Cái chết bệnh nhân COVID-19 ăn mòn bác sĩ

11:29 29/04/2021
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sức khoẻ tâm thần ví cái chết của hàng triệu bệnh nhân COVID-19 như chất axit "ăn mòn" các nhân viên y tế từ bên trong. Đó là cảm giác bất lực khi phải từ bỏ bệnh nhân này để cứu sống bệnh nhân khác, trong điều kiện hệ thống y tế quá tải, cạn kiệt từ bình oxy cho đến máy thở.

Ngày 24/7/2020, Đà Nẵng ghi nhận ca mắc COVID-19 cộng đồng đầu tiên. Chưa đầy 5 ngày sau, thành phố hơn 1 triệu dân áp dụng lệnh giãn cách xã hội, trong bối cảnh các trường hợp nhiễm nCov tăng theo cấp số nhân với nhiều bệnh nhân tiên lượng nặng. 

Bác sĩ Bùi Văn San, Viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai - theo quyết định điều động khẩn cấp của Bộ Y tế, vào ngay tâm dịch Đà Nẵng với nhiệm vụ đặc biệt: Hỗ trợ nhân viên y tế xử lý các vấn đề tâm lý. COVID-19 tấn công vào một trong ba thành phố lớn nhất Việt Nam một cách bất ngờ và khốc liệt. 

Ổ dịch nằm ngay trong chính các bệnh viện, tại các khoa hồi sức đặc biệt, đang điều trị cấp cứu những bệnh nhân có các bệnh nền: suy thận, suy tim, tiểu đường, huyết áp, nhiễm trùng máu… Các bác sĩ, điều dưỡng cũng là nạn nhân phơi nhiễm virus. "Tình thế này khiến nhiều nhân viên y tế rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng", bác sĩ San nhớ lại. 

Một bác sĩ  làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng kể ngay sau khi thành phố phát hiện ca nhiễm cộng đồng đầu tiên, anh buộc phải cách ly tại bệnh viện. 

Đó là khởi đầu của những chuỗi ngày căng thẳng, luôn phải đối mặt với những tình huống đột ngột trở nặng của những bệnh nhân vốn đã mang sẵn bệnh nền nghiêm trọng, nay lại mắc COVID-19. Các bác sĩ căng như dây đàn, làm việc liên tục 6 đến 10 tiếng đồng hồ, năng suất gấp 2-3 lần ngày thường. 

"Những quyết định mang tính sinh tử, những nỗi lo bị nhiễm virus, nỗi nhớ gia đình, người thân khiến chúng tôi luôn sống trong tình trạng lo lắng, thấp thỏm", anh cho biết. 

Trong những ngày làm việc ngay trong tâm dịch Đà Nẵng, tiếp xúc với nhiều nhân viên y tế, bác sĩ San chứng kiến nhiều y tá, điều dưỡng stress đến mất ngủ. Hầu hết đều lo lắng cho tình trạng bệnh nhân và bản thân có thể phơi nhiễm virus. Có nhiều người mẹ trẻ phải xa con nhỏ, nỗi nhớ nhung, thấp thỏm như tăng thêm bội phần.

Ảnh: L.G

Tình trạng kiệt quệ, căng thẳng, rối loạn tâm lý, trầm cảm, thậm chí có ý nghĩ tử tự của những nhân viên y tế tuyến đầu trong đại dịch COVID-19 đã trở thành vấn đề trầm trọng, được nhiều chính phủ lẫn các tổ chức y tế khuyến cáo. 

Kết quả nghiên cứu công bố ngày 13/1, trên tạp chí Occupational Medicine của Nhóm nghiên cứu từ King's College London khảo sát hơn 700 bác sĩ và y tá làm việc tại các đơn vị hồi sức tích cực (ICU) ở 6 bệnh viện tại Anh cho thấy, gần một nửa nhân viên ICU có các triệu chứng sang chấn tâm lý PTSD (39,5%), trầm cảm (6,3%), lo lắng nghiêm trọng (11,3%) hoặc có vấn đề về rượu bia (7,2%). 

Gần 13,4% nhân viên cảm thấy muốn chết hoặc có hành vi tự ngược đãi bản thân. Một nửa số người được khảo sát là y tá và hơn 40% là bác sĩ. Trong đó, nhìn chung các bác sĩ có sức khỏe tốt hơn y tá.

Y bác sĩ ICU phải trải qua nhiều căng thẳng trong đại dịch, do tình trạng thiếu nhân lực, thiết bị và đồ bảo hộ. Họ cũng lo ngại nguy cơ cao lây nhiễm virus gây nguy hiểm cho bản thân và người thân, cộng thêm nỗi đau khi bệnh nhân tử vong. 

Người đứng đầu nghiên cứu, Giáo sư Neil Greenberg thuộc Viện Tâm thần, Tâm lý và Khoa học Thần kinh, King's College London, cho biết: "Kết quả điều tra nhấn mạnh tác động sâu sắc tiềm ẩn mà COVID-19 gây ra cho sức khỏe tinh thần của nhân viên tuyến đầu tại Anh. Tỷ lệ sang chấn tâm lý  chúng tôi ghi nhận cao gấp 9 lần mức trung bình trong cộng đồng và gấp đôi các cựu chiến binh gần đây". 

