Ðâu vị Tết xưa?
Khi đó, cứ mỗi độ gần Tết là cả xóm nhỏ ở quê tôi nhộn nhịp hẳn lên. Các bà hỏi thăm nhau năm nay nhà bà định làm loại bánh gì, đã chuẩn bị nguyên liệu chưa, khi nào thì làm? Trong khi đó, các ông thì hỏi nhau có tìm được chỗ nào trong rừng nhiều lá chuối để đi lấy lá về gói bánh, rồi đi chặt ống giang về làm lạt...
Những ngày chuẩn bị bánh mứt cho Tết thực sự là những ngày hội. Vì dụng cụ, nồi niêu thiếu thốn, nên trong xóm ai muốn làm cùng một loại bánh đều hỏi ý kiến của nhau, rồi chia phiên, chia lịch hẳn hoi. Lúc đó, thường có 2 loại bánh mà Tết đến xuân về nhà nào cũng phải có, đó là bánh tét và bánh in.
Để làm bánh tét, người ta cần chuẩn bị nguyên liệu gồm lá chuối, nếp, đậu xanh, thịt heo, mỡ hành, lạt để buộc... Gói bánh tét cũng là một công việc ít người làm được, nên ai gói được bảo đảm sẽ bận đến hết năm, vì hết gói cho nhà này lại đi gói giùm nhà kia.
Vì đòn bánh tét tròn và dài, nên để nấu bánh tét cần phải có nồi rất to. Đây là vật dụng hiếm, có khi 5-6 nhà mới có một cái. Vì vậy, thường 2-3 nhà sẽ làm bánh chung một lần, nấu chung một nồi, nhà buộc dây xanh nhà buộc dây đỏ để phân biệt khi vớt bánh. Rồi đến nhóm những nhà khác.
Một loại bánh phổ biến khác khi xưa là bánh in. Bánh này làm bằng bột nếp cà mịn với đường. Và để làm người ta cần một cái khuôn, lèn bột vào đó thật chặt rồi gõ cho từng cái bánh trong khuôn rớt ra. Tùy khuôn có hình thù gì mà cái bánh sẽ có hình thù đó. Khuôn bánh in cũng là một vật dụng hiếm, nên việc làm bánh in trong xóm cũng phải chia phiên.
Ngoài ra, những nhà khá hơn còn có những loại bánh kẹo khác như mứt, phổ biến nhất là mứt dừa vì rẻ và dễ làm. Tiếp đó là cốm. Cốm này không giống cốm ở ngoài Bắc, mà được làm bằng gạo nếp đem đi “bụp”, tức làm cho nó nở ra thật to, ép thành những khối hình vuông với đường. Bánh tét và bánh in ngày nay vẫn còn, nhưng món cốm này hình như đến nay đã “tuyệt tích”.
Ngày đó, trừ hạt dưa là phải đi mua, còn tất cả các loại bánh mứt ngày Tết đều do mỗi nhà tự làm. Việc làm bánh Tết thường kéo dài hơn cả tuần trước Tết, bởi vậy những ngày cận Tết luôn là những ngày vui nhất. Nhà nhà rủ nhau làm bánh, gọi nhau í ới. Trẻ con thì chạy lui chạy tới hết nhà này sang nhà nọ, chỉ chờ người lớn cho ăn chực vài mẫu bánh vụn hay cái mứt dừa, thậm chí là chút bột thừa gạt ra khi làm bánh in cũng đủ thấy ngon tuyệt.
Trẻ em lúc đó một năm chẳng được vài lần ăn quà bánh, nên Tết đúng thật là... Tết với bọn chúng.
Ngoài ra, Tết cũng là dịp để trẻ con được cha mẹ mua cho bộ đồ mới. Khi ấy đói khổ, chuyện một bộ đồ mặc vài ba năm, sờn mông rách đũng là bình thường. Chỉ có dịp Tết đến Xuân về mới mong được cha mẹ mua cho đồ mới.
Ngày nay, chuyện chuẩn bị Tết nhất thật đơn giản. Người ta chỉ cần một buổi là xong tất tần tật, mọi thứ đều được làm sẵn, bày bán đầy trong các siêu thị hay ngoài chợ, chỉ cần có tiền là xong, mà ngày nay nhà ai chẳng có tiền ăn Tết? Nhanh, gọn, lẹ. Đỡ tốn thời gian và công sức.
Không biết với những người trẻ thời nay thế nào, nhưng những người từng có Tết xưa như tôi thực sự không vui, vì nhà nào biết nhà đó, chẳng có không khí Tết.
Tết ngày xưa còn vui hơn bởi có tiếng pháo, nhà nào cũng đốt vào Giao thừa hoặc sáng mùng Một. Tiếng pháo giòn giã, xác pháo đỏ nhà đỏ cổng, mùi thuốc pháo phảng phất... Tất cả hòa làm một tạo nên một cảm giác lâng lâng khó tả. Nhưng nay, vì lý do an toàn, Nhà nước đã cấm đốt pháo. Giờ chỉ còn pháo hoa, mà đô thị lớn mới có, còn miền quê thì không.
Những ngày Tết xưa cũng vui hơn, vì người ta có tục lệ đi chúc Tết tất cả bà con, xóm giềng. Nhà này đi chúc Tết nhà kia, chúc xong lại rủ cả nhà đó đi chúc Tết nhà tiếp theo, cứ như vậy đoàn người đi chúc Tết mỗi lúc một đông, nói cười rôm rả.
Nhưng nay, tục lệ Tết sang chúc nhà hàng xóm dường như đã mất dần. Đô thị hóa mạnh mẽ làm người ta sống khép kín hơn, ít cởi mở với xóm giềng như trước. Ngoài ra, Tết nay người ta thích đi chơi xa tận đẩu tận đâu, lấy niềm vui du lịch khám phá thay cho những cảm xúc ấm áp khi đi thăm người thân, chòm xóm.
Tết nay ấm no, đầy đủ tiện nghi, nhưng với những người hoài cổ như tôi, nó không còn “vui như Tết”.