Một cách thưởng thức cấu trúc thơ Việt

10:29 01/06/2021
Mỗi một người đọc thơ, dĩ nhiên rồi, sẽ lựa chọn cho mình một cách thức đọc mà bản thân cảm thấy thích hợp nhất. Có người đọc thơ bằng cách lấy “hồn mình” để hiểu “hồn người”, lại có độc giả lựa chọn “nhãn tự”, nhăm nhăm xem có chữ nào hay, câu nào mới. Cũng có người, tựa như vị hiền triết nơi chốn sơn cùng thủy tận không cần phân biệt cao thấp, chỉ đọc thơ bằng cách đo lượng “chí, khí” của người viết.


Lại có người, nhờ vốn tri thức thi ca sâu dày, mà đọc thơ theo cách diễn giải, bàn luận, so sánh thi tứ, thi ảnh, thi liệu. Chính vì mỗi cách đều có lý thú riêng nên tôi, cũng vì đích ngắm hiểu thơ, vỡ lẽ nghệ thuật thơ, mạo muội tìm cách thưởng thức cấu trúc thơ.

Cấu trúc thơ (hay trước đây thường gọi kết cấu) là cách tổ chức tác phẩm, thể hiện ý đồ xây dựng tác phẩm theo một tư duy và phong cách nghệ thuật cá nhân. 

Nhận thức về cấu trúc thơ hết sức quan trọng không chỉ vì nhà thơ đang được tham gia vào một trò chơi nghệ thuật ngôn từ được vận hành bởi quy luật, phép tắc nhất định mà còn được tự do phá vỡ các kết cấu, cấu trúc có sẵn để tạo nên khuôn thức theo ý hướng của mình. 

Trên đường đi tới cấu trúc thi phẩm, nhà thơ sẽ sử dụng các bút pháp, các kĩ thuật tu từ và như một bậc chân tu khổ hạnh, anh ta sẽ phá đi xây lại chừng ấy câu chữ không biết bao nhiêu lần để tìm được một thực thể thơ toàn bích nhất. Cấu trúc thơ, vì thế, là không gian chung mời gọi cả sự khám phá, thưởng lãm của người đọc.    

 Cấu trúc diễn ra trên phương diện nội dung lẫn hình thức của tác phẩm, trong đó, ở phương diện hình thức, cấu trúc trước tiên hiện lên ở cách sắp xếp, phân chia bố cục đoạn, khổ, chương, khúc, nghĩa là những hình thái vật chất của thi phẩm. 

Tuy nhiên, bố cục là yếu tố “dễ nhìn thấy” trong khi cấu trúc không giản đơn là các biểu hiện bề mặt mà còn thâm nhập vào chỉnh thể bài thơ một cách phức tạp, sinh động. Nếu văn xuôi thiên về cấu trúc ý nghĩa thì thơ trước hết là cấu trúc của hình ảnh, thi ảnh. Nếu văn xuôi lựa chọn cấu trúc chi tiết, nhân vật, sự kiện, cốt truyện làm trọng tâm thì thơ thiên về cấu trúc cảm xúc, nhịp điệu, giọng điệu, nhạc điệu, ý tứ… C

hẳng hạn, một thi sĩ bình dân tài hoa nào đó đã lựa chọn kết cấu đối lập để thể hiện ý tứ của mình: “Cầm vàng mà lội qua sông/ Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”. Thoạt tiên, anh ta sử dụng hình ảnh ẩn dụ (“vàng”, “công cầm vàng”), sau đó, tạo ra trạng thái đối lập (“tiếc” và “không tiếc”), xen giữa là cách ngắt nhịp 4/4 dứt khoát, rõ ràng. 

Tất cả hợp thành một thông điệp có phần “đanh thép” về một tình cảm trân quí sâu thẳm nào đó đã bị phụ bạc nhưng không thể làm ngã gục chủ thể. Điệp từ “tiếc” vút lên như thể xoa nhẹ và tha thứ cho chính mình. 

