Giải mã những môn thể thao trọng điểm của Việt Nam

14:57 02/06/2025

Trong khoảng thời gian cuối năm 2024, đầu năm 2025, thể thao Việt Nam đã xác định 17 môn thể thao được đầu tư trọng điểm trong thời gian tới. Đằng sau số môn thi đấu được liệt kê là bối cảnh phát triển từng môn, cũng như nhiều việc cần làm cho VĐV, HLV trong tương lai.

3 hy vọng vàng ở ASIAD

Thể thao Việt Nam khoanh vùng 17 môn trọng điểm trong thời gian tới là: Điền kinh, Bắn súng, Bắn cung, Taekwondo, Cử tạ, Boxing, Đấu kiếm, Thể dục dụng cụ, Xe đạp, Judo, Vật, Bơi, Cầu lông, Đua thuyền, Karate, Wushu, Cầu mây. Từng có ý kiến cho thấy môn thi đấu được đầu tư như vậy là quá nhiều, nhưng cuối cùng, 17 vẫn là con số cuối cùng.

anh1.jpg -0
Cầu mây Việt Nam có thể tranh HCV tại từng kỳ ASIAD.

Để nhìn một cách toàn diện về việc tại sao thể thao Việt Nam quyết định chọn 17 môn thể thao trên, có thể nhìn vào cục diện từng môn. Có 3 môn trong số đó không nằm trong chương trình Olympic, nhưng lại thường xuyên xuất hiện ở ASIAD và mang về huy chương là Karate, Wushu và Cầu mây.

Nhìn về lịch sử, Wushu là một trong số ít những môn thể thao Việt Nam thường xuyên có thành tích tại đấu trường châu lục và quốc tế. Tấm HCV tại ASIAD 2014 của Dương Thúy Vi là dấu mốc lịch sử. Bên cạnh đó, Wushu Việt Nam còn thường xuyên có HCB, HCĐ ở Á vận hội.

Karate thậm chí từng là mỏ vàng của thể thao Việt Nam trong quá khứ. Nhưng kể từ thời điểm HLV Lê Công nghỉ hưu, Việt Nam không còn giữ được mạch giành HCV ASIAD nữa. Thành tích của đội tuyển cũng có phần sa sút, đặc biệt trong hạng mục tổ đối kháng, vốn là thế mạnh của Việt Nam trước kia.

Tại kỳ ASIAD gần nhất, Karate Việt Nam đã giành được HCV tại nội dung Karate đồng đội nữ. Ở góc độ khách quan, đây là tấm huy chương ít nhiều có phần may mắn. Tại ngày thi đấu, Việt Nam tranh tài với 4 đối thủ Campuchia, Malaysia và Brunei. Tuy nhiên, nếu xét theo bề dày lịch sử và thành tích hiện tại, Karate vẫn xứng đáng có trong danh sách.

Còn Cầu mây, theo chương trình thi đấu ASIAD, môn Cầu mây thường có 6 bộ huy chương mỗi kỳ. Tuy nhiên, một đội tuyển chỉ được dự tối đa 4 nội dung. Vì thế Thái Lan, quốc gia mạnh tuyệt đối trong môn Cầu mây, phải để trống 2 nội dung thi đấu.

2 tấm HCV không có Thái Lan ở mỗi kỳ ASIAD là nơi được Cầu mây Việt Nam tranh chấp cùng các đối thủ như Indonesia, Malaysia, Myanmar. Đây là sự thật, nhưng ta cũng không thể phủ nhận nỗ lực đầu tư phát triển Cầu mây. Đây là môn thể thao được một số địa phương, đặc biệt là Hà Nội, phát triển với mức kinh phí đầu tư rất lớn.

Được biết, hàng năm, Hà Nội đầu tư cho bộ môn Cầu mây, Wushu và Karate ở mức không nhỏ. Đây cũng là minh chứng cho thấy, những địa phương có thế mạnh như Hà Nội luôn đi trước một bước trong việc phát triển thể thao thành tích cao, thậm chí "tự giác" cáng đáng một phần trách nhiệm ở sân chơi quốc tế.

Cục diện các môn Olympic

Với 14 môn Olympic còn lại, Điền kinh và Bơi Việt Nam gần đây không có thành tích quá ấn tượng tại sân chơi Thế vận hội, và phụ thuộc nhiều vào một số cá nhân. Tuy nhiên, chúng nằm trong số những môn thể thao cơ bản của Thế vận hội nên những nhà quản lý không thể bỏ qua.

Vật và Đấu kiếm được đưa vào khoanh vùng trọng điểm vì đây là những môn từng đem về rất nhiều vé tham dự Olympic trong quá khứ. Nhưng hiện tại, thể thao Việt Nam sẽ phải cố gắng rất nhiều để tái hiện điều đó, bởi 2 môn trên không có đại diện nào tham dự 2 kỳ Thế vận hội gần nhất.

Khó khăn tương tự Vật và Đấu kiếm là Taekwondo. Trong những năm gần đây, Taekwondo Việt Nam đã dần hụt hơi về mặt thành tích. Điều này diễn ra trùng với thời điểm các giải đấu Taekwondo quốc tế sử dụng giáp điện tử trong thi đấu, và Việt Nam đã không có đại diện nào đến Paris.

