Xóa hủ tục để xuân ấm cúng, Tết đủ đầy dọc dãy Trường Sơn

18:07 01/02/2019
Để thay đổi nhận thức của cả một tộc người, bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để cùng ăn, cùng ở với bà con dân bản. 


Chiều Đông muộn, chúng tôi đến Ngã ba Khe ve, điểm nối giữa Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn ở Minh Hóa, Quảng Bình. Cái lạnh của miền sơn cước như cứa vào da thịt, anh bạn bản địa đón dẫn về nhà. 

Bên bếp lửa hồng, bên men rược sắn, câu chuyện của người Ma Coong, người Khùa, người Mã Liềng, người Rục… sinh sống dọc dãy Trường Sơn được kể nối tiếp nhau như bản trường ca không dứt.

Từ những tộc người được xem là bí ẩn nhất thế giới, sống trong hang đá, làm bạn cùng muông thú, cỏ cây, nguy cơ tuyệt chủng cao như người Rục, người Mày, Khùa… đến nay nhờ sự kiên nhẫn, không biết mệt mỏi của các anh Bộ đội Biên phòng, Công an cắm bản, các tộc người đã hồi sinh, những hủ tục dần bị đẩy lùi, cuộc sống mới dọc dãy Trường Sơn dần khởi sắc. Tết cận kề, xuân cuộc đời đang đến với mỗi cuộc đời nơi đây.

Hủ tục ghê rợn ám ảnh bản làng

Bên bếp lửa sáng rực góc nhà sàn, già làng Y Cư kể về lời nguyền của tộc người mình. Trời buốt, nhưng nghe chuyện của già làng mồ hôi chảy đầy lòng bàn tay, thỉnh thoảng tôi lại giật thót người khi nghe tiếng con hoãng lạc mẹ than trong đêm vắng. 

Từ bao giờ đến bây giờ, người Ma Coong, người Khùa, Sách, Mày, Rục ở dưới tán rừng Trường Sơn này là những người luôn sợ ma. Họ sợ đến nỗi, khi có người thân mất, người Ma Coong đem vào rừng sâu chôn cất, sau đó quay đầu chạy bán sống bán chết về bản vì sợ con ma đuổi theo về nhà. Chính vì vậy, người Ma Coong hầu như đều không biết mộ người thân của mình ở đâu. 

Vì sợ ma, nên không biết tự lúc nào, đời này qua đời khác người Ma Coong luôn rỉ tai nhau một lời nguyền: "Giàng bảo, nếu người mẹ chết mà con không chôn theo thì con ma mẹ luôn về nhà quấy nhiễu những người còn sống. Phải chôn theo thôi, ai không làm theo thì cả bản bị con ma bắt". 

Nghe già làng nói vậy, hai anh bạn đồng nghiệp của tôi bỗng ngồi lui dần, lui dần vào tận bếp lửa, đưa mắt nhìn nhau, nỗi sợ của người Ma Coong đã bủa vây lấy họ.

Lực lượng Công an Minh Hóa, Quảng Bình bám bản để vận động, giúp đỡ nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Từ lời nguyền rùng rợn đó, những cảnh tượng kinh hoàng đã âm thầm xảy ra dọc thung lũng ở thâm sơn này. Đã gần 20 mùa rẫy rồi, nhưng Y Cư vẫn mãi dằn vặt khi tự tay chôn sống đứa con của mình. Ánh mắt hắt hiu nhìn đốm lửa hồng, Y Cư thổn thức. 

Một ngày đầu đông năm 1994, vợ Y Cư sinh con nhưng bị băng huyết rồi qua đời. Ba ngày sau, dân bản đến nhà Y Cư để thực hiện lời nguyền. Nhìn đứa con tròn xoe đang ngủ yên trên đôi tay của mình, Y Cư phải nhìn đi hướng khác khi trao con cho dân bản. Tiếng khóc thét của con trẻ khi đặt bên cạnh thi thể của vợ như nhát dao chém vào lòng Y Cư. Tiếng khóc thét của đứa trẻ vẫn vậy, đã gần 20 mùa rẫy vẫn hằn in trong tâm khảm Y Cư... 

Hơn 20 năm qua dân bản ở Cà Roòng vẫn thấy Y Hoi lầm lũi như con gấu rừng lẻ bạn khi vợ của Y Hoi là Y Bắp qua đời. Chôn cất vợ xong, Y Bắp chạy về nhà thì thấy bà con dân bản đã vây kín chật nhà để thực hiện lời nguyền. Vợ Y Hoi sinh đôi 2 bé trai kháu khỉnh, nỗi đau mất vợ không nguôi thì Hoi lại phải tự tay chôn sống 2 đứa con của mình. 

