Vũ điệu mùa xuân trên bản làng Tây Nguyên
- Cá kho làng Vũ Đại nhộn nhịp đón Tết10
- Phương Thanh đón Tết sớm với “Mùa xuân đầu tiên”
- Giữ bình yên bản làng để nhân dân đón Tết, vui xuân
Tiếng khèn gọi bạn
Theo tục lệ, đồng bào Mông đón tết sớm hơn Tết Nguyên đán một tháng. Nhưng với đồng bào Mông di cư từ Tây Bắc vào Tây Nguyên thì họ đón Tết dầm dề từ giữa tháng giêng đến cuối tháng một. Cả năm bám mặt trên nương rẫy với củ sắn củ khoai, cho nên mùa xuân là khoảng thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi và uống rượu.
Chúng tôi có mặt ở bản Mông (xã Ea Kiết, huyện Cư M'Nga, Đắk Lắk) giữa "mùa" thổi khèn, uống rượu đón xuân. Những người phụ nữ Mông đang tất bật lấy váy thổ cẩm treo trên nóc nhà xuống phơi giặt. Những bộ váy này họ chỉ mặc trong dịp Tết hoặc dịp cúng các ngày lễ lớn của đồng bào. Trai Mông mặc dù có trang phục truyền thống là chiếc quần xanh ống rộng, đũng rộng, áo cánh ngắn ngang thắt lưng, nhưng không mấy anh chàng mặc.
Những cặp đôi diện váy thổ cẩm sặc sỡ háo hức xuống núi du xuân. |
Do cuộc sống du canh nhiều nơi, hòa trộn văn hóa với nhiều vùng miền nên các chàng trai Mông ở Tây Nguyên không còn mặn mà với trang phục truyền thống nữa. Họ giữ lại duy nhất "tha kềnh" (nhảy khèn). Chiếc khèn được xem như biểu tượng cho văn hóa của đồng bào Mông, được chế tác một cách khéo léo, tỉ mỉ, có sự sắp xếp tính toán để khèn phát ra âm thanh đủ cung bậc thăng trầm. Tiếng khèn làm sinh động cuộc sống, khơi dậy tình yêu đôi lứa. Dịp xuân về, chàng trai Mông nào cũng phải biết thổi khèn, không biết thì sẽ không chinh phục được các cô gái, không thể hiện được bản lĩnh đàn ông.
Những bài dân ca Mông được truyền miệng từ đời này qua đời khác, được lưu giữ vĩnh viễn trong tâm khảm của các thế hệ con cháu. Cứ xuân về họ lại hát, lại ca say sưa, chúc cho nhau no ấm, hạnh phúc. Thanh niên trai tráng sẽ hát những điệu nhạc có chứa chất thơ thấm đượm trữ tình, ấm áp tình yêu: "Gió thổi về lá cây bên khe/ Nếu ta là hạt mưa sương/ Ta xin tan trong bàn tay nàng/ Gió thổi lá cây lật ngả nghiêng bên suối/ Nếu ta là hạt mưa sương/ Ta xin tan dưới bàn chân nàng…".
Bên can rượu ngô nóng hổi vừa được bà vợ nhễ nhại bê từ dưới bếp lên, khói rượu bay thoang thoảng, hương thơm nức mũi, ông Thào Seo Chài vỗ đôm đốp vào đùi tỏ vẻ khoái chí, ông cười hả hê: "Mùa màng thu hoạch đã xong, nương rẫy chờ mùa mưa năm sau mới trồng tỉa, bây giờ chỉ có uống rượu và thổi khèn thôi".
Ông đứng ở bậu cửa, lấy khèn ra thổi re ré hai ba tiếng đã thấy ba bốn người đàn ông chân đất, đầu trần chạy sang. Họ bắt tay nhau, nói cười rôm rả. Sau mỗi chén rượu là cái bắt tay, đến khi không cần uống rượu nữa mà các ông nhào vào nắm tay nắm chân có nghĩa là say. Vợ Thào Seo Chài phải bế ông chồng vào giường, còn các chiến hữu cứ nằm quay đơ ra nhà chờ vợ sang đưa về. Xong cữ nhà Thào Seo Chài, sáng hôm sau lại đến cữ nhà Trương Xèn, lại say, lại vác người về. Cứ thế, cuộc nhậu diễn ra triền miên, từ sáng tới đêm, từ năm cũ qua năm mới.
Băng núi, vén sương đi chợ tình
Bản Mông ở xã Ea Kiết quy tụ đồng bào từ Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn di cư vào. Sau nhiều năm bươn chải ở vùng đất mới, họ bắt đầu giao thoa được với các nền văn hóa của đồng bào khác ở Tây Nguyên như Ê Đê, Ba Na, J'rai… Khi bản làng đang tưng bừng đón xuân, quay cuồng bên những chum rượu ăm ắp thì từ Ea Kiết xa xôi, Sùng Sái Tẩn, Trương Kiệt, Thào Seo Quẩy vượt ngót hai trăm cây số bằng xe máy đi chợ tình bên dòng suối Lốp (xã Ia Piơr, huyện Chư Pông, Gia Lai).
