Những thần tượng lệch chuẩn
Rap Việt mùa 4 chuẩn bị lại gây sốt trong khán giả và trong tiếng tung hô của những kẻ xu thời, chúng ta nên thức thời hơn để nhìn thẳng vào một thị trường giải trí hổ lốn với những thần tượng dị hợm thực sự…
Trước khi Rap Việt mùa 4 lên sóng, câu chuyện rapper Negav phát ngôn đắc thắng trên sân khấu gala concert "Anh trai say Hi!" đại ý rằng "mẹ thấy con bỏ học đúng chưa?" đã gây bão thực sự với những tranh luận xoay quanh việc bỏ học lập nghiệp hơn hay học hành nghiêm chỉnh thì hơn. Và khi cơn bão ấy nổi lên, chẳng còn ai thèm quan tâm cái concert kia có hấp dẫn hay không, các "anh trai" còn lại sức hút thế nào. Trong làn sóng ấy, những người hâm mộ mù quáng cổ xúy cho việc bỏ học để kiếm danh vọng tức thời cũng mạnh miệng hơn.
Cuối cùng, phản ứng của dư luận đã buộc Negav phải lên tiếng đính chính, xin lỗi bằng một bài đăng vừa dài, nửa Anh nửa Việt lẫn lộn trong nhóm (group Facebook) dành cho người hâm mộ của mình. Ngoài ra, trên trang cá nhân, Negav cũng đăng lời xin lỗi hoàn toàn bằng tiếng Việt (sau khi bị công kích vì sử dụng ngôn ngữ "ba rọi") và chính lời xin lỗi này mới dẫn ra to chuyện.
Tài khoản Facebook đưa ra lời xin lỗi kể trên có tên Dang Thanh An, tuy chưa có dấu xác nhận chính chủ (tick xanh) của Facebook nhưng có nhiều thông tin đủ để dấy lên nghi ngờ đó chính là Negav. Thứ nhất, tên thật của rapper Negav này là Đặng Thành An. Thứ hai, trùng khớp hoàn toàn với trang fans page (có xác nhận chính chủ) là các thông tin cá nhân của Negav như số điện thoại quản lý, email công ty quản lý (một công ty con của Tổ hợp truyền thông Đất Việt). Và cộng đồng mạng đã tra ra một bê bối còn kinh khủng hơn phát ngôn kia của Negav. Đó chính là việc Dang Thanh An là quản trị (admin) cốt cán của một nhóm kín có tên "Hội anh em đam mê khăn giấy ướt dịch nem", một hội kín chuyên bàn luận chủ đề tình dục dung tục, dâm loạn. Trong nhóm kín này không chỉ có Dang Thanh An, người đang bị ngờ vực chính là Negav, mà còn có cả vài nhân vật giải trí nổi tiếng khác như BNTQ (Vietnam idol) với dấu xác nhận chính chủ của Facebook.
Lục nội dung trong nhóm kín kể trên, người xem không thể không bị sốc với những nội dung bẩn thỉu, tục tĩu xoay quanh các hành vi quan hệ tình dục bệnh hoạn. Đáng ngại hơn nữa, ngay cả hình ảnh của trẻ em cũng được sử dụng và đây mới là điều đáng lo ngại nhất với câu hỏi thẳng mặt dành cho nhà sản xuất chương trình "Anh trai say Hi!" là "Tại sao lại tạo cơ hội để những nhân vật bệnh hoạn, dị hợm như vậy trở thành thần tượng của giới trẻ, nhất là thế hệ từ 13-16 tuổi?".
Câu trả lời cho cái "tại sao" ấy chỉ một mình nhà sản xuất (VieOn) trả lời được nhưng có một lý do đủ để chúng ta nhận ra nguyên do của lựa chọn kiểu này. Trong hệ thống bao trùm của tổ hợp truyền thông Đất Việt, Nomad là một công ty con chuyên quản lý tài năng còn VieOn là đơn vị xây dựng và phát hành các nội dung như "Rap Việt", "Anh Trai say Hi!"… Negav là nhân vật giải trí đầu quân cho Nomad, được Nomad đầu tư, nâng đỡ. Chính vì thế, đưa Negav vào các chương trình trong hệ thống sản xuất và phát hành là chuyện đương nhiên, vì nó mang lại đa chiều lợi ích cho họ. Và cái họ cần chỉ là lượt xem, lượt nghe, số lần lọt "top trending" để từ đó thu lợi ích từ quảng cáo cho các nhãn hàng. Còn chuyện nó ảnh hưởng tiêu cực thế nào đến xã hội là chuyện họ không quan tâm. Nôm na, họ đang hành động theo đúng phương châm "lợi nhuận là trên hết, xây dựng thần tượng là việc của chúng tôi, thần tượng những người ấy là việc của các bạn, ai ngu dốt người đó ráng chịu".
Và Negav không phải là trường hợp duy nhất mà phía VieOn đã sai lầm. Giả sử, nếu chỉ một sai lầm duy nhất, khách quan có thể bao dung xem đó như tai nạn. Nhưng nếu việc sai lầm xảy ra liên tục, và có hệ thống, điều đó có thể xem là hành vi cố tình vi phạm bất chấp đạo đức hành nghề, thậm chí bất chấp pháp luật Việt Nam.
