Đánh thuế giới siêu giàu: Bao giờ thành hiện thực?
Bất bình đẳng về của cải và thu nhập đang làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và sự gắn kết xã hội, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương của xã hội. Ý tưởng đánh thuế giới siêu giàu trở thành một chủ đề nóng trong các cuộc thảo luận chính sách công và diễn đàn quốc tế thời gian gần đây. Tuy nhiên, xây dựng và triển khai chính sách thuế toàn cầu như vậy rõ ràng đối mặt với nhiều thách thức phức tạp cả về mặt kỹ thuật, pháp lý và chính trị.
Những viên gạch đầu tiên
Sự gia tăng đáng kể tình trạng bất bình đẳng thu nhập và tài sản trong những thập kỷ gần đây đã dẫn đến việc nhiều nhà kinh tế học, chính trị gia và cả các nhà hoạt động xã hội kêu gọi những biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề này. Những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và gần đây hơn là đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, khiến khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng lớn.
Có ý kiến cho rằng nguồn gốc của ý tưởng đánh thuế giới siêu giàu có thể bắt đầu từ cuốn sách bán chạy năm 2013 của nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty, "Capital in the Twenty-First Century" (Vốn trong Thế kỷ 21). Piketty lập luận rằng khi tỷ suất lợi nhuận từ vốn vượt quá tốc độ tăng trưởng kinh tế, bất bình đẳng sẽ tăng lên và theo đó đề xuất một loại thuế tài sản toàn cầu để giải quyết vấn đề này.
Năm 2019, Gabriel Zucman và Emmanuel Saez trong cuốn sách “The Triumph of Injustice” (Thành quả vĩ đại của bất bình đẳng) đã nêu lên nhiều dẫn chứng và thực trạng “người giàu trốn thuế”, đưa ra những lập luận ủng hộ mạnh mẽ việc đánh thuế tài sản. Cuốn sách thậm chí còn được nhận xét là đem đến một bức tranh toàn diện về cách hệ thống thuế hiện tại có lợi cho người giàu như thế nào.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020, các chính trị gia như Elizabeth Warren và Bernie Sanders cũng đã đề cập vấn đề đánh thuế giới siêu giàu, thậm chí nhấn mạnh ý tưởng này trong trung tâm của các chiến dịch tranh cử. Elizabeth Warren đề xuất áp thuế 2% hàng năm đối với tài sản ròng từ 50 triệu USD đến 1 tỷ USD; 3% đối với tài sản trên 1 tỷ USD. Bà ước tính kế hoạch này có thể tạo ra 3.750 tỷ USD doanh thu trong thập kỷ đầu tiên. Trong khi đó, nghị sỹ Bernie Sanders xây dựng một thang thuế suất tiến bộ, bắt đầu từ 1% cho tài sản ròng trên 32 triệu USD và tăng dần lên đến 8% cho tài sản trên 10 tỷ USD. Tất nhiên, những đề xuất này thường đi kèm với các cơ chế để ngăn chặn trốn thuế và tránh thuế. Ví dụ, kế hoạch của bà Warren bao gồm việc tăng cường nguồn lực cho Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) để thực thi luật thuế hiệu quả hơn, cũng như áp đặt các hình phạt nặng đối với những cá nhân tìm cách trốn tránh thuế tài sản.
Trong một báo cáo năm 2022, Liên hợp quốc cũng đã đề xuất áp thuế 5% đối với các tỷ phú và 2% đối với các triệu phú. Mục tiêu của những kêu gọi này là gây quỹ để chống đói nghèo và giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Tổ chức phi chính phủ Oxfam đã đề xuất một loạt biện pháp đánh thuế giới siêu giàu, bao gồm thuế tài sản tiến bộ bắt đầu từ 2% đối với các triệu phú, thuế đặc biệt đối với lợi nhuận bất thường trong thời kỳ khủng hoảng, và thuế đối với các giao dịch tài chính quốc tế.
Mới nhất, ý tưởng đánh thuế giới siêu giàu lại nóng lên khi Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đưa vấn đề này trở thành ưu tiên trong chương trình nghị sự của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2024. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20, Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết bất bình đẳng toàn cầu và kêu gọi sự hợp tác quốc tế để thực hiện một chính sách thuế công bằng và hiệu quả. Chủ đề gai góc liên quan đến tình trạng các tỷ phú trốn thuế là nội dung đặc biệt được chú ý trở thành trọng tâm của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 diễn ra tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil hồi cuối tháng 7 vừa qua.
Tổng thống Lula da Silva đề xuất áp thuế tối thiểu 2% đối với các tỷ phú. Mục tiêu là tạo ra một chuẩn mực toàn cầu để đảm bảo rằng những người giàu nhất thế giới đóng góp công bằng vào ngân sách quốc gia. Đây được Brazil nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20, trước Hội nghị thượng đỉnh của nhóm dự kiến vào trung tuần tháng 11 tới.
