Xót xa học sinh đi bè mảng vượt sông tới trường

12:13 28/08/2017
Nhiều năm nay, con đường tìm đến cái chữ của các em học sinh xã Quốc Việt (huyện Tràng Định, Lạng Sơn) vô cùng gập ghềnh. Ít nhất mỗi ngày hai lần, các em phải chòng chành trên những chiếc bè thô sơ và đu vào sợi dây được người dân buộc hai bên bờ sông để đến trường cũng như về nhà.


Đã có nhiều cuộc họp, nhiều kiến nghị và cả quyết tâm của người dân để có một cây cầu vượt sông. Thế nhưng, bao nhiêu đời nay nó vẫn chỉ là ước mơ.

Đánh đu cùng số phận

Từ thành phố Lạng Sơn, để đến được xã Quốc Việt không hề dễ dàng, nhất là vào mùa mưa lũ. Chúng tôi phải vượt qua quãng đường 70km từ trung tâm thành phố, trải qua hơn 20km đường đèo núi, liên tục là các khúc cua tay áo. Chốc chốc lại gặp khúc cua đầy những sỏi đá, khi thì lại là quãng đường đất đồi trơn trượt.

Xã Quốc Việt là một trong những xã nghèo nhất huyện Tràng Định, xã có tới 12 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn trong tổng số 26 thôn. Cả xã có 3.300 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, sống khá thưa nhau.

Dù nguy hiểm nhưng học sinh ở đây đã quá quen với việc qua sông kiểu này.

Đứng trên đỉnh con dốc tại thôn Pò Lan phóng tầm mắt về phía ngã ba sông Kỳ Cùng, chúng tôi không khỏi xót xa với cảnh hàng chục học sinh đang cố gồng mình đu dây vượt sông để đến trường.

Ông Chu Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Việt đưa tay về phía lòng sông nói với giọng buồn buồn: “Ngoài đường đi khó khăn thì xã còn có tới 4 thôn người dân phải di chuyển bằng bè mảng nếu muốn đi đâu đó ra bên ngoài. Đó là thôn Nà Deng, Co Khuyu, Pò Lạn, Phiêng Lẹng với khoảng 110 hộ dân. Đặc biệt hơn, hằng ngày có khoảng 60 học sinh tiểu học và trung học của các thôn này phải vượt sông bằng bè để đến trường. Nhìn các cháu như vậy chúng tôi rất xót xa nhưng vì huyện còn nghèo, lại chưa có chủ trương nên đành chờ đợi”.

Để mục sở thị, hiểu cảm giác đi bè mảng trên sông Kỳ Cùng, chúng tôi đã đi từ bờ sông bên này để sang thôn Nà Deng. Vừa bước lên bè, cảm giác lạnh chạy dọc sống lưng, chiếc bè lừ lừ qua sông nhờ người cầm lái đu chiếc dây buộc hai bên bờ sông.

Chiếc bè được người dân ghép bởi những cây luồng, cây tre lại với nhau, không lấy gì để đảm bảo về độ an toàn. Vậy mà nhiều năm nay, hành trình đến với con chữ của các em học sinh ở đây gắn với việc vượt sông mạo hiểm này.

Em Hà Thị Hồng Nhung (thôn Pò Lạn), hiện đang học lớp 9 Trường THCS Quốc Việt chia sẻ: “Em và một số bạn nữa thường xuyên phải đi bộ đến trường. Chúng em đều tự kéo mảng qua đoạn sông này. Ngày học hai buổi thì chúng em đi về 4 lượt. Em cũng sợ nhưng dần cũng quen. Vào mùa mưa nước dâng lên cao rất nguy hiểm, không ai dám qua sông…”.

Đó là những học sinh cấp 2, còn với những học sinh lớp 1, lớp 2, hành trình đến trường hằng ngày còn phải có thêm người lớn để đảm bảo an toàn. Anh Hoàng Văn Mây (phụ huynh học sinh) cho biết: “Nhà tôi có hai cháu đang theo học cấp 1, ở vùng núi chúng tôi nhiều việc lắm nhưng vẫn phải đưa con đến trường. Nếu để chúng tự đi thì lại không yên tâm. Nhất là vào mùa mưa bão, nguy hiểm vô cùng. Vợ chồng đang tính cho các cháu học hết cấp 1 rồi nghỉ, ở nhà làm nương, làm rẫy giúp bố mẹ”.

