Nhặt chuyện ngày lũ

13:45 14/11/2017
Miền Trung những ngày này mưa suốt, thênh thang là nước, thênh thang là nỗi buồn. Đến đâu cũng thấy, cũng nghe mất mát, tiếng khóc rồi tiếng thở dài át cả đất trời đang vần vũ. 

Tôi sinh ra ở miền Trung, một dải đất dài quen với khốn khó, quen với cam chịu, quen với nhọc nhằn. Nhưng lần này, cơn can qua của thiên tai gây thiệt hại nặng nề quá, tạo tai ương nhiều quá.

Ngẫm mình may mắn hơn bao nhiêu đồng bào của mình, nghĩ mình còn hạnh phúc lắm. Mặc cho những lúc như thế này, mới ngộ ra rằng con người nhỏ bé biết bao nhiêu, phận đời mong manh biết bao nhiêu.

Ông bà nói không sai, rằng chỉ có trong những lúc hoạn nạn, ngặt nghèo, mới thấu cảm được hết tình người dành cho nhau. Tác nghiệp trong những ngày lũ dữ hoành hành miền Trung, mới thật thấm thía điều cổ nhân dạy.

1. Mới hơn 17h chiều mà trời đã sụp tối, mưa và gió như tạt vào từng khuôn mặt các lực lượng cán bộ chiến sĩ của Hải đội 2 Biên phòng Quảng Nam, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam và Bộ đội Biên phòng Cửa Đại (TP Hội An - Quảng Nam). Họ đang căng mắt về phía trước, nơi dòng sông Thu Bồn đang cuồn cuộn chảy về cửa biển Cửa Đại.

Trên dòng chảy hung tợn ấy, từ phía xa trong sẫm tối, một chiếc ca nô gần như đang rẽ sóng hết tốc lực để hướng về phía bờ. Trên ấy, có hàng chục công nhân vừa được lực lượng này đưa khỏi cồn nổi Gami (thuộc địa phận 2 phường Cẩm Nam và Cẩm Châu, TP Hội An). 

Chưa đầy 2 phút sau, với sự giúp đỡ từ đồng đội nơi phía bờ, chiếc ca nô cập cảng. Liền sau đó, từng công nhân tay khệ nệ đồ đạc, hành lí bước xuống ca nô với khuôn mặt không thể không rạng rỡ. Nhưng lực lượng cứu hộ thì chưa thể tươi tắn hơn được, khi ngoài cồn Gami, vẫn còn hàng chục công nhân khác đang đợi ứng cứu, khi mà nước lũ vẫn đang tiếp tục lên nhanh và trời đã tối đen như mực.

Trên ca nô theo lực lượng cứu hộ này ra cồn Gami, nhiều lúc sóng đánh vào thân ca nô nghe rõ mồn một mà… ớn người. Nhưng có lẽ đã quá quen với hoàn cảnh này, mà đặc biệt là biết vẫn còn hàng chục mạng người đang đợi mình ứng cứu, nên có vẻ các chiến sĩ chẳng mảy may điều gì. Hơn nữa, họ phải chú ý đến dòng chảy để tránh những bãi bồi, hay gỗ từ thượng nguồn đang theo dòng nước hung tợn đổ về. 

Tôi hỏi một chiến sĩ: "Cồn Gami ở hướng nào?". Anh chỉ tay về phía trước đen kịt: "Nó ở chỗ đó đó anh". Mất khoảng 20 phút, chúng tôi đến được cồn Gami. Phía dưới, hàng chục công nhân ôm hành lý đứng co ro trong mưa gió. Nhưng điều quan trọng hơn, là họ đứng đó cùng với tâm lí đầy lo sợ khi nước lũ vẫn đang tiếp tục dâng lên. 

Và khi thấy chiếc ca nô của lực lượng cứu hộ đến, trên khuôn mặt họ liền giãn những âu lo. Vì họ biết, mình được giải cứu khỏi nơi lũ dữ.

Việc cứu hộ diễn ra trong mưa gió, bão lũ như thế và đến khoảng 19 giờ 20 phút cùng ngày, mới hoàn tất đưa 131 công nhân trên cồn Gami vào bờ an toàn. 

