"Hotline cứu sinh" của những bà mẹ trẻ Ấn Độ

21:26 28/06/2022

Mỗi ngày của Swetanjali Jha luôn được tính chi tiết từng giây: Thức dậy lúc 5 giờ sáng. Len lỏi qua những ngôi làng của bang Bihar, miền đông Ấn Độ để tư vấn sức khỏe đến 6 giờ chiều. Và trở về nhà khi trời đã tối.

Guồng quay bận rộn của nhân viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng 32 tuổi tưởng như sẽ không dừng lại, cho đến khi cô nhận được cuộc điện thoại của một "khách hàng" đã mất liên lạc từ lâu…

Từ cuộc gọi không mong đợi

"Xin hãy đến đây, tôi cần nói chuyện. Nhất định phải là cô Jha" - một giọng nói quen thuộc vang lên. Ở đầu dây bên kia, không ai khác, chính là Mamta Kumari, người mà Jha đã giúp vượt qua cơn trầm cảm khi mang thai đứa con đầu lòng vào năm 2018.

Linh cảm có điều gì đó không ổn, Jha đã tự lái xe, vượt qua những cánh đồng ngô và con đường đầy bùn đất để đến khu định cư Ram Tola ở làng Nagarga, nơi Kumari sinh sống. Bước vào ngôi nhà, hình ảnh đầu tiên mà Jha nhìn thấy là một phụ nữ trẻ suy nhược tới tiều tụy.

"Anjali - chị dâu của tôi - đang mang thai 4 tháng. Chị ấy đã không ăn uống gì nhiều ngày rồi. Chị ấy nhốt mình trong phòng, khóc lóc và rất kích động", Kumari giải thích. Ngay cả trước khi nghe thấy điều đó, dựa trên trực giác và kinh nghiệm, Jha đã nhận ra vấn đề của Anjali: Cô ấy bị trầm cảm. Kumari, người chủ động gọi cho Jha, cũng từng là một bệnh nhân trầm cảm mà Jha hỗ trợ cách đây 4 năm.

Ở thời điểm đó, Kumari đã tìm hiểu và liên lạc với một đường dây nóng (hotline) địa phương chuyên tư vấn sức khỏe tinh thần cho phụ nữ mang thai và các bà mẹ sau sinh, nơi Jha đang làm việc. Giờ đây, Kumari liên lạc lại với hi vọng Jha có thể hỗ trợ gia đình cô một lần nữa. Nhưng, chỉ có một vấn đề: Jha, và những tư vấn viên khác, đã không còn làm việc tại đường dây nóng. Nguồn vốn cho dịch vụ này đã cạn kiệt.

"Chào mừng bạn đến với Samya Mobile Baani, hoạt động 24/7 và miễn phí. Nếu bạn đang căng thẳng hoặc muốn chia sẻ, bạn có thể trao đổi với nhân viên tư vấn của chúng tôi bằng cách nhấn phím 9" - Đây là âm thanh quen thuộc vang lên mỗi khi có cuộc gọi đến đường dây nóng Samya Mobile Banni.

Vào năm 2018, tổ chức phi lợi nhuận của Ấn Độ Innovator in Health (IIH) phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu Schizophrenic (SCARF Ấn Độ) đã thiết lập một đường dây nóng miễn phí giúp giải quyết vấn đề nghiêm trọng nhưng bị xem nhẹ về sức khỏe tinh thần của phụ nữ mang thai và sau sinh ở quận Samastipur, bang Bihar.

Jha cùng 14 người khác được tuyển dụng để phụ trách tư vấn sức khỏe tâm lý, nâng cao nhận thức, và kêu gọi những người phụ nữ ở các vùng quê xa xôi kết nối với đường dây nóng để chia sẻ những khó khăn khi mang thai, sinh nở.

Đường dây nóng này đặc biệt ở điểm: Tất cả những người gọi đến đều được cung cấp hai lựa chọn, hoặc nghe các tin nhắn, tiểu phẩm hay bài hát được ghi âm sẵn nhằm khích lệ tinh thần của những người mẹ, hoặc nói chuyện với chuyên gia tư vấn.

Swetanjali Jha cùng với Mamta Kumari, người cô đã giúp vượt qua chứng trầm cảm trước sinh, đi đến ngôi nhà của "bệnh nhân" tiếp theo. Ảnh: CNN.

Kumari là một trong số những "khách hàng" thành công của đường dây nóng này. Kết hôn vào năm 2010 khi mới 15 tuổi, Kumari mang thai lần đầu tiên ngay sau đó nhưng bị sảy thai. Trong tám năm tiếp theo, cô sảy thai thêm hai lần nữa và phải điều trị nhiễm trùng tử cung. Cô thậm chí đối diện với sự kỳ thị từ gia đình vì sảy thai nhiều lần.

