Đại ca “Sầu Thương Hận” làm lại cuộc đời

15:05 27/03/2013
Từng tiếp xúc với nhiều người hoàn lương và nghe họ tâm sự về những năm tháng “hành tẩu” trên giang hồ, tôi nhận thấy Bùi Thanh Phúc ở TP. Nam Định thực sự có một tiến bộ vượt bậc. Là một học sinh bất trị, bỏ học, đánh nhau, cướp của bằng súng rồi chịu tù đày… cảm tưởng gã sẽ không thể nào thoát ra khỏi tăm tối. Nhưng gã đã cứu được đời mình và tạo nên thương hiệu rượu Vạn Phúc nổi tiếng.

Giang hồ một thuở

Gặp Bùi Thanh Phúc, không ai nghĩ gã từng là một kẻ giang hồ khét tiếng với biệt danh “Sầu Thương Hận” đất Thành nam. Nhưng  đúng là Phúc có một thời lầm lỡ và trở về làm lại cuộc đời bằng một sự quyết tâm lớn. Nụ cười của Phúc giờ đây khá thanh thản, có lẽ gã đã hiểu thế nào là đúng sai, là hạnh phúc ở cuộc đời này. Cũng có lẽ vì gã có được một người vợ đẹp và hai đứa con khôn ngoan cùng những người bạn tri âm tri kỷ luôn nghĩ cho nhau.

Phúc sinh năm 1961, bố mẹ công tác tại Nhà máy dệt Nam Định. Là con một lúc nào cũng được chiều chuộng, không phải chịu vất vả nên Phúc biến thành đứa trẻ ương bướng, nghịch ngợm, ham đánh nhau. Bù lại cậu thông minh, học rất giỏi, là học sinh giỏi văn cấp tỉnh. Ngày thi vào cấp III, vì là học sinh giỏi văn, Phúc tự kiêu, chỉ thi mỗi môn văn và bỏ luôn môn toán.

Thế nhưng, Trường cấp III Công nghiệp (nay là Trường THPT Ngô Quyền) vẫn đặc cách nhận Phúc vào học. Chỉ hai tháng sau, Phúc hành hung làm gãy tay một thầy giáo và bị đuổi học. Đau lòng vì thằng con láo hỗn, nhưng bố mẹ Phúc vẫn cố xin cho con vào học tại Trường Công nghệ kỹ thuật dệt Nam Định với hy vọng nó có thể thay tâm đổi tính. Phúc chẳng những không sửa, mà lại tụ tập bạn bè, kéo nhau đến một số trường cấp III đánh nhau tơi bời.

Vợ chồng Bùi Thanh Phúc.

Chiến tranh biên giới nổ ra, năm 1979, Phúc có tên trong danh sách nhập ngũ và anh đã lên đường làm nghĩa vụ. Những ngày này, cái mà Phúc tiếp thu được là những khẩu súng có thể giúp mình mau chóng nổi danh, xưng hùng xưng bá. Sau ba tháng trong quân ngũ, Phúc đào ngũ về với một khẩu AK và một khẩu Colt 45 trong tâm trạng của một kẻ liều lĩnh, ương ngạnh.

Phúc kể lại: “Về trường, có súng rồi bạn bè lại rủ nhau đi cướp, chỗ nào vui và có màu thì đi, chẳng quan tâm đến học hành. Vụ đầu tiên, tôi cùng bạn bè cướp của đám đánh bạc. Sau vụ đó gây được thanh thế, đi đâu, khẩu súng cũng ở trong người tôi và nó cho tôi sức mạnh”.

Để thể hiện “đẳng cấp”, Phúc cũng bắt đầu bước vào đường tình duyên, yêu đương với những cô gái không “lành lặn”. Để có tiền tiêu xài, bao người yêu, Phúc sẵn sàng cùng đồng bọn cầm súng đi cướp. Con đường học hành cũng từ đây tắt ngóm. Cái biệt danh “Sầu Thương Hận” cũng bắt nguồn từ đó, dùng “bút danh” này, Phúc đã ghi chép lại quãng đời giang hồ của mình vào cuốn nhật ký và bây giờ vẫn còn giữ được.

Vào một buổi tối, sau khi nhốn nháo gây ra mấy vụ cướp, gã ngông nghênh giắt khẩu Colt 45 vào thắt lưng, ngồi xích lô đến đón người yêu đi chơi. Đang vi vu huýt sáo ra oai bên người yêu, đi ngang qua phường Trần Tế Xương thì một thanh niên đang trình báo công an bị cướp, anh ta nhìn thấy Phúc, liền hô: “Thằng này lúc nãy vừa gí súng cướp của tôi”. Phúc bị bắt với khẩu súng trong người và bị kết án 20 năm tù. Bị đưa vào trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình), Phúc cũng liên tục quậy phá, còn làm đơn xin tử hình.

