Muốn thu thuế tài sản, phải giải thích sòng phẳng cho dân

18:04 26/04/2018
Người dân không ai muốn nộp thêm thuế. Nhưng nếu bắt buộc phải thu thêm thuế, cần nhiều giải thích rõ ràng cho dân một cách sòng phẳng là vì sao phải thu loại thuế này?

Hồ Quốc Tuấn - Tiến sĩ Tài chính – Kế toán của Đại học Manchester (Anh) và Thạc sĩ Tài chính của Đại học Melbourne (Australia). Hiện là giảng viên Tài chính – Kế toán tại Đại học Bristol, Anh.

Lĩnh vực nghiên cứu của ông là thị trường tài chính, định giá tài sản, chiến lược đầu tư và chính sách tài chính ở các nước đang phát triển.


5,7 triệu đồng thuế mới và 330.000 đồng thuế cũ

Gần đây Bộ Tài chính đưa ra đề xuất thuế tài sản gây chú ý lớn trong dư luận. Điểm đáng chú ý của đề xuất này là việc đánh thuế đối với đất và tài sản gắn liền với đất, chẳng hạn như nhà ở. Với nhà ở thì đề xuất của Bộ Tài chính có đưa ra là phần giá trị nhà trên 700 triệu đồng sẽ bị đánh thuế.

Ví dụ, với một diện tích đất 50m² và trên đó có xây dựng nhà ở, giá trị 1,5 tỷ, thì Báo Tuổi trẻ có làm một phép tính ước đoán dựa trên đề xuất của Bộ Tài chính là phần diện tích đất 50m² sẽ phải nộp 3,3 triệu đồng thuế đất (50m² x giá đất 22 triệu/m² x thuế suất 0,3%), và 2,4 triệu đồng thuế nhà  ((1,5 tỷ - 700 triệu) x 0,3%). 

Tổng cộng theo đề xuất thuế tài sản thì thuế phải nộp cho miếng đất và căn nhà xây trên đó là 5,7 triệu đồng/năm.

Trên tinh thần và phương pháp tính đề ra, đây là một loại thuế nhà đất (property tax) áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Và theo quan điểm của các chuyên gia từ Bộ Tài chính, đây sẽ là loại thuế thay thế cho thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đang áp dụng. 

Nhưng thuế phải nộp theo luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện tại nếu theo ví dụ trên sẽ chỉ là 330.000 đồng/năm cho cả miếng đất 50m² (áp dụng thuế suất 0,03%) và không có tính thuế cho căn nhà 1,5 tỷ.

Về cơ bản, nghĩa là theo đề xuất của Bộ Tài chính, khi thay thế thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bằng thuế tài sản thì thuế phải nộp của người dân hằng năm sẽ tăng lên nhiều (chỉ riêng phần thuế đất là tăng 10 lần).

Nước ngoài có thu loại thuế này?

Bộ Tài chính viện dẫn rằng nhiều nước áp dụng loại thuế này. Tuy nhiên, điểm không rõ ràng lại nằm ở đây.

Các nước áp dụng loại thuế tương tự đề xuất của Bộ Tài chính là một dạng thuế/phí của chính quyền địa phương để trả cho dịch vụ công ích mà địa phương cung cấp với tên gọi là thuế chính quyền địa phương (council tax) hoặc thuế nhà đất hằng năm (annual property tax). 

Các dịch vụ công ích bao gồm trường học, bệnh viện, cứu hỏa, cảnh sát, thu gom rác, v.v... ở địa phương và do chính quyền địa phương (như dạng hội đồng nhân dân ở ta) quy định.

Nguồn thu thuế vì vậy có tính hoàn trả gián tiếp cao, phục vụ cho lợi ích cộng đồng nộp thuế địa phương. Nói nôm na, nếu người ta nộp 5,7 triệu đồng mỗi năm mà đổi lại dịch vụ công ích như cho con đi học, khám chữa bệnh, xe buýt công cộng tốt, khiến cuộc sống của họ được lành mạnh, đồng thời chi phí thuế không quá cao so với thu nhập hằng năm thì họ cũng chấp nhận nộp.

Trong khi đó, cách gọi tên là thuế tài sản của Bộ Tài chính dễ gây hiểu lầm và mở rộng diện nộp thuế đến bất kỳ cái gì có thể gọi là tài sản, từ xe, nhà, đến tài khoản ngân hàng, v.v... Nó cũng dễ dẫn đến việc người ta “gói ghém” vào trong đó những loại thuế như thuế tài sản ròng (net wealth tax) mà còn rất ít nước trên thế giới áp dụng. 

Việc Bộ Tài chính cũng có phương án đánh thuế ô tô, du thuyền cũng ít nhiều cho thấy nỗi lo luật thuế này sau này sẽ bị lạm dụng mở rộng là không xa.

Nói cách khác, mặc dù trong thông tin cung cấp cho người dân về chuyện nước ngoài áp dụng thuế nhà đất phổ biến, Bộ Tài chính đã “gói ghém“ trong dự thảo luật thuế và tên gọi của nó những thứ mà nước ngoài không áp dụng phổ biến. Đây là một sự mập mờ khó hiểu với một luật thuế quan trọng như vậy.

Vì sao phải thu thuế tài sản?

Câu hỏi quan trọng hơn câu hỏi nước khác có thu thuế này hay không là vì sao phải thu nó? Đâu cứ dân nước người ta phải đóng thuế loại này thì dân Việt Nam cũng phải như vậy? 

