Kia
Mobifone

Chile và vấn nạn bắt cóc

Thứ Sáu, 30/08/2024, 08:42

Chile từ trước đến nay vẫn nổi tiếng là một trong những quốc gia an toàn nhất Nam Mỹ. Vậy nhưng quốc gia này đang phải đối mặt với làn sóng tội phạm bắt cóc. Số vụ án bắt cóc tại Chile đã tăng 135% trong vòng 10 năm qua. Cảnh sát Chile đã ghi nhận 850 vụ bắt cóc trong năm 2023. Xu hướng đáng ngại trên có liên quan trực tiếp đến tội phạm có tổ chức từ Venezuela xâm nhập vào Chile.

Vấn đề nhức nhối

Rạng sáng ngày 21/2/2024, ba người mặc quân phục cảnh sát Chile xông vào nhà Ronald Ojeda tại thủ đô Santiago. Ojeda  nguyên trung úy quân đội Venezuela, sống lưu vong tại Chile kể từ khi bị tòa án kết tội âm mưu đảo chính. Gần 1 tuần sau, cảnh sát tìm thấy thi thể Ojeda bị chặt thành nhiều mảnh, nhét vào trong vali và bị chôn xuống hố có đổ bê tông ở trên.

Chile và vấn nạn bắt cóc -0
Tổng thống Gabriel Boric bắt tay một người lính trong chuyến thăm vùng biên giới phía bắc.

Những kẻ thực hiện tội ác trên không ai khác là thành viên băng đảng mafia Tren de Aragua. Tiền thân của Aragua là một băng nhóm được thành lập năm 2014 trong nhà tù Venezuela. Khi nền kinh tế Venezuela rơi vào suy thoái, người dân Venezuela ồ ạt đổ sang Chile. Trong làn sóng 7,7 triệu người Venezuela đi tị nạn đó có không ít thành viên Aragua. Chúng hoạt động chủ yếu ở các khu ổ chuột tại các quận phía Nam Santiago. Ngay cả nơi chúng giết Ronald Ojeda cũng chỉ là một trong số nhiều căn nhà ở Maipú được chúng chọn làm nơi chứa và tra tấn nạn nhân bắt cóc.

Khách sạn Beaux-Arts Portal Fernández Concha là khu di tích lịch sử cấp thành phố của Santiago nhưng Aragua đã biến nơi đây làm trụ sở hoạt động của chúng.

Ngoài Chile ra  thì Aragua có chi nhánh tại Peru, Ecuador và Colombia. Ông Ignacio Castillo, Giám đốc phòng chống tội phạm có tổ chức thuộc Viện kiểm sát tối cao Chile, giải thích: “Tren de Aragua “lây lan” theo chân dòng người tị nạn Venezuela sang những nước láng giềng. Riêng ở Chile chúng không gặp phải đối thủ cạnh tranh, trong khi nền kinh tế lại phát triển. Đây là hai điều kiện giúp Aragua mở rộng hoạt động tại Chile. Chúng đã làm thay đổi hoàn toàn thế giới ngầm Chile”.

Ban đầu Aragua chỉ hoạt động tại hai tỉnh Arica và Tarapacá sát biên giới Venezuela - Chile. Trong giai đoạn 2021-2022, chúng mở rộng địa bàn sang các khu đô thị lớn như Santiago và Concepción. Nguồn thu chính của Aragua tại Chile là từ buôn bán ma túy, buôn người, bảo kê, bắt cóc.

Công tố viên Mario Carrera đã theo dõi sát sao Aragua ngay từ ngày băng nhóm này mới xâm nhập tỉnh Arica cho biết: “Aragua bắt cóc không chỉ nhằm đòi tiền chuộc. Chúng sử dụng bắt cóc như công cụ để răn đe kẻ thù và người dân địa phương. Có nhiều trường hợp một gia đình không có tiền để chuộc người thân, Aragua bắt cóc thêm một người nữa, sau đó tra tấn cả hai nạn nhân. Chúng biết rằng gia đình nạn nhân không đủ khả năng chi trả tiền chuộc. Vụ bắt cóc thứ hai là lời cảnh báo cho bất kỳ ai có ý định qua mặt chúng”.