Đêm, khi mảnh trăng cuối cùng vắt qua đồi núi để nhường chỗ cho sao mai, Y Hoi đưa 2 đứa con vào rừng. Gió lạnh xé lòng cùng tiếng khóc con trẻ. Từ rừng trở về nhà, Y Hoi uống hết 3 bát rượu sắn, cầm rựa chém nát cả thân cây già trước hiên, nhưng nỗi đau vẫn cứ lớn dần. Bỏ lại cả tiếng kèn, tiếng trống của những đêm tự tình. Y Hoi lầm lũi trở thành con người khác. 

Cách đây tròn 8 năm, bà Hồ Thị L., ở bản Ka Ai trở dạ. Do băng huyết, bà L. đã qua đời khi đứa con còn chưa được kịp bú sữa mẹ lần đầu. Cả bản người Mày ngồi lại bên nhau bàn cách chôn cả mẹ và con. Bởi cái lý của dân bản "mẹ nó chết rồi phải chôn nó theo thôi, để nó lại nó biết bú sữa ai, rồi nó cũng chết thôi. Ai nuôi đứa bé sẽ bị hồn ma mẹ nó về đòi con mà gây chết chóc, nên phải chôn nó thôi…". 

Tiếng khóc thét của đứa trẻ bên miệng hố vẫn không làm mảy may bất cứ một người nào chú tâm dành sự sống cho nó. May mắn cho đưa trẻ, là các anh Bộ đội Biên phòng và Công an cắm bản kịp thời có mặt giải cứu… Lời nguyền rùng rợn "mẹ chết phải chôn con theo" còn xảy ra với nhiều dân bản nữa như Y Hắt, Y Kham, Y Hên... Nỗi đau cứ vậy dày lên như lá cây rừng rơi xuống qua mùa giông bão.

Bám bản để phá bỏ tục nguyền

Những hủ tục, những lời nguyền của bà con tộc người thiểu số sinh sống dưới những tán rừng Trường Sơn nó ăn sâu, bám rễ vào đời sống dân bản như cây rừng mọc xuyên núi đá. 

Để thay đổi nhận thức của cả một tộc người, bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để cùng ăn, cùng ở với bà con dân bản. 

Thiếu tá Thái Văn Thủy, Công an huyện Minh Hóa dẫn chúng tôi về xã Trọng Hóa, nơi nhiều bà con có chung đường biên với nước bạn Lào. Trọng Hóa có 18 bản với 873 hộ, trong đó có 728 hộ người Khùa với 3.523 nhân khẩu còn lại người Mày với 1.840 khẩu. 

Nhiều bản như bản Tà Vờng, bản Giỗ, bản Lòm, bản Chà Káp… nhiều hủ tục vẫn luôn vây quanh lấy cuộc sống của bà con dân bản. Ngoài việc giữ gìn bảo đảm an ninh biên giới, nhiều cán bộ, chiến sĩ nơi đây đang ngày đêm tìm cách xóa bỏ hủ tục mẹ chết chôn con theo, hôn nhân cận huyết thống, tìm cách tự tử khi buồn… ở bản làng.

Tròn 8 năm trước, khi đứa bé đang khóc thét bên huyệt mộ vì bị chôn theo mẹ là bà Hồ Thị L. như đã nói ở trên. Những cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cha Lo và Công an xã Dân Hóa đã kịp thời có mặt giằng lấy đứa bé trong tay trưởng bản. Cuộc chiến giữ hủ tục của dân bản và cứu sống tính mạng của đứa bé kéo dài đến tận khi mặt trời khuất sau dãy Trường Sơn. 

Trước trưởng bản và bà con trong bản Ka Ai, các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và Công an cắm bản phải cùng làm một bản cam kết sẽ nuôi nấng đứa trẻ và "thề độc" sẽ chịu mọi trách nhiệm nếu ma bắt vạ… Đứa trẻ được cứu sống đặt tên là Hồ Dưỡng. 

Được nuôi dưỡng bằng tình thương yêu của nhiều người, nay Hồ Dưỡng đã 10 tuổi, khỏe mạnh, nhanh nhẹn như con sóc, con nai của bản.

Để thay đổi hủ tục của bản làng, không cách nào tốt hơn là chứng minh cho bà con thấy bằng những việc làm cụ thể, bằng tình yêu thương và sự sẻ chia. Cách đây 18 năm, anh Nguyễn Diệu đặt chân đến bản Cà Roòng, Diệu bị sốt rét rừng quật ngã. Hàng ngày anh được trưởng bản và con gái Y Nhoong chăm sóc. Quăng quật với cơn sốt rét hơn cả tháng trời, Diệu đã được cứu sống. 

Cảm động trước tấm lòng của cô gái bản, Diệu và Y Nhoong nên vợ nên chồng. Cảm mến già làng, Diệu chọn Cà Roòng để an cư lập nghiệp. Sinh sống ở bản được gần 1 năm, không ít lần chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng con chôn theo mẹ của dân bản, Diệu thao thức, sợ hãi. 

