Nhập tịch vận động viên, cánh cửa mới mà cũ của bóng chuyền Việt Nam

13:48 07/04/2023

Bên cạnh bóng đá, bóng chuyền là một trong những môn thể thao hiếm hoi áp dụng chính sách sử dụng vận động viên (VĐV) ngoại và nhập tịch khi lên chuyên nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà những người làm bóng chuyền Việt Nam ra quy định cho phép các đội nhập tịch VĐV, nhưng việc này cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy.

Tuyển thủ Thái Lan, quốc tịch Việt Nam

Bóng đá Ninh Bình từng gây chú ý khi nhập tịch hàng loạt cầu thủ như Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Hoàng Vissai. Họ thậm chí từng được gọi lên đội tuyển quốc gia và thi đấu một vài trận. Điều tương tự cũng diễn ra ở môn bóng chuyền, khi CLB Tràng An Ninh Bình là một trong những đội bóng đầu tiên nhập tịch cầu thủ.

Kim Nhung và Mai Ka trong màu áo Vietsovpetro

Năm 2010, đội nam Tràng An Ninh Bình có một cầu thủ mang cái tên rất Việt Nam: Đinh Hoàng Trai. Tên thật của anh là Supachai Jitjumroon, người từng đảm trách cương vị đội trưởng đội tuyển bóng chuyền Thái Lan. Ở giai đoạn đỉnh cao, anh thường xuyên sang Việt Nam thi đấu ngắn hạn trước khi xin nhập quốc tịch.

Sự có mặt của Đinh Hoàng Trai trong đội hình Tràng An Ninh Bình đã giúp đội bóng này nhiều năm liền đạt thứ hạng cao trên bản đồ bóng chuyền Việt Nam. Đó cũng là một trong những nguyên nhân giúp anh được "bật đèn xanh" khi bày tỏ nguyện vọng muốn nhập tịch, trở thành công dân Việt Nam.

Cùng thời điểm Supachai Jitjumroon nhập quốc tịch và trở thành Đinh Hoàng Trai, bóng chuyền nữ Việt Nam cũng ghi nhận một trường hợp tương tự. Đó là Irina Merliakova, chủ công thuộc câu lạc bộ Vietsovpetro. Cô chọn cái tên Lê Kim Nhung trong ngày nhận quốc tịch Việt Nam để tiếp tục thi đấu đỉnh cao.

Nếu như Đinh Hoàng Trai nhập tịch khi đã qua thời kỳ đỉnh cao và không chơi cho đội tuyển quốc gia nữa, thì câu chuyện của Lê Kim Nhung lại hoàn toàn trái ngược. Từng là vận động viên bán chuyên thời còn ở Nga, Kim Nhung sang Việt Nam, vừa làm việc vừa chơi bóng chuyền. Thể chất tốt cùng khả năng ghi điểm ấn tượng giúp cô có thời gian được bình chọn là VĐV ghi điểm hay nhất giải VĐQG.

Phong độ tốt của Lê Kim Nhung giúp cô từng có thời gian được triệu tập lên đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Nhưng vì một số lý do, cô gái mang trong mình 2 quốc tịch Nga - Việt chưa bao giờ được khoác áo đội tuyển quốc gia. Một đồng đội của Kim Nhung tại CLB là Katya Martynova sau đó cũng nhập tịch Việt Nam, thi đấu dưới tên Vũ Mai Ka.

Nếu không gặp phải những chấn thương dai dẳng, Vũ Mai Ka có thể trở thành một trong những tay đập đáng sợ nhất ở các giải vô địch bóng chuyền Việt Nam. Thể trạng không tốt khiến cô chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn, dù có thể thi đấu lâu dài cho các đội bóng dưới tư cách nội binh.

Bẵng đi một thời gian, sau khi Đinh Hoàng Trai, Lê Kim Nhung hay Vũ Mai Ka đã nghỉ thi đấu khá lâu, bóng chuyền Việt Nam có thể nhập tịch cầu thủ trở lại. Trước thềm Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, Ban tổ chức giải đã bổ sung quy định cho phép các đội được sử dụng VĐV nhập tịch thi đấu.

