Vợ dữ!...
Ấy thế, nhận xét trên của dân gian không phải ngẫu nhiên mà có. Đó là đúc kết qua thời gian, sàng lọc bởi muôn vàn trải nghiệm. Thế nên, các bà các cô và chị em ta hãy bình tĩnh. Từ xưa đến nay, người con gái đến tuổi trưởng thành, "xuất giá tòng phu", về nhà chồng, làm dâu, gánh vác giang sơn nhà chồng… là truyền thống hôn nhân của người Việt và một số nước phương Đông. Người phụ nữ về làm vợ, làm dâu, làm con, làm mẹ, gìn giữ, chăm sóc gia đình chồng, sinh đẻ nuôi dạy con cái, ứng xử với muôn vàn mối quan hệ: Tứ đại đồng đường, tam đại đồng đường, anh em chú bác cô dì thúc bá huynh đệ tỉ muội, nội thân ngoại tộc, hàng xóm láng giềng, trong nhà ngoài ngõ, đồng áng chợ búa, sân nhà vườn tược, nhà trên bếp dưới, đình đám giỗ chạp…
Thôi thì đủ thứ phải đến tay người phụ nữ đi làm dâu, làm vợ. Giữ cho trong ấm ngoài êm, vẹn toàn chu tất đã là quá vĩ đại rồi. Phúc đức tại mẫu cũng chính là ghi nhận công đức cao cả mà người vợ hiền thảo, đảm đang gìn giữ, gây dựng ở giang sơn nhà chồng.
Với những người vợ như thế, kẻ nam nhi dẫu có phải đội vợ lên đầu, nâng chén ngang mày, nhất mực tương kính, kể cũng là điều nên lấy làm hãnh diện. Cũng xin thưa với các bậc tu mi nam tử, cái lẽ tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ, nếu có được thực thi thì ắt có công lao không nhỏ của người phụ nữ.
Tuy nhiên, người vợ vốn được xem là nội tướng, cai quản trông coi việc gia đình. Thế nên, hay dở đều ở khả năng đảm đương gánh vác điều hành cắt đặt của vợ. Không phải lúc nào những mẫu hình lý tưởng đã nói ở trên cũng thành hiện thực.
Câu chuyện mẹ chồng nàng dâu, khác máu tanh lòng, vợ chồng như quần áo (có thể thay đổi), cơm không lành canh không ngọt… vẫn diễn ra, chưa kể những thói vũ phu, gia trưởng, hà khắc hủ lậu, chanh chua lườm nguýt, đắm đuối thiên lệch… đã khiến cho gia đình, chồng vợ nhiều phen lâm vào điêu đứng. Hệ lụy của nó thì đã rõ, bởi toàn bộ giềng mối giang sơn nhà chồng sẽ lung lay, rạn nứt thậm chí đổ vỡ. Nói như thế để thấy rằng, công đức của người vợ là lớn lao và có tầm ảnh hưởng thế nào đến gia đình.
Tôi đồ rằng, dù xã hội đã bước sang thế kỷ XXI, nhiều phép tắc lễ nghi Nho giáo đã được nới lỏng hay bãi bỏ, thì đa số đàn ông Việt Nam vẫn mong mỏi có được một người vợ thảo hiền, chu tất như mô hình lý tưởng từ truyền thống. Nhưng, càng hi vọng người ta càng dễ thất vọng. Và, một trong những thất vọng lớn nhất, đối nghịch với hi vọng vợ hiền là vợ dữ, hi vọng vợ đảm thất vọng vì vợ đoảng, hi vọng vợ khéo thất vọng là vợ vụng (Đàn bà không phải đàn bà/ Nấu cơm cơm khét, muối cà cà chua), hi vọng vợ khôn thì thất vọng vì vợ dại (Thứ nhất vợ dại trong nhà/ Thứ nhì trâu chậm, thứ ba dao cùn)…
Đoảng, vụng, dại mà ngoan hiền thì còn có thể cảm thông hay thể tất, bởi dâu con non dại âu cũng là lẽ thường mà bà gia (mẹ chồng) còn phải bảo ban dìu dắt. Sợ nhất là vợ dữ. Thế nào là dữ? Vợ dữ có thể không đoảng, không vụng, không dại (thậm chí còn khôn - ranh) nhưng lại khó được chấp nhận, bị phê phán bởi không ngoan hiền, không lễ phép, không biết kính trên nhường dưới, không biết gìn giữ trong ấm ngoài êm, không biết đối nhân xử thế một cách mềm mại, lại thiếu luôn cả nét thùy mị nết na. Thật khó để thuyết phục mọi người chấp nhận nàng dâu ăn to nói lớn, trâng tráo hỗn hào, cãi trên nạt dưới, mắng mẹ chửi cha, lạnh lùng tàn nhẫn, xem trọng bạc tiền, coi khinh đạo nghĩa, lấn át chồng con, bạc bẽo với họ hàng thân tộc...
