Nhà văn đồng tính Peter Thompson, tác giả tiểu thuyết "Khiêu vũ cùng mẹ" vừa được xuất bản tại Việt Nam:

Viết là hành trình đi tìm gia đình

11:00 02/10/2015
"Khiêu vũ cùng mẹ" là cuốn tiểu thuyết tự truyện, viết về cuộc đời của  tác giả. Peter Thompson đã viết  những trang đầy trung thực về các mối tình đồng tính, hạnh phúc, đau khổ, ghen tuông và tiền bạc nhưng không sa đà vào sự mổ xẻ chi tiết. Chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn với nhà văn Peter Thompson khi ông sang Việt Nam nhân dịp cuốn sách được xuất bản.

- Xin ông có thể cho biết cảm hứng để viết cuốn tiểu thuyết "Khiêu vũ cùng mẹ"?

+ Cảm hứng để viết cuốn sách này ư? Nó đến từ 12 năm trước, khi em gái ruột, người thân yêu duy nhất của tôi qua đời một cách bất ngờ. Lúc đó tôi đã bỏ việc và mỗi sáng thức dậy đều đặn viết thư cho em gái mình. Quãng thời gian tăm tối ấy cùng quá khứ nhiều khó khăn, đầy mâu thuẫn đã khiến tôi có nhu cầu muốn được viết. Tác phẩm bắt nguồn từ những nỗi đau, kết thúc ở các mảnh ghép khác nhau và có nhiều thông điệp nhân văn. Nhưng bạn biết đấy, với tư cách là người viết, tôi không có mục đích nào khác ngoài việc chia sẻ cuộc đời mình.

- "Khiêu vũ cùng mẹ" là một cuốn sách cuộc đời. Nó phơi bày một gia đình Mỹ, một xã hội Mỹ với những góc khuất của đấu tranh, chuộc tội và tổn thương. Ông muốn gửi thông điệp gì với bạn đọc qua cuốn tiểu thuyết này?

+ Tôi nghĩ đó là sự tha thứ. Tôi đã viết những trang rất trung thực về mẹ của tôi, cha của tôi, những người tình, bạn bè và cuộc sống của tôi. Tôi có một bà mẹ không như những bà mẹ khác. Bà đã làm tổn thương chúng tôi sâu sắc và tống chúng tôi ra khỏi gia đình với không một đồng xu dính túi. Tôi đã rất giận bà, giận bà rất lâu. Khi bà mất trong trại dưỡng lão tôi cũng không đến gặp bà. Rồi tôi nhận ra tôi đã yêu bà biết bao. Tôi ước muốn thời gian quay ngược trở lại để tôi được khiêu vũ với bà.

- Sự tha thứ ấy từ đâu mà ra, thưa ông?

+ Sự tha thứ không có sẵn trong tim chúng ta. Chúng ta phải học cách tha thứ. Tôi biết mẹ tôi đã bị những người đàn ông làm tổn thương. Từ những tổn thương đó bà lại làm tổn thương con cái của bà. Nếu tôi không học cách tha thứ, tôi lại làm tổn thương những người khác. Và khi viết cuốn sách này tôi đã học được cách tha thứ.

- Khi viết cuốn sách điều gì làm ông ám ảnh nhất?

+ Sự ám ảnh của tôi nằm ngoài cuốn sách, là nỗi sợ một ngày kia tôi sẽ mất Ron, người bạn đời của tôi. Cuộc đời tôi là một hành trình tìm kiếm gia đình. May thay 17 năm trước tôi đã gặp được Ron. Chúng tôi đã kết hôn và sống hạnh phúc bên nhau 17 năm. Ron là một kiến trúc sư, anh ấy thiết kế màu sắc trong ngôi nhà. Chúng tôi cùng nhau nấu ăn, tôi nấu những món ăn, còn anh ấy sẽ pha đồ uống.