Thu thuế này rồi thì có đảm bảo người Việt Nam được hưởng chất lượng dịch vụ công như ở những nước giàu đã áp dụng nó hay không? Với tình trạng lãng phí trong chi tiêu công hiện tại, rất khó đảm bảo điều này.

Chưa hết, với thuế loại này ở nước ngoài, quy định của nhiều nước là tiền thuế chỉ có thể chi cho dịch vụ công ích địa phương mà người nộp thuế cư trú. Điều này cũng hợp lý vì dịch vụ công ích địa phương tốt thì người cư trú coi như là đóng phí quản lý môi trường sống cho Nhà nước. 

Minh họa: Lê Phương.

Ở Việt Nam, không có quy định về thuế sẽ được chi cho mục đích gì nên tính tốt đẹp của loại thuế này ở các nước cũng không có. Vậy vì sao phải thu nó?

Phải chăng là vì như trong ví dụ trên, thuế mới đem lại 5,7 triệu đồng thuế mới và thuế cũ chỉ đem lại 330.000 đồng? Và vì ngân sách cần thêm tiền (áp lực nợ nước ngoài vẫn lớn) nên ta phải tăng thuế?

Bộ trưởng Bộ Tài chính trong giải thích gần đây về luật thuế này cho rằng chủ trương của luật này là nâng cao hiệu quả sử dụng nhà đất, chống đầu cơ nhà đất, không ảnh hưởng đến người nghèo và nhu cầu nhà ở hợp lý của người dân. 

Tuy nhiên, thực tế định nghĩa thế nào là “nghèo”, thế nào là không ảnh hưởng tới nhu cầu nhà ở phụ thuộc rất nhiều vào các khung giá đánh thuế, vốn rất dễ lạc hậu theo thời gian đồng thời khó đảm bảo tính công bằng. Một người giàu có rất nhiều cách để che giấu tài sản của họ, nhưng người nghèo thì không.

Vì vậy, đề xuất đánh loại thuế này chỉ từ căn nhà thứ hai trở đi là một giải pháp trung dung cần xem xét, bởi vì dù giải pháp này có những hạn chế riêng của nó, tránh được chuyện lỡ đánh thuế nhầm người nghèo chỉ sở hữu có một căn nhà.

Lời kết

Nói cho cùng, người dân không ai muốn nộp thêm thuế. Nhưng nếu bắt buộc phải thu thêm thuế, cần nhiều giải thích rõ ràng cho dân một cách sòng phẳng là vì sao phải thu loại thuế này? Nếu nói là cần thêm nguồn thu, thì dân cần biết là chính phủ đã làm gì để đảm bảo chi tiêu thuế của dân hiệu quả hơn.

Ngoài ra, nếu bắt buộc phải thu vì an ninh tài chính quốc gia, phải tính đến giải pháp nào mà những sai lầm trong thu thuế (thường xuyên xảy ra ở các nước) ít ảnh hưởng tới người ít có khả năng nộp thuế nhất. 

Nói nôm na, nếu đã nói thuế nhắm vào chống đầu cơ đất của người giàu thì phải làm sao người nghèo và thu nhập trung bình không bị thu thuế hoặc bị thu rất thấp.

Hồ Quốc Tuấn

Chiến lược dữ liệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ xác định là nguồn tài nguyên mới, yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân. Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Gần 2 tháng qua, nhiều hộ nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh An Giang tham gia liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (gọi tắt là Tập đoàn Lộc Trời) như ngồi trên đống lửa khi lúa đã bán đi, tiền chưa nhận được, nợ chi phí sản xuất của vụ Đông Xuân chưa trả thì gánh nặng của đợt xuống giống vụ Hè Thu lại đến…

Dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo đang được đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp.

Điện Biên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc. Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của quan hệ hợp tác quốc tế, Đảng ủy Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại trong đó có hợp tác quốc tế với Công an các tỉnh có đường biên giới tiếp giáp thuộc 2 quốc gia Lào và Trung Quốc trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia…

Các đơn vị trúng thầu dự án đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đi qua địa bàn xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã san ủi đồi núi, đổ lấp xuống con sông chảy qua địa bàn xã này hàng nghìn m3 đất đá. Hậu quả của việc làm này không chỉ gây ra tình trạng sông suối bị chặn dòng, thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, sản xuất ở vùng hạ du, mà còn gây ô nhiễm môi trường xung quanh; gây bồi lấp, nhấn chìm ruộng đồng, nhà cửa của hàng trăm hộ dân ở đây vào mùa mưa lũ.

Chỉ trong vòng 3 tháng, bóng đá Việt Nam liên tục rúng động vì thông tin các cầu thủ chuyên nghiệp "nhúng chàm". Sau vụ 5 cầu thủ Bà Rịa Vũng Tàu bị bắt vì nghi vấn dàn xếp tỷ số đến lượt 5 cầu thủ của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị tạm giam vì liên quan đến ma túy.

Thuê máy chủ ở nước ngoài, đường dây môi giới mại dâm quy mô do Hoàng Duy Hưng, SN 1990, trú tại thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã tạo ra hàng loạt trang website "đen", đăng tải hình ảnh gái mại dâm và tạo ra các diễn đàn trên mạng để câu khách. Ước tính cả triệu người tham gia các trang web và diễn đàn độc hại này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文