Ông lão dùng xe ngựa tự chế chở miễn phí đưa đón học sinh đến trường

09:30 14/09/2015
Ông Đoàn Thế Khánh (70 tuổi, ở thôn Đại Duy, xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) đã tự chế ra chiếc xe ngựa để chở miễn phí đưa đón học sinh đến trường. Việc làm “vô công rỗi nghề” của ông lão ban đầu bị nhiều người phản đối, cho là gàn dở. Nhưng đến nay, việc thiện nguyện của ông Khánh đã vang xa khắp nơi, không ai là không biết tiếng.

Suy nghĩ “quái đản”

Ông Khánh năm nay đã ở cái tuổi 70, nhưng trông còn khỏe lắm. Ông Khánh cho biết, ông sinh ra và lớn lên tại Hưng Yên. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông Khánh được cử sang sang Trung Quốc học cơ khí, với chuyên ngành sửa chữa xe tăng. Công việc mới này giúp ông Khánh hiểu rõ hơn về máy móc và môn cơ học. Sau khi đã vững vàng tay nghề, ông Khánh đã trở về nước phục vụ cho kháng chiến. Công việc chính của ông là sửa chữa xe tăng.

Kể về gia đình mình, ông Khánh xúc động cho biết, bố ông đã hy sinh trong chiến tranh. Người anh và người chị cũng vì nước mà quên thân. Vì vậy, dòng máu yêu nước đã ngấm ngầm tự chảy trong ông từ khi nào không biết. Nó được hun đúc từ 4000 năm dựng nước của dân tộc và được nuôi dưỡng từ truyền thống gia đình. Sau nhiều năm cống hiến hết mình cho đất nước, trở lại khi đất nước thống nhất hai miền Nam – Bắc, ông Khánh tham gia quân đội với quân hàm Thiếu tá.

Ông Khánh bên con hồng mã.

Ông Khánh được lớn lên từ những năm tháng chiến đấu trong gian khổ, cũng như được tôi luyện trong môi trường quân đội, nên dám chắc bất cứ ai gặp đều cảm nhận được sự nghiêm nghị ở ông. Đó là sự rắn rỏi cũng như ăn nói chắc chắn như đinh đóng cột, đã nói là làm. 

Rồi tuổi tác cao, ông Khánh về nghỉ hưu, sống êm ấm bên người vợ già, bữa rau bữa cháo qua ngày, miễn sao được vui là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng khi rời quân ngũ về quê nhà sinh sống, không hiểu sao nỗi lòng của người kỹ sư xe tăng năm nào vẫn không được vui trọn vẹn. Tại đây, ông tham gia rất tích cực cho thôn xóm nên được rất nhiều người ca ngợi. Mặc dù vậy, lúc nào trong khóe mắt ông lão vẫn ánh lên nhiều tia buồn. 

Ông Khánh nói: “Khi tôi về quê sinh sống, biết tuổi mình già rồi, sống không được bao lâu nữa nên còn chút sức lực nào thì cứ cống hiến hết cho thôn xóm. Như vậy, không những người dân được nhờ, mà mình cũng cảm thấy rất vui”. 

Ông Khánh tâm sự tiếp: “Các việc lớn nhỏ tại thôn và xã tôi đều làm tốt nhưng có một chuyện khiến tôi băn khoăn và suy nghĩ rất nhiều, đó là khi tôi chứng kiến giữa trưa nắng nóng, hay những hôm mưa giông chớp giật, các em nhỏ lại lọc cọc trên chiếc xe đạp cũ đến trường. Có em thì được bố mẹ đưa đi, có em thì được ông bà chở đến. Quê tôi nghèo, gia đình có xe máy không phải nhiều. Hơn nữa, đa số người dân đều đi làm công nhân, nên việc đưa đón con đi học đều phải nhờ đến ông bà già. Nghĩ đến như vậy thôi là lòng tôi xót xa rồi”. 

Cụ ông này cũng chia sẻ, sau khi chứng kiến những cảnh trên đã khiến ông phải đau đầu nghĩ ngợi rất nhiều đêm, phải có cách nào đó để giúp các em học sinh đến trường, mà ông là người thực hiện. Có như vậy, ông Khánh mới cam lòng sống nốt phần đời còn lại. Ngay lập tức, ông Khánh nghĩ đến chuyện thiết kế một chiếc xe lớn chở miễn phí đưa đón học sinh đến trường. 

