Một người thầy Nhật Bản

11:01 16/11/2022

Tháng 11, tháng tri ân nghề giáo, tôi muốn viết về một người thầy đặc biệt, thầy Takano - giảng viên người Nhật Bản tận tâm dạy tiếng Nhật cho sinh viên Việt Nam. Nhắc đến thầy, nhiều khóa sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn luôn nhớ tới hình ảnh giữa thủ đô Hà Nội, ngày ngày thầy xách chiếc làn nhựa màu đỏ lên giảng đường.

Trong "chiếc làn phong cách" ấy là tranh ảnh, sách, băng đĩa, hộp sắt, còi, giấy thủ công, phấn màu, đèn pin - "tạp hóa" đạo cụ, đồ dùng để dạy tiếng Nhật trực quan. Nhờ chiếc làn ấy mà lớp lớp sinh viên thêm say mê học ngôn ngữ của đất nước mặt trời mọc và thành công trong nhiều lĩnh vực.

1. Một buổi tối tháng 9/2022, tôi được tham dự buổi tiệc nhỏ chào đón thầy Takano trở lại Việt Nam của các cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. Kể từ khi thầy Takano quay trở lại Nhật Bản năm 2019, lần này thầy mới về lại Hà Nội. Buổi tối hôm ấy, tôi khá bất ngờ, về nhiều điều. Bất ngờ bởi học trò ở Việt Nam vẫn đón thầy như một người thân yêu đi xa trở về với tình cảm đặc biệt nồng ấm. Một bữa cơm ấm cúng, một không khí ồn ã, hết sức tự nhiên. Không hề xa lạ, khách sáo, những cựu sinh viên cười nói vui vẻ, chia sẻ cho thầy mọi điều, tất nhiên là bằng tiếng Nhật.

Thầy Takano trong lần quay trở lại Việt Nam giảng dạy tiếng Nhật. (Ảnh chụp tháng 9/2022).

Còn thầy Takano, không chỉ là sự quý mến thông thường, mà thầy thực sự luôn quan tâm, sẻ chia với các bạn sinh viên Việt Nam. Ánh mắt thầy ánh lên niềm vui ấm áp. Thầy bảo rằng, thời họ còn là sinh viên, thầy phát kẹo, rủ họ đi uống trà và thầy luôn là người trả tiền. Còn bây giờ thì họ tranh trả tiền. Thầy vui vì sinh viên của thầy đều có công việc tốt, có thu nhập. Vui hơn nữa khi nhiều người trong số họ  sang Nhật Bản học tập và công tác đều tìm đến thăm thầy.  Có một điều làm tôi thú vị, là buổi tối hôm ấy, trong khi những cựu sinh viên Việt Nam cố gắng giao tiếp với thầy bằng tiếng Nhật, thì thầy Takano vẫn muốn nói tiếng Việt, vẫn chêm xen những từ tiếng Việt một cách nhuần nhuyễn. Đặc biệt, những từ "phố cổ", "Bác Hồ", "Hà Nội" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong câu chuyện của thầy, nghe ấm áp và gần gũi.

Điều bất ngờ nữa là trí nhớ tuyệt vời của thầy Takano. Thầy mở máy tính, ở đó có riêng một thư mục lưu ảnh sinh viên Việt Nam các khóa trong những giờ học tiếng Nhật. Thầy nhớ từng khóa sinh viên học thầy trong suốt 15 năm ở Việt Nam. Thậm chí, thầy còn nhớ lớp đó có bao nhiêu bạn tên giống nhau và tên đệm của từng bạn là gì. Thầy cẩn thận gửi từng file ảnh cho các bạn cựu sinh viên. Buổi tối hôm ấy, những câu chuyện cứ kéo dài mãi…

Thầy bảo được cùng các bạn trẻ Việt Nam chinh phục một ngôn ngữ khó như tiếng Nhật là một niềm vui. Không chỉ học trong lớp, mà còn học ở những cuộc thi hùng biện, đóng kịch tiếng Nhật. Không chỉ học bằng đầu óc, mà còn kết hợp cả động tác cơ thể. Bởi thế, dù là sinh viên năm đầu còn bỡ ngỡ tập tành từng nét vẽ chữ cái đầu tiên, hay sinh viên năm cuối dịch được cả bài báo tiếng Nhật, đều thích thú và ngóng chờ đến tiết học sôi nổi của thầy.

