Những hội nhóm lố bịch và phản cảm

08:24 02/03/2024

Lướt mạng xã hội, thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện những clip gồm các thành viên mặc quần áo lính của chế độ Sài Gòn, họ nhảy múa, hát nhạc lính ca ngợi chế độ cũ, trong đó có những bài mang hơi hướng kích động hận thù, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc... Những hình ảnh này đang ẩn chứa nhiều mối nguy hại, ảnh hưởng không tốt đến nhận thức của một bộ phận lớp trẻ. Đây là vấn đề cơ quan chức năng cần nhanh chóng ngăn chặn, tránh hậu quả khó lường.

Nhóm hội lố bịch

Đã rất nhiều người thấy bất ngờ khi trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều hội nhóm với tên gọi "yêu đồ lính". Các hội nhóm này thu hút cả chục nghìn thành viên, cứ mỗi trạng thái đăng lên, có cả nghìn lượt tương tác. Tuy nhiên điều đáng nói là trang phục mà họ gọi là "yêu đồ lính" lại cổ xúy cho các sắc lính Việt Nam Cộng hòa và lính Mỹ trước năm 1975.

Các hội nhóm, diễn đàn công khai, các thành viên thường xuyên khoe những bức ảnh cá nhân trong trang phục của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Không chỉ vậy họ còn bày tỏ sự tự hào, hãnh diện khi cho biết mình đang sở hữu những bộ quần áo và những món đồ độc, lạ vật dụng đã từng được sử dụng trong chiến tranh. Điều đáng nói, hầu hết trong số những người này luôn cố tỏ ra chuyên nghiệp và công phu cho một thú chơi "sành điệu". Một thành viên có tên "Duc Huy" của "Hội mê đồ lính Việt Nam Cộng hòa" cho hay, mình phải rất mất công mới săn lùng được những vật dụng "hiếm có khó tìm", bất chấp mức giá, thậm chí là đồ liên quan tới những cá nhân có "thành tích chống Cộng khét tiếng".

Một buổi gặp mặt của nhóm “Yêu đồ lính”, trong đó các thành viên đều mặc đồ lính Việt Nam Cộng hòa.

Những thành viên này quan niệm rằng các vật dụng như vậy mới chứng tỏ được "đẳng cấp" của bản thân. Như trạng thái "Duc Huy" đăng một chiếc bình đựng nước mà lính Việt Nam Cộng hòa thường dùng trong chiến tranh lên nhóm với nội dung: Đây là bình đựng nước của Đại úy "M.L" trong chiến tranh… Ngay lập tức các thành viên đã thi nhau bình luận, thể hiện sự ngưỡng mộ với chủ nhân. Ví dụ như: "Chúc mừng ông anh kiếm được vật quý hiếm"; hay: "Ông anh đúng là dân chơi thứ thiệt mới kiếm được đồ độc thế này"…

Một điều đáng lên án nữa, các hội nhóm này không chỉ chia sẻ sở thích ăn mặc phản cảm lên mạng xã hội, họ còn thường xuyên vận trang phục này ở ngoài đời, diễu hành trên xe jeep, đi lại nghênh ngang trên khắp các ngả đường, nhất là những nơi có đông người qua lại nhằm gây chú ý. Chưa dừng lại ở việc diễu hành, có hội nhóm còn thuê đạo diễn phục dựng bối cảnh để tạo dáng chụp ảnh rồi khoe khoang lên trang cá nhân hoặc diễn đàn mạng. Đặc biệt hơn, có những người từ những hình ảnh ngụy tạo ngây ngô, nực cười còn bỏ công sức thời gian để tiếp tục dựng thành video, lồng ghép các bài hát ca ngợi "Quân lực Việt Nam Cộng hòa". Những hoạt động của các hội nhóm này đang có chiều hướng ngày càng gia tăng với những biểu hiện thiếu lành mạnh, lặp đi lặp lại trong suốt nhiều năm qua.

