Họa sĩ trẻ và nỗ lực đi tìm tiếng nói khác thế hệ đi trước

08:08 28/12/2024

Sau 5 tháng phát động, Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 năm 2024 đã thu hút được khá nhiều tác giả từ 18 đến 35 tuổi, mang đến những tiếng nói mới cho mỹ thuật đương đại. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn khẳng định: “Những người trẻ năng động đã nỗ lực tìm kiếm cho mình các hình thức nghệ thuật ở mọi chất liệu, kiểu dáng, chủ đề, cách thể hiện".

Những vẻ đẹp mới của mỹ thuật Việt

Nhà phê bình mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh từng kêu gọi: "Họa sĩ trẻ hãy vẽ thật trẻ trong tư duy và cách vẽ, đừng già như thế hệ cha anh mình, hãy phá cách và mạnh dạn cất tiếng nói của thời đại mình”. Có vẻ như Festival lần này đã khẳng định được điều đó khi những người trẻ đã thể hiện được tiếng nói của mình bằng ngôn ngữ mới, sáng tạo và bứt phá. 

Các tác phẩm mỹ thuật đương đại, hội họa sắp đặt được triển lãm tại không gian trưng bày.

Sau 5 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 1.050 tác phẩm của 300 tác giả trong cả nước gửi tham gia với các thể loại phong phú như: hội họa, điêu khắc, đồ họa, sắp đặt... và các chất liệu cả truyền thống lẫn sáng tạo, độc đáo. Hội đồng nghệ thuật đã tuyển chọn được 148 tác phẩm của 121 tác giả để triển lãm và trao giải thưởng cho 29 tác phẩm/bộ tác phẩm xuất sắc. Trong đó, 3 giải nhất thuộc về 3 tác giả: Vàng Hưng Hải với tác phẩm “Mẹ tôi”, Phạm Thùy  Dương với tác phẩm “Suốt”, thể loại sắp đặt; Bùi Yến Vy với tác phẩm “Sau cơn mưa” thể loại đồ họa. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 4 giải nhì, 9 giải Ba và 11 giải khuyến khích, 2 giải thưởng tác phẩm là đồ án tốt nghiệp được trao cho các nghệ sĩ trẻ tiềm năng.

Ông Mã Thế Anh - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm khẳng định: “Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 đã có những đổi mới, sáng tạo, phản ánh hiện thực đời sống mỹ thuật của các tác giả trẻ Việt Nam hiện nay. Các tác phẩm đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống đương đại với góc nhìn của những người trẻ, tư duy sáng tạo mới trong quan điểm sáng tác nghệ thuật. Có nhiều thử nghiệm, tìm tòi mới trên chất liệu truyền thống.  Đây cũng là cơ hội để các họa sĩ trẻ giới thiệu mình với công chúng, khẳng định những tiếng nói đầy trăn trở trước thời cuộc”.

Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 đã phản ánh hiện thực đời sống mỹ thuật của các tác giả trẻ đương đại Việt Nam hiện nay, các tác phẩm trong Festival cho người xem thấy được sự trăn trở của các nghệ sỹ trẻ tới các vấn đề của cuộc sống xã hội đương đại được gửi gắm vào tác phẩm để đưa đến công chúng yêu nghệ thuật có cái nhìn rõ nét hơn về nghệ thuật đương đại hiện nay. Người xem có thể bắt gặp trong các tác phẩm những trăn trở của các họa sĩ trẻ trước sự mất kết nối của con người, sự xâm lấn của công nghệ và AI đang ảnh hưởng đến cuộc sống. Ở đó có cả nỗi cô đơn, sự hoang mang của người trẻ trước sự thay đổi của cuộc sống.

Có nhiều tác phẩm thể nghiệm độc đáo như “Cơn bão trong đêm” của họa sĩ Cấn Văn Ân vẽ trên một cánh cửa nhôm, có cả dây điện và những miếng kim loại nhỏ, Ân kể câu chuyện về đám cháy kinh hoàng ở Hà Nội thời gian qua. Rõ ràng, các tác phẩm mỹ thuật đương đại, hội họa, sắp đặt, đồ họa được giới thiệu tại Triển lãm là những sáng tạo độc đáo, mở ra cánh cửa dẫn vào thế giới nội tâm phong phú, phản ánh những chuyển động của đời sống, văn hóa và tinh thần con người trong thời đại mới.