- Vâng, tôi đã có một cách nhìn thật sự khác về những người đồng tính, khi được tiếp xúc với gia đình của ông trong những ngày ông ở Hà Nội. Đó thực sự là một gia đình hạnh phúc mà ở đó, hai "vợ chồng"ông rất thấu hiểu và biết cách chia sẻ cuộc sống cùng nhau. Ông có thể nói về cuộc sống gia đình của mình?

+ Như mọi cặp đôi trong cuộc sống gia đình, chúng tôi có rất nhiều khó khăn khi mới chia sẻ cuộc sống cùng nhau. Điều này tôi đã viết ở chương 35 trong cuốn "Khiêu vũ cùng mẹ". "Trở về sau tang lễ của cha, Ron và tôi lại quay lại với cuộc sống thường nhật tại Seattle, những cuộc dạo chơi ở Montana, và cả những trận cãi vã về định hướng của mình. Thỏa thuận làm ăn của Ron với người đàn ông mua lại công ty đòi hỏi anh phải rút hoàn toàn khỏi hoạt động kinh doanh và bàn giao lại cho người chủ mới trong thời hạn mười tám tháng. Mùa thu năm 2001, anh phải đối mặt với kỳ hạn này, và kèm theo nó là tương lai thất nghiệp mịt mùng. Chúng tôi đã đầu tư khoản lợi nhuận thu lại từ việc bán công ty vào thị trường chứng khoán, và mất gần hết chỗ ấy trong giai đoạn "định giá thị trường". Dù chúng tôi vẫn còn những khoản đầu tư khác nhưng hiện tại công việc của tôi là nguồn thu nhập chính cho chi tiêu hàng ngày của cả hai.

- Ông có bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình không?

+ Tôi vẫn luôn luôn bằng lòng với công việc của mình. Còn Ron thì không. Anh có tinh thần và nhu cầu của một người làm chủ doanh nghiệp, háo hức khi mới bắt đầu và nhanh chóng chán ngán khi nó trở thành thông lệ. Trước việc kinh doanh đang dần tuột khỏi tay, anh lao mình vào xây dựng ý tưởng cho một cuốn sách nội dung nói về đàn ông đồng tính nấu ăn. Một cuốn cẩm nang dạy nấu ăn đầy sáng tạo, với các công thức món ăn của những người đàn ông đồng tính nổi tiếng kèm những bức ảnh chụp người đồng tính trong các trạng thái ăn vận khác nhau. Tôi thích ngắm anh say sưa chọn công thức nấu ăn, sắp xếp các tấm hình, ráp từng phần của cuốn sách "mẫu" lại . Và như thường lệ, ngưỡng mộ nguồn năng lượng tràn trề trong anh khi anh hăng say tiếp thị ý tưởng của mình…

Năm 2001 dần khép lại cũng là lúc Ron quyết định quay lại với ngành đào tạo ban đầu của mình, nghề thiết kế (anh tốt nghiệp từ Học viện Nghệ thuật Chicago), với trọng tâm là màu sắc. Và đương nhiên, anh muốn thực hiện điều đó ở Montana. Chúng tôi cuối cùng đi đến thỏa hiệp. Ron và tôi ngồi lại với cậu bạn Ben của tôi vào một buổi chiều nọ. Cậu ấy gợi ý chúng tôi xây một công trình nhỏ trên khu đất ở Montana, vẫn giữ căn nhà ở Seattle và phân chia thời gian của mình. Ron sẽ sống tại Montana thường xuyên hơn, với thi thoảng vài ngày cuối tuần hay vài tuần ở Seattle và với tôi cũng tương tự.

- Và ý tưởng đó của vợ chồng ông có trở thành hiện thực không?

+ Chúng tôi gặp thợ xây vào tháng Hai năm 2002 và công việc xây dựng bắt đầu trên nơi mà chúng tôi gọi là "ngôi nhà cây". Đấy là một căn hộ xinh xắn dựng trên hai ga ra ô tô lớn. Nhưng chẳng bao lâu, chúng tôi nhanh chóng nhận ra chi phí cho những khoản thế chấp chồng chéo này, cho khoản nợ khi mua đất, ngôi "nhà" ở Montana và Seattle lớn hơn gấp nhiều lần khả năng chi trả của chúng tôi.