Sau vài tháng không chịu được khổ, Phúc tìm cách trốn trại. Hai lần trốn không thành vì không tìm được đồng minh, lần thứ ba Phúc trốn thoát cùng với ba đồng minh, đều là những kẻ có “số má”. Ngay đêm đó, bốn kẻ tù tội đón tàu vào Nam nhưng lại nhảy nhầm, đúng chuyến tàu ra Hà Nội. Tại đây họ lạc nhau, Phúc quay về Nam Định, tiếp tục đi cướp. Năm 1981, Phúc mò lên Yên Bái với ý định cải tà quy chính nhưng không thành.

Ở đây, cuộc sống khổ cực, Phúc đã đổi chiếc xe đạp lấy một khẩu súng để về Nam Định, vừa để giã từ một “cô em yêu”, vừa làm cướp. Chẳng bao lâu, Phúc lại vào Nam với ý định giã từ những ngày tháng đau khổ để mở ra một cuộc sống mới. Khi dừng lại ở Huế, Phúc đã giấu khẩu súng rồi nhờ người xin cho đi làm kinh tế mới ở Đắk Lắk.

Cũng chỉ được một thời gian, Phúc lại ngứa ngáy, quay về Huế lấy lại khẩu súng trở về quê hương tiếp tục hành tẩu. Nhờ bạn bè, Phúc sắm được một chiếc thuyền làm phương tiện đi cướp trên sông. Một buổi sáng của năm 1984, Phúc bị vây bắt và bị phạt thêm 1 năm tù về tội trốn trại, bị đưa vào trại giam Thanh Cẩm, Thanh Hóa. Nhưng cái máu giang hồ của Phúc không bị dập tắt, nó tiếp tục bùng lên ngay cả ở trong lao tù. Bố mẹ vào thăm, nghe nói về “thành tích” bất hảo của con trong tù mà ông bà không khỏi xót xa.

Anh Phúc bên hầm rượu dừa.

Đường về chỉ một

Ở trại giam Thanh Cẩm, Phúc liên tục đánh nhau với những người tù khác. Có lần, Phúc bị vây đánh, bị đâm cái xiên sắt qua bắp tay. Gã hăng máu tự mình rút xiên ra và đánh lại. Năm gã khác đã bị đánh cho tơi tả. Trận đánh đã gây thù chuốc oán, thù càng lớn, gã càng gặp nguy hiểm và bị nhiều tù nhân muốn “xử”. Trong một trận đánh nhau khác, Phúc bị phạt thêm 9 năm tù vì hai lần chém cụt tay, cụt chân hai phạm nhân.

Đường trở lại với đời sống tự do của Phúc đã xa lại càng xa. Nhưng tại đây, các quản giáo lại nhìn thấy điểm tốt trong con người Phạm Văn Phúc, một kẻ tưởng không bao giờ bị khuất phục. Tuy tính nết nóng nảy nhưng gã rất thẳng thắn, không xu nịnh và sống có tình người, nếu tạo điều kiện thì có thể làm Phúc tu tỉnh. Ban giám thị quyết định giao cho Phúc nhiệm vụ cùng quản giáo đi lĩnh nhu yếu phẩm về cho phạm nhân, giữ gìn an ninh trật tự, truy bắt kẻ trốn trại...

Cao nhân tất hữu cao nhân trị, gã đã làm tốt công việc của mình bằng cái uy giang hồ một thuở. Với nhiều thành tích đạt được, cùng với sự ăn năn, lòng muốn hướng thiện, gã được Cục Quản lý trại giam - Bộ Công an đồng ý cho chuyển ra trại Lam Sơn, trong khi quản giáo trại Thanh Cẩm muốn anh ở lại. Ngày 30/4/1995, Phúc được tha tù trước thời hạn để trở về làm lại cuộc đời.

Tạo thương hiệu rượu

Quán rượu Vạn Phúc của Bùi Thanh Phúc ở số 66 đường Trần Nhật Duật, phường Trần Tế Xương, TP. Nam Định giờ đây như một tổ ấm của những mảnh đời. Nhân viên nhà hàng có người nghiện, có người từng phải tù tội, người là sinh viên làm thêm... và họ có chung một điểm là làm ăn lương thiện.