Còn nhớ năm 2020, thời điểm gần đến ngày 30/4, trên mạng xã hội bất ngờ xuất hiện hàng chục video là các ca khúc của chế độ Việt Nam Cộng hòa như "Giã từ vũ khí", "Huyền sử ca một người phi công tên Quốc", "Thiên thần mũ nhỏ", "Trên bốn vùng chiến thuật"… với hình ảnh minh họa là hàng chục người vận trên mình bộ quần áo rằn ri của các sắc lính thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa và lính Mỹ trước năm 1975. Họ diễn lại những cảnh chiến đấu với quân đội nhân dân Việt Nam tại các địa điểm được chú thích là Khe Sanh (Quảng Trị), Cao Phong (Hòa Bình), Đình Lập (Lạng Sơn), Cúc Phương (Ninh Bình)… Ngay sau đó các đối tượng chống phá đang sinh sống ở nước ngoài vào bình luận cổ xúy, kêu gọi những người "chung chí hướng" cùng làm "sống dậy" chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Vừa qua, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện có một số người dân tham gia các hội nhóm "Thích mặc áo lính" trên mạng xã hội. Vào các dịp lễ, thành viên của các câu lạc bộ này kêu gọi nhau mặc trang phục lính Việt Nam cộng hòa và tổ chức các hoạt động trên địa bàn tỉnh, gây phản cảm, bức xúc trong nhân dân.

Tương tự, tại Đắk Nông, tình trạng mặc đồ lính Việt Nam Cộng hòa cũng bắt đầu xuất hiện. Mới đây tại tiệc liên hoan mừng nhà mới của một người dân ở Gia Nghĩa, một đôi vợ chồng đã đến tham dự trong bộ đồ lính vằn vện của chế độ cũ. Cùng với việc mặc trang phục không phù hợp, đôi vợ chồng này còn lên sân khấu để hát những bài hát thường được lính Việt Nam Cộng hòa ưa chuộng trước năm 1975, khiến người tham dự không khỏi bất bình.

Hay năm 2021, tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, một quán cà phê được khai trương vào dịp 30/4, tuy nhiên điều đáng nói là nhân viên phục vụ mặc quân phục của "lực lượng bình định nông thôn". Đây là một đội quân chuyên truy quét, đàn áp nhân dân trước đây và khung cảnh quán là hình ảnh mô phỏng các ấp chiến lược, lô cốt, khu quân sự... Trước sự phản đối gay gắt của cộng đồng, quán đã buộc phải đóng cửa để chấn chỉnh lại trang phục cũng như sửa chữa, trang trí lại cảnh quan.

Tháng 3/2023, tại Cửa Lò, Nghệ An, hình ảnh một nhóm người mặc đồ rằn ri, đi xe Jeep và moto chở theo dàn người đẹp gây xôn xao mạng xã hội.

Tác động xấu đến nhận thức cộng đồng

Có thể thấy rằng đây là một biểu hiện văn hóa không lành mạnh, rất cần lên án. Bởi không chỉ đơn giản là một sở thích ăn mặc, một lối sống không phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay mà với những hình ảnh, clip đầy tính bạo lực, nhóm người này đã và đang góp phần cổ xúy cho bạo lực, kích động hận thù, khoét sâu vào những vết thương chiến tranh, đi ngược lại với chủ trương hòa hợp dân tộc mà Đảng, Nhà nước ta đang nỗ lực thực hiện.

Một số người tham gia hội nhóm "Yêu đồ lính Việt Nam Cộng hòa" cho biết, họ chỉ nghĩ đơn giản là việc theo đuổi phong cách thời trang này giúp họ tạo dựng một hình ảnh khác biệt, độc lạ, "ngầu", chất chơi, giúp nổi bật ở chỗ đông người. Tất nhiên mỗi cá nhân có quyền lựa chọn cho mình một xu hướng ăn mặc, song việc lựa chọn thế nào cũng cần phù hợp văn hóa, chuẩn mực, đạo đức xã hội; không ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.

Mượn danh "Hội yêu đồ lính", các thành viên nghênh ngang khắp nơi, ngang nhiên đưa lên mạng xã hội hình ảnh của mình trong các sắc phục lính từ mũ nồi đỏ, mũ nồi xanh, đến biệt động, thủy quân lục chiến… Hoặc lôi nhau vào rừng dựng cảnh vác súng, đánh trận, bị thương… rồi cắt ghép minh họa cho các bài hát ca ngợi "Quân lực Việt Nam Cộng hòa”. Đây là một trong những hoạt động cổ xuý, kích động hận thù, gợi lại nỗi đau chiến tranh.