Đứng trong Đồn biên phòng Cửa Đại, N.T.Th. (26 tuổi, quê Quảng Bình), trong giọng nói vẫn chưa hết âu lo, cho biết rằng mình mới vào đây làm được 10 ngày, và ở trên cồn nổi Gami. Th. làm công việc nấu ăn với tiền lương là 170 ngàn đồng mỗi ngày. 

"Chớ sao nước lũ lên mà không chịu vào sớm?" - tôi hỏi. "Trước 15h chiều, nghĩ nước sẽ không lên cao nữa, nên bọn em mới không vào, có ngờ đâu…" - Th. đứt quãng. 

Th. chỉ là một trong 131 công nhân đang làm việc cho dự án công viên Ấn tượng Hội An trên cồn nổi Gami. Công trình này có chủ đầu tư là Công ty CP Gami Hội An (có trụ sở tại phường Cẩm Châu). Không hiểu chủ đầu tư nghĩ gì, mà thông báo với cơ quan chức năng là đã cho công nhân của mình vào bờ hết. 

Mãi đến khoảng 16h ngày 5-11, có một người xưng là nhân viên của công ty trên đến trụ sở UBND TP Hội An báo cáo còn 70 công nhân đang bị mắc kẹt trên cồn Gami và cần ứng cứu trong bối cảnh nước lũ đang dâng cao. 

Tiếp nhận thông tin, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó chủ tịch UBND TP. Hội An đã yêu cầu đại diện công ty gọi điện để xác nhận trước khi huy động các lực lượng liên quan khẩn trương ứng cứu. 

Và khi cứu xong, với con số cụ thể 131 công nhân, những người cứu hộ không khỏi rùng mình trước sự "chủ quan" của chủ đầu tư. Và nếu không ứng cứu kịp thời, không biết số phận 131 công nhân này sẽ… trôi về đâu khi mà ít giờ sau đó, cồn Gami đã chìm trong biển nước.

Trên báo Tuổi trẻ có câu chuyện kể về ông Hùng, 23h đêm vẫn nhịn đói ký công văn khẩn để điều hành công tác cứu hộ cứu nạn. Một câu chuyện vô cùng cảm động.

2. Những ngày bão lũ, không thiếu chuyện để kể, nhưng tiếp theo đây, là câu chuyện cũng thấm đẫm tình người của những người không thân thích ruột rà đối với dân vùng ngập lũ, một nghĩa cử hoàn toàn trái ngược với cách cư xử của chủ đầu tư đối với 131 công nhân của họ tại cồn Gami. Đó là trong những ngày biển nước mênh mông ở Hội An, chúng tôi bắt gặp những chiếc ghe chở những phần cơm nóng đến với người dân vùng ngập lũ. 

Và trong khi đó, trên  các tuyến đường ở Hội An như Nguyễn Thái Học, Phan Châu Trinh, Hai Bà Trưng…, xuất hiện những tấm biển ấm lòng người: "Cơm - nước miễn phí". 

Chị Mai Quyên - chủ tiệm cơm chay Đạm (có địa chỉ 71/20 Phan Châu Trinh), cười nói với tôi rằng, những ngày qua chị cùng anh cả của mình là anh Mai Huy Vũ và mẹ ruột ra chợ mua đồ về nấu cơm để mang đi phát cho người dân vùng ngập lũ. Lúc này, những nồi thức ăn sạch sẽ, ngon lành dậy mùi được dọn ra.

Nghĩa cử cao đẹp của chị Quyên được lan tỏa bởi những người bạn và hàng xóm, khi họ đến giúp chị lo cơm nước cho dân vùng ngập lũ. 

"Mình thấy lũ lên lớn quá, nhiều người dân nhà ngập sâu co ro trong lạnh thấy thương, nên rủ mẹ và anh trai cùng nấu cơm để đem đi phát cho họ vì bây giờ họ rất cần nước và thức ăn" - chị Quyên chia sẻ lí do công việc của mình. 

Trong khi ấy, "cộng sự" của chị Quyên là chị Lê Thị Hoàng Yến - chủ tiệm bánh Song Khiêm, cho biết, bên cạnh việc nấu cơm, chị còn kêu gọi những thanh niên khỏe mạnh để phụ giúp mang cơm đi cho người dân. 

