Về Tây Nguyên thăm bản người Mông giữa đại ngàn

10:57 05/03/2014

Chưa ở đâu nhiều trẻ con đến như vậy. Chúng nhem nhuốc, cáu bẩn và hốc hác nhìn người lạ. Hai thôn chưa tới trăm nóc nhà nhưng có đến trên bốn trăm nhân khẩu. Những ngôi nhà sàn nằm chơi vơi giữa triền núi. Trên con đường độc đạo xẻ núi đi vào, thỉnh thoảng những cô gái Mông vận trang phục rực rỡ thong thả sải bước ra chợ. Chiều buông, những ngôi nhà sàn cô tịch lặn dần vào bóng tối, lời ru con tái tê của những thiếu nữ Mông chưa đủ tuổi trăng rằm vọng sâu vào vách núi cứ ám ảnh những người khách lạ. 

Đó là bức tranh toàn cảnh về cuộc sống của bà con dân tộc Mông ở hai thôn 11 và 12 thuộc xã Quảng Hòa (Đăk Glong – Đắk Nông) mà chúng tôi ghi lại được trong chuyến công tác về Tây Nguyên những ngày đầu xuân.

“Ốc đảo” người Mông giữa đại ngàn

Vượt qua một đoạn sông Ba Tư lởm chởm đá hộc, đá ong, nước đỏ au sực mùi vôi vữa của cây cầu đang ì ạch xây gần đó, chúng tôi phóng cả xe máy và người lên một chiếc bè kết bằng nhiều thanh sắt. Một sợi dây chạc trâu bắc từ bên này sông qua bên kia sông làm bệ cho chiếc bè chuyển động. Hai đầu bè là hai “người lái” điều khiển, vừa kéo dây vừa chỉnh cho bè thăng bằng và “lái” đúng hướng. Hỏi chị lái bè mỗi lượt qua sông thế này thì khoảng bao nhiêu chiếc xe máy? Chị ấy trả lời rất tự nhiên: “Có bao nhiêu thì qua bấy nhiêu, nhiều nhất là chục cái”. Thấy con bè chao đảo, tôi đành im lặng để anh chị tập trung điều khiển.

Độ 10 phút “thót tim” qua sông, chúng tôi cũng kịp hếch mặt lên phía trên thượng nguồn để mặc sức ngắm những chùm đá lô nhô nhọn hoắt đang được dòng nước miệt mài bào mòn bao năm qua. Từ đây tạo ra những hố xoáy tử thần mà một khi đụng vào có thể cuốn phăng tất cả những gì trên bè. Quay ngược phía dưới là một hàng rào đá ong chắn bớt đi sự hung hãn của dòng chảy và bên trên sừng sững một cây cầu bê tông cốt thép đang chuẩn bị khánh thành.

“Để có được cây cầu này, bà con ở phía bên kia con sông Ba Tư này đã phải sống hơn 10 năm bằng việc đi chợ qua bè. Năm nào cũng xảy ra những vụ chìm đò thương tâm ở ngay khúc sông oan nghiệt này. Mới đây nhất là vụ người đàn bà nhiều năm lái đò đã bị dòng xoáy tử thần cuốn trôi cùng chiếc xe máy. Đến khúc sông này đang mùa nước cạn nên chưa xuất hiện vòng xoáy hay thác đá chứ vài tháng nữa mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về, mực nước sông sẽ cao hơn vài mét. Phải thế thì ngày nay bà con mới có được cây cầu này và đời người lái bè sẽ vĩnh viễn “thất nghiệp”. Người đàn ông đi cùng chuyến vô tư kể lại.

Vào bản Mông phải đi qua đò.

Bản người Mông đa phần là đồng bào di cư từ phía Bắc vào thế nên cũng từ dạo ấy, người ta đã gắn cho bà con nơi đây cái tên bản “Mông”. Những cung đường cứ hun hút xuyên vào lòng núi, xé rách những quả đồi, bụi tung mù mịt đưa chúng tôi đến với làng Mông giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ này. Lưa thưa những mái nhà sàn hiện ra trăng trắng đục đục xen giữa bạt ngàn rừng tre nứa, lồ ô rậm rịt. Tiếng chơi đùa của trẻ nhỏ làm vỡ tung bầu không khí của ngày chủ nhật. Đồng bào Mông dù có bận rộn thế nào đi nữa, dù lúa dưới ruộng đang khát cháy rạ. Dù sắn, ngô trên nương đang khô héo thì họ vẫn dành cho mình ngày chủ nhật để ở nhà. Trên con đường đất đỏ phủ tràn màu bụi, những cô gái Mông xúng xính trong bộ trang phục truyền thống sặc sỡ đủ màu. Thỉnh thoảng có chiếc xe máy rồ ga lao vụt qua, các cô gái cẩn thận dừng lại phủi bụi bám vào váy.