Không những thế, tình trạng sử dụng quân trang lính Việt Nam Cộng hòa ẩn chứa nhiều âm mưu thâm độc của chiến lược "diễn biến hòa bình". Việc này giúp cho các đối tượng phản động phổ biến hình ảnh mặc đồ lính Việt Nam Cộng hòa và đăng tải trên mạng xã hội, biến đây thành một trào lưu với một bộ phận người dân thiếu hiểu biết.

Việc mua bán, trao đổi, sử dụng các loại trang phục rằn ri không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã trực tiếp vi phạm Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định về việc kinh doanh, sản xuất, sử dụng quân trang, quân phục. Vì vậy, việc cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc kiểm tra, xử phạt hành chính, tạm giữ số hàng hóa là đồ rằn ri do không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hoàn toàn có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, là hoạt động cần thiết của lực lượng chức năng để góp phần bảo đảm tình hình an ninh, trật tự, giữ gìn sự phát triển lành mạnh của đời sống xã hội, không phải là việc "tịch thu, xử phạt vô cớ" như luận điệu xuyên tạc của các đối tượng phản động lưu vong.

Theo khuyến cáo từ cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, chủ động nhận diện, phát hiện và cùng ngăn chặn, đấu tranh với những hoạt động, hành vi phản cảm của một số cá nhân trong trang phục lính Sài Gòn, gây bức xúc dư luận.

Bảo Phương

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Nguyễn Văn Hồi cho biết, vụ việc ở Mái ấm Hoa hồng có vấn đề liên quan đến công tác quản lý chưa chắc. Ngay việc hoạt động vượt công suất trên 100% nhưng thanh tra, kiểm tra chưa xử lý được. Đây có vấn đề liên quan đến buông lỏng quản lý.

Trước khi bão số 3 tiến vào Hà Nội, đã có rất nhiều nghĩa cử từ những người dân dành cho nhau trong lúc khó khăn. Đoàn xe ô tô chắn gió cho xe máy trên cầu hay những thông tin chia sẻ nhà ở tránh trú bão là những tình cảm ấp áp đang gây xúc động trên mạng xã hội.

Hàng chục hộ dân đang sống trong các ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ trước bão đã được các quận ở Hà Nội di dời đến nơi an toàn, trong đó có 14 hộ dân tại chung cư P16A (phường Thuỵ Khuê) và 3 hộ với 11 nhân khẩu ra khỏi nhà G6A Thành Công (chung cư nguy hiểm cấp độ D). 

Nhằm chủ động ứng phó với bão số 3 (Yagi), thực hiện Điện số 03 của Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Công an tỉnh Hà Nam, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động rà soát số lượng nhà không an toàn, đồng thời huy động lực lượng vận động, hỗ trợ nhân dân di rời đến nơi tránh, trú bão an toàn.

Hiện nay, trên mạng xã hội đã xuất hiện những thông tin thất thiệt, không có cơ sở về hướng di chuyển của bão số 3 trên một diễn đàn với 35.400 thành viên. Rất nhiều người đã chia sẻ, coppy, đăng tải lại thông tin không đúng này.

Ngày 7/9, Công an Hà Nội cho biết, để chủ động, kịp thời ứng phó với bão số 3 Yagi, Phòng CSGT yêu cầu các đơn vị sẵn sàng các phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. CSGT sẽ tạm cấm người tham gia giao thông di chuyển vào khu vực nguy hiểm, ngập sâu, cây xanh đổ, huy động lực lượng phân luồng giao thông khi bão số 3 đổ bộ.

Để chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra úng ngập cục bộ, cây đổ cành gẫy do bão số 3 gây ra, Sở Xây dựng yêu cầu các Công ty TNHH MTV: Thoát nước Hà Nội, Công viên cây xanh Hà Nội, Nước sạch Hà Nội, Chiếu sáng và Thiết bị đô thị tập trung ứng trực 100% nhân lực, thiết bị phục vụ phòng chống bão.

Ngày 7/9, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong thực hiện dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2016 - 2020.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文