HLV, quan chức thể thao Việt Nam làm gì khi cùng VĐV du đấu quốc tế?

15:41 03/01/2024

Việt Nam từng có thời gian "dậy sóng" vì nhiều HLV và quan chức có tên trong danh sách tham dự các kỳ Đại hội thể thao quốc tế. Họ là những người đảm nhiệm nhiều công việc thầm lặng, và cũng phải đứng mũi chịu sào, nhận trách nhiệm mỗi khi các đội tuyển có thành tích không như kỳ vọng.

Huấn luyện viên "10 trong 1"

Tại các nước phát triển, công việc ở đội tuyển thể thao quốc gia có tính chuyên môn hóa rất cao. Mỗi HLV thường chỉ làm công tác huấn luyện thuần túy ở một phần việc như lên giáo án tập, quản lý phong độ. Nhưng điều này rất khác ở Việt Nam, nơi huấn luyện viên thường phải kiêm nhiệm rất nhiều phần việc.

Ông Hoàng Quốc Vinh là một trong những cán bộ thể thao Việt Nam có tầm ảnh hưởng ở quốc tế.

Trong khuôn khổ một môn thể thao, mỗi địa phương thường có VĐV chia thành 3 tuyến khác nhau: tuyến 1 (VĐV thi đấu ở lứa tuổi trưởng thành), tuyến trẻ và tuyến năng khiếu (thiếu niên, nhi đồng). Về mặt lý thuyết, mỗi tuyến sẽ có một vài HLV phụ trách. Nhưng ở Việt Nam, cả 3 tuyến trên có thể chỉ có 1 HLV.

"Mô hình HLV chuyên trách chỉ phù hợp với đội tuyển thể thao mạnh của một số địa phương, ngành lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân đội. Với các địa phương nhỏ, cũng như các bộ môn bình thường, mỗi đội chỉ có 1-2 huấn luyện viên phụ trách toàn bộ công việc", một HLV chia sẻ.

Một trong những lý do dẫn đến số lượng HLV hạn chế ở mỗi bộ môn xuất phát từ nhu cầu tối giản nhân sự. Nhiều đội tuyển thể thao Việt Nam, cả cấp độ địa phương và tuyển quốc gia, không có nhân viên văn phòng chuyên trách, nên HLV phải kiêm công việc văn thư, bao gồm đặt vé máy bay, phòng khách sạn và xin visa.

Những chuyện dở khóc dở cười của thể thao Việt Nam cũng bắt đầu từ đây. Trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31, đội tuyển Boxing Việt Nam lên lịch sang Thái Lan tập huấn, đồng thời tham dự một giải đấu quốc tế tại đây. Công việc giấy tờ, bao gồm cấp visa nhập cảnh, được giao cho một HLV trong đội phụ trách.

Mọi thứ sẽ diễn ra trơn tru, suôn sẻ nếu như HLV được giao công việc bàn giấy kia không phải người vốn chỉ làm công tác chuyên môn đơn thuần. Việc phải phụ trách một phần việc trái sở trường khiến HLV này mắc sơ suất, qua đó khiến nhiều thành viên trong đội gặp trục trặc trong thủ tục cấp visa.

Đội tuyển Boxing Việt Nam, vì thế, đã lỡ chuyến bay đến Thái Lan tới 2 lần. Nhiều thành viên đã đăng lên mạng xã hội tấm hình chụp "trước giờ cất cánh", sau đó phải vội vàng xóa đi vì thực chất toàn đội phải quay về. Sau sự cố này, đội tuyển Boxing Việt Nam phải giao thủ tục giấy tờ cho một cán bộ chuyên trách khác.

Một HLV có thể phụ trách nhiều VĐV, nhưng nhiều VĐV có khi chỉ có một HLV duy nhất. Điều này đúng hơn cả với võ sĩ Nguyễn Thị Tâm, người luôn có HLV Nguyễn Như Cường đồng hành ở mọi giải đấu quốc tế. HLV Nguyễn Như Cường không chỉ giúp học trò nâng cao trình độ, mà còn đồng hành cùng VĐV ở miếng ăn, giấc ngủ.

