Dòng tộc 'đạp sóng'

14:00 20/04/2015
Tay lái của bà nhẹ nhàng điều khiển con tàu khổng lồ lướt băng băng trên biển, rẽ vào những cù lao cây trái sum suê rồi lại đổ bộ ra các đảo xa thăm thẳm. Khách du lịch ngoài ngạc nhiên ra họ còn cảm giác một sự bình yên đến lạ. Gặp hôm biển nổi sóng, từng đợt sóng trắng xóa liên tiếp táp vào thân tàu chao đảo, ngả nghiêng. Bằng bản lĩnh và kinh nghiệm ngư trường, bà Hòa đã chinh phục những con sóng to như cột nhà ấy một cách vừa khéo léo vừa mạnh mẽ. Những lúc như thế trông bà thật đẹp, một vẻ đẹp khỏe khoắn, dũng mãnh.
Nữ thuyền trưởng đầu tiên của Việt Nam

Khúc sông Tiền chảy qua Tp. Mỹ Tho (Tiền Giang) buổi trưa vắng khách, chiếc xuồng nhỏ neo đậu trên bến sông chênh vênh theo từng đợt sóng xô vào bờ. Cái nắng như đổ lửa của bến đò Tân Long khiến những người khách phương xa như chúng tôi nao núng. Người đàn ông đen xạm chỉ một người phụ nữ đang ngồi đung đưa trên cánh võng nói: "Bả là chị gái của thuyền trưởng Nguyễn Thị Hồng, tay lái cừ khôi đó, chị em họ giống nhau như đúc".

Thấy chúng tôi, bà nở nụ cười thật tươi, đưa tay vẫy ra hiệu bước xuống thuyền. Dường như bản chất xông xáo, dễ hòa nhập, mến khách đã ăn sâu vào người phụ nữ miền Tây thứ thiệt này. Bỏ vội chén cơm đang ăn dở, bà đỡ tôi xuống. Chúng tôi bị sóng đánh chao đảo. Mặt mày xanh lét, đầu óc quay cuồng. Bà cười nói: "Mới có tí sóng thôi, thế này mà ra Cồn thì chịu sao nổi. Thôi đi lên bờ".

Bà tên đầy đủ là Nguyễn Thị Hòa, chị thứ ba của nữ thuyền trưởng đầu tiên Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Có lẽ cái bóng của người em quá lớn đã lấn át toàn bộ dòng tộc nên bà không được nhắc nhiều đến. Người dân xứ miền Tây luôn nhắc và tự hào về Anh hùng lao động, thuyền trưởng Nguyễn Thị Hồng, gắn với những chuyến ra khơi cứu người huyền thoại giữa biển cả.

Bà Hòa nhấp ngụm nước, vén mấy sợi tóc nửa đen nửa bạc giăng trước trán bắt đầu câu chuyện về gia tộc của mình: "Hồng là con thứ 5 trong gia đình 6 anh chị em của tôi. Ngay từ nhỏ, Hồng đã thể hiện bản tính mạnh mẽ giống như con trai. Hồi nhỏ đi học, mấy chị em bị tụi con trai bắt nạt, nó lại biết võ nên đánh cho tơi bời, từ đó chẳng ai dám kiếm cớ sinh sự với chị em tôi nữa. Nó chẳng sợ trời, chẳng sợ đất, việc gì cũng xắn tay vào làm, tranh cả phần của anh chị. Nó đi biển dài ngày, lặn ngụp giữa trùng dương. Cơn bão Linda năm 1997, Hồng "đạp sóng" vượt phong ba bão tố ra mắt bão cứu được 36 người. Nó được phong nữ thuyền trưởng đầu tiên tại Việt Nam và vài năm sau thì phong tiếp Anh hùng lao động".

Bà Hòa trên con đò nhỏ ở bến sông Tiền.

Tuổi thanh xuân của nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Hồng dấn thân ngoài biển nên chuyện tình duyên cũng trễ nải. Ngoài 50 tuổi bà mới lên xe hoa với một người đàn ông mang quốc tịch Úc. Sau khi lấy chồng, bà bán tàu, giã từ nghiệp biển theo chồng về Úc sinh sống. Thỉnh thoảng bà vẫn quay về thăm quê hương và bà con chòm xóm. Bà Hòa kể, ngày cưới bà Hồng, rất nhiều ngư dân không mời cũng đến dự. Trong đó có cả những người ở miền Trung, nghe tin liền đánh tàu vào tặng cá tặng mực, cảm động lắm.