Không thiếu trong xã hội chúng ta, từ xửa xưa tới giờ, dù trong xã hội phong kiến hay văn minh hiện đại, những câu chuyện về vợ dữ, dâu dữ. Anh em họ hàng vì thế mà xa lánh, ngại thăm nom hỏi han qua lại; xóm giềng vì thế mà kiêng dè rào giậu; bạn bè cũng không dám bén mảng bởi khiếp cái vía bà vợ dữ. Còn đâu trong ấm ngoài êm, còn đâu vẻ sung túc tôn ti tam tứ đại đồng đường. Phúc đức tại mẫu cũng chẳng còn. Gia đình, mẹ cha, anh em, họ hàng, xóm giềng, thân hữu… tất cả đều ngại, ngán ngẩm, sợ mà dần xa cách (không phải sợ vì quyền lực, mà sợ phải chạm mặt nàng dâu, cô vợ dữ). Rõ ràng, chẳng ai mong muốn một người vợ, một dâu con như thế.
Vợ dữ thì hẳn là như thế rồi. Nhưng sao lại đặt trong vế tương quan với "Chó dữ mất láng giềng"? Trước hết, cần phải hiểu rằng, chó là vật nuôi thân thiết và thân tín trong gia đình, giữ cửa trông nhà, phòng gian báo động, bầu bạn quấn quýt bên con người. Nói về sự trung thành thì không loài vật nào bằng chó: "Chó không chê chủ nghèo". Tuy nhiên, khi nuôi phải một con chó dữ, ai đi qua cũng cắn, ai đi lại cùng xổ ra gầm gừ, nhe nanh, nhe vuốt, thật là một mối nguy đối với người đến gần. Bởi sợ chó dữ mà người ta không dám đến.
Thành ra, dần dần cửa nhà hiu quạnh, vắng vẻ. Như thế, việc vì sợ, ngại mà xa lánh, tránh mặt, có điểm chung là bởi chó dữ - vợ dữ. Nhưng, ác một nỗi là tại sao dân gian không liên tưởng một con vật khác, lại đặt vợ dữ - chó dữ cạnh nhau? Thế thì thật là xúc phạm!
Nhưng khoan, đừng vội nóng nảy, giận dữ. Dân gian ôm ấp trong lòng nó ánh sáng của sự minh triết. Bởi thế, không ngẫu nhiên mà họ đúc kết thành như vậy. Xin được nói thẳng với nhau, nếu vợ dữ, thì việc so sánh kia chưa biết là xúc phạm bên nào hơn. Tôi cá rằng, bất cứ ông chồng nào rước phải bà vợ khinh chồng, mắng chửi hắt hủi mẹ cha, xem rẻ họ hàng, nhiếc móc láng giềng, trâng tráo hỗn hào, vô thiên vô phép, dữ dằn cấm cảu… cũng đều thấy ví von kia xem ra vẫn còn tế nhị.
Đáng nói hơn cả là sự dữ của vợ từ trong tính cách, không phải đến từ hoàn cảnh làm dâu. Cái này thì thật đáng chê trách. Và, với những biểu hiện như đã nêu, việc ví von đúc kết của dân gian cũng chẳng có gì mà phải lo rằng nó không xác đáng hay thiếu sự tôn trọng.
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm (Tamvvh@gmail.com). |
"Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem họ"; "Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông"; "Trai khôn kén vợ chợ đông/ Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân"… đó là những đúc kết của dân gian để tìm thấy người vợ, người chồng xứng đáng với kỳ vọng bản thân. Cùng với đó, cặp so sánh khác cũng giúp chúng ta hiểu hơn sự biến đổi tâm tính, ứng xử hay bản chất của con người khi làm dâu làm rể: "Dâu hiền rể thảo/ Dâu cáo rể chồn".
Muốn người vợ ứng xử với gia đình mình thế nào, hãy ứng xử với gia đình vợ như thế. Đã qua rồi cái thời quan niệm "Dâu con rể khách". Hiện nay, trong quan niệm phổ biến, dâu và rể đều là con. Cha mẹ đôi bên xem con dâu con rể như con đẻ, và dâu rể cũng xem cha mẹ hai bên như bậc sinh thành. Đó là gốc rễ để đâm chồi cây quả, là nguồn mạch để tạo dựng nghiệp phúc.
Thời bây giờ, con gái ít phải làm dâu. Lấy chồng, ra ở riêng, có công việc độc lập, có địa vị xã hội… vì thế ít người phụ nữ phải đối mặt với cảnh mẹ chồng nàng dâu một nhà như xưa. Cùng với đó, điều kiện sống mới khiến cho những mối quan hệ họ hàng, làng xã, anh em nội ngoại, bạn bè thân hữu… ít nhiều khác đi so với thuở trước.
Thời đại đã khác, các mối quan hệ cũng khác, dĩ nhiên, câu chuyện vợ dữ cũng sẽ khác đi. Nhưng, dẫu khác thế nào, dâu dữ, vợ dữ vẫn là nỗi ám ảnh, thậm chí là bi kịch đối với không ít gia đình. Để có duyên, có phận với nhau phải tu cả ngàn kiếp, thế mà lấy phải vợ dữ thì biết phải làm sao?