Biếu quà Tết và việc xử lý “gốc” của vấn nạn

14:53 10/02/2017
Nếu chúng ta xử lý được gốc của tham nhũng thì tự nhiên những chuyện ở trên "ngọn" như vấn nạn biếu quà Tết như hiện nay sẽ tự tiêu tan...

Bạn Trần Đức Cường, Ba Đình, Hà Nội: Thưa nhà báo, một cái Tết đã qua, ngày đầu năm bạn bè, đồng nghiệp gặp nhau vẫn kêu ca một điều. Đó là chuyện biếu quà ngày Tết. 

Chuyện biếu quà vẫn là điều mệt mỏi nhất đối với nhiều người trong dịp Tết cho dù trước Tết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ thị cấm các bộ ngành, các địa phương đến chúc Tết các cơ quan chính phủ trong dịp Tết.

Việc các đoàn xe mang biển số xanh tấp nập chạy ngày đêm đi chúc Tết đã giảm đi trông thấy. Đó là một điều đáng mừng. Nhưng hầu hết mọi người vẫn không từ bỏ được hoặc không dám từ bỏ chuyện chúc Tết. Tôi là một công chức còn trẻ, mấy năm trước đều đến chúc Tết lãnh đạo cơ quan, năm nay tôi không đi lễ Tết các lãnh đạo nhưng lòng thấy không yên.

Thưa nhà báo, tại sao từ một phong tục đẹp là tặng quà ngày Tết cho nhau lại biến thành một vấn nạn của xã hội? Làm thế nào để vấn nạn này được giải quyết? Tôi muốn nghe ý kiến của nhà báo về vấn đề này.

Minh họa: Lê Phương.

Nhà báo Minh Đức: Thưa anh Trần Đức Cường, cho dù Tết đã qua, nhưng thực sự gánh nặng biếu quà Tết vẫn còn trong tâm trí nhiều người nhất là những người đang làm việc ở các cơ quan đoàn thể. Vấn đề biếu quà Tết hầu như chỉ là vấn nạn của những người đang sinh sống, làm việc ở các thành phố, mà lại làm việc trong các cơ quan, tổ chức của Nhà nước. Tôi muốn đưa ra để anh cùng suy ngẫm về một thực tế ở nông thôn.

Ở nông thôn, người nông dân không phải mệt mỏi gì gánh nặng quà biếu cho dù họ vẫn biếu quà ngày Tết như con cháu biếu ông bà, bố mẹ, anh chị em biếu quà nhau, học sinh biếu quà thầy cô, bệnh nhân biếu quà thầy thuốc, rồi người ta biếu quà cho ân nhân hay những người đã giúp đỡ mình một việc gì đó hoặc chỉ là bạn bè biếu quà Tết cho nhau.

Quà biếu ở nông thôn cũng thật đơn giản; thường là nông sản người nông dân làm ra như hoa quả trong nhà, một hai chục cân gạo nếp để gói bánh chưng, gạo tẻ ngon để ăn và những thứ họ nuôi được như gà nuôi trong vườn, cá thả trong ao.

Người thôn quê đi tặng quà Tết rất vui và thanh thản và người được tặng quà cũng vui và thanh thản. Vì quà ở đây chủ yếu là mang giá trị tinh thần, là tình cảm của con người với con người và sâu xa là những hành vi văn hóa. Còn quà biếu của hầu hết những người đang làm việc là một gánh nặng và là một khoản thu nhập không nhỏ. Người phải đi biếu thì quà Tết là một gánh nặng còn người được biếu thì quà Tết là một khoản thu nhập.

Quà biếu là gánh nặng đối với những người cấp dưới, những người tạo dựng mối làm ăn, những người muốn thăng quan tiến chức, những người muốn thoát khỏi trách nhiệm của mình, những người cậy nhờ người có quyền chức việc này, việc nọ. Những cán bộ, nhân viên cấp dưới đến biếu quà tết lãnh đạo nhân dịp Tết đến thực ra là chuyện cũng bình thường.

Nhân Tết đến, người ta biếu nhau một món quà gì đó tôi nghĩ cũng là một cách thể hiện tình cảm giống như chúng ta mừng tuổi cho người già, con trẻ vậy. Nhưng dần dần, việc biếu quà Tết không còn là việc tình cảm hay tự nguyện nữa. Cho dù không muốn thì các cán bộ, nhân viên cấp dưới vẫn phải lo biếu quà tết cho lãnh đạo. Mà biếu quà Tết bây giờ không là hình thức nữa mà phải chú ý đến chất lượng và giá trị của quà biếu.