Một lần nữa cảm thấy mình bị đẩy tới bước phải đưa ra quyết định không mong muốn, tôi chấp nhận bán căn nhà ở Seattle, lấy tiền lời, giảm thiểu chi phí và tìm một nơi khác thích hợp để thuê. Ngôi nhà được rao bán vào đầu tháng Ba và được bán chỉ sau hơn một tuần. Cuối cùng như bao cặp tình nhân khác, phải có một người phục tùng người kia. Tôi đã thỏa hiệp với Ron. Chúng tôi đã cùng sống tại Montana và kết hôn chính thức vào năm 2010. Chính Ron đã thúc đẩy tôi viết cuốn sách này.

Sau cái chết của em gái, tôi đau buồn đến mức cứ mỗi buổi sáng thức dậy tôi đều viết cho cô ấy một bức thư. Ron nói với tôi, tại sao lại không viết một cuốn sách. Và tôi đã viết cuốn "Khiêu vũ cùng mẹ" trên những mảnh ghép đó.
Peter Thompson trong cuộc tọa đàm ra mắt tiểu thuyết tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội ngày 22/ 9 vừa qua.

Tôi cũng muốn kể thêm cho bạn một chuyện này, những ngày ở Hà Nội tôi thường chạy bộ quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Một bận có một chàng sinh viên trẻ đến bắt chuyện với tôi, ý là để nâng cao việc học tiếng Anh. Sau một hồi trò chuyện tôi mới thổ lộ rằng tôi là người đồng tính. Anh bạn kia tròn xoe mắt nhìn tôi, nhìn một ông già 70 tuổi thổ lộ rằng mình là người đồng tính. Anh bạn lặng lẽ bỏ đi. Tôi phải nói lại lần nữa, tôi đang rất bằng lòng với cuộc sống của mình và tôi hạnh phúc bên Ron.

- Cuốn sách của ông, ông có cần phải sử dụng đến sự hư cấu không?

+ Cuộc đời của mỗi một con người đã là sự hư cấu. Chúng ta lớn lên, trưởng thành và chúng ta tin mình như thế vì đơn giản chúng ta được nuôi dưỡng như thế. Nhưng có những sự kiện sẽ xảy ra trong cuộc đời và chúng ta phải đáp trả như cách chúng ta không mong muốn. Tất cả những thông tin đến trong cuốn sách là sự thật, không bịa đặt, không hư cấu. Nhưng tôi biết những người có mặt trong cuốn sách của tôi, họ cũng không nhận ra đấy chính là họ đâu.

- Một câu hỏi cuối cùng, tại sao một cuốn sách hấp dẫn như thế mà vẫn chưa được xuất bản ở nước Mỹ?

+ Tôi đã gửi bản thảo cho gần 300 nhà xuất bản ở Mỹ. Các biên tập viên đã đọc và đánh giá rất cao cuốn sách. Nhưng họ đều nói rằng, cuốn sách này in ở nhà xuất bản kia sẽ hợp hơn. Tôi đã bị cuốn vào cái vòng "chuyển chuyển chuyển" đó cho đến khi tôi chán ngắt. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao họ lại không in cuốn sách này.

Nhưng đã có tín hiệu rất tốt, có một nhà xuất bản ở Mỹ cho biết, rằng cuốn sách "Khiêu vũ cùng mẹ" đã được dịch sang tiếng Việt Nam và xuất bản tại Việt Nam thì họ thấy rằng cần phải in cuốn sách.

- Trân trọng cám ơn ông.

Nhà văn Peter Thompson sinh năm 1945 tại Hoa Kỳ, hiện sống tại Palm Spring, bang California. Ông theo học chuyên ngành lịch sử và văn học Anh tại Đại học Michigan, nhận bằng Thạc sĩ Đại học Yale. Ông cũng có bằng Tiến sĩ Tâm lý học tại Đại học Kent.
Thảo Mộc (thực hiện)

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文