Học sinh hỗn láo, lỗi ở đâu?
Từ cổ chí kim, có lẽ chưa từng xảy ra chuyện học sinh quây lại đánh chửi cô giáo như trường hợp ở Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Điều đáng nói, đây là một trường ở khu vực nông thôn miền núi - nơi mà bấy lâu nay, ta thường nghĩ trẻ em hiền lành, ít phải tiếp xúc với thói hư tật xấu như miền xuôi hay các thành phố lớn.
Nhưng, tất cả đã nhầm, bây giờ là “thế giới phẳng”, chỉ cần một chiếc smartphone là một học sinh ở vùng rừng sâu núi thẳm cũng có thể biết đủ chuyện trên thế giới.
Những ngày qua, dư luận rất bất bình khi trên mạng xuất hiện đoạn clip dài hơn 4 phút, ghi lại cảnh một nữ giáo viên bị nhóm học sinh tấn công. Nhóm học sinh này dồn cô giáo vào tường, ném dép, giấy rác vào người cô và liên tục buông những lời thô tục. Không rõ vì lí do gì, cô giáo trong clip gần như "đứng im chịu trận". Các học sinh liên tục tìm cách chốt cửa, ngăn cô giáo xách túi rời khỏi lớp học. Cô giáo tìm sang cửa khác cũng bị học sinh chốt cửa tiếp.
Trước hành vi thiếu giáo dục của nhóm nam sinh, nữ giáo viên này không dám chống cự mà chỉ dùng điện thoại để ghi lại. Một nam sinh lại gần dùng vai hích vào người cô, dồn cô vào tường và ghé sát mặt dọa nạt. Người quay clip cũng nhiều lần đưa điện thoại gí sát mặt cô để quay. Thậm chí, một học sinh trong lớp còn nằm lăn ra đất nhằm "vu oan" cho giáo viên có hành vi không phải với mình, kèm với đó là những tiếng chửi tục, cười đùa của nhiều học sinh.
Về việc học sinh hành hung cô giáo như ở Trường THCS Văn Phú, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo khẩn, lãnh đạo tỉnh, huyện cũng đã vào cuộc, thậm chí công an cũng vào điều tra và đã có những trả lời rằng, lỗi ở cả hai phía. Cô giáo cũng có lỗi phát ngôn thiếu chuẩn mực, còn học sinh thì lỗi lớn - đó là “mất dạy”. Dư luận sôi sùng sục đòi phải xử lý nghiêm...
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cũng thẳng thắn đánh giá khi ông cho rằng phải xem xét đội ngũ giáo viên. "Chúng tôi rất tôn trọng các nhà giáo, nhưng phải nhìn nhận lại đội ngũ giáo viên từ quy trình đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá chuyên môn, phẩm chất, kỹ năng trong quá trình giảng dạy", ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, ông cho rằng cũng cần rà soát, đánh giá về năng lực, kỹ năng của từng nhà giáo. Với nhà trường, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý cần thường xuyên theo dõi, đánh giá, vì để xảy ra một sự việc như vừa qua dẫn đến rất nhiều hậu quả.
Do đó, cần phát hiện, ngăn chặn sớm những vấn đề liên quan quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các học trò trong lớp và diễn biến tâm lý học sinh, công tác quản lý trường, lớp học... Dù bạo lực xảy ra trong nhà trường, song theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trách nhiệm là của toàn xã hội, trong đó có trách nhiệm cả từ phía gia đình.
Người viết bài này rất mong lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan có thẩm quyền của Tuyên Quang và nhà trường cần hết sức bình tĩnh trong việc xử lý. Làm gì thì làm, nhưng phải cứu lấy các cháu và cứu lấy cả cô giáo.
Các học sinh đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, là tuổi “dở ông, dở thằng”, cho nên trong một phút bốc đồng không kiềm chế được mình, chúng đã có những hành xử thiếu chuẩn mực. Nếu như vì những điều này mà xử lý các cháu nặng nề thì có thể sẽ đẩy cuộc đời các cháu đi vào con đường khác, là bước ngoặt để một đứa trẻ hư thêm hư - hỏng.
Trở lại chuyện tại sao gần đây lại có quá nhiều vụ học sinh hỗn láo với thầy cô giáo và cũng nhiều vụ thầy cô giáo có những phát ngôn không chuẩn mực, thậm chí có những hành động không đúng với tư cách của giáo viên. Hình như Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng chưa bao giờ nghiên cứu một cách thấu đáo, tìm ra nguyên nhân tại sao đạo đức học trò và tư cách thầy cô ngày càng xuống cấp như hiện nay? Cái gì thuộc lỗi chủ quan, cái gì là khách quan?
