Đại học “bốn chấm không”

16:24 30/10/2018
Tháng trước, tôi được mời tham dự và trình bày tại một hội thảo có chủ đề rất thời thượng “giáo dục đại học trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”. 


Tôi đã phải trả lời thành thực với ban tổ chức là “tôi không hiểu cách mạng công nghiệp 4.0” là gì cả. Nhưng, tôi biết giáo dục đại học trên thế giới đang có những xu hướng như thế nào. Và, nếu bắt buộc phải có “4.0” trong tiêu đề bài trình bày thì tôi cũng có thể đáp ứng. Nhưng, tôi nói trước, “bốn chấm không” của tôi có thể chả liên quan gì đến “4.0” mà mọi người vẫn hay nhắc tới.  

Không thứ nhất - Thư viện không có sách

Trong môi trường đại học hiện đại, những cuốn sách “truyền thống” bản cứng không còn nhiều ý nghĩa. Và vì vậy, hình ảnh những giá sách cao vút, chạy dài xen kẽ với các bàn đọc - nơi có các cô cậu sinh viên cắm mặt học bài (nhất là vào giai đoạn ôn thi) cũng sẽ không hoặc ít còn phổ biến như xưa. Sách ở thời đại ngày nay, nói chung đã được “điện tử hóa” ở dạng online. 

Vì vậy, những giá sách truyền thống nếu còn, thì cũng chỉ là những hình ảnh mang tính biểu tượng của truyền thống (chả nhẽ thư viện lại không bày cuốn sách nào). Thư viện hiện đại cần những công năng và không gian khác với ngày xưa. 

Ví dụ, chúng ta sẽ thấy những dãy bàn được sắp sẵn những chiếc tablet (máy tính bảng), nơi giảng viên và sinh viên có thể sử dụng để truy cập và đọc sách ở dạng online, trên các kho dữ liệu từ nhiều nơi trên thế giới. Sách online không chỉ ưu việt hơn sách bản cứng ở khía cạnh dễ lưu trữ, dễ truy cập mà còn bởi tính dễ cập nhật. 

Nếu như trước kia, việc cập nhật một cuốn sách là việc rất tốn nguồn lực thì việc cập nhật sách trên phiên bản điện tử lại dễ dàng hơn rất nhiều. Điều này cũng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cuộc sống, xã hội và kinh tế biến động không ngừng ngày nay.

Hình ảnh những giá sách cao vút sẽ chỉ còn mang tính biểu tượng đối với thư viện đại học.

Không thứ hai - Không có đại giảng đường

Hình ảnh về những đại giảng đường, với sinh viên ngồi trên các bàn học được xếp cao dần như trong rạp hát, với giáo sư ở vị trí trung tâm, đằng sau là những tấm bảng lớn có thể đẩy lên hoặc đẩy ngang trong hình dung của nhiều người cũng sẽ dần biến mất và không còn phổ biến. 

Nguyên nhân là bởi những giảng đường như vậy vốn sinh ra để phục vụ các giờ lý thuyết dành cho số lượng lớn sinh viên đã và sẽ bị thay thế bởi các bài giảng online - mà sinh viên hoàn toàn có thể học trước ở nhà. 

Việc đến trường, vì vậy, hầu như chỉ dành cho các buổi thực hành, thực tập, trong các phòng học nhỏ hơn nhưng đa năng hơn. Bàn ghế, thay vì chốt cố định thành các hàng sẽ được thay thế bằng các bàn nhỏ, có bánh xe, dễ dàng di chuyển và sắp xếp phục vụ học nhóm. Bảng viết thay vì treo ở một hướng trên bục giảng thì có thể sẽ được treo xung quanh lớp, giúp các nhóm sử dụng được ngay khi cần.

Bước chân vào giảng đường ở các đại học hiện đại hiện nay, đôi khi chúng ta sẽ có cảm giác mình đang ở trong... công sở hoặc chỗ làm việc. 

Ví dụ, nhiều khoa về du lịch - lữ hành biến luôn lớp học thành quầy lễ tân như tại khách sạn để sinh viên có thể thực hành, thực tập về lễ tân như tại một khách sạn thực sự. 

Tương tự, sinh viên ngành tài chính có thể sẽ có những trải nghiệm tại lớp học được sắp xếp như một sàn chứng khoán thực sự và rất nhiều khi, thay vì phải làm bài kiểm tra, sinh viên sẽ được “chơi chứng khoán” tại một sàn giả lập, điểm thi cuối kỳ cũng chính là số “tiền ảo” mà sinh viên đó kiếm được trong suốt kỳ học tại sàn chứng khoán ảo đó.

Không thứ ba - Không biết giảng viên ở đâu

Mô hình học tập mà việc học trên lớp chủ yếu là thực tập và việc học lý thuyết được thực hiện tại nhà thông qua các bài giảng online cũng sẽ làm chúng ta đôi khi... không nhìn thấy giảng viên đâu. 