Cấu trúc đối lập phổ biến này được nhiều nhà thơ hiện đại sử dụng, chẳng hạn, “Mây biếc về đâu bay gấp gấp/ Con cò trên ruộng cánh phân vân” (Xuân Diệu); “Trời đánh/ Thì tránh/ Gái đánh/ Thì né” (Nguyễn Đức Sơn); “Anh bước lên nhức nhói chân đau/ Dáng hiên ngang vẫn ngẩng cao đầu” (Tố Hữu); “Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh/ Ngẩng mặt đụng trời xanh nhức mắt” (Hoàng Trần Cương)… 

Khi sử dụng cấu trúc tương phản và đối lập, người làm thơ phải dụng công để các phần đoạn đi đến phần kết không bị khiên cưỡng, gò ép. Bài thơ “Trôi” của Văn Cao là một trường hợp hoàn hảo trong việc tổ chức cấu trúc tương phản:

Tôi thả con thuyền giấy

con thuyền giấy trôi

tôi thả một bông hoa

bông hoa trôi

tôi thả một chiếc lá

chiếc lá trôi

tôi ôm em trong tay

em vẫn trôi

Bài thơ có 8 câu, 33 tiếng/chữ, được bố trí thành bốn phần đoạn nhỏ. Một cặp câu đảm nhận một hình ảnh và được cấu trúc theo hướng trùng lặp ý ở ba cặp câu đầu. 

Nhìn chung, ba phân đoạn này không có gì đặc sắc, thậm chí, đơn điệu. Toàn bộ ý tứ của bài thơ chỉ thực sự bung nở ở hai câu kết và nó làm đảo ngược hoàn toàn cảm xúc ở ba cặp câu trên. 

Cặp câu kết xuất hiện động từ “ôm” (níu giữ, mong muốn được sở hữu) đối lập với “thả”; “em” (người nữ, tình nhân, con người) đối lập với các vật vô tri vô giác (chiếc lá, bông hoa). Và đối lập cao nhất là ở hàm nghĩa của động từ “trôi”: nếu ở ba cặp câu trên, “trôi” chỉ diễn tả nghĩa vật lí thuần túy, thì ở câu kết, “trôi” lại biểu thị trạng thái tâm lí. 

Đó là trạng thái bất khả níu giữ, một cảm giác sở hữu cái mình không thuộc về, là sự xa cách của “hai vũ trụ bí mật” khó lòng rút ngắn. “Em vẫn trôi” cho thấy tiếng nói nội tâm của chủ thể “tôi”, là khoảnh khắc nhận thức về mình trong mối quan hệ với xung quanh. 

Có thể nói, nhờ phần kết đối lập/tương phản mà bài thơ trở nên sâu sắc, giàu sức nghĩ, dư ba. Nhìn rộng ra, cách tổ chức cấu trúc này khá gần với các loại thơ Haiku, thơ đoản ngôn, thơ tứ tuyệt là những thể thơ có dung lượng ngắn, kết cấu chặt chẽ nhưng lại có khả năng bùng nổ ý.

Quá trình hình thành cấu trúc tác phẩm thường thúc đẩy nhà thơ phá vỡ bộ khung thể loại thường bị coi là rắn chắc, ít thay đổi. Cấu trúc thể loại thơ thất ngôn Đường luật chẳng hạn, luôn tuân theo nguyên tắc chặt chẽ, đăng đối, niêm luật rõ ràng, nên nhà thơ thường phải chịu “hi sinh” sự tự do, phóng khoáng trong kết cấu để đảm bảo tính chuẩn mực thể loại. 

Đối với thể Thất ngôn tứ tuyệt cũng vậy, tuy chỉ có bốn câu nhưng vẫn nằm trong khuôn thức tương đối gò bó, tổ chức tác phẩm phải theo trình tự, nguyên tắc. Nhưng cả hai thể thơ này đã chứng kiến nhiều phá cách về mặt kết cấu, đem lại những nét mới lạ, thậm chí tạo thành một biến thể. 

Trường hợp những bài thơ Nôm Đường luật xuất hiện câu sáu chữ của Nguyễn Trãi hay những bài thất ngôn tứ tuyệt biến thể của Chế Lan Viên là ví dụ: “Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ/ trở về. Nắng sớm cũng mong. Cây/ cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm/ cũng thêm màu trên cánh đang bay” (“Tập qua hàng” – Chế Lan Viên). Như thế, cấu trúc thơ là sinh thể nghệ thuật đa dạng mà nhà thơ được phép định hình trong những tri thức thể loại họ nắm được. 

Trong thơ trung đại Việt Nam, cấu trúc thường có sẵn và nhà thơ thuận bề “lắp ráp”, thao tác hóa thi ngôn, thi ảnh để có thi phẩm. Do quan niệm vạn vật bất biến, vũ trụ tuần hoàn, sự vật tồn tại trong đối lập giữa âm và dương, giữa có và không, con người chỉ là tiểu vũ trụ nhỏ bé trong đại vũ trụ rộng lớn, nên cấu trúc thơ trung đại, nhìn chung, là dạng cấu trúc song song đối ngẫu. 