Khi HLV Nguyễn Như Cường dẫn dắt Nguyễn Thị Tâm và Nguyễn Thị Hương dự giải Boxing châu Á 2022, ông phải tự đi đặt phòng khách sạn trong đêm. Ban đầu, họ được Ban tổ chức thu xếp phòng khách sạn với lời quảng cáo "có chất lượng 4 sao". Nhưng đến khi nhận phòng, toàn đội mới tá hỏa khi phát hiện chất lượng phòng của họ không bằng nhà nghỉ bình dân, không điều hòa, không nước nóng.

Để hai cô học trò có điều kiện ăn ở tốt nhất và hướng đến thành tích cao, HLV Nguyễn Như Cường đã huy động mọi mối quan hệ cá nhân của ông. Từng đồng nghiệp, người quen trong và ngoài nước được ông liên hệ để có thể tìm một khách sạn tốt tại thành phố Amman, Jordan, nơi diễn ra giải đấu.

Những quan chức "đứng mũi chịu sào"

Việt Nam là một trong hai đội tuyển vướng vào sự cố gây nhiều tranh cãi nhất của môn Pencak Silat tại SEA Games 32. Trong trận chung kết hạng cân 55kg nữ, mâu thuẫn đã bùng nổ giữa 2 đội tuyển Silat Việt Nam và Indonesia. Trước áp lực của ban huấn luyện Indonesia, các trọng tài "lật kèo", tỏ ý muốn xử thua VĐV Việt Nam dù trước đó đã công nhận phần thắng.

Nhiều HLV thể thao Việt Nam chọn làm việc và cống hiến thầm lặng.

Để đòi hỏi quyền lợi chính đáng, đồng thời bảo vệ cho vận động viên, đoàn Việt Nam đã có ý kiến với Ban tổ chức về tình huống "lật kèo" này. Người đứng đầu khi ấy không phải HLV, mà là một quan chức cấp cao của Đoàn Thể thao Việt Nam. Đó là ông Hoàng Quốc Vinh, khi ấy đảm nhiệm cương vị Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao I thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao.

Trên cương vị một quan chức đi cùng đoàn, những cán bộ như ông Hoàng Quốc Vinh luôn là người đầu tiên có trách nhiệm trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của các đội tuyển thể thao. Họ không chỉ thông thuộc luật và quy định của môn thi đấu, mà còn có các mối quan hệ, tầm ảnh hưởng đủ lớn để thuyết phục Ban tổ chức giải trước những tình huống khó xử.

Trong câu chuyện của ông Hoàng Quốc Vinh, đại diện Đoàn thể thao Việt Nam đã phản ứng một cách văn minh và lịch sự. Nhưng đáp lại thái độ cầu thị đó của đoàn Việt Nam, một số HLV, VĐV Indonesia đã lao đến với ý muốn gây gổ, tấn công ông Hoàng Quốc Vinh. Đó là nguyên nhân của sự cố không đáng có giữa hai đội tuyển Pencak Silat tại SEA Games 32 vừa qua.

Những cái đầu nóng luôn tồn tại trong môn Silat, và ông Hoàng Quốc Vinh không phải lãnh đạo, cán bộ thể thao Việt Nam đầu tiên bị hành hung khi làm nhiệm vụ quốc tế. Trong năm 2010, ông Nguyễn Ngọc Anh, đội Pencak Silat Việt Nam (hiện làm Trưởng phòng Thể thao Quần chúng, Cục TD-TT) cũng lâm vào cảnh tương tự.