Mùa xuân ở Tây Nguyên, đất trời se sắt hơi sương, sương muối trắng ngần bủa vây khắp các ngả đường, phủ kín những lô cà phê, cao su, dát một bức màn long lanh xuống đồng lúa và những vạt hoa dại ven đường, ba chàng trai vẫn quyết tâm xuống núi húc sương đi "cầu tình". Chuyến đi ấy đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời Trương Kiệt.
Tại cầu dốc tình bên dòng suối Lốp, ba chàng trai ngơ ngác trước vẻ đẹp thơ mộng của bản làng, ngồi tần ngần dóng mắt về những cặp trai gái đang vẩy nước đùa nhau cười khúc khích. Cô gái Romah Nhiêu (17 tuổi) dân tộc J'rai ở làng Plei Me diện váy thổ cẩm sặc sỡ, đứng trên thành cầu nhìn đắm đuối ba chàng "ngự lâm quân"…cô đơn. Sùng Sái Tẩn bấu tay Thào Seo Quẩy ra hiệu tiếp cận, nhưng Quẩy nhút nhát không dám tiếp cận lại huých tay Trương Kiệt.
Kiệt lấy hết can đảm vùng dậy tiến đến cô gái, không biết anh ra dấu thế nào mà Romah Nhiêu đồng ý đến bên tảng đá to cạnh bờ suối ngồi tâm sự. Sau vài tiếng thủ thỉ, Trương Kiệt hoan hỷ chia tay thiếu nữ 17. Tẩn và Quẩy ngóng dài cổ mới thấy Kiệt về, nhìn nét mặt Kiệt lộ rõ sự hân hoan nao nức. Kiệt kể: "Romah Nhiêu đồng ý làm bạn với tôi. Phiên chợ tình năm sau sẽ chờ tôi ở đây".
Sau một năm "yêu" nhau qua điện thoại, tin nhắn, Trương Kiệt nôn nao mong đến Tết để về dốc tình gặp người con gái J'rai mà cả năm qua anh nhớ thương quay quắt. Đúng ngày hẹn hò, Romah Nhiêu đứng từ sáng sớm bên suối Lốp chờ người yêu. Kiệt xuất hiện như chàng "Đam San" bước ra từ rừng xanh, hai người nắm tay nhau tâm sự thâu đêm.
Sáng hôm sau, Kiệt được Romah Nhiêu dẫn về nhà ra mắt. Vừa bước vào cửa, gia đình Romah Nhiêu đã đồng loạt phản đối vì Kiệt là người dân tộc khác, ở vùng núi khác. Hơn nữa, theo phong tục của người J'rai, để đi đến hôn nhân, con gái phải mang lễ vật tới nhà người yêu sau đó sẽ bắt chồng. Ngược lại, người Mông lại có phong tục bắt vợ. Hai luật tục khác nhau đã khiến cặp đôi tưởng như không thể vượt qua. Suốt mùa xuân, Trương Kiệt ở nhà người yêu, cả hai cố gắng thuyết phục gia đình vượt qua rào cản văn hóa, hủ tục cho đôi trẻ được nên duyên.
Cuối cùng, do tình yêu quá lớn, Romah Nhiêu đã tình nguyện bỏ tất cả theo Trương Kiệt về làm dâu đồng bào Mông ở Đắk Lắk. Mùa xuân năm sau, bố Romah Nhiêu nhớ quá đã quyết tâm xuống núi thăm con. Tại bản Mông, ông được bố Trương Kiệt thết đãi bằng những chum rượu ngô không bao giờ cạn. Tình người trong mùa xuân, trong men rượu như chất keo dính chặt hai tộc người, hai nền văn hóa khác nhau. Ông già ra về, vỗ vai con rể đôm đốp, đầu gật lia lịa thể hiện sự hài lòng tuyệt đối.
Mấy năm nay ở Đắk Lắk xuất hiện thêm chợ tình Tây Bắc vào độ mồng 10 đến 15 tháng 1 âm lịch, thu hút trai gái các bản làng khắp núi rừng tìm về "cầu duyên". Nhấp một ngụp rượu thật dài, ông Trương Giống cười sảng khoái, nói oang oang: "Nhà này có một đàn con gái, Tết năm nay động viên chúng nó đi chơi chợ tình để kiếm tấm chồng. Váy thổ cẩm đã có, kèn môi cũng biết thổi, thể nào cũng có rể theo về". Đàn con gái ông Giống đứng nép mình phía sau lèn bếp, mắt hấp háy, miệng tủm tỉm, dường như các cô đang mơ về một cuộc tình thật đẹp nở trong mùa xuân này.