Ông Mario Carrera cũng chỉ ra rằng đa số nạn nhân bị Aragua bắt cóc là người nhập cư Venezuela vốn chẳng giàu có gì. Những người này sống tại các khu ổ chuột và không hề có giấy tờ tùy thân nên họ dễ bị bắt cóc. Ngay cả trong trường hợp thân nhân người bị bắt cóc đi trình báo thì chính quyền cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nạn nhân.

Một xu hướng bắt cóc khác tại Chile là bắt cóc “ảo”. Tội phạm sẽ tìm hiểu xem khách du lịch nước ngoài tại Chile có quan hệ gia đình với ai không, rồi gọi cho người đó mà nói dối rằng đã bắt cóc thân nhân của họ. Nhiều nạn nhân hoảng sợ liền chuyển ngay tiền chuộc cho kẻ lừa đảo. Đến khi họ liên lạc được với người thân tại Chile thì chỉ còn biết kêu trời. Bộ Ngoại giao Chile đã phải đưa ra thông báo rằng khách ngoại quốc nên tránh đăng tin bài về mình và người thân lên mạng xã hội kẻo bị tội phạm khai thác.

Nói về làn sóng bắt cóc tại Chile thì không thể không bàn về thanh toán điện tử. Các ứng dụng ví điện tử như MercadoPago cho phép gia đình nạn nhân bắt cóc chuyển tiền chuộc cho tội phạm mà không bị chính quyền hay ngân hàng để ý. Trước đây những kẻ bắt cóc phải bắt người thân nạn nhân đặt túi tiền ở một chỗ nào đó, hay thậm chí là dẫn nạn nhân ra tận cây ATM để rút tiền. Bây giờ chúng chỉ cần ngồi nhà là đã nhận được tiền.

Tren de Aragua và các băng đảng tội phạm khác tại Chile đang  ngày càng manh động hơn. Chúng sẵn sàng thực hiện những vụ cướp giữa ban ngày trên đại lộ. Chúng thường nhắm vào những xe container chở đồ tiêu dùng dễ tẩu tán. Theo số liệu của Hiệp hội Sản xuất cá hồi Chile thì trong vòng 5 năm trở lại đây đã có 160 vụ xe tải chở cá hồi bị cướp giữa đường. Kể từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 4 vụ, trong đó có 2 vụ xảy ra cách nhau chỉ 15 ngày và gây thiệt hại tổng cộng 30 tấn cá hồi. Cảnh sát Chile hiện đang ra quân để truy quét các băng đảng chuyên ăn trộm cá hồi. Hiện họ đã thu giữ được hơn 15 tấn cá và nhiều vũ khí nóng.

Trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 3 vừa qua, 7 trong số 10 cử tri Chile được hỏi cho biết tội phạm là mối lo hàng đầu của họ. Đã xảy ra không ít cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ phải mạnh tay hơn trong việc xử lý tội phạm có tổ chức.

Một tình nguyện viên giấu tên chuyên giúp đỡ các cộng đồng nghèo ở Santiago cho biết: “Chính phủ coi người tị nạn Venezuela như “cái gai trong mắt”. Ngay cả khi chính quyền mở phòng khám miễn phí cho người dân thì người di cư cũng không được hỗ trợ. Chính thái độ này đã giúp cho các băng đảng tội phạm mở rộng quy mô”.

Tren de Aragua và các băng đảng tội phạm Chile khác hoạt động theo mô hình phi tập trung, mỗi địa bàn lại có một nhóm hoạt động độc lập. Ngay cả giữa các băng nhóm có hiềm khích với nhau cũng xảy ra việc đâm chém thuê, bắt cóc thuê giúp nhau. Chúng hoạt động giống như doanh nghiệp hơn là gia đình tội phạm truyền thống. Đây là xu hướng tất yếu đến từ nền kinh tế - xã hội Chile đang ngập sâu trong khủng hoảng.

Chile và vấn nạn bắt cóc -0
Cảnh sát Chile đột kích một khu ổ chuột, nơi có nhiều người tị nạn Venezuela sinh sống.