Tác phẩm “Giấc mơ” gây ấn tượng.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn nhận định, ở triển lãm lần này, các nghệ sĩ trẻ đang tìm chỗ đứng xứng đáng trong xã hội. “Những người trẻ năng động đã nỗ lực tìm kiếm cho mình các hình thức nghệ thuật ở mọi chất liệu, kiểu dáng, chủ đề, cách thể hiện. Các nghệ sĩ đã bắt đầu nhập cuộc, sống đời sống đương đại để tìm nguồn cảm xúc, tìm tiếng nói khác thế hệ đi trước. Đây là điều rất đáng ghi nhận khi các họa sĩ trẻ đã bứt được ra khỏi câu chuyện, tâm sự của những thế hệ đi trước mà kể câu chuyện của chính thế hệ mình”.

Tuy nhiên, theo ông Lương Xuân Đoàn, hiện thực cuộc sống ngày nay rất nhiều vấn đề nóng, nhưng các họa sĩ trẻ vẫn còn thận trọng, chưa nói được tiếng nói thế hệ mình một cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn. Ông cho rằng: “Các bạn đã hòa điệu cảm xúc khi cảm nhận xã hội, cảm nhận con người đương đại. Nó giống như việc xoay bản lề, lật giở trang mới, là điều may mắn cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.

Họa sĩ trẻ cần được ủng hộ

Festival Mỹ thuật trẻ đã qua 7 mùa, tuy nhiên, những lần trước, các tác phẩm vẫn chưa có sự đột phá, sáng tạo mới mẻ, thoát khỏi cái bóng của thế hệ đi trước. Như họa sĩ Đào Hải Phong đã có lần chia sẻ, họa sĩ trẻ đôi khi bị chạy theo thị trường, làm vừa lòng khán giả nhiều hơn là nói tiếng nói của mình. Hoặc có những tìm tòi, cách tân lại trở nên gượng gạo vì chưa có độ chín của cảm xúc.

Lần này, những người trẻ đã mang đến những tiếng nói có dấu ấn hơn. Tuy nhiên những tác phẩm đạt giải cao lại không phải là những đột phá về thể loại hay hình thức mà là những tác phẩm trở về với vẻ đẹp giản dị nhất, nguyên sơ nhất.

Tác phẩm “Mẹ tôi” của Vàng Hải Hưng không vẽ mẹ mà vẽ chiếc xe đạp và nón lá của mẹ trên mặt đất gồ ghề, nứt nẻ. Một bức tranh giản dị nhưng xúc động, gợi nhớ hình ảnh người mẹ tảo tần sớm khuya của chúng ta. Hay tác phẩm được trao giải Nhì “Ngàn năm soi bóng” của Nguyễn Tuấn Dũng lại tôn vinh vẻ đẹp của văn hóa, vốn cổ của cha ông.

“Để có chất liệu mới kết hợp với hình ảnh, câu chuyện từ truyền thống, tôi đã tìm đến gốm. Tác phẩm là sự tạo tác của những mảnh gốm thể hiện dấu tích các triều đại Việt Nam. Tôi dùng thêm chất liệu composite, đèn led, acrylic để tác phẩm có độ tương tác, với ý nghĩa thắp sáng những di sản bị chìm vào quên lãng, giúp thế hệ trẻ tìm và hiểu hơn về di sản”, họa sĩ Nguyễn Tuấn Dũng chia sẻ. Anh từng tham gia 5 festival Mỹ thuật trẻ. Anh cho rằng, đó là cơ hội để các họa sĩ đưa tác phẩm đến với công chúng. Tại Festival Mỹ thuật trẻ, có nhiều tác phẩm với xu hướng mở của thế hệ nghệ sĩ mới. Họ có nhiều câu chuyện độc đáo, nhiều màu sắc, thể hiện những suy nghĩ của giới trẻ...

Ngôn ngữ thể hiện mới lạ, độc đáo của một tác giả đương đại.

Bùi Thị Yến Vy nhận giải Nhất với tranh khắc gỗ “Sau cơn mưa” cho rằng, giải thưởng là động lực để cho những nghệ sĩ trẻ như chị tiếp tục trên hành trình sáng tạo gian nan này. Đây cũng là mục đích của nhiều họa sĩ trẻ tham gia Festival. Họ cho rằng, qua Festival, họ được làm quen, gặp gỡ trao đổi chuyên môn, được tạo điều kiện về không gian, địa điểm tổ chức, truyền thông sự kiện, giới thiệu tác phẩm đến công chúng. Việc được tự do “bơi” ở những sân chơi lớn là thuận lợi căn bản để nghệ sĩ thể hiện hết khả năng và sự sáng tạo phong phú của mình, từ đó có suy nghĩ trách nhiệm hơn trước nghề nghiệp trong tương lai.