Trước kia, quà Tết thường là bánh mứt, rượu chè nhưng ngày nay thường kèm theo phong bì. Lo quà Tết biếu thủ trưởng lại còn phải lo quà Tết biếu cấp phó. Thế là người ta cứ phải chạy long sòng sọc lên. Trong những người biếu quà Tết thông thường cho lãnh đạo thì có những người nhân dịp Tết bày tỏ "nguyện vọng" của mình với lãnh đạo bằng giá trị quà biếu.

Hồi ông Hoàng Văn Nghiên còn là chủ tịch TP Hà Nội, báo chí đã đưa tin ông Nghiên báo cáo và nộp lại cho tổ chức bốn tỷ đồng tiền người ta mừng tuổi ông. Ai mừng tuổi ông? Đó là các cơ quan, cá nhân cấp dưới, các tập đoàn kinh tế làm ăn trong khu vực TP Hà Nội.

Cho dù dư luận không tin đó là toàn bộ số tiền ông Nghiên được mừng tuổi thì bốn tỷ tiền mừng tuổi đã là một con số khủng khiếp. Số tiền đó đã cho chúng ta hình dung được một phần chuyện biếu quà Tết nó khủng khiếp như thế nào.

Câu chuyện vị chủ tịch Hà Nội nhận tiền mừng tuổi là câu chuyện thật 100%. Nhiều người nhẩm tính một người làm chủ tịch một nhiệm kỳ năm năm sẽ nhận được 20 tỷ tiền mừng tuổi và nếu làm việc hai nhiệm kỳ sẽ nhận được 40 tỷ tiền mừng tuổi.

Trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, có những ý kiến đề nghị bỏ ăn Tết Nguyên đán và chỉ ăn Tết dương lịch mà thôi. Họ đề nghị như vậy với lý do Tết Nguyên đán quá mệt mỏi. Đề nghị đó là đề nghị sai lầm về mặt nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của Tết Nguyên đán trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. 

Nhưng có một lý do là người ta sợ Tết vì phải lo đủ thứ. Nếu chỉ lo nồi bánh chưng, cành đào, chai rượu, ít bánh mứt và thực phẩm cho mấy ngày Tết thì chỉ là chuyện nhỏ ngay cả đối với người nông dân hiện nay. Nhưng một trong những nguyên nhân chính gây nên mệt mỏi là quà biếu Tết.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm biếu quà Tết làm cho một số người yên tâm hơn khi họ quyết định không biếu quà Tết cho lãnh đạo. Nhưng đấy chỉ là một vài người mà thôi. Năm nay, thực tế cho thấy người ta vẫn đi biếu quà Tết cấp trên nhưng không công khai như những năm trước mà "bí mật" hơn.

Các cán bộ, nhân viên cấp dưới vẫn không đủ can đảm không biếu quà Tết lãnh đạo và có không ít lãnh đạo vẫn... đợi quà tết cho dù trước cơ quan họ vẫn phổ biến với nhân viên cấp dưới về chỉ thị của Thủ tướng.

Khi người ta còn giải quyết hầu hết mọi việc bằng quan hệ mà một trong những quan hệ cần thiết là bằng tiền thì việc đút lót, hối lộ hay biếu quà vẫn còn. Chính phủ chẳng có đủ công cụ để giám sát việc này. Vì vậy, không biết bao giờ chúng ta mới xóa được vấn nạn "biếu quà Tết" như hiện nay.

Chính phủ Mỹ và nhiều chính phủ trên thế giới có những qui định về quà biếu dành cho tổng thống của họ. Quà biếu với giá trị từ mức nào trở xuống thì tổng thống được nhận còn ở mức nào trở nên thì phải xung công quĩ. 

Các tổng thống của họ đã thực thi qui định này một cách nghiêm minh vì cơ quan giám sát của họ vô cùng chặt chẽ và vô cùng nghiêm minh. Tài khoản của tổng thống và mọi quan chức cũng như người dân được giám sát một cách chặt chẽ. Nếu anh có mua một miếng đất hay mua một biệt thự anh đều phải chứng minh nguồn tài chính của anh.

Chính thế mà anh không thể dùng vợ anh, con anh, cháu anh hay anh chị em anh đứng tên các tài khoản hay các bất động sản thay anh. Việc giám sát này đã ngăn cản một cách có hiệu lực các hành động tham ô, tham nhũng hay rửa tiền của mọi công dân từ tổng thống đến một đứa trẻ của họ.

Còn ở Việt Nam, chúng ta không làm được điều mà thực ra rất dễ làm này. Bởi vậy mới có những câu chuyện nực cười mà báo chí đã từng đưa cách đây mươi năm khi một cậu học sinh đang học phổ thông đã cầm trong tay sổ đỏ của hàng ngàn mét đất hay vài ba biệt thự. Bố của cậu học sinh ấy là một quan chức có vị trí cao trong tỉnh thản nhiên nói rằng đó là tài sản của con ông ấy.