Giải pháp lập lại trật tự

Hiện Mexico, Haiti và Colombia là ba quốc gia có tỷ lệ bắt cóc cao nhất thế giới. Có khả năng Chile sẽ trở thành quốc gia đứng thứ tư trong vòng 10 năm tới. Santiago đang tìm mọi cách giải quyết vấn đề này. Ngày 27/2/2024, Tổng thống Gabriel Boric đã ký Sắc lệnh số 78 triển khai 600 sỹ quan quân đội lên ba tỉnh biên giới Antofagasta, Arica và Tarapacá giáp với Bolivia và Peru. Quân đội sẽ thay thế cảnh sát trong việc kiểm soát dòng người ra vào cửa khẩu Chile. Những đối tượng phạm tội sẽ bị quân đội trực tiếp bắt giữ và xử lý. Sắc lệnh 78 có thời hạn 90 ngày nhưng tới nay đã được kéo dài thêm 2 lần.

Sắc lệnh 78 đã khiến nhiều nhà quan sát phải ngạc nhiên. Tổng thống Gabriel Boric trước nay luôn tỏ ra ngần ngại trong việc sử dụng quân đội. Ông cũng từng ưu tiên việc giảm tỷ lệ tội phạm thông qua xóa bỏ nghèo đói. Sự thay đổi thái độ này đến từ việc chỉ số tín nhiệm của tổng thống đã xuống dốc không phanh kể từ cuối năm 2022 đến nay. Trong khi đó tỷ lệ tín nhiệm của cảnh sát và quân đội Chile hiện ở mức 73% và 87%. Ông Boric hy vọng việc quay sang “cầu cứu” quân đội sẽ giúp cải thiện khả năng chiến thắng của mình trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2025.

Đã xuất hiện nhiều lời chỉ trích từ dư luận Chile về hành động triển khai binh lính ở vùng biên giới. Các tổ chức nhân quyền như Viện Nhân quyền quốc gia (được Chính phủ Chile tài trợ) đã nhiều lần chỉ ra những trường hợp binh lính không được huấn luyện bài bản nên không thể làm thay công việc của cảnh sát. Họ cũng tỏ ra nghi ngờ về tính trong sạch của quân đội, nhất là sau khi tòa án nước này đem ra xét xử một nhóm sỹ quan Cục Quân khí vì tội nhận hối lộ để bán vũ khí cho tội phạm có tổ chức.

Các nước châu Mỹ không khỏi cảm thấy lo sợ trước việc Santiago triển khai quân đội lên biên giới. Tổng thống Boliva Luis Arce, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador, Tổng thống Honduras Xiomara Castro và nguyên Tổng thống Argentina Alberto Fernández đã có cuộc gặp với người đồng cấp Gabriel Boric hồi cuối tháng 6 vừa qua để bàn về vấn đề trên. Cuộc gặp diễn ra trong khuôn khổ phiên họp toàn thể của Tổ chức Các nước Châu Mỹ (OAS) diễn ra ở thủ đô Asunción của Paraguay. Tổng thống Luis Arce tuyên bố sau cuộc gặp rằng các bên đã lắng nghe quan điểm của nhau và sẽ còn tiếp tục đối thoại để tìm hướng giải quyết chung.

Cảnh sát Chile hiện đang tiếp tục triển khai chiến dịch nhắm vào Tren de Aragua. Họ cho biết đã bắt được hơn 100 đối tượng liên quan đến băng đảng này. Một nhóm gồm 34 đối tượng gốc Venezuela và 4 đối tượng người Chile sẽ sớm bị đưa ra xét xử về các tội danh có mức án đến tử hình như: giết người, bắt cóc, buôn lậu ma túy và buôn người.

Mặt khác dư luận Chile cũng đang sát sao theo dõi cuộc chiến bài trừ tham nhũng trong bộ máy chính quyền. Phiên tòa xét xử hai sỹ quan cảnh sát bán thông tin cho Tren de Aragua hồi tháng 4 vừa đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ dân chúng. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là “bề nổi” của “tảng băng chìm”. Chính phủ Chile sẽ còn phải đào sâu hơn nữa để đào thải tham nhũng nếu như họ muốn giải quyết tận gốc vấn đề tội phạm có tổ chức.

Lê Công Vũ

.
.