Anh Nguyễn Dũng, một khán giả xem triển lãm chia sẻ: “Đi dạo một vòng triển lãm, mình thích nhất là tác phẩm "Ngàn năm soi bóng", nhưng sau đó khi Ban tổ chức chiếu những tác phẩm đạt giải Nhất - trong đó có tác phẩm "Mẹ tôi" thì mình bỗng bị xúc động mạnh... Triển lãm này là một cơ hội lớn để nghệ thuật đến gần hơn với công chúng”.

Theo họa sĩ Đào Hải Phong, công chúng yêu nghệ thuật thay vì đi sưu tầm những giá trị đã được khẳng định như tranh của các họa sĩ Đông Dương hay các tên tuổi họa sĩ gạo cội thì hãy sưu tập tranh của những người trẻ. Họ cần được động viên, khích lệ, họ cần những con mắt xanh trong hội họa nhìn ra tài năng của họ, tiếp thêm động lực cho họ đi con đường dài sáng tạo. Những tiếng nói mới của họa sĩ trẻ cần được đón nhận. Có như vậy, đời sống mỹ thuật mới tiếp tục phát triển, đa dạng và phong phú hơn.

Mỹ Hiền

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Câu chuyện “lương, thưởng Tết cuối năm” luôn là vấn đề được hàng triệu người lao động quan tâm. Dù việc thưởng Tết không có quy định bắt buộc nhưng từ lâu đã trở thành văn hóa của các đơn vị, doanh nghiệp tại Việt Nam. Thưởng Tết cũng là một phần không thể thiếu trong các mối quan hệ nghề nghiệp, không chỉ mang lại niềm vui, sự quan tâm, còn là động lực để người lao động thêm gắn bó với nơi làm việc.

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 161/2024/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc người áp tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ. Nghị định sẽ có hiệu lực chính thức từ 1/1/2025.

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có yêu cầu các đơn vị trong Bộ có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ xăng sinh học tại Việt Nam, đồng thời Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đảm bảo nguồn cung xăng sinh học đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tại buổi làm việc với PV Báo CAND ngay khi chúng tôi đề cập đến nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật tại dự án Khu dân cư kinh tế “nhà vườn” Hòa Ninh, ông Tô Văn Hùng – Bí thư Huyện ủy Hòa Vang (Đà Nẵng) đã cho biết như thế. “Với tư cách là Bí thư Huyện ủy, tôi sẽ chủ trì họp ngay để kiểm tra việc thực hiện các nội dung kiến nghị theo kết luận thanh tra, mời lãnh đạo và Thanh tra Sở TN&MT, UBND huyện cùng cơ quan chức năng để tiếp tục thống nhất giải pháp trước những việc còn tồn đọng. Khó mấy cũng phải làm; quyền lợi chính đáng của người dân thì phải đảm bảo”, ông Hùng bộc bạch quan điểm khi đề cập đến việc khắc phục hậu quả do sai phạm khi thực hiện dự án vừa kể.

Đây là một điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số - một dự luật được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghiệp bán dẫn là 2 "chìa khóa" quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số

Sau 6 năm, bóng đá Philippines một lần nữa vượt qua vòng bảng ASEAN Cup. Quốc đảo Đông Nam Á chỉ cách Hà Nội 3 giờ di chuyển bằng máy bay, nhưng còn rất nhiều điều người Việt Nam không biết về Philippines, nơi bóng đá chưa bao giờ là môn thể thao vua.

Đảm nhận vị trí "ghế nóng" tại xã miền núi còn nhiều khó khăn vốn là điểm nóng về ma túy của huyện Tương Dương, song với sự nhiệt huyết, tận tâm trong công việc và hết lòng vì nhân dân, Thượng úy Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1992) - Trưởng Công an xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An đã góp phần quan trọng "chuyển hóa" vùng "đất dữ" nơi đây, như lời bà con đã nói "Chú Hùng có mặt ở đâu là người dân yên tâm ở đấy".

Đầu tháng 12/2024, sau nhiều ngày theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn TP Đồng Xoài, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Phước đã lần được manh mối đường dây hoạt động mại dâm có tổ chức rất kín kẽ. Tất cả các giao dịch, môi giới, lựa chọn gái bán dâm đều thực hiện bằng các trang web thông qua môi trường mạng.

Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã triển khai công tác nghiệp vụ đấu tranh, làm rõ 3 đường dây buôn lậu hàng nghìn tấn vàng, trị giá hàng nghìn tỷ đồng từ Campuchia và Trung Quốc về Việt Nam qua khu vực biên giới các tỉnh Long An, An Giang và Lào Cai, đưa về tiêu thụ tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文