Nghĩ là làm, nên cụ ông này đã ra sức thực hiện ý tưởng. Chẳng bao lâu sau đó, một chiếc xe thùng sắt, tựa như xe ba gác ra đời. Ngay lập tức, chiếc xe được ông Khánh thông báo cho bà con biết, đồng thời nói là nếu gia đình nào có con em đi học thì chỉ cần đứng ở đầu ngõ, ông chạy xe qua sẽ đón.

Nhưng mọi cố gắng của ông Khánh đã hoàn toàn sụp đổ, khi chiếc xe ra đời dù sao cũng là xe chạy bằng xăng, ra khói ảnh hưởng đến môi trường mà ông Khánh là người không muốn điều này xảy ra. Trước sự phản đối của gia đình, hàng xóm cũng như thấy được sự bất cập của chiếc xe thùng sắt, nên ông Khánh đã vứt nó vào một xó. Cũng qua chuyện này, ông Khánh được mọi người nói là ông lão gàn dở, ai hơi đâu lại đi ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.

Chiếc xe ngựa thần kỳ và lòng tốt của ông lão

Sau lần thất bại đầu tiên này, ông Khánh có vẻ nản lòng. Nhưng vì thương các cháu học sinh, ông Khánh lại tiếp tục với những suy nghĩ khác. Phải có cách nào hơn để việc thiện nguyện của mình thành hiện thực. Cứ như vậy, nỗi trăn trở này cứ ám ảnh vào trong giấc ngủ của ông lão. Rồi tình cờ, trong một lần xem tivi, ông Khánh thấy rất nhiều người ở Huế dùng xe ngựa để đưa đón khách. 

Ông Khánh hồ hởi cho biết: “Hình ảnh chiếc xe ngựa bao năm qua tôi đã gặp và cũng từng đi, thế mà khi thực hiện việc thiện nguyện, hình ảnh này lại không hiện lên. Mãi khi xem qua tivi, tôi mới ngớ người hóa ra trên đời này lại có một chiếc xe đưa đón khách vừa hiệu quả, lại vừa thân thiện với thiên nhiên. Ngay sau đó, tôi đã nói lớn là có cách rồi, có cách rồi. Trước khi đi vào thực hiện ý tưởng này, tôi cũng có bàn qua với gia đình và mấy người bạn, họ rất tán đồng”.

Ông Khánh chia sẻ với PV.

Nhưng nghĩ là một chuyện, còn làm được lại là một chuyện khác. Để thực hiện được chiếc xe ngựa, ít ra ông Khánh phải có một con ngựa khỏe mạnh và thuần thục khi tiếp xúc với con người. Còn chuyện làm thùng xe thì để sau cũng được. Nhưng biết tìm ngựa tốt ra ở đâu bây giờ. 

Qua báo đài và tìm hiểu, ông Khánh quyết định lên vùng Tây Bắc để chọn ngựa. Do đường sá xa xôi, nên ông Khánh phải ở lại nhiều ngày, ăn dầm ở dề qua hết bản này đến bản khác để tìm cho bằng được con ngựa ưng ý. Rồi tình cờ, ông Khánh gặp lại một người bạn chiến trường năm xưa ở vùng Tây Bắc. Không giấu chuyện, ông Khánh kể cho bạn nghe về việc thiện nguyện mà ông sắp thực hiện. 

Người bạn này đã vỗ vai ông Khánh, cười nói: “Ôi dào, tưởng chuyện gì. Về việc chọn ngựa, tôi rất có kinh nghiệm. Hơn nữa, tôi sống ở đây nên biết ở bản nào, nhà nào có ngựa tốt. Ông cứ đi theo tôi, khắc sẽ được thỏa mãn ý muốn”. 

Sau đó, hai người bạn già đã đến một gia đình người Mông xem ngựa. Ngay khi thấy con ngựa màu mận đỏ, ông Khánh đã tỏ ra thích thú bởi sức vóc và sự hiền lành của con vật. Đồng thời, qua những phân tích về tính ngựa của người bạn và chủ nhà, ông Khánh liền ưng ý đưa chú ngựa hồng đào này về dinh. Sau khi đưa ngựa về nhà, cân đối về khối lượng ngựa, ông Khánh đã tự chế ra thùng xe ba bánh, với kích cỡ có thể đưa đón trên dưới 40 học sinh.

Như vậy ý tưởng về chiếc xe ngựa đã xong xuôi. Nhưng trước khi đưa nó đi thực hiện công việc thiện nguyện, ông Khánh đã đi thử nhiều lần, cũng như cho nó quen với con người. Tính ra, công việc thiện nguyện của ông Khánh bắt đầu từ cuối năm 2014. Từ đây, chú ngựa màu mận đỏ mà người phu ngựa là một ông lão có mái tóc bạc phơ hằng ngày rong ruổi đưa đón học sinh đến trường. Cứ đến nhà nào có học sinh, ông Khánh lại ấn chuông. Tiếng chuông từ lâu đã trở nên quen thuộc. 