Tại lớp học truyền thống, khi tham quan một lớp học, ta sẽ nhìn thấy giảng viên đứng ở bục giảng và giảng bài cho sinh viên ngồi phía dưới. Nhưng, với mô hình mới, chúng ta có thể thấy nhiều nhóm nhỏ đang trao đổi, thảo luận với nhau, bảng học ở khắp nơi trong cả lớp cũng khiến chúng ta không biết đâu là bục giảng. 

Cũng có thể ta sẽ bắt gặp một người đang đứng trình bày cho một nhóm ngồi nghe nhưng hãy cẩn thận, người đó hoàn toàn có thể là một sinh viên đang giảng lại bài cho bạn học và giảng viên, khi đó, lại đang ngồi phía dưới, đóng vai trò hướng dẫn, góp ý cho sinh viên khi cần thiết.

Sinh viên Đại học Phú Xuân (Huế) giảng bài cho nhau tại giảng đường theo mô hình “learning office”, với nhiều bảng được đặt xung quanh lớp học nhằm thuận tiện cho việc trao đổi, thảo luận nhóm.

Không thứ tư - Không cần lấy bằng cũng được

Tại mô hình học truyền thống, việc nhập học rồi tốt nghiệp, ra trường lấy bằng là mục tiêu quan trọng nhất của sinh viên. Trong nền giáo dục đại học mới, sinh viên nhập học để học lấy kiến thức, kỹ năng theo nhu cầu của từng người, khi cảm thấy đủ thì họ hoàn toàn có thể... dừng lại để đi làm. 

Khi cần, họ quay lại học tiếp. Việc lấy bằng, thực tế chỉ là vấn đề hình thức khi người học đã tích lũy đủ tín chỉ và để tiếp tục bước lên bậc học cao hơn (nếu cần) bởi doanh nghiệp khi đó cũng không quan trọng vấn đề bằng cấp nữa.

Đại học Việt đã “bốn chấm không” chưa?

Về cơ bản, đại học Việt Nam vẫn “chậm pha” so với thế giới. Nghĩ đến đại học Việt, chúng ta vẫn nghĩ đến những thư viện chất đầy sách, với những giảng đường lớn, thầy giảng - trò chép và sinh viên đã nhập học là phải lấy bằng. 

Mặc dù vậy, chúng ta cũng đã có những trường hợp tiếp cận được với xu hướng “bốn chấm không”. 

Theo thống kê mà tôi được biết, đã có khoảng 10% (hơn 20 trường) đại học ở Việt Nam có thư viện điện tử kết nối với nguồn dữ liệu quốc tế. Việc đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy cũng đã được triển khai tùy mức độ, cả “từ trên xuống” (các chương trình của nhà nước) hay “từ dưới lên” (do các trường đại học tự thực hiện) theo hướng online hóa bài giảng, lấy người học làm trung tâm, kết hợp đào tạo trong nhà trường với thực tập tại doanh nghiệp. 

Mô hình lớp học, vì vậy, cũng được xoay chuyển theo hướng “không giảng đường” hay “không giảng viên” như phân tích ở trên. Việc đi học, phải lấy bằng mặc dù vẫn là tâm lý nặng nề nói chung nhưng việc không nhất thiết hoàn thành chương trình học của sinh viên ngày nay cũng không phải là điều gì quá thảm họa trong mắt của nhà trường cũng như chính bản thân người học nữa.

Thực vậy, đại học “bốn chấm không” là xu hướng bắt buộc, không thể đảo lộn, nếu như bản thân trường đại học không muốn bị thải loại và “không” còn là một mắt xích quan trọng trong cả nền kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước nữa.

Phạm Hiệp

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ (12/7/1995-12/7/2025), Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo CAND về thành tựu trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước cũng như các bước hợp tác và phát triển mới, đặc biệt là từ khi Việt Nam-Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023.

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện hàng loạt các nhãn hàng hóa giả mạo, kém chất lượng được đưa ra thị trường. Nhiều người dân bị “lừa” bởi  họ thiếu cơ sở để truy xuất nguồn gốc cũng như nguồn thông tin để tự kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Cảng cá Cửa Việt, như một bến hẹn thầm lặng giữa trùng khơi và đất liền, vào mùa vụ cá Nam – một mùa vụ rất quan trọng với ngư dân Quảng Trị, không lúc nào ngớt tiếng máy tàu, tiếng khàn khàn của bộ đàm và cả tiếng rao của những bạn thuyền gọi nhau tiếp đá, đổ dầu, mang lương thực.

Ngày 9/7, Nhà hát Kịch Việt Nam chính thức khởi dựng 2 kịch ngắn nói về tình yêu bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam, bao gồm: “Chuyện nhà chị Tín”, “Miền Nam trong trái tim Bác”. Đây là các tác phẩm nằm trong chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” – chương trình chào mừng kỷ niệm 80 năm Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2025).

Truyền thông Ấn Độ hôm 9/7 dẫn thông tin từ cảnh sát bang Bihar, miền Đông nước này, cho biết 5 thành viên trong một gia đình gồm hai vợ chồng, hai con và người bà, đã bị giết hại dã man tại nhà riêng sau khi bị hàng xóm nghi ngờ là phù thủy gây ra bệnh tật và tai ương cho những người trong làng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.