Thời điểm đó, Kumari đã đi học làm thợ may với hi vọng kiếm thêm tiền để "gỡ gạc" giá trị bản thân trong ngôi nhà cô đang sống. Vừa thức đêm may vá, vừa làm việc nhà, vừa chịu đựng những cơn đau vì sảy thai nhiều lần, thiên chức làm mẹ trở thành nỗi ám ảnh của Kumari từ lúc nào. Các triệu chứng hoảng loạn dần  xuất hiện khi cô phát hiện mình mang thai một lần nữa, và tiếp tục bị cảnh báo có '"nguy cơ sẩy thai cao".

Bế tắc và tuyệt vọng, Kumari - lúc này tưởng như chẳng còn gì để mất - quyết định bấm máy gọi đến đường dây nóng Samya Mobile Baani. Jha đã được cử đến ngôi nhà của người mẹ trẻ tuổi ngay sau đó để đánh giá tình trạng tinh thần của cô.

Buổi nói chuyện ngắn gọn giúp Jha xác nhận người phụ nữ này cần được tư vấn và điều trị tâm lý khẩn cấp. Kể từ đó, một liệu trình tại nhà dành riêng cho Kumari bắt đầu. Thế nhưng, ngay cả việc điều trị tâm lý tại nhà cũng nảy sinh thách thức, nhất là trong một cộng đồng nông thôn nghèo nơi mọi người thiếu nhận thức về sức khỏe tinh thần của phụ nữ mang thai và sau sinh.

"Ở những vùng nông thôn như chúng tôi, bạn không thể thực sự bước vào một ngôi nhà có ít nhất 10 đến 12 người và nói rằng tôi ở đây để cung cấp liệu trình tâm lý cho con dâu hoặc vợ của bạn", Jha giải thích. "Chỉ khi các thành viên trong gia đình tin chắc rằng chúng tôi vào nhà của họ để đảm bảo an toàn cho thai nhi, họ mới cho phép chúng tôi điều trị cho các bà mẹ", cô chia sẻ.

Đến sự mong đợi những cuộc gọi "cứu sinh"

Trầm cảm khi mang thai hoặc trong năm đầu tiên sau khi sinh là một trong những rối loạn tâm lý phổ biến nhất ảnh hưởng đến phụ nữ trên toàn thế giới. Tại khu vực Bihar, Ấn Độ, nơi đường dây nóng Samya Mobile Baani được thiết lập, cứ 4 phụ nữ thì có một người bị trầm cảm sau sinh. Trong khi đó, tỉ lệ bác sĩ tâm lý trên 100.000 dân chỉ là 0,75.

Homam A.Khan, giám đốc chương trình IIH, người đứng đầu dự án đường dây nóng, khẳng định số lượng phụ nữ trầm cảm sau sinh tại khu vực này tăng nhanh một phần là do áp lực và khó khăn sau khi kết hôn. Các cô gái ở Bihar thường lấy chồng sớm và chuyển đến ở với bố mẹ chồng tại một ngôi làng khác, đồng nghĩa với việc gần như cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ với người thân của mình. Không chỉ phụ trách nấu nướng, dọn dẹp, họ còn phải chăm sóc chồng và cả gia đình, gánh theo áp lực phải sinh con nối dõi.

Nghiên cứu trên 500 phụ nữ ở quận Samastipurd cho thấy, trầm cảm sau sinh cũng có liên quan đến sức khỏe thể chất kém ở người mẹ. Ước tính gần 2/3 số phụ nữ ở bang Bihar bị thiếu máu trong giai đoạn mang thai, dẫn đến thiếu chất và ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình sinh nở. 70% phụ nữ gọi đến đường dây nóng để điều trị trầm cảm đều đang sống trong cảnh "nghèo đói cùng cực" và chưa từng nghe tới trị liệu tâm lý trước đây.

Mỗi ngày của Swetanjali Jha đều vô cùng bận rộn với các chuyến đi tư vấn sức khỏe qua các ngôi làng của bang Bihar. Ảnh: CNN. 

Sự ra đời của đường dây nóng Samya Mobile Baani, dựa trên thực tế này, đã có tác động ngay lập tức. Những người phụ nữ "cô đơn" trong chính gia đình mình lần đầu được tung chiếc "phao cứu sinh" tâm lý để có thể vững vàng vượt cạn.

Sự thành công của đường dây nóng mà Jha phụ trách đã lan tỏa đến nhiều ngôi làng trong bang Bihar, và đến nhiều khu vực khác tại Ấn Độ. "Những phụ nữ đã sử dụng dịch vụ này cũng chia sẻ số đường dây nóng cho những phụ nữ khác ở các làng khác nhau và họ cũng đã tìm đến chúng tôi", Jha chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Prabha Chandra, trưởng bộ phận sức khỏe tâm thần sau sinh tại Viện Khoa học Thần kinh và Sức khỏe Tâm thần Ấn Độ, các chương trình hay chiến dịch như thế này có giá trị rất lớn trong việc giải quyết gánh nặng về sức khỏe tâm lý cho phụ nữ đang mang thai và sau sinh, nhất là khi người dân địa phương được đào tạo để hỗ trợ chính cộng đồng họ đang sinh sống. "Điều này vô cùng quan trọng ở một đất nước như Ấn Độ, nơi không có đủ bác sĩ tâm lý cho tất cả mọi người", bà Chandra đánh giá.