Chuyện cười ra nước mắt như thế lại trở thành chuyện "hợp lý" thì hỏi luật pháp ở đâu và bao giờ mới chống nổi tham nhũng. Vì vậy mà chuyện biếu quà tết với mục đích tư lợi không thay đổi mà nó chỉ đi bằng đường công khai sang đường bí mật mà thôi. 

Tôi nói "biếu quà tết với mục đích tư lợi" là để muốn nói nó khác với việc biếu quà Tết truyền thống với những nét đẹp của phong tục và văn hóa mà chúng ta cần bảo vệ. Bởi bản thân tôi cũng biếu quà Tết và cũng được biếu quà Tết với một tình cảm chân thực và những nét đẹp văn hóa.

Có rất nhiều người lên tiếng làm thế nào để xóa được vấn nạn biếu quà Tết như tôi nói ở trên. Các chỉ thị đều có những tác dụng khác nhau nhưng để có hiệu lực nhất là hệ thống giám sát tài chính.

Báo chí đưa tin về các quan tham Trung Quốc khi khám nhà đã phải dùng cả chục máy đếm tiền đếm trong một hai ngày đến cháy cả máy vẫn chưa hết số tiền mặt mà các quan tham này cất giữ trong nhà. Câu chuyện đó cho thấy một phần hiệu lực của hệ thống giám sát tài chính của Trung Quốc nên các vị quan tham kia không thực hiện được việc rửa tiền một cách dễ dàng. Vì thế mà số tiền mặt họ được đút lót hay tham ô mới ứ lại trong nhà họ nhiều như thế.

Chuyện đút lót, chạy quyền chạy chức dưới hình thức quà biếu hay quà Tết là chuyện nhỏ và là chuyện ở trên "ngọn". Nếu chúng ta xử lý được gốc của tham nhũng thì tự nhiên những chuyện ở trên "ngọn" như vấn nạn biếu quà Tết hiện nay sẽ tự tiêu tan.

M.Đ.

Sau thời gian theo dõi, ngày 12/4/2024, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang nhóm đối tượng do Tăng Khải Văn (sinh năm 1988, trú tại quận 10) cầm đầu đang tổ chức đánh bạc qua mạng, dưới hình thức cá độ bóng đá.

Nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) chiều nay (27/4) cho biết, trong hành trình truy bắt 3 đối tượng người nước ngoài gây án cướp tài sản có tổng trị giá gần 700 triệu đồng, các trinh sát hình sự phát hiện còn có 1 đối tượng đồng phạm khác cũng là người nước ngoài, nên đang khẩn trương truy lùng.

Quá trình kiểm tra, đối tượng khai nhận đang cất giấu trong người 1 khẩu súng ngắn, trong súng có chứa 4 viên đạn  với mục đích mua về để sử dụng phòng thân và hiện đang cất giấu ma tuý đá, heroin, hồng phiến tại chỗ ở của hai vợ chồng.   

Chiều 27/4, Trung tá Tạ Quang Dung, Trưởng Công an huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị phát hiện một đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam theo đường mòn, lối mở trái phép trên tuyến biên giới huyện Hướng Hóa, nên xây dựng phương án đấu tranh, bắt giữ.  

Sau nhiều tháng trì hoãn, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt khoản hỗ trợ quân sự trị giá gần 61 tỉ USD cho Ukraine. Ngay sau đó, Vương quốc Anh và nhiều nước châu Âu đồng loạt lên tiếng “hỗ trợ quân sự tối đa cho Ukraine” nhằm giúp nước này phòng thủ trước Nga. Giới chuyên gia đặt câu hỏi: Liệu 61 tỉ USD có đủ cho Ukraine không?

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp với nguồn tin từ người dân cung cấp, lực lượng Công an đã khẩn trương truy bắt nhanh gọn 3 người nước ngoài đã đột nhập cửa hàng kinh doanh điện thoại ở phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) để cướp tài sản.

Sáng 27/4, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, người dân vẫn tiếp tục rời Hà Nội đi du lịch và về quê qua cửa ngõ phía Nam Thủ đô khiến mật độ phương tiện trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tăng cao, ùn tắc kéo dài đã xảy ra trước trạm thu phí.

Từ nhiều năm qua, hơn 60 hộ gia đình nông dân ở thôn Lễ Lộc Bình, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa (Phú Yên) bức xúc vì con đường đi ra đồng đất Khu A hình thành lâu đời bỗng bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho một hộ dân, cất nhà trên đó; để rồi bà con không có lối đi để sản xuất, vận chuyển nông sản.

Sáng 27/4, 2 đám cháy rừng tại khoảnh 8 và khoảnh 9, Tiểu khu 18B thuộc lâm phần rừng Phòng hộ núi Dài (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) và tại khu vực Kẹt Càng Đước trên núi Cô Tô (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) cơ bản đã được kiểm soát, khống chế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文