Trong số 14 môn, Bắn súng và Bắn cung là điểm sáng. Trong môn Bắn súng, Việt Nam liên tiếp giành vé dự Olympic và có VĐV đủ đẳng cấp tranh huy chương ở Thế vận hội. Sau HCV và HCB của Hoàng Xuân Vinh, Bắn súng Việt Nam có thêm Trịnh Thu Vinh, cũng là VĐV đạt thông số rất tốt tại các giải quốc tế.

Về phía Bắn cung, đây là một môn thể thao tương đối mới tại Việt Nam. Dù vậy, các nguồn lực đầu tư vào Bắn cung hiện rất lớn, khi chương trình thi đấu của môn thể thao này ngày càng được mở rộng. Bắn cung Việt Nam cũng liên tiếp có vé tham dự ở 2 kỳ Olympic gần nhất, cùng thành tích tốt của các VĐV.

Boxing, Cử tạ và Thể dục dụng cụ có nhiều bước tiến tích cực thời gian gần đây, với dàn VĐV đồng đều và chỉ tiêu không quá tập trung vào 1-2 cá nhân. 1 HCV và 1 HCB Cúp thế giới gần đây của TDDC cho thấy, Việt Nam đã chuẩn bị vươn ra quốc tế bằng lứa tuyển thủ mới, nơi trọng tâm là các VĐV nam.

Trong môn Cử tạ, khi Olympic đã bỏ các hạng cân nhỏ của nam, Việt Nam buộc phải hướng đến hạng cân lớn. Với Boxing, đội tuyển Boxing nữ vẫn là tổ trực tiếp gánh vác thành tích. Ở chiều ngược lại, Boxing nam cần phải nỗ lực nhiều hơn, bởi khả năng giành vé đến Olympic giờ đây đã khó hơn rất nhiều.

Xe đạp, Judo và Đua thuyền có thể duy trì vé tham dự Olympic, nhưng khả năng cạnh tranh huy chương không quá cao. Với Cầu lông, điểm mạnh của Việt Nam là môn thể thao này có tính xã hội hóa rất cao, có thể huy động nhiều nguồn lực. Việc các tay vợt Việt Nam đến Olympic trong 1- 2 kỳ tới là hoàn toàn khả thi dựa trên mặt bằng trình độ hiện tại.

Tuy nhiên, có một điểm quan trọng cần lưu ý trong hướng phát triển các môn thể thao trọng điểm của Việt Nam, đặc biệt là 14 môn hướng đến Olympic. Điểm chung của 14 môn nay là tất cả đều là những môn cá nhân, không phải môn đồng đội, thậm chí phần lớn mang tính cá nhân hóa rất cao.

Thể thao trong thế giới mới

Tại sao chi tiết về những môn cá nhân lại quan trọng với phát triển thể thao tại Việt Nam? Thứ nhất, những môn cá nhân có thể tiết kiệm được một phần kinh phí. Lúc này, một phần nguồn lực phát triển có thể tập trung cho một vài VĐV có thành tích cao, thay vì phải dàn đều ra cho nhiều người.

Bơi Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào một số cá nhân.

Thứ hai, trong những môn thể thao cá nhân, thành tích sẽ phụ thuộc trực tiếp vào từng vận động viên. Nhưng khác với ngành thể thao của 10 hay 20 năm trước, VĐV đỉnh cao hiện tại thuộc về một thế hệ hoàn toàn khác. Phần lớn VĐV nhận trọng trách đều thuộc thế hệ Gen Z, thậm chí Gen Alpha.

Điểm chung của những VĐV Gen Z trở về sau là họ có cái tôi rất cao. Vì thế, phương pháp huấn luyện, đào tạo VĐV sẽ phải khác trước đây. Nhiều HLV đã thừa nhận tình trạng trên, khi việc "thương cho roi cho vọt" không còn đúng nữa. Đôi lúc, HLV phải biết cách động viên, thậm chí "nịnh" một chút để các vận động viên tập luyện hăng say hơn.

Một vấn đề khác cần quan tâm là mức sống bình quân của người dân Việt Nam cũng ngày một nâng cao. Đây là một phần nguyên nhân khiến số lượng “VĐV nghèo vượt khó” sẽ không còn nhiều như trước. Ngay cả với các em thuộc vùng sâu vùng xa, họ bây giờ có thể dễ dàng học hết phổ thông, rồi tìm một công việc ở các khu công nghiệp, thay vì theo đuổi thể thao.

Vậy Việt Nam cần làm thế nào để thu hút các VĐV giàu tiềm năng, có tố chất thể thao? Trên thực tế, môi trường thể thao phải là nơi tập hợp những tinh hoa, hướng đến một cộng đồng văn minh, thân thiện. Các HLV, vì thế, đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển thể thao ở thời kỳ mới.

