Trại phong bỏ hoang dưới chân núi và những thân phận tuổi xế chiều

10:40 29/08/2019
Nằm heo hút dưới chân ngọn núi xanh mênh mang là những ngôi nhà cấp bốn, tường vôi rêu phong, tróc lở. Và đấy là  nơi ở của 5 cụ già còn sót lại của trại phong Đá Bạc cũ, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Trại phong được xây dựng từ năm 1968, đến năm 2013 thì di dời đi nơi khác, nhưng vẫn có 10 người xin ở lại. Các cụ bảo hơn nửa thế kỉ đã qua, kể từ ngày còn tuổi trẻ đầu xanh đã gắn bó với nơi này, bao kỉ niệm day dứt khôn nguôi, nên không nỡ lòng đi nơi khác.

Trời tháng 7 âm lịch mưa nắng thất thường, đang nắng rồi mưa ngay, con đường sỏi đá vào trại phong Đá Bạc càng lầy lội. Nằm yên tĩnh, khuất nẻo tít tắp phía sâu dưới chân núi cách biệt với thế giới ồn ào ngoài thị xã, dãy nhà một tầng quét vôi màu vàng được xây dựng từ đầu thập niên 80 đến nay hỏng nặng. 

Đi qua mấy căn phòng bỏ hoang mới thấy thấp thoáng bóng hai cụ bà ngồi ở hàng hiên nhìn ra bầu trời mưa lộp bộp. Cụ Lê Thị Liên năm nay đã 83 tuổi và cụ Thực năm nay 80 tuổi chia sẻ: “Lại có hơi người rồi”.

Cụ Thực trước hiên nhà.

Cụ Liên khuôn mặt hằn lên vết cơ cực của thời gian, và chai sạn của bệnh tật, cụ bảo: “Mưa to gió lớn thế này, củi kiếm được lại ướt hết...”. Nhắc đến bệnh, cụ lặng lẽ lấy bàn tay không lành lặn, co quắp, mất đốt lên thấm đôi mắt mờ đục. Bao nhiêu người đến đây hỏi thăm là bấy nhiêu lần kí ức cụ lại hiện về.

Cụ Liên quê ở Long Biên, Hà Nội bị bệnh từ năm 16, 17 tuổi, đến năm 19 tuổi cụ vào trại phong Bắc Ninh, chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, cơ sở khám chữa bệnh di dời sơ tán khắp nơi.

Cụ nói: “Năm 1962, có hơn hai nghìn bệnh nhân phong miền Bắc tập trung ở trại phong Quỳnh Lập, Nghệ An. Có hôm trại trúng bom Mỹ, hơn 200 người vĩnh viễn ra đi trong một buổi chiều. Năm 1968 tôi về trại phong ở Đá Bạc, sống cho đến giờ".

Cụ kể ngày trước trời mùa hè nắng như đổ lửa, đi ngoài đường những người bệnh như cụ cũng phải đeo găng tay, chân đi tất để che đi những đốt ngón tay, ngón chân bị mòn vẹt do bệnh tật. Nếu để người ta nhìn thấy sẽ bị ném đá đuổi đi.

“Lắm lúc tủi thân lắm, chỉ muốn lao mình xuống sông chết quách đi cho rảnh” - cụ chia sẻ.

Cụ sống một mình trong căn phòng nhỏ cuối dãy, đồ đạc tùng tiệm, cái tivi cũ của một nhà từ thiện nào thương tình cho đã mấy năm nay. Cái giường đơn ọp ẹp. Tủ quần áo bằng gỗ thâm bong cánh, là nơi cư trú của mấy con mèo.

Cụ bảo: “Từ ngày mọi người ở trại phong chuyển đi nơi khác, hằng ngày tôi chỉ biết vui, bầu bạn với con chó, con mèo. Chả biết chó, mèo có hiểu tiếng người không?! Nhưng chí ít, khi mọi người ném đá xua đuổi tôi, họ hàng quay lưng lại với tôi thì chó mèo nó không chê. Thế mà bọn trộm chó cũng không tha, thả ra con chó nào là chúng bắt mất, giờ chỉ còn lại con mèo. May là vừa rồi nó đẻ đàn con. Ở đây ẩm thấp nhiều chuột, mèo canh chuột, không thì chuột gặm chân, gặm tay mình”.

Cụ đã từng có tình yêu đẹp với người chồng bị bệnh phong. Hơn chục năm nay ông đi trước, mộ còn nằm ở quả đồi gần đây. Mỗi năm vài lần bà Liên còng lưng đi bộ ra hương khói. Hai người có chung một cậu con trai, sau anh này lớn lên chuyển nhà ở gần ngay trại phong. Nhưng bà ở đây, thấy tự do hơn cả. Bà hì hụi trồng cả vườn rau ngót, mồng tơi, dàn mướp sai lúc lắc trĩu quả.