Khác với ông Hoàng Quốc Vinh, 13 năm trước, người tấn công ông Nguyễn Ngọc Anh không phải HLV hay VĐV. Thủ phạm là một khán giả tự ý nhảy từ trên khán đài xuống khu vực kỹ thuật, rồi tấn công quan chức Việt Nam. Việc này diễn ra khi ông Nguyễn Ngọc Anh dẫn đội tuyển Silat Việt Nam dự giải vô địch thế giới tại Indonesia.

Hài lòng với công việc thầm lặng

Khi chia sẻ cùng phóng viên về chuyện đời, chuyện nghề, tất cả các huấn luyện viên, cũng như quan chức thể thao đều mong những đóng góp của họ chỉ xuất hiện dưới dạng ẩn danh. Họ không muốn câu chuyện của bản thân bị hiểu sai, dẫn đến những nhận định không đáng có. Ngoài ra, các HLV, quan chức thể thao cũng khẳng định họ phải có trách nhiệm cao với vị trí của mình.

"Chúng tôi không thể làm huấn luyện viên cả đời. Đến một lúc nào đó, HLV sẽ phải nghỉ hưu, giao lại công tác huấn luyện cho những người khác. Phần lớn trong số họ là những VĐV từng làm việc trực tiếp với chúng tôi. Vì thế, HLV phải gương mẫu trong công việc để VĐV nghe theo, đồng thời động viên các em có tố chất huấn luyện muốn theo đuổi công việc này nghiêm túc", một HLV nói.

Trên thực tế, nhiều HLV thể thao Việt Nam có tuổi đời khá trẻ. Họ hoàn tất chứng chỉ huấn luyện viên cấp độ cử nhân ở độ tuổi 25-26. Một số người thậm chí học các lớp đào tạo huấn luyện viên, trọng tài quốc tế và có chứng chỉ trước tuổi 30. Điều đó giống như một suất bảo hiểm chắc chắn cho họ trong tương lai.

Một vấn đề khác hiếm khi được các HLV, quan chức thể thao đề cập đến là thu nhập. Thật khó tin khi biết nhiều HLV có lương ở địa phương (hợp đồng hoặc biên chế) chỉ ở mức vừa đủ sống. Một số người trong số họ phải nhận làm thêm nhiều công việc khác để sinh nhai. Số khác, chấp nhận bỏ thêm tiền để theo đuổi đam mê.

Vấn đề thiếu VĐV kế cận của nhiều đội tuyển thể thao Việt Nam được đặt ra trong thời gian gần đây. Một trong những nguyên nhân sâu xa của việc đó là các địa phương không có đủ HLV phụ trách các khâu, từ tuyển chọn tài năng trẻ đến đào tạo đỉnh cao. Ở một góc độ nào đó, thể thao Việt Nam đang thiếu HLV ở một mức độ trầm trọng hơn cả việc thiếu VĐV đỉnh cao.

HLV, quan chức thể thao quyên góp giúp đỡ VĐV

Những ngày qua, cộng đồng đã hỗ trợ không nhỏ trong việc giúp đỡ VĐV Nguyễn Minh Triết, tuyển thủ Thể dục dụng cụ trẻ Việt Nam, vượt qua khó khăn. Minh Triết gặp chấn thương nặng hồi đầu tháng 11 trong quá trình tập trung tại đội tuyển. Khả năng hồi phục của VĐV này không cao, khiến gia đình em lâm vào cảnh khó khăn bởi Minh Triết là lao động chính trong gia đình.

Phần lớn số tiền ủng hộ Minh Triết đến từ các cơ quan, đoàn thể của thể thao Việt Nam như Liên đoàn Thể dục Việt Nam, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia I (Nhổn), Trung tâm Thể dục Thể thao Quân đội. Mỗi cơ quan, đoàn thể, đứng đầu là các quan chức thể thao, các HLV đã kêu gọi tất cả cùng chung tay góp sức. Bản thân họ cũng ủng hộ không ít, nhưng dưới hình thức ẩn danh.