Thế nhưng, đại dịch COVID-19 xuất hiện, khiến đường dây nóng Samya Mobile Baani buộc phải ngừng hoạt động vì thiếu nguồn kinh phí. Các nỗ lực để khởi động lại đường dây thông qua nguồn tài trợ mới cũng bị trì hoãn khi đại dịch COVID-19 trở thành trọng tâm tại quốc gia này. Chiếc phao tâm lý giúp vượt qua con dốc trầm cảm của những bà mẹ Ấn Độ bỗng chốc biến mất khi mới chỉ kịp manh nha.

Tiến sĩ Vijaya Raghavan, bác sĩ tâm lý thuộc SCARF Ấn Độ cũng cho rằng, tính bền vững của những sáng kiến như vậy luôn bị đe dọa bởi chúng không nằm trong khuôn khổ chính sách và ưu tiên y tế quốc gia. Ông tin rằng lựa chọn duy nhất để đường dây nóng này tiếp tục tồn tại, đó là được tích hợp vào hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn quốc.

Như một tín hiệu tươi sáng, trong khi trình bày về Ngân sách quốc gia tại Quốc hội vào tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết chính phủ sẽ khởi động một chương trình tư vấn sức khỏe tinh thần qua điện thoại miễn phí 24/7 cho người dân trên khắp đất nước.

Bộ trưởng Y tế, Tiến sĩ Mansukh Mandaviya cũng cho biết, dịch vụ "sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách lớn trong việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong nước". Thế nhưng, cho đến nay, chương trình này vẫn chưa được triển khai.

Trong lúc chờ đợi một nguồn kinh phí mới được bổ sung, hoặc một đường dây nóng mới được thiết lập, những người phụ nữ như Jha, với tình thương và lòng trắc ẩn, vẫn âm thầm tư vấn cho nhiều bà mẹ trẻ Ấn Độ, dù không hề nhận được thù lao. Mỗi ngày, Jha lại tiếp tục nhận được các cuộc gọi từ các bà mẹ đang tuyệt vọng, đủ để cô nhận ra rằng, những gì cô làm có thể tốt nhưng không thể đủ để lấp đầy khoảng trống trầm cảm ngoài kia.

"Tôi đang phải gánh vác quá nhiều công việc khác và tôi không biết mình có thể tiếp tục hỗ trợ họ trong bao lâu nếu không nhận được sự hỗ trợ", Jha nói. Rời khỏi căn nhà của Kumari sau khi đã trấn an Anjali và đưa ra phác đồ điều trị tâm lý thích hợp, Jha lại hối hả trở về nhà chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Bản thân Jha cũng đang phải đối diện với áp lực của chính mình. Và ngày mai, cô sẽ có thêm một ngày bận rộn hơn thế nữa…

An Nhiên (Theo CNN)

Gần đây, sau khi đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý, một số doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác cát để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số đối tượng lấy lý do doanh nghiệp khai thác cát sẽ làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Nắm được nhu cầu nhiều công dân có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, Trần Thị Hằng Nga đã đưa ra các thông tin tuyển dụng lao động nước ngoài, nhận hồ sơ và tiền, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. Đối tượng này vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An khởi tố.

Sáng 21/5, thông tin từ Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết đang phối hợp, chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương giải quyết vụ lật xe trên Quốc lộ 15D đi cửa khẩu quốc tế La Lay, đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm, hạn chế thiệt hại phát sinh do tuyến đường bị ùn tắc giao thông.  

Quán triệt chủ trương chính quy hóa lực lượng Công an xã, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, lực lượng Công an đã tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp với phương châm “trên dưới đồng lòng” triển khai bài bản, khoa học việc bố trí con người, trụ sở, điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng cấp Công an thứ tư đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Qua đó, đã có rất nhiều sự đổi thay tích cực về an ninh trật tự, vun đắp nghĩa tình quân dân và sự trưởng thành từ chính những chiến sĩ Công an bám cơ sở.

Ngày 21/5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thái Bình cho biết, vừa bắt giữ Trương Tất Hảo (SN 1971), là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự về các tội mua bán trái phép chất ma túy, đánh bạc và cố ý gây thương tích.

Hôm nay (21/5), Lễ bốc thăm ASEAN Mitsubishi Electric Cup (tiền thân là AFF Cup) năm 2024 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Đội tuyển Việt Nam cũng sẽ khởi động cho chiến dịch này dưới thời huấn luyện viên Kim Sang Sik.

Quá trình thi công móng cột xảy ra sạt lở làm nhiều người thương vong, mở đường công vụ trái phép trên đất rừng phòng hộ, tự ý chặt hạ cây gỗ rừng tự nhiên và tại nhiều vị trí móng cột vẫn còn vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB)... là những tồn tại, vướng mắc liên quan đến quá trình thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文