Bố mẹ sai ở đâu, Cường ơi?

14:39 21/12/2009

Đã hơn một tháng kể từ ngày Nguyễn Kiên Cường cùng Hoàng Tuấn Anh gây ra vụ án cướp tiền, làm chết anh Ngọc - một người buôn xe máy - vợ chồng ông bà Nguyễn Đức N. vẫn không thôi day dứt bởi câu hỏi ấy.

Gặp ông N. sau ngày Cường bị bắt, tôi hỏi ông một câu: "Ông có được bao nhiêu ngày vui vì cháu Cường?". Nét mặt đượm buồn, ông N. trả lời: "Ngày vui tột đỉnh là ngày 15/7/1978 khi vợ tôi sinh thằng Cường. Tôi là con trai cả của gia đình nên thằng Cường là cháu đích tôn của mẹ tôi. Ngày vui thứ hai tôi có được nhờ nó là vào năm 1995, khi nó thành sinh viên một trường đại học lớn. Ngày vui thứ ba, 31/10/2007, nó được ra tù sau 11 năm thụ án". Tôi cứ tự trách mình đã hỏi ông bố của Cường câu hỏi này. 31 năm có mặt trên đời mà đứa con trai chỉ đem lại cho bố mẹ vỏn vẹn có 3 ngày vui, trong đó ngày vui thứ 3 mới đắng lòng làm sao.

Ngẫm lại thời gian sinh ra rồi nuôi lớn đứa con trai độc nhất ông bà N cứ lẩn thẩn ước: "Giá như nó đừng cao lớn (Cường giống bên ngoại, cao tới 1,82m), đẹp trai và có giọng hát hay như ca sĩ...". Được như vậy biết đâu, nó sẽ không "bị yêu" sớm, không phạm pháp sớm để có tiền trang trải cho những mối tình.

Án cũ

Một năm sau cái ngày ông bà N. có được ngày vui nhờ Cường trở thành sinh viên thì một nỗi hổ thẹn đổ ập xuống đầu ông bà. Ngày 28/8/1996, Cường vướng án treo 8 tháng vì tội lấy trộm tiền của chính bà nội - người đã từng vui vì có Cường là cháu đích tôn. Cũng chính bà nội là người đề nghị pháp luật xử lý đứa cháu hư.

Cường quen khá nhiều phụ nữ và người nào cũng vừa có xe máy vừa có lòng tin tuyệt đối ở anh bạn "cao lớn, đẹp trai, hát hay" này. Chỉ 10 ngày sau khi nhận án treo trên, Cường lại gây ra vụ lấy trộm liên tiếp 4 chiếc xe máy của 4 người quen. Dẫu rằng nhờ cơ quan Công an, cả 4 xe đều đã trở về chủ cũ nhưng cuộc sống của Cường thì không như cũ được nữa. Một cái án có lẽ là "quá nặng" đã được dành cho Cường: 11 năm tù cộng với 8 tháng án treo của vụ trước chuyển thành án giam của vụ này.

Suốt thời gian Cường bị tạm giam, ra tòa và thụ án ông bà N không hề có động thái gì chạy chọt để giảm tội cho con. Đây cũng chính là yêu cầu của bà nội Cường. Bà cụ nghĩ: "Không phải mình không thương con, thương cháu, nhưng nó hư, hi vọng những ngày ở tù sẽ làm nó tỉnh ngộ ra".

Ngày vui ngắn chẳng tày gang - suy nghĩ của bố mẹ và của con

Cường được tha tù trước hạn có 6 tháng. 11 năm ròng chỉ gặp con trong những lần cất công vào tận Trại giam Phú Sơn (Thanh Hóa) thăm nên với ông bà N, ngày 31/10/2007 được đón con hồi gia là ngày vui vô bờ bến.

Một tháng trời ông để bà chăm bẵm cho thằng con hồi phục sức khỏe, lấy lại tinh thần hòa nhập cộng đồng. Rồi ông có cuộc chuyện trò với con. Ở tuổi 29 (năm 2007), theo ông, Cường vẫn còn thời gian để làm lại từ đầu. Muốn thế, Cường phải có những kiến thức tối thiểu của thanh niên bây giờ. Đó là tin học và ngoại ngữ. Cường chấp nhận hết những kế hoạch do bố vạch ra. Nghĩa là "học và học". Và qua 6 tháng học máy tính ở một trường tư thục, 3 tháng học Anh ngữ ở trung tâm một trường đại học. Do có chị ruột đang định cư tại Đức nên Cường chịu học cả tiếng Đức ở viện Gớt. Chỉ tiếc nơi đây không có giáo viên người Việt mà toàn do người Đức dạy nên Cường không theo được.