Nhưng phải đến năm nay, việc đó mới được các đội hiện thực hóa. Ngoại binh mới nhất có thể mang quốc tịch Việt Nam trong thời gian tới là Tichaya Boonlert, tuyển thủ bóng chuyền Thái Lan. Cô được Hóa chất Đức Giang đưa về từ đầu mùa giải năm nay. Đội bóng Thủ đô không quá vội vã trong việc nhập tịch cho Tichaya, cho thấy đây không phải ý định một sớm một chiều.

Công thức nhập tịch chung

Không phải ngẫu nhiên mà ngay cả trong giai đoạn có quy định cho phép nhập tịch cầu thủ, bóng chuyền Việt Nam cũng không "nhập khẩu" tràn lan. Vận động viên nước ngoài muốn mang quốc tịch Việt Nam phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí. Bên cạnh việc chơi bóng tối thiểu 5 năm ở Việt Nam, họ cần thực sự có mối liên kết với dải đất hình chữ S.

Đinh Hoàng Trai là VĐV nhập tịch đầu tiên của bóng chuyền Việt Nam

Trong câu chuyện của Đinh Hoàng Trai, những năm sang Việt Nam "đánh thuê" giúp anh sớm hòa nhập văn hóa Việt. Cựu đội trưởng đội tuyển Thái Lan thừa nhận mức đãi ngộ tốt giúp anh có động lực thi đấu. Nhưng khác nhiều VĐV khác vốn chỉ đến thi đấu, nhận tiền và đi về, Đinh Hoàng Trai ăn ở, sinh hoạt cùng người Việt và nói tiếng Việt như người bản xứ.

Về phần Lê Kim Nhung, không lâu trước khi chính thức nhận quốc tịch Việt Nam, cô đã làm đám cưới tại đây. Giống Kim Nhung, chồng cô là một chuyên gia Nga sang Việt Nam làm việc dài hạn.

Tràng An Ninh Bình, hay Vietsovpetro trong quá khứ là những đội bóng có tiềm lực tài chính rất mạnh. Nhưng thay vì sử dụng ngoại binh và VĐV nhập tịch tràn lan, họ chỉ tuyển chọn những tinh anh nhằm nâng cao chất lượng cho câu lạc bộ, cũng như giải vô địch quốc gia. Đó là phương pháp hiệu quả nhất để nâng tầm bóng chuyền Việt Nam.

Tương tự những đội bóng nói trên, Hóa chất Đức Giang cho thấy họ đã lên kế hoạch dài hạn khi chuẩn bị nhập tịch với Tichaya Boonlert. VĐV Thái Lan được ban lãnh đạo đội bóng chào mời ký bản hợp đồng có thời hạn lên tới 5 năm. Đó là thời hạn đủ lâu để Tichaya có thể danh chính ngôn thuận mang quốc tịch Việt Nam giống như Đinh Hoàng Trai, hay Vũ Mai Ka.

Ở góc độ chuyên môn, Hóa chất Đức Giang cũng cho thấy họ mang tầm nhìn dài hạn khi muốn Tichaya nhập tịch. Cô không phải tay đập chuyên ghi điểm như nhiều ngoại binh khác, mà thi đấu ở vị trí chuyền 2, "mắt bão" của mỗi đội bóng. Với một Tichaya ngày càng thi đấu ăn ý theo thời gian với các đồng đội, Hóa chất Đức Giang có thể khẳng định vị trí hàng đầu trong nhiều năm tới.

Cẩn thận không thừa

Vào thời điểm Hóa chất Đức Giang ký hợp đồng với Tichaya, những VĐV chuyền 2 trong đội là Nguyễn Thị Thủy và Cao Thị Hoa Thắm cũng xác định được vị trí của họ với đội bóng. Trước một đồng đội vượt trội cả về kinh nghiệm lẫn đẳng cấp thi đấu, dù tiến bộ đến đâu trong tương lai, 2 VĐV chuyền 2 nói trên cũng khó có cơ hội đánh chính ở CLB.

Trước tình hình đó, Nguyễn Thị Thủy và Cao Thị Hoa Thắm có 2 lựa chọn. Thứ nhất, họ tiếp tục ở lại CLB trau dồi khả năng, tìm cơ hội đánh chính trong trường hợp CLB xoay vòng đội hình hoặc Tichaya gặp chấn thương. Thứ hai, bộ đôi này có thể đầu quân cho CLB khác để tăng cơ hội ra sân thi đấu cũng như tìm kiếm cơ hội lên đội tuyển quốc gia.