Anh quyết định bước qua lời nguyền. Diệu nói với già làng chuyện bỏ hủ tục. Già làng mắt trợn ngược sợ hãi thầm thì với cây, cỏ, núi, rừng. Xin Giàng đừng để con ma bắt đi thằng Diệu, đừng để hắn suy nghĩ như con hươu, con hoẵng. Già làng không chịu, Diệu nói với vợ. Đêm đó, Y Nhoong ôm chăn ra góc nhà sàn để ngủ vì Nhoong sợ, con ma đang làm tội chồng mình, mới để hắn nghĩ chuyện phá bỏ lời nguyền của tộc mình. 

Vợ chồng anh Nguyễn Diệu, người có công lớn vận động bà con xóa bỏ hủ tục "Mẹ chết chôn con theo" ở bản Cà Roòng.

Tháng 9-1995, ở bản Cà Roòng, có Y Xoong vừa sinh con được 2 ngày rồi mất, dân bản họp bàn chôn thằng bé theo mẹ. Vừa đặt gánh lá rừng xuống sàn nhà, nghe tin vậy Nguyễn Diệu rụng rời chân tay, anh vội chạy đến nơi đứa trẻ sắp bị chôn theo mẹ. 

Trên khoảnh đất rừng, những bó đuốc sáng rực được thắp lên, già làng bồng đứa trẻ tím tái chuẩn bị đưa xuống huyệt, Diệu lao vào khẩn khoản xin già làng, xin dân bản đưa đứa trẻ về nuôi. Hàng trăm ánh mắt nhìn Diệu trừng trừng; hắn dám chống lại lời nguyền của Giàng à.

Không một ai đồng ý, Diệu lao vào cướp đứa trẻ trên tay già làng chạy thục mạng vào rừng. Tiếng la hét, tiếng nguyền rủa của dân bản đuổi theo anh. Hàng trăm bó đuốc được dân bản thắp sáng cả khoảng rừng để tìm Diệu và đứa bé. Tiếng giết, giết, tiếng la ó của dân bản bủa vây cả không gian núi rừng. Diệu chạy thục mạng gần 2 tiếng đồng hồ, khi đã bỏ xa dân bản anh mới tìm hang đá đưa đứa trẻ vào trú ẩn. 

Hàng ngày Nhoong cắt rừng đem cháo, đường vào để Diệu nuôi đứa bé. Vợ chồng anh quyết định đặt tên đứa trẻ là Cu Đường. 3 tháng sau, khi đứa trẻ đã cứng cáp, vợ chồng Diệu quyết định đưa con về bản. Những ánh mắt ngờ vực, nhiều ánh mắt sợ hãi vẫn hướng về căn nhà của Diệu.

Giờ Cu Đường được ba mẹ đặt lại tên là Nguyễn Văn Vinh. Cậu bé Vinh ngày ấy nay đã tốt nghiệp đại học sư phạm và tình nguyện xin về dạy học ở bản A Ky, một bản xa xôi, khó khăn nhất của xã Thượng Trạch…

Trở lại câu chuyện xóa bỏ các hủ tục cho đồng bào sinh sống dọc dãy Trường Sơn, anh Hồ Xuân Bách - Trưởng Công an xã Trọng Hóa cho biết, đó là một cuộc chiến thực sự với lạc hậu, mê tín để cứu mạng sống cho nhiều người. Những năm gần đây, hủ tục ghê rợn mẹ chết chôn con theo đã được xóa bỏ ở một số bản, làng nhưng một số nơi hủ tục đó vẫn ăn sâu trong tâm trí bà con. 

Hiện nay, hủ tục hôn nhân cận huyết thống cũng đang làm bào mòn, đảo lộn cuộc sống bình yên nhiều bản làng. Một số nơi anh chị em ruột lấy nhau, con chú lấy con bác, con cô lấy con cậu… đã sinh ra những đứa trẻ bị dị tật, và khi thấy vậy, bản làng lại tổ chức cúng tế, một số đối tượng bên ngoài lại tìm đến lợi dụng việc mê tín của người dân để thực hiện ý đồ gây mất an ninh chính trị trên địa bàn.

Theo Thiếu tá Hồ Kiên, Công an huyện Minh Hóa, người đang bám bản sinh sống với bà con dân tộc Khùa, Mày thì "Việc vận động, giúp đỡ bà con dân bản xóa bỏ các hủ tục lạc hậu được lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an đóng trên địa bàn hết sức quan tâm và thực hiện liên tục, thường xuyên hàng chục năm qua. Trước đây do địa bàn chia cắt, thiếu thốn về phương tiện nên nhiều việc đau lòng xảy ra ở một số nơi, có những trẻ bị chết vì chôn theo mẹ, phụ nữ sinh nở băng huyết chết, có những trường hợp say rượu bị rầy la cũng thắt cổ tự tử… Mấy năm gần đây, cuộc sống của bà con đã dần đổi thay, các bản làng được Nhà nước đầu tư nhiều về điện, đường, trường, trạm nên các hủ tục dần bị đẩy lùi".

Dương Sông Lam

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文