Trước Nguyễn Minh Triết, một VĐV khác của thể thao Việt Nam từng gặp tai nạn bất ngờ khi đang thi đấu là võ sĩ Vũ Thị Thùy Dung. Năm 2018, Thùy Dung bất ngờ mắc phải hội chứng tắc tĩnh mạch khi mới 20 tuổi. Cô gái sinh năm 1998 phải cưa chân sau 3 lần phẫu thuật bất thành.

Thùy Dung sinh ra trong một gia đình nghèo ở Thái Bình, và việc chữa trị cho em khiến cả nhà rơi vào cảnh khó khăn. Trước tình hình đó, HLV Nguyễn Thị Hoa, người phụ trách Thùy Dung tại địa phương đã cùng HLV Nguyễn Anh Dũng kêu gọi hỗ trợ. Tổng số tiền quyên góp được là 300 triệu đồng, giúp gia đình Thùy Dung thoát khỏi cảnh bần cùng trong nỗ lực chạy chữa cho con gái.

Đơn Ca

Trong Kỳ họp chuyên đề ngày 19/11, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Đề án giao thông thông minh trên địa bàn Hà Nội; quy định cụ thể các trường hợp vi phạm sẽ bị cắt điện, nước.

Thời gian qua, các ngõ 127, 155 Nguyễn Trãi; 126, 144 đường Thượng Đình thuộc phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) xuất hiện barie chắn ngang, chặn xe máy vào giờ cao điểm. Được biết, barie này là do người dân trong ngõ bàn bạc lắp đặt, chỉ được hạ xuống vào một khung giờ nhất định (thường từ 7h-8h30), hết giờ cao điểm sẽ được nâng lên nhằm hạn chế tình trạng tắc đường ở khu vực này.

Vào hồi 13h30 ngày 19/11, lực lượng cứu nạn cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ đuối nước xảy ra tại bãi bồi sông Hồng thuộc khu 1, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông đã tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 2. Vị trí tìm thấy tại vị trí hạ lưu, cách cầu phao Phong Châu khoảng 2km thuộc địa phận khu 7, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông.

Mỗi quả thận được Ninh mua với giá từ 320 triệu đến 380 triệu đồng và được bán với giá từ với giá từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng tùy từng thời điểm. Ngoài ra, Ninh còn trả các khoản tiền chi phí xét nghiệm, làm hồ sơ thủ tục cho bên bán và bên mua thận…

Như nảy sinh ý định giả danh người thân của anh T để mượn tiền của anh H.C.D rồi chiếm đoạt. Để thực hiện ý định trên, Như tìm số điện thoại của anh D và mua 1 sim điện thoại không đăng ký. Sau đó, Như tạo tài khoản Zalo tên là “Trinh Nguyen”, lấy ảnh đại diện từ Facebook Trinh Nguyen (là em ruột của anh T).

Ngoài chuyện tố cáo đến cơ quan Công an vì bị chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì nhiều năm và liên tiếp phản ánh bức xúc đến các cơ quan thẩm quyền về tình trạng chậm được cấp "sổ hồng" cho 930 căn hộ, một vấn đề gay gắt khác giữa cư dân chung cư Saigon Gateway (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hồ Chí Minh là việc cấp "sổ hồng" riêng cho khu đất thương mại dịch vụ gây bít lối đi chung...

Xung đột Nga-Ukraine leo thang và một số điểm nóng tại Trung Đông khiến nhu cầu trú ẩn tài chính gia tăng, kéo giá vàng thế giới tăng mạnh, đẩy giá vàng trong nước đi lên.

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22/12, do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức. Triển lãm được tổ chức với quy mô lớn, nội dung mang tính hiệu quả và toàn diện, với đông đảo các doanh nghiệp Công nghiệp Quốc phòng các nước, các đoàn khách quốc tế, quốc phòng cấp cao, các nhà quản lý công nghiệp quốc phòng đăng ký tham gia.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文