"Cơm và nước miễn phí hiện đang nấu cho bà con từ 10h sáng đến 21h trong 3 ngày từ ngày 6-11 đến ngày 8-11 tại quán chay Đạm gần trường Nguyễn Duy Hiệu mọi người cần ghé lấy giúp ạ! Cần 10 bạn nam biết bơi chuyển cơm và nước đến vùng ngập nước, mong nhận được sự hỗ trợ của các bạn. Các bạn chia sẻ giúp Yến" - lời kêu gọi của chị Yến. 

Và trong những ngày qua, nhóm của Yến đã mang cơm đến cho người dân Cẩm Nam và Cẩm Kim - nơi ngập sâu nhất của TP. Hội An.

Tiếp tục lang thang trên phố, tôi bắt gặp hình ảnh khá nhiều người đến lấy cơm, gói ghém cẩn thận để mang đi cho những người dân ở Hội An đang ngập trong lũ. Nhiều hàng quán khác, cũng gói sẵn những phần thức ăn để cho người qua đường có thể lấy dùng. 

"Mình không nấu được, thì chung tay mang đến cho những người cần, thế thôi" - anh Hoàng Anh Phong, 35 tuổi, đáp vội như vậy, trước khi rời đi trong vội vã sau câu hỏi của tôi. 

Các nhóm từ thiện mang cơm cho người dân vùng lũ. Ảnh: Xuân Thọ.

Trong khi đấy, nhóm anh em tiệm cơm chay An Như (516 Hai Bà Trưng, Hội An) tranh thủ cho những túi ni lông chứa đầy cơm, bánh mì, nước sạch lên thuyền để đưa đến cho người dân vùng lũ. 

Anh Đỗ Thành Trung - thành viên của nhóm cho biết nhóm anh đã qua ba ngày chèo ghe để đi phát cơm, nước sạch cho người dân nhưng vẫn còn rất nhiều người dân sống trong vùng ngập lụt đang cần sự giúp đỡ.

"Mấy ngày hôm nay tụi mình đi chỗ nào cũng thấy nhà cửa ngập băng, nước lên nhanh và ngập sâu chưa từng thấy. Bà con hầu hết không kịp xoay xở, chuẩn bị thức ăn, nước sạch nên qua ngày thứ ba thứ tư của đợt lũ là bắt đầu cầu cứu" - anh Trung chia sẻ. 

Cũng theo anh Trung, vì thấy lũ lụt gây thiệt hại quá lớn nên cả mấy anh em trong nhà cùng nhân viên tiệm cơm của mình bàn nhau mua gạo, ra chợ mua thêm thực phẩm rồi cùng nhau nấu nướng. 

Cơm chín tới đâu mọi người phân chia nhau tới các khu vực xa trung tâm, nơi nhiều người đang cố cầm cự để phát tới đó. Ngoài việc nấu cơm phát miễn phí, anh em Trung còn mua tổng cộng 25 tấn gạo rồi thuê xe tải đi cứu trợ cho người dân các phường ngập sâu tại Hội An như Cẩm Châu, Cẩm Kim...  

Nhận suất cơm ấm nóng trên tay nhóm thanh niên, ông Huỳnh Lượng - sống trên tuyến đường Hùng Vương đứng trên mái tôn giọng run run: "Lũ lên nhanh quá nên cả nhà không kịp dự trữ đồ ăn. Cầm cự được hai ngày, qua ngày thứ ba mọi thứ cạn sạch. Cả ngày nay gia đình tôi chưa có hột cơm nào, phải ăn mì tôm cầm cự".

3.Kể hai câu chuyện ngày lũ như thế, để thấy rằng bên cạnh một vài trái tim trơ trọi đến lãnh cảm đối với mạng sống của đồng loại mình, thì vẫn còn đó những trái tim luôn hướng đến nơi đồng loại của mình đang gồng mình chống chọi với lũ lụt.

Như thắp lên một đốm lửa để sưởi ấm những bàn tay lạnh nhăn nheo vì ngâm trong nước lũ, như tin rằng dẫu có bất cứ chuyện gì xảy ra, người Việt vẫn biết cách thương yêu nhau, vẫn biết cách san sẻ cùng nhau.

Dẫu cho nơi nào đó, người ta vẫn đang vui vẻ với một cuộc thi nhan sắc, với những bao biện bảo vệ, với những thương vụ kinh doanh truyền hình mà quên đi rằng ngang ngõ nhà có tang không nhắc chuyện dây thừng.

Xuân Thọ.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文