Cái mà người ta hay đổ lỗi nhất, đó là do “mặt trái của cơ chế thị trường”. Nhưng, người ta không biết rằng, ở những nước có cơ chế thị trường phát triển, học sinh đâu có láo toét thế này, đạo đức người thầy đâu có xuống cấp thế này.
Theo tôi, một trong những nguyên nhân lớn nhất gây nên tình trạng này, đó là giáo dục của chúng ta đang nhồi nhét vào đầu con trẻ quá nhiều thứ và khiến nhiều trẻ em bây giờ đi học không còn là niềm vui; dẫn tới học đối phó, phải chạy theo cái gọi là “chủ nghĩa thành tích” trong ngành Giáo dục. Nói nôm na, học sinh bị tước đoạt mất tuổi thơ - đây là một điều cực kỳ nguy hiểm. Tôi không hiểu các nhà giáo dục nghĩ thế nào, khi có những bài toán lớp 2, lớp 3 mà phụ huynh học sinh không giải nổi, thậm chí đọc không hiểu gì.
Cái gọi là sự học nhồi nhét này được thực hiện ngay từ khi học sinh học mẫu giáo lớn cho đến bậc đại học. Sòng phẳng mà nói, học sinh hiện nay đang chịu áp lực học tập rất ghê gớm, áp lực này từ 3 phía.
Thứ nhất, từ cái gọi là “chủ nghĩa thành tích” của ngành Giáo dục.
Thứ hai, áp lực từ chính cha mẹ học sinh muốn con mình phải giỏi, phải đỗ bằng nọ cấp kia.
Thứ ba, tương lai các cháu sẽ ra sao nếu không tốt nghiệp đại học. Bởi, hiện nay, tuyển chọn ngành nghề nào cũng cần bằng tốt nghiệp đại học, có tiếng Anh bằng nọ bằng kia... Chính áp lực học hành đã khiến học sinh luôn cảm thấy có một nỗi sợ hãi mơ hồ nào đó khi đến trường, khi đến mỗi kỳ thi và khi đứng trước thầy cô giáo. Nỗi sợ này tích lũy năm này qua năm khác và nó sẽ như ngọn núi lửa sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào nếu có cơ hội.
Một vấn đề nữa không thể không nói tới, đó là đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn. Các chế độ tiền lương cho thầy cô rất chậm sửa đổi, quả thực rất thấp trong khi áp lực dạy học ngày một nặng nề. Thầy cô giáo cũng phải đối mặt với cơ chế thị trường, chính vì thế mà phải “nghĩ mưu nghĩ kế” kiếm tiền bằng cách bắt học sinh đi học thêm. Tôi cam đoan rằng không có thầy cô nào thích đi dạy thêm để kiếm tiền. Nhưng, áp lực về cuộc sống buộc thầy cô giáo phải “bán lương tâm”, “bán danh dự nghề nghiệp” để sống.
Thời xưa chúng tôi đi học cũng có chuyện phải đi học thêm, nhưng do học dốt phải thi lại nên đến nhà thầy cô để học phụ đạo. Bây giờ cái gì cũng phải được đong đếm bằng tiền, nếu như ở trường nào mà có “phong trào” dạy thêm, học sinh nào không học thêm thì “ăn chặt” là sẽ bị điểm kém, có vậy thôi. Cho nên, chính việc phải dạy thêm, học thêm đã khiến học sinh coi thường thầy cô; và một khi đã coi thường thì học sinh cũng sẵn sàng “bật” lại.
Một nguyên nhân nữa, đó là ngành Giáo dục đang sa vào xu hướng dân chủ quá trớn, dân chủ vô chính phủ và bỏ đi cái câu “tiên học lễ, hậu học văn”. Học sinh “dân chủ” đến mức sẵn sàng cãi lại thầy cô giáo và điều nguy hiểm là được báo chí, dư luận tung hô và có một số người cho rằng nền giáo dục của chúng ta lạc hậu và đang bóp nghẹt tư tưởng sáng tạo của học sinh. Nhưng, mọi người không biết rằng, người Việt có cơ sở văn hóa của người Việt, có những quan điểm về đạo đức, lễ tiết, lễ giáo của người Việt mà không thể rập khuôn như Tây được.
Cho nên, việc học sinh ở Trường THCS Văn Phú chửi mắng, uy hiếp, hành hung cô giáo sẽ còn xảy ra nữa nếu như trường không ra trường, thầy không ra thầy, trò không ra trò như hiện nay.
Nếu như không có những chủ trương, chính sách lớn nhằm cải thiện đồng lương của giáo viên, nhằm giảm áp lực thi cử, học hành cho học sinh; và một điều đặc biệt quan trọng, đó là giáo dục Việt Nam phải bám sát cơ sở văn hóa của người Việt Nam thì tình trạng “bát nháo” sẽ còn tiếp diễn...