Đãi ngộ kém, máy móc việc phong tặng danh hiệu
Sáng ngày 13/9, 15 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian đợt đầu của Nhà nước được trao danh hiệu nghệ nhân ưu tú (NNƯT). Vì là đợt đầu xét tặng, nên chiếu theo quy chế của nhà nước đề ra, không ai đủ điều kiện là nghệ nhân nhân dân (NNND) (theo quy định những nghệ nhân được phong NNND trước đó phải là NNƯT đã). Có nghĩa là phải chờ thêm thời gian ít nhất 1 năm nữa, chúng ta mới có thể có NNND đầu tiên.
Câu chuyện lại xới lên vấn đề bức xúc bấy lâu trong dư luận. Gần 10 năm các cơ quan có chức năng, thẩm quyền mới hoàn thành xong dự thảo quy chế xét tặng NNND, NNƯT, thời gian quá dài so với sự chờ đợi của các nghệ nhân dân gian hầu hết đã tuổi cao sức yếu. GS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian cho biết: "Những "báu vật sống" của chúng ta tuổi đã 70, 80, 90 và hơn thế nữa cả rồi. Hội đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho hơn 300 cụ trong những năm qua. Nhưng đợi danh hiệu cao quý của Nhà nước thì không phải cụ nào cũng đợi được.
Cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. |
Gần 10 năm chờ quy định của Nhà nước, nhiều cụ đã về với tổ tiên do tuổi cao sức yếu, mang theo những giá trị văn hóa dân gian quý báu, có người kịp truyền cho con cháu thể hệ sau có người không. Tháng 9 này chúng ta rất vui vì có 15 nghệ nhân được phong danh hiệu NNƯT. Về việc xứng đáng với danh hiệu NNND xin nói ngay là rất nhiều cụ xứng đáng. Nhưng chiểu theo luật thì phải đợi ít nhất 1 năm nữa, vì cứ phải NNƯT đã. Với các cụ, 1 năm có thể là rất dài, có thể là không bao giờ được hưởng niềm vui ngày được tôn vinh NNND nữa".
Câu hỏi đặt ra là có cần thiết phải đề ra 2 mức danh hiệu NNƯT, NNND không? Các nghệ nhân dân gian lao động văn hóa theo một đặc thù riêng khác hẳn các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu. Họ âm thầm cả đời giữ ngọn lửa văn hóa dân gian, truyền dạy cho cháu con trong làng bản, trong vùng. Họ có khi cả đời không đi ra khỏi vùng đất mình sinh sống, không biểu diễn trên các sân khấu lớn, không thi thố và vì vậy phần lớn không có huy chương vàng, bạc, hay đồng để mà làm căn cứ xét tặng danh hiệu.
Cho nên quy định của Nhà nước rằng muốn trở thành NNND phải là là NNƯT cộng với đủ số huy chương là thiếu tính thực tế, là "làm khó" các nghệ nhân. Đành rằng đã là quy chế, là luật, phải cụ thể, nhưng với câu chuyện của các nghệ nhân như thế có là máy móc quá chăng? Thiết nghĩ, ở tuổi các cụ, và với đặc thù công tác văn hóa dân gian, việc phân định 2 mức nghệ nhân ưu tú và nhân dân là không cần thiết. Ở đây, quan trọng là một sự ghi nhận, tôn vinh chính thức của Nhà nước, đối với những đóng góp quan trọng, to lớn cả đời của mỗi nghệ nhân cho công việc gìn giữ các di sản văn hóa cha ông để lại.
Và có lẽ việc chính yếu đối với các nghệ nhân dân gian không phải tấm bằng công nhận là nghệ nhân ưu tú hay nhân dân, mà quan trọng là vấn đề đãi ngộ. Theo GS. Tô Ngọc Thanh, trong 297 nghệ nhân được Hội phong tặng nghệ nhân dân gian những năm qua, có gần 70 cụ đã ra đi mà chưa hề được nhận một sự đãi ngộ nào của Nhà nước. Đó là câu chuyên mà những người có trách nhiệm với văn hóa phải suy nghĩ, trăn trở. Phải chăng chúng ta mới chỉ quan trọng những gì thuộc về hình thức bề ngoài. Những "báu vật sống" như nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu đã mất mà gần như không được hưởng chế độ chính sách gì của Nhà nước, từ đãi ngộ đến danh hiệu.
Nhân tố con người là nhân tố hạt nhân trong văn hóa, trong phát triển hay gìn giữ văn hóa. Chúng ta dường như đang xem nhẹ nhân tố này chăng, nếu nhìn từ câu chuyện đãi ngộ cho các nghệ nhân dân gian. Trong khi việc trùng tu nâng cấp các công trình văn hóa tốn tiền tỉ thì luôn được quan tâm, coi là việc nhanh chóng, sống còn, thì việc chăm sóc, nâng niu các "báu vật sống", những người trực tiếp nuôi dưỡng, truyền lửa, thậm chí là tạo ra các giá trị văn hóa lại bị xem nhẹ.