Ông N. hởi lòng hởi dạ vì thấy con chịu học mà không ngờ rằng qua các lớp học Cường lờ mờ nhận ra một sự thật: dù có bằng cấp, trình độ gì đi nữa, với quá khứ 11 năm ở tù Cường khó mà xin được một việc làm tử tế như bố mẹ hy vọng. Nhân được bố đồng ý cho bỏ học tiếng Đức, Cường ngập ngừng xin được tìm việc làm để tự nuôi sống bản thân. Một cửa hàng điện thoại ở Hải Dương không biết là không rõ quá khứ của Cường hay biết mà không câu nệ đã nhận Cường vào làm việc. Lo lắng vì con làm xa nhà, ông bà N cẩn thận cậy nhờ Cảnh sát khu vực "để mắt tới em nó". Có người quen nào qua Hải Dương ông bà cũng nhờ đột xuất kiểm tra xem Cường ăn ở thế nào. Mọi thông tin đến tai ông bà đều tốt đẹp. Không may, được chừng nửa năm, cửa hàng giải thể, Cường thất nghiệp phải trở về nhà.

Ông bà N. lại thuyết phục con đi học lấy một cái nghề để sau này có một công việc ổn định lâu dài. Một lần nữa Cường lại nghe lời, tháng 9/2008 trở thành học sinh Trường Trung cấp Công nghệ quan hệ quốc tế, được bầu làm lớp trưởng hẳn hoi.

Trong một lá thư gửi cho bố mẹ, Cường đã từng tự hào về thời gian học ở đây: "Bố có thể hỏi điểm của con, tất cả các môn đều trên trung bình hết. Từ đầu học kỳ chỉ có mỗi một điểm 6 còn đều là từ 7 đến 10 điểm hết". Ngày vui ngắn chẳng tày gang, Cường học được đúng một học kỳ thì bỏ học. Cũng vẫn lý do: vướng vào lưới tình.

Cô gái đó tên T., không nghề nghiệp, dưới con mắt của ông bà N. thì T. thuộc dạng "mắt xanh mỏ đỏ", không đứng đắn, ăn nói sỗ sàng nên ông bà cương quyết không đồng ý để Cường yêu T. Càng không thể chấp nhận T. thành con dâu của ông bà. Ngược lại, theo Cường thì T. phù hợp với mình về mọi mặt. Với lại Cường nghĩ: "Người con gái có bằng cấp, nghề nghiệp đúng ý bố mẹ thì họ đâu có yêu cái thằng tù ra". Bất chấp sự phản đối của bố mẹ, đầu năm 2009, vào dịp Tết Kỷ Sửu, Cường theo chân T. về Thanh Hóa ra mắt nhà gái và ở lại cả tháng trời. Ông bà N. càng có lý do để khẳng định: "Chỉ những đứa con gái không ra gì mới đưa trai về nhà mình cả tháng trời như vậy. Gia đình cô ta cũng không thể là gia đình nền nếp vì chấp nhận để con gái đưa trai về sống trong nhà".

Giữa tình và hiếu, Cường đã chọn tình, bỏ nhà đến sống với T. tại một phòng trọ xập xệ và bỏ học, nhận làm bất cứ việc gì để có tiền nuôi mình, nuôi cô vợ hờ là T. Lúc bức bách quá, Cường bán cả chiếc xe máy bố mẹ sắm cho. Giọt nước tràn ly, kể từ đấy ông bà N càng ghét cay ghét đắng T vì coi cô là nguyên nhân khiến Cường bỏ học, bán xe. Quan hệ của bố mẹ và con trai luôn căng thẳng.