Một em học sinh hớn hở: “Từ ngày ông Khánh đi xe ngựa đưa đón, cháu thích đến trường hơn. Cũng như cháu không phải sợ trời mưa hay nắng nữa”. Còn một phụ huynh không giấu nổi xúc động, chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều làm công nhân, nên việc đưa đón con đi học đều nhờ đến ông bà. Mỗi ngày 4 lượt đưa đón cháu đến trường bằng xe đạp rất vất vả, vì từ Trường Tiểu học Đoàn Đào đến nhà tôi cũng 5km. Từ ngày ông Khánh đi xe ngựa, vợ chồng tôi yên tâm hơn trong công việc, cũng như bố mẹ tôi không phải vất vả nữa”. 

Tính ra, cả đi và về, mỗi ngày ông Khánh và chú hồng mã phải đi đến 8 lượt. Mặc dù vậy, nhưng ông Khánh lại rất vui vẻ. Nói về công việc thiện nguyện của mình, ông Khánh hào hứng: “Tôi già rồi, giúp được cho các cháu yên tâm đến lớp đi học là điều hạnh phúc lớn lao. Tôi chỉ mong mình khỏe mạnh, sống được ngày nào là tôi lại đưa đón các cháu đến trường ngày đó”.

Tao Gia

Ngót 70 năm trước, để có được chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thực hiện trọn vẹn khát vọng hòa bình, độc lập, tự do bằng ý chí tự lực, tự cường, dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng biết bao máu xương. Đằng sau kỳ tích xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa,… đã có những sự hy sinh thầm lặng.

LTS: Ngày 27/4/2023, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Thái Nguyên triển khai 6 mô hình điểm về Đề án 06. Đến ngày 30/6/2023, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ phối hợp UBND tỉnh Thái Nguyên triển khai 21 mô hình điểm về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (bao hàm 6 mô hình nêu trên). Đến nay, sau gần một năm triển khai, 17 mô hình cơ bản hoàn thành, 4 mô hình đang thực hiện, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Theo Đại tá Trần Thị Kim Lý, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, việc triệt phá đường dây tội phạm xuyên quốc gia hoạt động rửa tiền hàng chục ngàn tỷ đồng là kết quả của việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia trong tình hình mới. Trên cơ sở nhận diện được loại tội phạm này, Công an thành phố đã xác định được phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, triển khai hiệu quả biện pháp đấu tranh, triệt phá. Tuy nhiên, qua vụ án này cũng cho thấy nhiều vấn đề đáng lưu tâm…

Rạng sáng 1/5, trận bán kết lượt đi Champions league 2023/2024 đã diễn ra giữa hai đội Bayern và Real Madrid. "Kền kền trắng" vươn lên dẫn trước rồi để đại diện nước Đức dẫn ngược trước khi kết thúc trận đấu với tỷ số hoà.

Từ ngày 6 đến 8/5, các tay vợt bóng bàn Việt Nam bước vào vòng tranh vé dự Olympic Paris 2024 khu vực Đông Nam Á. Hy vọng giành vé dự Olympic Paris 2024, cũng là lần thứ ba góp mặt ở sân chơi này của các nhà quản lý, HLV và các tay vợt bóng bàn Việt Nam là có thật dù biết rằng không dễ thực hiện.

Đã 70 năm đã trôi qua, những người lính tuổi mười tám, đôi mươi năm nào nay tuổi đã cao, chân đã yếu, mắt đã mờ nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng ấy vẫn in đậm trong tâm khảm, không thể nào quên.

Nắng nóng gay gắt chấm dứt ở miền Bắc với sự xuất hiện của mưa lớn diện rộng với lượng mưa có nơi trên 50mm, nền nhiệt giảm nhanh gần 10 độ C. Khu vực Trung và Nam Bộ duy trì nắng nóng như "thiêu đốt".

Bắt đầu từ ngày 2/5, thí sinh đang học lớp 12 trên toàn quốc sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 bằng hình thức trực tuyến. Thời gian đăng ký kéo dài đến 17h ngày 10/5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lưu ý, trước khi khai phiếu đăng ký dự thi, thí sinh cần đọc kỹ các mục và bản hướng dẫn ghi phiếu mà Bộ GD&ĐT đã ban hành, những điểm nào chưa rõ phải hỏi cán bộ tiếp nhận để được hướng dẫn đầy đủ bởi thí sinh chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin khai trong phiếu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文