Chiếc áo sơ mi kẻ, lối nói chuyện linh hoạt, hài hước và nụ cười luôn thường trực khiến thầy Takano rất "thanh niên", dù mái tóc thầy đã bạc trắng, khóe mắt đã nhăn nheo. Lần này, quay lại Việt Nam, thầy muốn làm được thật nhiều việc. Muốn gặp lại những sinh viên thầy từng dạy, muốn tham gia giảng dạy tiếng Nhật ở một số trường đại học và làm việc với nhà xuất bản để tiếp tục phát hành sách. 15 năm gắn bó với Hà Nội, thầy đã xuất bản bốn cuốn sách, tất cả đều bằng tiếng Nhật. Đặc biệt, với cuốn từ điển tiếng Nhật, từ điển chữ Hán, thầy phải mất đến 7- 8 năm mới hoàn thành, với sự hỗ trợ dịch sang tiếng Việt của các thầy cô giáo Trường Đại học Ngoại thương và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương cùng thầy Takano trong một giờ học tiếng Nhật.

2. Buổi tối hôm ấy, thầy Takano nói nhiều hơn về quê hương, nơi mà thầy luôn đau đáu nhớ về. Thầy sinh ra ở Tokyo, đi học và làm việc cũng ở đây. Nhà thầy sống trong một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, gần cánh đồng và bên một dòng sông lớn. Bố mẹ của thầy là những người nông dân chăm chỉ làm nông nghiệp, trong nhà thường nuôi thỏ và dê. Bây giờ thầy đã rời xa làng quê ấy, khoảng nửa năm mới về thăm được một lần. Quang cảnh quê hương giờ đã đổi thay, ruộng đồng xưa giờ đã thành nhà máy hiện đại. Mỗi lần nhìn dòng sông, thầy vẫn nhớ về thời thơ ấu đẹp đẽ bên mẹ cha.

Thầy là người truyền cảm hứng học tiếng Nhật cho nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam. Nhưng có một điều thú vị, là thầy rất yêu tiếng Việt và là người học tiếng Việt một cách bài bản. Thầy Takano thuộc lớp sinh viên đầu tiên theo học tiếng Việt ở khoa Đông Dương, Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo - ngôi trường nổi tiếng nhất về sư phạm ngôn ngữ ở Nhật. Lý do thầy chọn tiếng Việt vì muốn khám phá vẻ đẹp của một ngôn ngữ hoàn toàn mới mẻ. Thầy đã từng đi nhiều nước từ châu Âu sang châu Á, nhưng cuối cùng, Việt Nam lại là sự lựa chọn để thầy gắn bó dài lâu. 15 năm sống và làm việc tại Hà Nội (từ năm 2004 đến 2019) là khoảng thời gian vô cùng quan trọng trong cuộc đời thầy. Thầy đã đưa cả vợ đến Hà Nội và cô từng dạy tiếng Nhật ở Trường Đại học Ngoại thương.

15 năm ở Hà Nội, phương tiện di chuyển chủ yếu của thầy cô là xe bus. Thầy nhớ cả số hiệu chuyến xe chở thầy đến trường mỗi ngày. Thầy bảo ở Nhật Bản,  không gian xe bus yên ắng lắm, không có thứ âm thanh nào khác phát ra ngoài tiếng loa nhắc đảm bảo an toàn và thông báo điểm dừng kế tiếp. Còn ở Hà Nội, xe bus rộn rã lạ thường. Thầy thường lắng tai nghe những câu chuyện không đầu không cuối của đám sinh viên ríu ra ríu rít, nghe những bài hát trên Đài VOV.

15 năm ở Hà Nội, thầy thường ăn cơm ở quán bình dân trên phố Chùa Láng, ngồi uống trà đá vỉa hè khu vực Trường Đại học Bách khoa để được lắng nghe sinh viên nói chuyện và góp vui bằng những câu chuyện về các bạn sinh viên Nhật Bản.

15 năm ở Hà Nội, bí quyết của thầy Takano khi sang đường là đội một chiếc mũ nổi bật và giương cái ô màu đỏ thật cao để xe cộ dễ quan sát mà nhường đường. Thầy luôn giữ bên mình cuốn sổ liên lạc ghi thông tin số điện thoại người quen, cả bằng tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Việt sẽ hữu ích trong những trường hợp khẩn cấp.