Không đâu nhiều trẻ con như ở đây. Chỉ có hai thôn khoảng chưa đầy một trăm nóc nhà nhưng có tới trên bốn trăm nhân khẩu. Nhà nào ít nhất cũng chạm đến ngưỡng bốn con và tương lai chưa có ý định dừng hẳn. Riêng nhà ông trưởng thôn 12 Sùng Sái Pá mới ở độ tuổi 40 nhưng cũng có tới sáu mặt con. Những đứa nhỏ hơn nhau đúng nửa cái đầu. Bao năm qua, ở bản này, những đứa trẻ lớn lên gắn chặt đời mình bên nương rẫy. Muốn đi ra chợ cũng phải cuốc bộ hơn chục cây số đường dốc núi, ổ gà lởm chởm. Ông Rình trưởng thôn 11 lật giở cuốn sổ ra, lật qua lật lại tìm cũng không thấy cái tên nào học hết lớp 12. Cao lắm cũng chỉ lên cấp ba rồi trăm cái khó cái khổ ập vào khiến cho con chữ bị lung lay dẫn đến gãy gập giữa chừng. Những “tri thức” của bản đành khăn gói trở về gác sách vở trên sàn bếp vài năm thì dựng vợ gả chồng.

Ông Rình cho biết: “Quê tôi ở Hà Giang, đất thì ít mà đá thì nhiều. Con người quanh năm sống cùng đá, lúa ngô cũng không đủ mà ăn. Bà con vào đây, tuy xa xôi một chút nhưng đất đai nhiều có thể trồng lúa, hoa màu không sợ đói. Dần dần, người này mách người kia, vài năm thì thành bản thành làng như thế này”.

Phóng tầm mắt bao la ra bốn phía đồi núi, những cánh rừng đã bị tận diệt và thay vào đó là từng vạt sắn, ngô, cà phê. May thay, một điểm trường tiểu học đã mọc lên ngay giữa bản làng, các em nhỏ có cơ hội cắp sách tới trường. Thật may, đa số các em đều có khả năng nghe và nói được tiếng kinh lơ lớ. Chính các em làm phiên dịch cho chúng tôi trong những câu chuyện với người lớn.

Tiếng vọng buồn trên đỉnh cheo leo

Ngôi nhà nền đất nứt nẻ toang hoác nằm gọn trên một triền đồi của gia đình Ma Pua dường như nhộn nhịp hơn với tiếng khóc của trẻ nhỏ. Cô gái Giàng Thị Lia sinh năm 1997 đang ngồi may áo cho đứa con gái vừa tròn 5 tháng tuổi. Học đến lớp ba, Giàng Thị Lia bị cha mẹ bắt nghỉ học để ở nhà làm ruộng. Cũng từ cái thủa lên 10 ấy, cô gái Mông này đã được chàng trai Ma A Tu gần nhà đem lòng thương. Người lớn cứ nghĩ đó là tình yêu “trẻ con” nên không ai còn quan tâm đến chuyện của chúng. Họ đâu biết rằng, trong những đêm trăng sáng, hai đứa trẻ thường rủ nhau ra bờ suối tâm sự hay những mùa rẫy, chúng chẳng ngại đường xa, gian khổ tìm đến phụ giúp nhau việc đồng áng.

Đùng một cái, gia đình Giàng Thị Lia chuyển đi nơi khác dựng nhà. Nơi ở mới cách xa mấy con sông và cả chục cây cầu khiến tình yêu của chúng bị chia cắt đôi ngả. Không còn gặp nhau thường xuyên, nỗi nhớ cứ lớn dần lên, âm ỉ mà mãnh liệt. Thế rồi, một ngày nọ, Ma A Tu quyết tâm vượt sông ra nhà Giàng Thị Lia xin được “bắt” cô bé về làm vợ. Người lớn lúc này mới nhận ra, đúng là chúng đã “phải” nhau thật rồi chứ không còn là trò trẻ con nữa. Anh Ma Pua, bố chồng Lia mặt buồn thiu, lơ lớ tiếng kinh kể lại: “Thằng Ma Tu bảo nó thương con Lia lâu lắm rồi, giờ muốn “bắt” con Lia về làm vợ. Nếu không cho chúng nó cưới thì chúng nó cũng tự về ở với nhau. Bây giờ biết làm sao được, phải cưới cho nó thôi”.

Vậy là đám cưới diễn ra, vợ 14 chồng 15. Từ khi về nhà chồng, Lia theo mẹ chồng đi cấy đi cày còn chồng Lia theo cha đi phát rẫy làm nương. Những lúc mùa vụ rảnh rỗi thì Ma Tu lại đi chăn trâu còn vợ ở nhà cơm nước. Cuộc sống quẩn quanh ở cái xóm núi này khiến người ta mụ mị đi, không có điện thì muốn có cái ti vi về xem “văn hóa” cũng đành chịu. Tối đến, có hôm gà chưa kịp lên chuồng thì người cũng tắt đèn đi ngủ. Không biết gì về thế giới bên ngoài nên đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc sinh đẻ vô tội vạ.