Thuyền trưởng Nguyễn Thị Hồng giã từ biển cả khiến nhiều người tiếc nuối. Bà Hòa thật thà cho biết: "Thật ra Hồng nó yêu biển lắm, nhưng làm ăn không gặp thời, lỗ triền miên. Nó phải bán tàu, bán tất cả để trả nợ và gạt nước mắt lên bờ. Nhưng dù sao đi nữa, Hồng vẫn là ngôi sao biển cả, người ta vẫn luôn nhắc về nó như một anh hùng". 

Bà Hòa mải mê kể về người em của mình với một niềm tự hào rạng rỡ, còn bà thì dường như đã bị hình ảnh quá lớn của đứa em che phủ. Thế nên cuộc đời hơn nửa thế kỷ của bà chìm lỉm bên dòng sông Tiền. Tuy nhiên, sống trong gia đình có truyền thống đi biển nên bà Hòa cũng có khả năng chèo lái thuộc hạng "siêu sao".

Khúc tráng ca trên biển

Bà Hòa không có máu đi biển như em gái nên cứ sống lặng lẽ, an phận là một thôn nữ miền Tây có chồng con từ thuở đôi mươi. Bà sinh được ba người con, đứa lớn đứa bé lít nhít chưa đủ tuổi thiếu niên thì chồng bỏ bà ra đi. Tuổi 30 của người phụ nữ này trôi đi câm lặng trong căn nhà lá rũ mái xuống bến sông, ngày ngày bà đi quăng chài kiếm cá về nuôi đàn con. Với sức vóc vạm vỡ của con dân miền sông nước, đôi tay bà cáng đáng tất thảy từ việc to đến việc nhỏ trong gia đình.

Năm tháng trôi đi, hiện nay, các con trai con gái của bà đều đã trưởng thành và đều là thuyền trưởng khi tuổi đời còn rất trẻ. Con trai cả của bà Hòa là thuyền trưởng tàu du lịch viễn dương, một trong những con tàu hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Con trai thứ là chủ một đội tàu đánh cá xa bờ. Cuộc sống của bà không thiếu thốn về vật chất. Nhưng, cứ nghĩ đến đứa em gái phải bỏ nghề, bà Hòa không khỏi xót đau. Thế là, bà Hòa quay trở lại bám trụ với mái chèo.

Nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Hồng.

Bà tâm sự: "Tôi sống có một mình nên buồn lắm. Các con lớn lập gia đình đều đi làm. Căn nhà dài những 30m càng thêm cảm giác thênh thang, trống vắng vô cùng. Sẵn cái máu con nhà biển, tôi sắm một chiếc xuồng nhỏ neo đậu trên bến chở khách vạn chài cho đỡ buồn". 

Một bạn đò với bà cho biết: "Bả thích làm vậy thôi chứ có thiếu thốn gì đâu. Nhà có mấy người đi nước ngoài. Của cải ăn cả đời không hết". Bà lại cười lớn, giọng cười sảng khoái thường thấy ở những con người đã đủ đầy vật chất, không lo toan, vướng bận chuyện đời.

Người dân vạn chài bên cù lao này đã quá quen thuộc với hình ảnh một "nữ tướng" tóc hoa râm oai phong vặn mái chèo điều khiển tàu lao vun vút rẽ sóng ngoài trùng khơi. Cái bản lĩnh của người chị gái thuyền trưởng cũng chẳng kém người em là anh hùng chút nào. Trước kia, bà Hòa lái tàu du lịch bằng vô lăng loại có trọng tải hàng tấn chở khách vượt trùng khơi ngao du biển cả.