Trong trường hợp Hóa chất Đức Giang tiếp tục chiêu mộ ngoại binh và hướng tới việc nhập tịch lâu dài như áp dụng với Tichaya, bóng chuyền Việt Nam có thể chứng kiến một cuộc khủng hoảng. Các VĐV trẻ bị hạn chế cơ hội ra sân ở cấp độ cao nhất. Họ buộc phải tìm kiếm khả năng thi đấu thường xuyên ở hạng đấu thấp hơn. Điều đó sẽ khiến lứa VĐV tiếp theo của bóng chuyền Việt Nam thui chột.

Bên cạnh đó, Hóa chất Đức Giang không phải trường hợp điển hình cho hình mẫu phát triển của bóng chuyền Việt Nam. Họ sở hữu tiềm lực tài chính vượt trội so với các đội bóng còn lại. Tương tự bóng đá, phần lớn các CLB bóng chuyền Việt Nam vẫn đang sống dựa vào nguồn tiền tài trợ, chưa thể tự lực cánh sinh để hướng đến mục tiêu dài hạn.

CLB Bộ Tư lệnh Thông tin là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất cho sự rủi ro của bóng chuyền nữ Việt Nam. Họ tưởng như được đảm bảo khi có một nhà tài trợ lớn đồng hành, nhưng mọi thứ suýt nữa sụp đổ khi doanh nghiệp này gặp khó khăn về tài chính. CLB Vĩnh Phúc, hay Ngân hàng Công thương cũng lâm vào tình cảnh tương tự những năm gần đây.

Việc bóng chuyền Việt Nam sử dụng cầu thủ nhập tịch không phải suy nghĩ ngắn hạn, nhưng cũng khó có thể áp dụng trong dài hạn. Suy cho cùng, nòng cốt của một giải vô địch quốc gia, cũng như đội tuyển quốc gia vẫn cần dựa vào nội lực của VĐV trong nước. Bóng chuyền Việt Nam cần tạo thêm nhiều sân chơi để VĐV có cơ hội thi đấu, thay vì ngồi trên ghế dự bị nhìn ngoại binh và cầu thủ nhập tịch trổ tài.

VĐV nhập tịch khó có cơ hội lên tuyển Quốc gia

Trong quá khứ, có 2 lý do khiến Lê Kim Nhung từng được triệu tập lên đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam nhưng không có tên khi chốt danh sách. Thứ nhất, cô không sở hữu trình độ tốt hơn những VĐV trong nước. Thứ hai, Lê Kim Nhung được thi đấu khá độc lập ở câu lạc bộ, và điều đó khiến cô gặp khó khăn khi phải thi đấu theo hình khối của đội tuyển quốc gia.

Câu chuyện của Kim Nhung sau đó tiếp tục vận vào Mai Ka, người liên tục bị chấn thương hành hạ, dẫn tới phong độ thiếu ổn định. Đinh Hoàng Trai hay Tichaya Boonlert chắc chắn không thể khoác áo đội tuyển bóng chuyền Việt Nam, bởi họ từng lên tuyển Thái Lan, thậm chí còn sắm vai trụ cột.

Với những người làm bóng chuyền Việt Nam, một VĐV nước ngoài nhập tịch chỉ có thể lên tuyển quốc gia thi đấu nếu họ sở hữu trình độ vượt trội so với phần còn lại. Ngoài ra, quy định của bóng chuyền quốc tế cũng không cho phép VĐV có thể khoác áo 2 đội tuyển khác nhau. Việc đó khiến cho cơ hội khoác áo đội tuyển Việt Nam của những VĐV bóng chuyền nhập tịch ngày càng khó khăn.

Trường hợp VĐV nhập tịch khoác áo đội tuyển cũng khá hiếm thấy ở các quốc gia khác. Bất đồng ngôn ngữ, cũng như khác biệt trong văn hóa, cách suy nghĩ khiến VĐV bóng chuyền nhập tịch hiếm có cơ hội khoác áo một đội tuyển quốc gia khác nơi họ sinh ra.

Đơn Ca

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文