Hai năm sau, Giàng Thị Lia hạ sinh một bé gái. Cô gái vừa bước sang tuổi 16 này chính thức làm mẹ. Hỏi Lia về tình yêu và về chuyện lấy chồng, Lia cứ rụt rè mãi mới nói được vài câu: “Muốn học lắm nhưng bố mẹ không cho nên lấy chồng. Chẳng biết làm gì nữa”. “Chồng có yêu Lia không?” Trả lời: “Phải yêu mới lấy chứ, em cũng yêu nó nữa nên đồng ý cho nó “bắt” về”.

Chiều chiều, Lia ôm con ra đợi chồng đi chăn trâu về.

Như bắt được nhịp, những câu chuyện của Lia dần gợi mở và chính sự hồn nhiên trong từng câu chuyện em kể khiến chúng tôi thật sự bàng hoàng và chua xót cho em. Trước và sau khi lấy chồng, em nào biết đến tuổi dậy thì của con gái là gì. Sau hai năm, cái lần đầu tiên em cảm giác mình lớn dậy, sự phổng phao của cơ thể cũng là lúc em được làm mẹ. Lia hồn nhiên bảo: “Em thấy mệt mỏi, khó chịu trong người, chồng nó mua thuốc cho uống nhưng vẫn không đỡ. Nó đưa ra bệnh viện, người ta bảo em có thai hơn hai tháng rồi. Vậy là về nhà cho đến khi sinh con”. Lia ngượng cười, em nhìn chúng tôi hỏi chuyện vô tư: “Thế các chị có bạn trai chưa? Yêu có thấy đau tim không. Người ta bảo yêu mà đau tim mới đúng là tình yêu. Ngày trước, chồng em nó cũng làm cho em đau tim mấy lần rồi mới cưới”. Lia lại cười và có lẽ đây là lần đầu tiên em tâm sự những chuyện thầm kín của mình với chúng tôi.

Câu chuyện của chúng tôi râm ran khiến con gái Lia bé Ma Thị Sin đang ngủ trên võng choàng tỉnh. Nó tròn xoe mắt, ngơ ngác nhìn xung quanh nhưng tuyệt nhiên không khóc. Lia ôm con vào lòng vỗ về, à ơi nỉ non cho bé Sin ngủ lại. Lia cho biết lúc sinh con bố mẹ chồng đi ra Bắc chưa vào nên chỉ có hai vợ chồng vượt cạn. Chồng tự đỡ con ra, tự cắt rốn và rửa người cho cả hai mẹ con. Chúng tôi chợt nghĩ, ở lứa tuổi đó, những đứa trẻ khác còn “ăn chưa no lo chưa tới” và còn nũng nịu, hờn dỗi cha mẹ. Con Lia từ khi chào đời ngoài sữa mẹ ra, bé chưa bao giờ được biết một loại sữa nào khác. Cũng không thuốc thang không tiêm chủng. Lia bảo: “Không biết đi đâu tiêm với lại đường đi phải qua sông bằng bè nên cũng ngại”. “Thế Lia có biết kế hoạch không”? Lia tròn mắt hỏi lại: “Kế hoạch là gì, không biết đâu”.

Anh Ma Páo, bố chồng Lia năm nay 37 tuổi còn vợ kém anh một tuổi đang chuẩn bị sinh con. Vợ chồng nhà Ma Páo đã sinh 3 đứa con trai rồi nên giờ muốn có đứa con gái cho có nếp có tẻ. Vậy là chỉ ít ngày nữa, gia đình Ma Páo sẽ đón thêm thành viên mới. Bà nội của bé Ma Thị Sin chuẩn bị làm mẹ. Ma Páo vui lắm, nhắc đến chuyện sắp có con gái cứ cười suốt. So với các gia đình trong thôn thì nhà Ma Páo đứng đầu một số cái. Làm ông ngoại sớm nhất, con trai lấy vợ trẻ nhất. Trong gian bếp nhà, Ma Páo đã trữ sẵn hơn chục bao lúa để chờ ngày vợ sinh. Mặt trời đã đứng bóng, cái nắng hanh khô cùng gió cứ thổi mịt mùng cuốn bụi bay khắp trong nhà ngoài sân. Lia bế con ra cửa ngóng về phía cánh rừng trước mặt. “Chồng em đi chăn trâu chưa về.”

Ngọc Thiện

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

Năm 2024 ghi dấu mốc quan trọng với việc 19 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD), bảo đảm vai trò của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong việc phục hồi phát triển kinh tế, xã hội (KTXH), bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cung ứng điện, than, xăng dầu... cho phát triển KTXH, bảo toàn vốn và các nguồn lực Nhà nước giao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文