Tay lái của bà nhẹ nhàng điều khiển con tàu khổng lồ lướt băng băng trên biển, rẽ vào những cù lao cây trái sum suê rồi lại đổ bộ ra các đảo xa thăm thẳm. Lúc đầu khách lo lắng, có người nằng nặc đòi quay vào bờ khi phát hiện ra người lái tàu là nữ. Bà trấn an: "Ở vùng này không chỉ có đàn ông lái tàu. Ba mẹ sinh ra chị em chúng tôi để đi biển, em gái tôi là thuyền trưởng, con trai tôi là thuyền trưởng, hãy tin tôi".

Khách du lịch ngoài ngạc nhiên ra họ còn cảm giác một sự bình yên khi ngồi trên chiếc tàu do người phụ nữ lái. Gặp hôm biển nổi sóng, từng đợt sóng trắng xóa liên tiếp táp vào thân tàu khiến nhiều khi nó chao đảo, ngả nghiêng. Bằng bản lĩnh và kinh nghiệm ngư trường, bà Hòa đã chinh phục những con sóng to như cột nhà ấy một cách vừa khéo léo vừa mạnh mẽ.

Mặc dù đã có bến đò Tân Long nhưng người dân ở đây mỗi khi gấp gáp vẫn tìm đến con đò của bà Hòa.

Gắn bó với đại dương được thời gian, do áp lực công việc cộng thêm tuổi tác nên bà xin nghỉ. Bà sắm cho mình một chiếc xuồng nhỏ, ra Cồn tiếp vận những tàu cá lớn không vào rồi chở ngư dân mang hàng vào bờ trao đổi, xong lại đưa ra. Công việc ấy khiến bà thoải mái và tự do. Không phải cạnh tranh với ai, khi nào mệt thì nghỉ, chán sẵn sàng bỏ xuồng đi chơi. Ngày kiếm vài trăm đủ trang trải những gì cần thiết cho bản thân.

Bà con ngư dân rất tin tưởng ở tài lái đò của bà Hòa, kể cả cánh đàn ông đi biển chuyên nghiệp. Bà Hòa cho biết: "Khó nhất là những lần phải chạy đua với tàu lớn. Xuồng mình nhỏ lại yếu nên những lúc chạy sát tàu lớn thường bị những cuộn sóng đánh tung ra. Nếu không vững tay chèo, tay chống, xuồng có thể bị lật bất cứ lúc nào.

Rồi những lúc phải điều khiển cho xuồng rẽ vào bờ chẳng may gặp hố nước sâu, sóng xoáy cuốn xuồng quay vòng tròn không tiếp cận được bờ. Trải qua bao nhiêu năm bồi, lở, sông Tiền có nhiều hố xoáy tử thần. Trông hiền hòa, lững thững vậy thôi nhưng khó lường lắm. Bằng kinh nghiệm nhiều năm lái đò, rồi mình cũng vượt qua. Hơn 30 năm làm bạn với sông nước, tôi chưa gặp phải sự cố nào".

Nghe bà kể, bất giác tôi liên tưởng đến hình ảnh người lái đò trên sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân. Những thác, những ghềnh và bao hiểm nguy trực chờ dưới lòng sông như thách thức tay chèo của các kì nhân chân đất. Họ chẳng cần bôi hồng hay đánh bóng, cũng không mong một danh phận nào trong cuộc đua. Họ vốn dĩ là những con người do tình yêu lao động đã vô tình tạc vào lòng nhân gian một vẻ đẹp thuần khiết về sức người.

60 tuổi đời, sức khỏe vẫn chưa hề giảm, bà vẫn cường tráng, rắn rỏi và đẹp lạ lùng. Bà không muốn cái nghiệp đi biển của gia đình mai một. Nguyễn Thị Hồng đã rời khỏi "đường đua", tiếng vang còn phảng phất đâu đó và người dân miền sông Tiền vẫn khắc ghi hình ảnh một nữ thuyền trưởng một thời thách thức phong ba, bão táp giữa trùng khơi.

Hình ảnh bà Hòa chèo đò lại mang một vẻ đẹp yên bình của những ngày biển cả lặng sóng. Chia tay bà Hòa trong cái nắng chiều chếnh choáng, dưới lòng sông vẫn có chiếc xuồng nhỏ bé neo đậu, nụ cười của bà xếp nhăn những thớ thịt rám đen trên khuôn mặt tràn đầy sức sống.

Ngọc Thiện

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文