Ở thơ Mới lãng mạn, do thời đại đã chuyển sang tư duy khám phá, nhìn thấy thời gian là đứt đoạn và không gian là biến đổi theo cái nhìn, nên cấu trúc thơ phổ biến thường theo kiểu tuyến tính, gần với dạng thức kể lể, tuôn trào, diễn giải cảm xúc. 

Ở thời kì hiện đại, hậu hiện đại thì thế giới được hình dung trong trạng thái hỗn độn, phân mảnh, không theo trật tự sắp đặt trước mà phi trật tự, phi logic. 

Đây cũng là thời đoạn lí trí song hành cùng vô thức, cái nhận thức được đi cùng những điều bất khả tri, sự sống nảy nở trong đa dạng, riêng biệt. Vì thế, cấu trúc thơ hiện đại, hậu hiện đại hiện lên trong dáng vẻ gián đoạn, lắp ghép, phi tuyến tính. 

Nhà thơ ưa dùng cách tổ chức thi phẩm như những thực thể vụt hiện, phi khuôn thức, chống lại tính liên tục và rõ ràng, hướng đến tự do, biến ảo. Cấu trúc này cũng đồng thời hàm chứa thái độ truy tìm những khoái cảm của sự viết, của lối viết hơn là nghĩa nội dung cụ thể của bài thơ.

Cấu trúc thi phẩm có nhiều vai trò, chức năng nghệ thuật quan trọng. Nhưng hơn hết, cấu trúc thơ bộc lộ nhận thức thực tại, thẩm mĩ, phong cách nghệ thuật của nhà thơ. Ngay cả khi không có bóng hình tác giả trong bài thơ nhưng nhờ các dấu vết kết cấu, người đọc vẫn cảm nhận được sắc diện bản ngã, cái tôi thi sĩ. 

Một người ưa dùng cấu trúc phân mảnh, phi lo-gic như Bùi Giáng sẽ lựa chọn những kết hợp hình ảnh, tư duy mà ông gọi thẳng là “ngẫu hứng”: “Ví chăng văng chỉ vi ngồi/ Mà ra đứng ngóng sương đồi gió thông/ Bởi chưng ví chẳng phiêu bồng/ Chẳng nghe con cá không đồng ý sao...” (“Ngẫu hứng”). 

Toàn bộ thi phẩm không hướng tới mục tiêu phát nghĩa rõ ràng mà mở ra một cấu trúc liên hồi xô lệch, mất trọng tâm để dồn trọng tâm về phía bất định, bất khả diễn giải. Một thế giới không có điểm khởi đầu, không có điểm cuối, chỉ có cái nhìn của con người là thay đổi và tràn đầy hình ảnh cấp nghĩa cho thế giới. Các cách tổ chức thi phẩm theo phong cách Bùi Giáng, ngay cả trong thể lục bát quen thuộc, đều có thể dễ nhận diện vì chúng không bị lẫn, pha tạp với phong cách nào khác.

Sự lan truyền của cấu trúc thi ca không chỉ dừng lại trên bình diện một thi phẩm cụ thể mà lưu dấu ấn trong quá trình tiếp nhận di sản văn chương của mỗi thế hệ. 

Dễ thấy trong cấu trúc thơ Việt Nam đương đại, dạng thức cấu trúc thơ lãng mạn vẫn chiếm chủ đạo, nơi hệ thống từ vựng trạng thái từ, nhịp điệu giãi bày cảm xúc, các kĩ thuật tạo hình ảnh thơ qua tu từ và cú pháp vẫn phổ biến và được tiếp nhận nhanh chóng. 

Đối với các nhà thơ ưa cách tân, họ chú ý hơn trong việc tổ chức kết cấu, thử nghiệm các kiểu cấu trúc phân mảnh, phi tuyến tính, pha trộn kết cấu trữ tình và tự sự, vận dụng kiểu cấu trúc âm nhạc, điện ảnh, như trong thơ của Lê Đạt, Dương Tường, Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Inrasara, Mai Văn Phấn, Trương Đăng Dung, Nguyễn Phúc Lộc Thành, Lê Vĩnh Tài,… Thực tế này cho thấy cấu trúc thơ còn tiềm ẩn và chờ đợi khám phá, để từ đó, làm cho thơ Việt trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.

Mai Anh Tuấn

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文