Một số quốc gia đã bắt đầu thực hiện các biện pháp tương tự ở cấp quốc gia. Ví dụ, Tây Ban Nha đã áp dụng một loại thuế tạm thời đối với tài sản lớn, trong khi Argentina đã thông qua một khoản thuế một lần đối với những người giàu nhất nước này để tài trợ cho các biện pháp ứng phó COVID-19.
Nói dễ hơn làm
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng dù ý tưởng đánh thuế giới siêu giàu có vẻ hấp dẫn về mặt lý thuyết, việc thực hiện trong thực tế đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Thực tế đề xuất của Brazil vấp phải quan điểm trái chiều của nhóm nước G20, khi Pháp, Tây Ban Nha, Nam Phi, Colombia và Liên minh châu Phi ủng hộ sáng kiến này, song Mỹ và Đức phản đối.
Thứ nhất, chắc chắn khó có thể bỏ qua rào cản từ các thách thức pháp lý. Tại một số quốc gia, đánh thuế tài sản có thể bị coi là vi phạm hiến pháp. Tại Mỹ, một số học giả cho rằng thuế tài sản liên bang có thể vi phạm yêu cầu về "thuế trực tiếp" trong Hiến pháp. Ngoài ra, việc áp dụng thuế tài sản toàn cầu có thể xung đột với các luật thuế hiện hành và các hiệp định thuế quốc tế.
Thứ hai, không dễ để định giá và theo dõi biến động tài sản. Thực tế, nhiều tài sản của giới siêu giàu, như tác phẩm nghệ thuật, bất động sản cao cấp, hoặc các công ty tư nhân, rất khó định giá chính xác. Hơn nữa, việc theo dõi tài sản toàn cầu cũng đòi hỏi sự hợp tác quốc tế chặt chẽ và hệ thống thông tin hiệu quả, minh bạch – tất yếu kéo theo nhiều vấn đề phức tạp khác.
Thứ ba, không thể phớt lờ sự hiện diện của các “thiên đường thuế”, và rằng một mức thuế quá cao áp với tài sản có thể càng khuyến khích các cá nhân giàu có chuyển tài sản của họ đến các khu vực này hoặc sử dụng các cấu trúc pháp lý phức tạp để che giấu tài sản, gây khó khăn hơn cho việc minh bạch hóa dòng chảy tài chính quốc tế.
Thứ tư, một số chuyên gia cho rằng thuế tài sản cao có thể làm giảm động lực đầu tư và tiết kiệm, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Thứ năm, một thực tế ai cũng hiểu nhưng hạn chế đề cập là việc giới siêu giàu thường có ảnh hưởng chính trị đáng kể, do đó có thể gây cản trở việc thông qua và thực thi các chính sách thuế mới. Ngoài ra, cạnh tranh thuế giữa các quốc gia cũng là một rào cản lớn đối với việc thực hiện một chính sách thuế đồng bộ, mang tính toàn cầu và công bằng.
Thứ sáu, các chuyên gia pháp lý đặc biệt nhấn mạnh việc thu thập và chia sẻ thông tin tài chính cá nhân có thể gặp phải các rào cản pháp lý liên quan đến quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu. Đây thực tế là khó khăn chung cho các dự luật về thuế và tài sản bởi tính chất nhạy cảm và ranh giới mong manh giữa kiểm soát hay xâm phạm đối với quyền riêng tư của cá nhân.
Khó nhưng không bất khả thi
“Bệnh nào thuốc nấy”. Hiểu về thách thức là cách để tìm giải pháp tiềm năng.
Tương tự như thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu đối với doanh nghiệp, các quốc gia có thể xem xét một thỏa thuận tương tự cho các cá nhân siêu giàu. Điều này đổi lại có thể giúp ngăn chặn cạnh tranh thuế giữa các quốc gia và hạn chế khả năng trốn thuế.
Công nghệ có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề, thậm chí có thể giúp khai mở những tiềm năng và khía cạnh mà chúng ta chưa với tới. Vậy câu hỏi là tại sao không vận dụng các công nghệ mới để phục vụ việc theo dõi và định giá tài sản. Trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn và công nghệ blockchain có thể là những công cụ giúp cải thiện năng lực theo dõi và định giá tài sản hiệu quả, công bằng.
Tất nhiên, mọi giải pháp cần có một nền móng vững chắc, và ở đây là các cải cách chính sách để cơ chế thuế đúng và đủ hơn. Ngoài thuế tài sản, giới hoạch định chính sách tại nhiều quốc gia cũng đang xem xét các biện pháp bổ sung nhằm loại bỏ lỗ hổng thuế, xây dựng các văn bản luật chặt chẽ và bao trùm.
Và cuối cùng, như người ta vẫn nói, “quan trọng vẫn là ý thức”. Việc cân nhắc các chính sách ưu đãi thuế cho những khoản đầu tư có lợi cho xã hội cũng có thể là cách khuyến khích việc sử dụng tài sản một cách có trách nhiệm, để “thuế” của giới siêu giàu có thể không phải chỉ là nghĩa vụ, mà còn là trách nhiệm xã hội mà ai cũng mong mình có thể thực hiện!