Trước khi vụ Negav xảy ra, VieOn đã lựa chọn B Ray làm HLV cho Rap Việt mùa 4. Nhưng chỉ khi cộng đồng dấy lên phản ứng mạnh mẽ với những phát ngôn có tính chống phá chính quyền, bôi nhọ chế độ, bôi nhọ lãnh tụ của B Ray, VieOn mới muối mặt rút B Ray khỏi chương trình. Song, điều đáng nói là ngay từ Rap Việt mùa 3, các ý kiến góp ý về chuyện sử dụng một cá nhân có dấu hiệu sai phạm như B Ray đã được đưa ra nhưng phía đơn vị tổ chức này vẫn tảng lờ. Thậm chí, ở mùa trước, họ còn nghiễm nhiên cho lên sóng một nội dung rap dùng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ra để đùa giỡn thiếu nghiêm túc. Đáng tiếc là chế tài chưa đủ mạnh nên dường như đơn vị này vẫn không rút kinh nghiệm và dẫn tới những sai phạm đáng kể hơn.
Ngoài chuyện của Negav, việc giữ rịt lấy Trấn Thành và xây dựng Trấn Thành như một "quyền lực" giải trí nhờ vào các chương trình có tính phổ cập rộng rãi của mình cũng là điểm đáng trách của hệ thống truyền thông này. Nếu lục lại lịch sử chưa lâu, chỉ quãng 1 năm trước thôi, chúng ta sẽ thấy phát ngôn của Trấn Thành đại ý rằng "ở Việt Nam không có trường đào tạo diễn viên ra hồn". Câu phát biểu hồ đồ, lộng ngôn của một kẻ bỏ dở việc học ở Trường Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh này đã cho thấy cái nông cạn của chính anh ta và tiếp sức thêm cho sự nông cạn của lớp trẻ hôm nay. Chưa nói tới các đơn vị đào tạo nghệ thuật khác ở trong nước, chỉ nói tới Trường Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh với những nhân vật tên tuổi, đóng góp nhiều cho nghệ thuật, cho xã hội như Quyền Linh, Thành Lộc, Công Ninh… thôi, chúng ta đủ hiểu chất lượng đào tạo diễn viên ở Việt Nam không phải như phát ngôn tệ hại kia.
Sự phủ nhận sạch trơn các thành quả từ giáo dục mà ra của Trấn Thành, cộng hưởng với "thần tượng" bỏ học như Negav, đủ để chúng ta có quyền lên tiếng rằng hiện họ có xứng đáng là hình mẫu cho công chúng? Vậy thì, có phải chuyện nhà sản xuất nghiễm nhiên cố tình xây dựng họ trở thành thần tượng chính là hành động đi ngược lại với tiêu chí xây dựng một nền văn hóa đại chúng lành mạnh hay không?
Mở rộng câu chuyện hơn, chúng ta cũng cần nhìn vào chức năng quản lý của các đơn vị thuộc ngành truyền thông, văn hóa. Nếu một chuỗi chương trình liên tiếp năm nào cũng sai phạm, thậm chí sai phạm nghiêm trọng (sử dụng những nghệ sĩ có ý thức chính trị cực kém như B Ray, O Sen…) mà không bị xử lý, chắc chắn các cơ quan quản lý không thể vô can. Nền tảng OTT là một kênh phát tán nội dung rất hiệu quả và việc cấp phép cho một nền tảng OTT không hề dễ dãi chút nào. Vậy thì những "sát hạch" sau khi đã được cấp phép cũng không nên dễ dãi đến mức thả lỏng. Thử "treo sóng" nền tảng một thời gian vài tháng xem nhà sản xuất, nhà phát hành có rút kinh nghiệm hay không? Phép thử ấy dường như chưa bao giờ được thực hiện ở Việt Nam thì phải?
Bây giờ, việc xác minh rõ chủ tài khoản Dang Thanh An có phải là rapper Negav hay không có lẽ sẽ làm rõ rệt hơn sự việc. Vai trò công ty quản lý cũng không thể nào bị bỏ qua. Việc quản lý một nhân vật công chúng không chỉ đơn thuần là lên kế hoạch sự nghiệp, xây dựng và thực hiện đầu tư các chiến lược, chiến dịch cho nhân vật công chúng ấy mà còn bao gồm cả việc giúp cho nhân vật công chúng hành xử đúng mực, biết tuân thủ pháp luật và các quy tắc đạo đức chung chứ chưa vội nói đến trách nhiệm xã hội. Ấy vậy mà đơn vị quản lý Negav đã buông lỏng để rapper này không chỉ mắc lỗi trong phát ngôn mà còn đang nằm trong nghi vấn chính là người đã tạo ra một hội kín chuyên trao đổi các đề tài bệnh hoạn, đặc biệt liên quan tới đối tượng thuộc diện cấm kỵ là trẻ em, thậm chí là cả trẻ em thuộc diện ruột thịt của mình như bài đăng của Dang Thanh An về cháu ruột của mình trong nhóm bị cộng đồng chụp màn hình và phát tán.
Trước khi Rap Việt mùa 4 tưng bừng, có nên chăng cần có một chấn chỉnh để giúp họ có thể đưa ra công chúng một chương trình sạch sẽ hơn, tránh được chuyện xây dựng những con người dị hợm, bệnh hoạn trở thành thần tượng???