Huấn luyện viên bây giờ không chỉ có yêu cầu nắm chắc chuyên môn. Họ còn phải biết sử dụng ngoại ngữ, chủ động học hỏi và tiếp thu kiến thức, đặc biệt ở phạm vi quốc tế. Sự thực là, nhiều HLV của Việt Nam hiện nay vẫn làm việc theo kinh nghiệm, chưa có sự đổi mới, tiếp thu từ bên ngoài, và đó là điều cần thay đổi.

Đồng hành cùng những đơn vị lớn

Ở thời điểm hiện tại, kinh phí thi đấu quốc tế của nhiều đội tuyển thể thao tại Việt Nam giờ đây do đơn vị chủ quản chi trả theo từng VĐV và HLV. Ngân sách Trung ương chỉ chiếm phần lớn ở những giải đấu như ASIAD, Olympic hay SEA Games. Tại những giải mở rộng, hoặc ngay cả giải vô địch thế giới, vô địch châu Á, không ít VĐV tham dự bằng tiền địa phương.

Với những giải đấu trên, Cục TDTT Việt Nam thường chỉ chi trả kinh phí cho 1-2 HLV đang làm nhiệm vụ tại đội tuyển. Điều này tạo cơ chế thông thoáng để các VĐV có thể thi đấu quốc tế nhiều hơn. Ngoài ra, gánh nặng về kinh phí lên Cục TDTT Việt Nam cũng được giảm bớt hơn so với trước đây.

Trong bối cảnh đó, thể thao Việt Nam cần tạo thêm cơ chế hợp tác cùng phát triển giữa Trung ương và địa phương, đặc biệt với những đơn vị lớn như Hà Nội, Quân đội. Đây là những đơn vị không chỉ đóng góp VĐV trọng điểm, trình độ cao. Họ còn tạo môi trường tập luyện chuyên nghiệp, quy củ cho VĐV.

Mô hình "đơn vị chủ quản địa phương đồng hành cùng đội tuyển" thực ra đã tồn tại ở một số bộ môn. Như trường hợp của môn Cầu mây, các VĐV đội tuyển thường xuyên tập luyện cùng đội Hà Nội, nơi có lực lượng VĐV rất dày và mặt bằng trình độ cao. Boxing nữ cũng tương tự, dù lượng VĐV đội tuyển quốc gia tập trung tại Hà Nội hiện khá ít.

Đơn Ca

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ Công an đã công bố và trao quyết định cho các sĩ quan Tổ công tác số 6 đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ MINUSCA ở Cộng hoà Trung Phi. Đây là phái bộ vũ trang của Liên hợp quốc (LHQ), đồng thời là phái bộ mới, lần đầu tiên Bộ Công an triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình (GGHB) thực hiện nhiệm vụ… Dấu mốc quan trọng này khẳng định vị thế, vai trò của lực lượng Công an trên trường quốc tế nói chung và lĩnh vực GGHB nói riêng.

Việc xe khách sử dụng phù hiệu hết hạn hay bị thu hồi phù hiệu mà vẫn cố tình hoạt động là một vấn đề nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều rủi ro và vi phạm pháp luật. Mới đây nhất, vụ tai nạn xe khách thương tâm xảy ra tại Hà Tĩnh khiến 10 người tử vong lại một lần nữa đòi hỏi cơ quan chức năng nhìn lại vấn đề này, cần sớm đưa ra những giải pháp chặt chẽ để ngăn các nguy cơ tiềm ẩn.

Trung Quốc vừa công bố ý tưởng thành lập một "tổ chức hợp tác trí tuệ nhân tạo (AI) thế giới", với trụ sở tại Thượng Hải nhằm thúc đẩy phối hợp toàn cầu về quản trị AI. Kế hoạch trên được Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đưa ra tại Hội nghị AI thế giới (WAIC) 2025 diễn ra hôm 26/7 ở Thượng Hải.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hôm qua (27/7), khu vực Bắc Bộ đã có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất có nơi trên 36 độ như trạm Bắc Mê (Tuyên Quang) 39 độ; trạm Chợ Rã (Thái Nguyên) 36,8 độ; Bảo Lạc (Cao Bằng) 36,4 độ; Sơn Động (Bắc Ninh) 37,3 độ…

Chiều 27/7, tại tỉnh Songkhla (Thái Lan), nữ vận động viên Nguyễn Ngọc Huyền cùng các đồng đội đã thi đấu xuất sắc trong trận chung kết nội dung 4 người Giải vô địch Cầu mây thế giới (Giải vô địch Cầu mây thế giới 2025 (King's Cup 2025)

Đợt mưa lũ lịch sử xảy ra ở miền tây Nghệ An trong những ngày qua gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề. Công an tỉnh Nghệ An đã huy động hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ, tích cực hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân các xã khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống. 

Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động triển khai các biện pháp phòng chống lũ bão, đảm bảo an toàn doanh trại và các cơ sở giam giữ; chỉ đạo Công an cấp xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương huy động hệ thống chính trị ở cơ sở tham gia và thông báo đến từng bản, từng hộ dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”, ưu tiên bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người; tuyên truyền để hạn chế tối đa việc người dân phân tán tại lán nương, ao, gần suối, thung lũng để phòng tránh lũ ống, lũ quét.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.