Owen O'Kane, nhà trị liệu tâm lý và đồng tác giả nghiên cứu, cho biết ông không ngạc nhiên trước khám phá của nhóm. "Y bác sĩ đã làm việc không ngừng nghỉ cả năm nên tôi không ngạc nhiên. Họ quen đối mặt với môi trường căng thẳng, cái chết và những quyết định khó khăn, nhưng dịch bệnh buộc những người này làm việc với cường độ quá cao", ông nói.

Trong những thách thức nghiêm trọng các y bác sĩ phải đối mặt, cái chết của những bệnh nhân COVID-19 được ví như một chất axit ăn mòn các nhân viên y tế từ bên trong. Tại Brazil, khi số ca tử vong do COVID-19 vọt lên hơn 300 nghìn người, hệ thống y tế sụp đổ, các phòng cấp cứu không có chỗ chứa, các bình oxy cung cấp dưỡng khí cạn kiệt, các bác sĩ phải đối mặt với tình huống "lựa chọn" bệnh nhân để cứu. 

Một y tá ở Sao Paulo chia sẻ: Chúng tôi có một bệnh nhân đặt nội khí quản đã nằm trong ICU được 10 ngày với tiên lượng xấu, không có cơ hội khỏi bệnh và cũng có một bệnh nhân trẻ hơn, khỏe mạnh không mắc bệnh đi kèm. Chúng tôi không có máy thở cho bệnh nhân trẻ tuổi. Vì vậy, trưởng khoa đã phải rút nội khí quản của bệnh nhân lớn tuổi này để đặt nội khí quản cho bệnh nhân trẻ hơn. Đó là một việc làm khó khăn cho bác sĩ. Nhưng tất cả đều hiểu đây là phương án tối ưu.

"Những lựa chọn kiểu này khiến các bác sĩ cảm thấy mắc tội", Rita Prieb, nhà tâm lý học của Bệnh viện Porto Alegre, nhận định. Là người tư vấn cho các nhân viên y tế, Prieb nhận thấy nhiều người có cảm giác bất lực và đau khổ vì không thể làm theo lương tâm. 

Một nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu Fiocruz tại Brazil phát hiện gần 9/10 nhân viên y tế bị điều kiện làm việc trong thời dịch ảnh hưởng tới tinh thần. Một khảo sát khác cho thấy hơn một nửa số người được hỏi có triệu chứng của bệnh tâm lý bao gồm lo lắng, trầm cảm, mất ngủ, ý muốn tự tử và rối loạn căng thẳng sau sang chấn.

Khủng hoảng tâm lý do đại dịch xảy ra với các nhân viên tuyến đầu cũng trầm trọng tại Mỹ, ổ dịch số 1 thế giới với số ca nhiễm và số ca tử vong luôn giữ vị trí "đầu bảng". Nỗi đau chứng kiến các bệnh nhân liên tiếp ra đi khiến tâm trạng của nhiều y bác sĩ như đóng băng. 

"Phần lớn những gì tôi chứng kiến diễn ra sau tấm màn kín. Công chúng thường không thấy được cảnh này, thậm chí cả gia đình bệnh nhân", bác sĩ Todd Rice, chuyên gia về phổi và chăm sóc tích cực của Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ), kể. 

Virus tấn công hai lá phổi khiến bệnh nhân càng lúc càng khó hấp thụ oxy, họ phải thở mỗi lúc một nhanh hơn, từ mức trung bình 14 lần một phút lên đến 30 hoặc 40 lần. Nhịp thở dồn dập càng làm người bệnh hoảng loạn. 

Ngoài ra, người bệnh cảm thấy phổi như bị lửa đốt hoặc hàng nghìn con ong châm chích. Có người bị tràn dịch màng phổi nên cảm giác như đang thở trong bùn, trong khi người khác thấy như bị bóp nghẹt. Sự hành hạ dữ dội tới mức nhiều người muốn được chết ngay vì cảm giác quá kinh khủng.

Ảnh: L.G

COVID-19 không chỉ tàn phá cơ thể người bệnh mà còn tra tấn tinh thần vì họ phải sống những ngày cuối đời trong cô độc, thậm chí có người ra đi một mình, không có người thân bên cạnh. 

Chứng kiến sự tử biệt qua những màn hình ipad hay điện thoại là một cực hình với các y bác sĩ. Nhưng, "chúng tôi không cho phép bị ảnh hưởng quá nhiều về những cái chết, nếu không, chúng tôi không thể làm việc. Tất cả sẽ trầm uất", một y tá ở Paris, Pháp, nói. Tất cả họ đều tự nhủ "Cuộc đời là như vậy", đành chấp nhận vì họ đã nỗ lực hết sức nhưng không thể chiến thắng con quái vật COVID-19.

Để đối phó hiệu quả với những rối loạn tâm lý sinh ra từ COVID-19, bác sĩ Bùi Văn San khuyến khích đồng nghiệp dành thời gian nghĩ về những điều tốt đẹp như giây phút bên vợ chồng - con, hay những sở thích, thú vui như thể thao, bóng đá. Bên cạnh đó, các chuyên gia tâm lý cũng đưa ra những chiến lược giúp nhân viên y tế tuyến đầu quản lý hiệu quả cảm xúc. 