Mỗi khi có nước lũ từ thượng nguồn đổ về, học sinh ở đây phải nghỉ học cả tuần.

Dòng sông Kỳ Cùng hiền hòa là thế nhưng mỗi khi đến mùa mưa, nước từ trên thượng nguồn đổ xuống nó lại trở nên hung tợn. Khi đó các em nhỏ buộc phải nghỉ học, bởi vượt sông bằng những mảng tre, luồng là điều không thể. Em Hoàng Thị Huyền (thôn Pò Lạn, học sinh lớp 12, Trường THPT Bình Độ) kể lại: “Suốt 12 năm học, em và các bạn đều phải qua sông bằng bè.

Lúc đầu cũng sợ lắm, nhưng đứa nào cũng biết bơi, rồi đi lại nhiều đâm quen. Bọn em bị lật mảng là chuyện cơm bữa, có lần trên mảng có 6 bạn đang qua sông thì bất ngờ bị lật. May mà hôm đó nước không chảy xiết, nếu như mùa mưa này chắc bọn em trôi mất rồi. Mấy bạn chỉ bị ướt hết quần áo, sách vở, quay lại nhà thay thôi”.

Mỗi khi vào mùa mưa, các em học sinh buộc phải nghỉ học, thậm chí nghỉ cả tuần. Điều này khiến các trường trên địa bàn huyện phải điều chỉnh kế hoạch giảng dạy và học tập.

Thầy Lương Hồng Quang, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bình Lộ, nằm trên địa bàn xã Quốc Việt chia sẻ: “Việc vượt sông bằng bè để đến trường ảnh hưởng rất lớn tới việc học của học sinh, do đi lại khó khăn một số em thường vào lớp muộn. Mỗi lần nước lũ lên chúng tôi rất lo lắng cho sự an toàn của các em học sinh, chúng tôi đều dặn dò gia đình, nếu nước dâng cao nên cho các em nghỉ học. Khi đó nhà trường sẽ lên kế hoạch phân công giáo viên, bố trí phòng học để tạo điều kiện cho các em học bù”.

Việc dạy và học bù rất bất tiện, nhiều học sinh thấy khó khăn, không theo kịp các bạn đã bỏ dở. Đó lại là lúc các thầy cô đến tận nhà vận động, động viên để các em trở lại lớp. Khó khăn hơn cả là các em học sinh độ tuổi THCS và Tiểu học, số học sinh đến trường cứ rơi rụng dần. Không ít em học sinh đã học hết THCS nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó việc phải qua sông đi lại khó khăn đã nghỉ học ở nhà đi làm thuê.

Gồng mình kéo dây, bàn châm bấm thật chặt vào mép sông, bà Đắc Thị Oanh hô to: “Lên bờ đi các cháu, nhanh nào…”. Khi các cháu học sinh lên bờ an toàn, bà Oanh mới thở phào nhẹ nhõm, bà bảo: “Thế thôi nhưng nguy hiểm lắm, đã xảy ra những trường hợp, các gia đình khi mang mật, đường đi bán bị lật bè, mảng và mất hết hàng hóa. Vào tháng 6 – 2016, Phó hiệu trưởng Trường THCS Quốc Việt là cô Hoàng Yến, khi qua sông làm ruộng đã bị nước cuốn trôi mất chiếc mảng, may mắn cô đã bám được vào dây để lần vào bờ”.

Ước mong có một cây cầu

Bao nhiêu đời nay, khát khao lớn nhất của người dân xã Quốc Việt có một cây cầu để đi lại, giao thương thuận lợi. Hơn tất cả là đường đến trường của các em học sinh được an toàn hơn. Nhưng do điều kiện địa phương còn khó khăn, ước mơ đó có lẽ chưa thể thành hiện thực trong tương lai gần.

Đã có rất nhiều cuộc họp thôn, xã, hay các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị xây dựng một cây cầu treo ở địa phận hai thôn Pò Lạn và Co Khuyu. Thế nhưng những mong mỏi của người dân vẫn chưa thể thành hiện thực, đơn giản vì huyện chưa có chủ trương, kế hoạch.