Phúc bảo, đây là tổ ấm của họ và anh tạo điều kiện cho mỗi người có cuộc sống ổn định. Quán Vạn Phúc có xưởng chế biến rượu dừa riêng, cung cấp cho khách thập phương những bữa ăn ngon với giá cả phải chăng. Trợ lý đắc lực, đôn đốc việc kinh doanh tại quán Vạn Phúc là chị Ngô Thị Hằng, vợ anh. Tháng 4/1995, khi Phúc được tha tù trước thời hạn trở về, cha mẹ đã “chấm” trước cho con trai một cô gái nết na.

Phúc kể: “Thực sự lúc mới ra tù về nhà, tôi chẳng biết làm gì. Lấy vợ cũng chỉ là để hoàn thành nghĩa vụ với cha mẹ thôi. Nhưng lấy rồi, hai vợ chồng chạy vạy kiếm ăn, mới thấy hết cái tình cái nghĩa. Rồi có con, thế là phải nghĩ cách để nuôi nấng gia đình. Những tháng ngày khó khăn đó, tôi đã nghĩ ra cách ủ rượu dừa, vợ chồng tôi từ đó làm ăn khấm khá và tôi đã yêu đời hơn. Phải nói là, khi có người vợ đảm đang, có thương hiệu rượu, cuộc sống của tôi mới có ý nghĩa...”.

Nhìn vào những trang nhật ký của Phúc, tôi hiểu là nhiều lúc gã đã sống tiêu cực. Hàng xóm của gã cũng công nhận, chị Hằng là người vợ đảm đang, nhường nhịn chồng hết mực. Ban đầu chị về làm vợ, cùng Phúc bán hàng tạp hóa, nhưng thấy việc buôn bán lèo tèo, nhiều người không tin tưởng, Phúc đã nản. Gã đi làm đại lý cho hãng bia Na Da, tự tay bưng bia cho khách.

Khách ở Nam Định nhiều người nghe tiếng thì tò mò, đến xem một kẻ khét tiếng năm xưa nay tu chí thế nào. Thấy Phúc đã thay tâm đổi tính, họ đến ủng hộ nhiệt tình. Rồi Phúc nghĩ, công việc như thế cũng không giàu được. Đêm nằm, hai vợ chồng tâm sự với nhau tính kế làm ăn và ao ước giàu có như bạn như bè. Phúc nghĩ phải làm ra một loại rượu độc đáo nào đó, “thổi” vào đó thương hiệu để thu hút khách.

Ban đầu gã làm rượu dứa, rượu mít nhưng không thu hút được vì khách chê ngọt quá. Bất chợt gã nghĩ dứa không được thì thử dừa xem sao. Lần đầu tiên thử làm, gã mua 6 quả dừa về đục lỗ, bỏ bớt nước bên trong, cho rượu vào, ủ vào lò quay thịt, mấy ngày sau bỏ ra uống thì thấy rượu đã trở nên thơm ngon đặc biệt. Phúc thốt lên: “Đường sống của mình đây rồi!”.

Từ đó, hai vợ chồng gã đã gây dựng thương hiệu rượu dừa Vạn Phúc, kết hợp với thịt quay, trở thành người thành đạt ở lĩnh vực kinh doanh nhà hàng. Ông Nguyễn Văn Thang - Công an phường Trần Tế Xương cho biết: “Bùi Thanh Phúc từ khi về địa phương đã vươn lên, không tái phạm, kết hợp rất tốt với chính quyền trong việc bài trừ các tệ nạn. Vợ chồng anh đã bảo ban nhau, phấn đấu làm ăn, quan hệ tốt với hàng xóm, giúp đỡ nhiều sinh viên nghèo trọ học ở nhà anh. Có anh Phúc trên địa bàn, tình hình trật tự an ninh khu phố ở đây cũng được đảm bảo”.

Phúc “Sầu Thương Hận”, mà theo gã giải thích là “cuộc đời vừa buồn vì mình, vừa thương cha mẹ, vừa hận kiếp nghèo” giờ đã sống cuộc sống của người lương thiện, có vợ đẹp, con khôn, có quán rượu ngon, làm ăn phát đạt. Những ngày tháng giang hồ, tù tội đã đi vào trong quá vãng. Sau những gì đã xảy ra, Phúc nhận thấy ở đời, cuộc sống bình yên, vui vẻ bên gia đình mới là thứ tài sản vô giá, cần phải gìn giữ

Hải Miên

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文