Các cụ chỉ mong có người đến để được nghe tiếng người.

Trong phòng của bà còn có một cái võng do nhà từ thiện tặng. Nhưng vật bà yêu quý nhất lại chính là một cái đài Tàu màu đỏ, bé đúng bằng bàn tay có giá 200 ngàn đồng. Tuy cái đài không có giá trị vật chất nhưng lại có giá trị tinh thần to lớn. Trong đấy có hàng trăm bài giảng của các vị sư thầy và những bài kinh. 

Cạnh phòng cụ Liên là cụ ông Nguyễn Văn Đón, 85 tuổi. Cụ ông sống một mình trong căn phòng trống huơ trống hoác. Có hai cái giường đơn, một giường hỏng để mấy thùng mỳ tôm cùng mấy chai nước mắm. Đối diện cái giường hỏng là giường còn lành lặn hơn chút - nơi cụ nằm. 

Cụ sống trong căn phòng một mình từ ngày trại phong chuyển đi. Tuy có ba người con nhưng cụ bảo hai cô con gái đi lấy chồng, phải lo liệu gia đình chồng con, còn một anh con trai thì lâu lâu mới đến.

Cụ chép miệng thở dài bảo: “Trẻ cậy cha, già cậy con, nhưng số tôi hẩm hiu, không được ở gần con. Âu  cái số nó thế”. Cạnh phòng cụ có cụ ông tên Hoà, mấy ngày nay lại đi về thăm con.

Cụ Khuất Thị Oanh ngoài bảy mươi tuổi đang phơi quần áo bảo: “Ông bà ở đây chỉ thèm nghe được tiếng người và mong không bị ai xa lánh. Các cháu đến chơi với ông bà là quý hoá lắm".

Cụ Lê Thị Liên 83 tuổi hằng ngày tụng kinh niệm Phật.

Cụ bảo mình chẳng có ai thân thích nên đất ở đây, nước ở đây, cây cối ở đây là một phần máu thịt, đến khi chết cũng phải chết ở đây. Mấy chục năm gắn bó với nơi này, quen từ bờ tường đến con mương, ngày ngắm trời Đá Bạc, đêm nghe tiếng ếch kêu quen, rồi không thể xa nơi này được nữa.

Cụ Nguyễn Thị Sợi đi chợ về, tiếng cụ sang sảng: “Tôi ở đây đã 60 năm, lâu nhất so với mọi người ở trại phong này. Thật ra thì năm 2013, khi nhà nước có chủ trương di dời bệnh nhân phong đi nơi khác thì 10 người, trong đó có tôi xin ở lại. Đến nay, ba người đã ra đi, hai cụ ông và một cụ bà, nhưng toàn trên 86 tuổi cả”.

Cụ hào hứng kể: 150 bệnh nhân ở đây từ ngày thành lập trại mà tuyệt nhiên chẳng ai mắc bệnh ung thư, toàn sống tới ngoài 86, 87 tuổi mới qua đời. Ở đây không khí trong lành, rau quả tự trồng lấy ăn, không sợ phun thuốc. Trước đây trong trại còn có cụ Thuận là Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống đến 101 tuổi.

Nơi ở của những bệnh nhân phong còn sót lại ở Đá Bạc.

Nói rồi, cụ chỉ tay ra ngọn đồi xa xa là nơi chôn cất những bệnh nhân phong, giọng cụ chợt trầm xuống: “Ở lại đây còn thỉnh thoảng lên hương khói cho người đã khuất, chứ họ khi xưa cả cuộc đời chịu cảnh cô quạnh, ghẻ lạnh, nay mất đi không ai nhang khói thì tội nghiệp...”.

Ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn cho biết: “Mười bệnh nhân xin ở lại trại phong hằng tháng vẫn nhận được tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật và người cao tuổi là 700 nghìn đồng/người. Cán bộ xã đã nhiều lần vào thăm hỏi, động viên thuyết phục các cụ sang trại phong mới, tránh ở nhà xuống cấp nhưng các cụ không muốn đi. Tuy nhiên, hiện nay cả khu đất Đá Bạc này cũng đã nằm trong dự án quy hoạch, nên trong tương lai gần, chắc chắn các cụ sẽ  di rời sang chỗ ở mới. Cán bộ xã đã thông báo, làm việc với các cụ, và các cụ cũng đã chuẩn bị tâm lý rồi”.

Mỹ Trân

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文