Ông Hà Quang Huy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quốc Việt chia sẻ: “Nếu có chủ trương, cán bộ và nhân dân trong xã sẵn sàng đóng góp công sức để tham gia xây dựng cầu. Chỉ khi có cây cầu người dân mới có cơ hội phát triển kinh tế, học sinh đi học mới bớt khổ”.

Chiếc bè mảng được cột với nhau bởi những cây tre và di chuyển bằng sợi dây nối hai bên bờ sông.

Trong khi đợi chờ một cây cầu trong mơ, người dân vẫn phải tự khắc phục khó khăn. Hằng năm các thôn có con em đi học qua sông bằng bè mảng đều tổ chức các hộ đóng góp thóc cho người trông và chở bè mảng.

Về phía chính quyền địa phương cũng tích cực tuyên truyền cho các gia đình có con em đi học về sự an toàn khi đi lại. “Bên cạnh đó chúng tôi cũng thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm để trang bị phao và áo phao cho các cháu học sinh đến trường. Chính vì vậy những năm gần đây không xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc nào” – ông Huy cho biết thêm.

Chia tay các em học sinh tại xã Quốc Việt, chúng tôi cứ nhớ mãi giọng nói buồn buồn của em Hoàng Thị Huyền: “Chúng em mơ ước có một cây cầu, chỉ cần cầu treo thôi cũng được. Mặc dù em năm nay cũng học xong rồi nhưng em muốn có cầu để các em nhỏ hơn được đến trường an toàn”.


Thượng Tá Nguyễn Thành Dùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết:
“Chúng tôi đã tổ chức chương trình tặng cặp phao cứu sinh cho các em học sinh hằng ngày phải đi học bằng bè mảng qua sông. Đã có rất nhiều chiến sĩ nhiệt tình hưởng ứng, một số doanh nghiệp, công ty vận tải trên địa bàn tỉnh đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia.

Chúng tôi đã phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn tặng 168 chiếc ba lô, cặp sách áo phao cứu sinh, trị giá hơn 35 triệu đồng đến tận tay các em học sinh thường xuyên vượt sông, suối tại 7 trường học thuộc 4 xã của huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng bị ảnh hưởng của thủy điện Thác Xăng.

Đây là những chiếc ba lô, cặp áo phao có tác dụng vừa để các em đựng sách vở, đồ dùng học tập, đồng thời nếu xảy ra tai nạn rơi xuống nước sẽ nổi lên như chiếc phao nhỏ có thể nâng nổi trọng lượng 70kg, giúp các em phòng ngừa đuối nước. Khi nhận được quà, các em nhỏ rất vui mừng, đây là phần quà có ý nghĩa khi mùa mưa lũ diễn biến ngày càng phức tạp”.

Cô Phạm Thị Hải Yến, Phó hiệu trưởng Trường THCS Quốc Việt, huyện Tràng Định chia sẻ: “Trường hiện có 214 học sinh thì có tới 1/3 học sinh phải qua sông tới trường, các em tập trung chủ yếu ở thôn Pò Lan, Khau Khuyu. Việc phải qua sông đi học ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh do một số khó khăn.

Các em thường xuyên đến lớp muộn, nhất là khi nước sông dâng cao thì các em không thể đến lớp được. Như vậy rất dễ bị đuối kiến thức với các bạn khác. Chính điều này cũng ảnh hưởng đến các thầy cô, nhà trường vì phải bổ sung kiến thức lại cho các em”.
Phong Anh

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Liên quan vụ truy bắt đối tượng trộm cắp xe ô tô ở Ninh Thuận, chiều 24/12 Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, vừa nhận được thư cảm ơn của ông Võ Tấn Long (SN 1976, trú ở 126 Hải Thượng Lãn Ông, phường Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa được cho là gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận khu vực hỏa hoạn tại tháp Eiffel. Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Paris đã phải sơ tán hơn 1200 khách du lịch đang thăm quan công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp. 

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Đăng tải thông tin sai sự thật về vụ việc phóng hỏa quán cafe ở số 258 đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên các hội nhóm trên mạng xã hội, chị  H.T.L đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệu tập làm việc và ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文