15 năm, không ít những sự cố xảy ra. Đó là lúc đi taxi, rồi những tình huống trớ trêu khi đi chợ... Khi thầy tạm về Nhật một thời gian mà chưa kịp thanh toán tiền điện nước thì có người đứng ra trả tiền thay cho thầy. 15 năm đó, chưa bao giờ vợ chồng thầy muốn rời Việt Nam để quay trở về Nhật.

Không chỉ là ngôn ngữ, thầy Takano truyền dạy cho nhiều khóa sinh viên Việt Nam nhiều điều hơn thế. Thầy cho họ một điểm nhìn chân thực nhất về đất nước, con người và văn hóa Nhật Bản. Thầy vẫn hay nói rằng khi ai đó đặt chân tới Nhật Bản thì nhất định phải đến 4 địa điểm. Đó là Hiroshima, Nagasaki, Okinawa và khu Yokoami thuộc quận Sumida ở Tokyo. Hiroshima và Nagasaki thì có lẽ nhiều người biết, nơi xảy ra thảm kịch bom nguyên tử. Người bị thương hay bị ốm thì không kể xiết. Và hòn đảo Okinawa - nơi tập trung 75% căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. Đó là minh chứng cho những gì đau thương do chiến tranh gây ra.

Theo thống kê cứ 4 người dân Okinawa thì có 1 người chết. Địa điểm thứ 4 là Yokoami thuộc quận Sumida ở Tokyo - nơi từng chứng kiến thảm kịch chiến tranh. Đêm 20/3/1945 đã có 200 nghìn người đã chết. Đó là những kí ức buồn về chiến tranh ở đất nước mặt trời mọc. Hãy đến và cảm nhận nỗi đau trong sâu thẳm của người Nhật nói riêng và nhân loại nói chung. Những lúc như thế, vẻ sôi nổi, vui vẻ thường ngày biến mất, gương mặt thầy trở nên trầm tư, giọng nói trầm xuống đầy xúc động.

Thầy nói với tôi, ở Việt Nam đã từng có chiến tranh ác liệt. Các bạn trẻ không được chứng kiến, nhưng chắc chắn trong ký ức của ông cha vẫn còn đọng lại. Vì vậy, thầy muốn các bạn trẻ Việt Nam học từ chính trong lịch sử của Việt Nam, rằng phải "chống chiến tranh, không để cho chiến tranh quay trở lại". Hiện tại, khi chúng ta đang sống cuộc sống bình yên, nhưng chiến tranh vẫn đang hiện hữu ở Ukraine và không ai muốn điều đó xảy ra.

Thầy Takano muốn bất cứ ai đến Nhật Bản đều nhìn thấy đất nước này có nhiều hình ảnh đẹp. Nhưng điều mà thầy muốn các bạn trẻ cần phải biết không chỉ là những mảng sáng của Nhật Bản mà còn cả những mảng tối. Nhật Bản là đất nước tươi đẹp với biểu tượng núi Phú Sỹ và hoa Anh đào nổi tiếng trên khắp thế giới, với lịch sử và truyền thống, tự hào về trình độ khoa học kỹ thuật và công nghiệp phát triển. Trái với điều đó, những mặt tối cũng có rất nhiều. Ví dụ như vấn đề ô nhiễm nguồn nước và không khí do nước thải từ các nhà máy hóa chất, do khí thải từ nhà máy và xe ô tô, gây ra nhiều bệnh về phổi. Thầy muốn người Việt Nam học bài học từ Nhật Bản và đừng để điều đó lặp lại…

Huyền Châm

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước có nhiều hoạt động hướng về Điện Biên Phủ, bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên Phủ" lần đầu tiên kết hợp giữa những thước phim tài liệu, đan xen thực cảnh - cách làm phim mới trong truyền thông hiện đại, với những cảnh quay ở Điện Biên Phủ, một số tỉnh, thành của Việt Nam và Pháp, đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

Ngày 7/5, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chính thức diễn ra, bắt đầu chặng đường mới với không ít thách thức nhưng cũng nhiều hy vọng, nhất là khi tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông theo thời gian vẫn liên tục ở mức cao.

Theo dự báo, hôm nay thời tiết tại hầu khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. TP Điện Biên Phủ khả năng có mưa, nhiệt độ dao động từ 20-32 độ C.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi, Phó giám đốc - Phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (60-01S) để phục vụ công tác mở rộng điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文