Một trong những cách tiếp cận hiệu quả là liệu pháp tâm lý nhận thức hành vi giúp y bác sĩ hiểu thực tế và thay đổi suy nghĩ tiêu cực. Theo đó, đại dịch là một thảm họa tự nhiên không thể tránh khỏi, có tác động diện rộng lên hàng tỷ người, để lại hậu quả nặng nề nhưng chỉ trong ngắn hạn thì không nên tuyệt vọng than thân trách phận mà phải đứng lên và đối mặt. 

Ngoài ra, trong khi nhân viên y tế tại nhiều nước đang mắc những rối loạn tâm thần nặng nề do tỷ lệ chết và nhiễm virus trầm trọng thì Việt Nam vẫn là một trong những nơi an toàn nhất. Đó là một điều may mắn để mọi người nhìn vào với một thái độ lạc quan và biết ơn sâu sắc. Thêm vào đó, để tránh tình trạng kiệt sức, các chuyên gia khuyên nhân viên y tế tuyến đầu thu xếp thời gian ăn uống, tập luyện, sinh hoạt một cách khoa học, lành mạnh. 

Khi căng thẳng, y bác sĩ có thể sử dụng các kỹ thuật thư giãn như thiền, thở bụng, đi dạo, xem phim, nghe nhạc, trò chuyện với người thân, bạn bè. Tuy nhiên, ở tầm vóc quốc gia, toàn cầu, giới khoa học khuyến cáo những thiệt hại về sức khỏe tâm thần trong đội ngũ nhân viên y tế nảy sinh từ COVID-19 sẽ nổi lên như vấn đề lớn dài hạn, cần được các chính phủ, cộng đồng, gia đình và cá nhân chú trọng giải quyết bằng các giải pháp quyết liệt ở cả tầm vi mô lẫn vĩ mô. 

Bảo Châu

“Tôi đã được gặp rất nhiều người từng tiếp xúc và gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện xúc động và những kỷ niệm đã nằm lòng về Người. Qua câu chuyện của họ, tôi thật sự ngưỡng mộ Bác Hồ. Ông không chỉ là nhà lãnh đạo của riêng Việt Nam, ông còn là nhà lãnh đạo của những người bị nô lệ trên toàn thế giới”, nhà văn người Mỹ Lady Borton nói.

Xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới có 475 tàu cá; trong đó, có 200 tàu trên 15m theo quy định đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, thời gian qua các ngư dân có các đội tàu xa bờ đều liên tục phản ánh tình trạng mất kết nối từ thiết bị giám sát hành trình do lỗi hệ thống từ nhà mạng viễn thông.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), chiêu trò lừa đảo giả danh, mạo danh đã không còn xa lạ đối với người dùng thời gian qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thủ đoạn này đang có dấu hiệu bùng phát. Điều đáng nói là các đối tượng giả danh, mạo danh đã liên tục thay đổi kịch bản, thao túng tâm lý người dùng một cách tinh vi nên vẫn có không ít người dân bị sập bẫy.

Trong khi khu tái định canh của Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng đã đầu tư xong cơ sở hạ tầng nhưng bị hàng trăm hộ dân kéo tới lấn chiếm, trồng hoa màu, xây dựng nhiều công trình kiên cố thì công tác bồi thường, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng để khai thác quặng bauxite tại huyện Bảo Lâm đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, một phần vì thiếu đất bố trí tái định canh, định cư cho các hộ trong diện bị thu hồi đất. 

Do thiếu nguồn cung đất san lấp nên nhiều công trình, dự án tại Quảng Nam đang gặp khó khăn, thậm chí là trễ tiến độ. Trước thực tế đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm nhanh chóng tháo gỡ bài toán nguồn cung đất san lấp phục vụ công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Chỉ trong vòng hơn nửa tháng qua, cả nước xảy ra liên tiếp 5 vụ ngộ độc tập thể với hơn 1.000 người phải nhập viện. Các vụ ngộ độc này chủ yếu xảy ra sau khi sử dụng thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể. Theo Bộ Y tế, trong quý 1/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 673 người mắc và 6 người tử vong,

Nền nhiệt tại miền Bắc có xu hướng tăng trở lại trong ngày hôm nay, trời nắng về trưa chiều, chiều tối có khả năng mưa dông. Khu vực Nam Bộ nắng nóng, nhiệt độ ở hầu khắp các khu vực đều ở mức từ 35 - 36 độ C.

Sau 3 lần tiếp cận Mano Polking, CLB Bóng đá Công an Hà Nội (CAHN) cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận bổ nhiệm HLV này. Chiến lược gia 48 tuổi người Brazil có những phẩm chất đặc biệt để trở thành mảnh ghép hoàn hảo cho đội bóng ngành Công an.

Ngày 16/5, tin từ Phú Thọ cho biết, ngày 14/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Việt Trì (Phú Thọ) vừa ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và ra quyết định tạm giữ đối với ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文