Không chỉ đứng trước nguy cơ mù chữ, mà do thiếu sân chơi, sống quăng quật cùng bố mẹ nên có em đã bị chết đuối. Việc ăn uống kham khổ, không đầy đủ cũng dẫn đến nhiều em bị suy dinh dưỡng, còi cọc. Nhiều bậc cha mẹ tỏ ra lo ngại về tương lai của con cái mình. Khổ sở, đói khát họ chịu quen rồi, có chịu thêm cũng chẳng sao, nhưng chẳng lẽ bọn trẻ cũng mãi chịu cảnh này.

Ông Nguyễn Văn Thân ngậm ngùi: "Nhà có bẩy người thì tất cả đều không biết chữ. Hai đứa cháu của tui thông minh lắm, nếu được học thì chắc giỏi phải biết. Nhiều người nói để dần thoát nghèo thì phải no bụng chữ. Nghĩ mà phát thèm!".

Thêm một nguy cơ

Thế nhưng cùng với việc mưu sinh, chính những người dân này cùng với hơn 100 hộ Việt kiều (ở ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu) di chuyển từ Biển Hồ về, hay với các hộ dân bám nghề trên lòng hồ thuộc địa phận tỉnh Bình Dương đã và đang tận diệt nguồn thủy sản. Họ áp dụng nhiều hình thức như lưới bủa, lưới cào, cần câu, kích điện để khai thác.

Theo tìm hiểu, một số con sông trong khu vực đã cạn kiệt nguồn thủy sản. Dầu Tiếng là chiếc hồ lớn được người dân xác định là "miền đất hứa". Thống kê cho thấy lòng hồ Dầu Tiếng có khoảng hơn 1.000 phương tiện đánh bắt thủy sản với gần 3.000 người tham gia, đó là chưa kể đến một số lượng người đánh bắt "ngẫu hứng" theo ngày hoặc theo mùa vụ.

Trong vai người đi mua cá, chúng tôi thuê một chiếc ghe nhỏ ra giữa hồ. Tìm hiểu nguồn cá mà các ngư dân kiếm được, có tổng hợp các loại cá tạp, từ nhỏ đến lớn. Loại lớn thì bán làm thực phẩm, loại nhỏ bán làm thức ăn chăn nuôi. Chỉ cần ngư dân cập bờ, sẽ có lái buôn đợi sẵn trên bờ mua cá đi tiêu thụ. Không ít ngư dân đã nhận ra điều này, rằng không vừa đánh bắt vừa bảo vệ thì chẳng bao lâu nguồn thủy sản bị cạn kiệt, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính đời sống ngư dân. Ngư dân Dương Văn Liêm cho hay: "Dù biết đánh bắt triệt để sẽ cạn, nhưng vì miếng cơm manh áo vẫn phải làm thôi".

Hằng năm, Chi cục Thủy sản Tây Ninh vẫn được tỉnh cấp kinh phí từ ngân sách, và trích tiền mua cá giống các loại như bông lau, thát lát, trôi, mè, trắm… thả xuống hồ để tăng nguồn lợi thủy sản. Do đó, sản lượng thủy sản đánh bắt được đã tăng hàng năm, trung bình khoảng 3000 tấn/năm. Nhưng cơ quan này cũng cảnh báo, nếu người dân không biết bảo vệ chính nguồn sống của mình thì việc khai thác quá đáng hiện nay sẽ làm hại họ.

Bao giờ cho đến… giấc mơ?

Tiếp xúc với nhiều đứa trẻ, tuy mặt mũi rám nắng, nhem nhuốc nhưng một số vẫn ánh lên tố chất thông minh. Những chuỗi ngày của tuổi thơ phải ngụp lặn trong nước đã không đánh cắp nổi ước mơ của chúng. Một số đứa còn được các đoàn làm phim về đây quay phim, chọn đóng vai phụ. Những đứa trẻ nghèo ở vùng lòng hồ có dịp được tiếp cận với thế giới phim ảnh, cụ thể là mỗi lần cần vai diễn phụ, các đoàn phim lại tìm thuê chúng. Em Trần Thị Hoài, 13 tuổi, nhí nhảnh nói: "Mặc dù không biết chữ nhưng em đã được đóng 4 bộ phim rồi, mỗi ngày đi theo đoàn quay phim em được trả 100 ngàn đồng, gấp mấy lần đi mò ốc".

Hỏi về chuyện học, Hoài nói em rất muốn đi nhưng vẫn phải gỡ cá, mò cua bắt ốc. "Bao giờ có tiền em mới đi". Câu nói của Hoài là tình trạng chung cho rất nhiều đứa trẻ ở đây. Biết bao giờ mới có tiền, tiền ở đâu ra? Và như thế, chẳng biết bao giờ giấc mơ con chữ của các em mới thành hiện thực. Có thể cơ hội có tiền đó từ… trên trời rơi xuống. Cũng có thể nó phụ thuộc vào các mẻ lưới bì bõm của các bậc cha mẹ, đang đằm mình trên lòng hồ mênh mông.

Nói gì thì nói, việc giúp đỡ, hỗ trợ để người dân an cư là điều không thể làm trong một sớm một chiều. Song việc bảo vệ và khai thác bền vững là điều phải được tính toán và làm ngay. Trước mắt không thể trông chờ ngư dân "thương" hồ, các cơ quan chức năng cần tuần tra nhiều hơn nữa, ngăn chặn các hình thức đánh bắt thô bạo, cấm các ngư cụ đánh bắt tận diệt, để hồ còn sinh ra cá tôm, nuôi dưỡng những cuộc đời nghèo.

Ngô Thục Miên

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文