Mỗi lần Cường tạt qua nhà, ông N. lại đe nẹt: "Mày muốn làm người tử tế hay muốn trở lại nhà tù?". Nghe bố mắng chửi Cường không cãi lại mà viết những điều Cường muốn nói ra giấy để lại nhà cho bố: "Bố có biết những lời nói đó như xé nát tim con không? Thật ra con chẳng thích đi học một chút nào nhưng vì bố mẹ con mới đi thôi. Nhưng mỗi khi bố giận thì bố lại mắng chửi con bằng những câu đó. Đành rằng con có lỗi nhưng con tự hỏi liệu những việc làm của con có đáng bị bố nhắc lại quá khứ của con không? Con rất muốn quên đi điều đó và muốn làm lại từ đầu nhưng kể từ ngày con về đã không dưới 4 lần bố nói như thế. Con thấy những điều con đang cố gắng bỗng nhiên chỉ là con số 0 tròn trĩnh...".

Ngày 27/2/2009, trong một tin nhắn về nhà, Cường trải lòng: "Con không muốn đi học nữa, con muốn có một mái ấm gia đình rồi hai vợ chồng buôn bán gì đó để sống. Con nghỉ học rồi, con xin lỗi vì đã phụ công bố mẹ". Nhờ có chuyến từ Đức về thăm nhà của chị gái Cường, quan hệ giữa Cường và bố mẹ mới được cải thiện. Nghe lời chị gái, ban ngày Cường ở chỗ trọ với T., còn tối đến đều về nhà bố mẹ để ngủ. Không hi vọng xin việc làm ở bất cứ cơ quan nào, ông N gửi Cường cho một người cháu đang kinh doanh giày dép ở chợ Đồng Xuân. Cường được giao bốc vác, xuất nhập giày dép trong kho. Được chừng tháng, Cường dị ứng với giày dép, chân tay lở loét nên ông N. buộc phải cho Cường thôi việc.

T. có thai, một lần nữa Cường xin bố mẹ cho lấy T. làm vợ. Ông bà N. vẫn lắc đầu. Cường xin chị gái một số tiền lớn để cho T. mở "cắt tóc, gội đầu". Chị gái phân vân: liệu có tin được thằng em sẽ dùng tiền đúng vào việc tử tế? Không thể thất nghiệp ngồi nhà mãi, Cường tự xin làm bảo vệ của một quán karaoke mới mở. Ông bà N. lại lo thắt lòng khi thấy con trai làm ở một nơi như thế. Ông bà bàn với con gái ở Đức hay là thuê cho Cường một căn hộ nho nhỏ, cho nó một số tiền để thử buôn bán vặt.

Chuyện chưa bàn xong là chưa được nói cho Cường biết thì tối ngày 16/10/2009 Cường không về nhà ngủ như thường lệ. Ông bà đã báo với Công an phường Vĩnh Tuy việc Cường vắng mặt ở nhà. Thấp thỏm tới tối 21/10/2009 thì ông N nhận được tin nhắn của Cường: "Con xin lỗi bố mẹ, con không về được, bố mẹ nhớ khóa cửa nhà cẩn thận và giữ gìn sức khỏe". Ông nhắn lại: "Con ở đâu, sao không về nhà. Hôm chủ nhật tới, 8/9 âm lịch là giỗ bà nội, con có về không?". Cường nhắn: "Con sẽ về ngày giỗ bà". Cường không còn cơ hội để về ăn giỗ bà nội nữa, bởi chỉ đến trưa ngày hôm sau, 22/10/2009, Cường đã bị bắt vì đã cùng bạn tù cũ ở Trại Phú Sơn là Hoàng Tuấn Anh gây ra tội mới ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ ngày 20/10/2009.

Bố mẹ sai ở đâu Cường ơi? Cô T. với cái thai 6 tháng trong bụng tìm đến nhà ông bà N khóc mà nói: "Cho con xin lỗi 2 bác, vì 2 mẹ con con mà anh Cường...".

Dù chưa biết con mình có vung nhát dao nào chạm tới anh Ngọc không, nhưng ông bà N. đã chủ động tìm đến nhà nạn nhân thắp những nén nhang. Thân nhân anh Ngọc và ông bà N đã trải lòng cùng nhau về nỗi bất hạnh của cả 2 bên. Trong tù, những đứa con như Cường, như Tuấn Anh có thấu?

Hoàng Tuyết Nhung

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文