Paris trước giờ khai hội
Ngày 26/7 tới, Olympic 2024 chính thức khai mạc và sẽ kéo dài tới ngày 11/8 tại Paris, thành phố chủ nhà chính, và 16 thành phố khắp lãnh thổ thuộc Pháp cùng với một thành phố tại Tahiti, hòn đảo thuộc xứ hải ngoại và cộng đồng hải ngoại Polynésie thuộc Pháp.
Những ngày này, Paris đã tràn ngập không khí lễ hội với tưng bừng cờ hoa và biển hiệu chào đón sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này. Và đây sẽ là Olympic lần thứ 33 và là lần thứ 3 Pháp đăng cai.
1. Là nước chủ nhà, nên từ hơn 1 năm qua, Paris như một đại công trường và điều ấy ảnh hưởng không ít đến đi lại và đời sống của người dân và khách du lịch đến từ bốn phương, nhưng dần dần, Paris lại như được chỉnh trang mới mẻ và tươi mát hơn, trẻ trung và náo nhiệt hơn. Nhiều đại lộ đã bị cấm để xây dựng những khán đài hoặc Làng Olympic. Nhiều tàu thủy lớn đã được trưng dụng để làm thành những khách sạn hoặc quán bar đậu bên kè sông Seine thu hút rất đông giới du lịch hạng sang. Paris đã ráo riết xây dựng, trùng tu, làm mới một số địa điểm như Làng Olympic, cửa hiệu, Trung tâm thương mại… để giới thiệu những hoạt động sẽ diễn ra trong dịp Olympic.
Từ nhiều tháng nay, ở trụ sở UNESCO tại Paris, trên những bức tường vành đai bao quanh khuôn viên tòa nhà rộng lớn và khang trang ấy, ngoài hàng chục lá cờ đại diện cho mỗi quốc gia là những hình ảnh giới thiệu những nét điển hình của lộ trình Olympic trong lịch sử và các vận động viên đã để lại dấu ấn trong các kỳ thi đấu.
Olympic là sự kiện lớn nhất chưa từng được Paris tổ chức, là ngày hội của những môn thể thao, những màn trình diễn…, nhưng thực tế thì giá trị của sự kiện sẽ còn hơn thế. Đó là sự kết hợp của các sự kiện văn hóa, chương trình nghệ thuật và các buổi biểu diễn khác nhau để tạo nên những trải nghiệm độc đáo và bất ngờ. Đó là một cuộc phiêu lưu đa văn hóa được mở ra cho mọi quốc gia trên toàn thế giới. Với những bạo động đang diễn ra hàng ngày ở đây đó trên khắp thế giới thì đây cũng là một thử thách lớn đối với Paris. Bởi trong 19 ngày, tại 35 địa điểm thi đấu, 10.500 vận động viên tranh tài ở 32 môn với 329 lượt thi đấu, 754 các đợt thi đấu và các nghi lễ trọng thể.
Để phục vụ cho sự kiện này, Pháp đã huy động tới 45.000 tình nguyện viên. Mỗi ngày, Ban tổ chức cũng phải lo hơn 600.000 suất ăn tại các làng Vận động viên. Riêng đội quân báo chí cũng đã có tới 6.000 người từ khắp các quốc gia đổ về. Chỉ nhìn vào những con số ấy cũng đủ thấy một khối lượng công việc khổng lồ mà nước chủ nhà phải xử lý.
Để bảo đảm an ninh cho dân chúng và khách du lịch đến từ khắp năm châu trong mùa hè đặc biệt này, Chính phủ Pháp đã huy động hàng chục ngàn cảnh sát, cảnh binh từ khắp các tỉnh thành về Paris. Khoảng 30.000 cảnh sát dự kiến sẽ được triển khai mỗi ngày trong thời gian diễn ra Olympic, trong đó có 45.000 cảnh sát trong lễ khai mạc trên sông Seine. Khách du lịch dễ dàng nhận thấy sự hiện diện của lực lượng này ở khắp nơi nhờ những bộ quân phục của họ. Họ cũng trở nên cởi mở, vui tính và nồng hậu hơn, sẵn sàng hoặc thậm chí còn đề xuất được đứng chụp ảnh kỷ niệm với khách du lịch với nụ cười dễ mến. Nhưng việc kiểm tra an ninh tại các tụ điểm diễn ra nghiêm ngặt hơn.
Từ giữa tháng 7, nhiều đoạn trên kè sông Seine, vốn dành cho khách đạp xe đạp, đã bị cấm để chuẩn bị cho một số môn thể thao bơi lội và thi đấu trên sông. Trước đó, có ý kiến lo ngại nước sông Seine vốn bị ô nhiễm và đã bị cấm bơi từ hơn một thế kỷ nay, tức từ năm 1923. Nhưng mới đây, Thị trưởng thành phố Paris Anne Hidalgo đã khẳng định chất lượng nước sông Seine đã hoàn toàn có thể đáp ứng các Tiêu chuẩn Olympic và bà đã chứng minh bằng việc thực hiện bơi trong sông Seine vào sáng ngày 17/7 trước ánh mắt hiếu kỳ của đám đông và nhiều nhà báo. Được biết, để có thể bơi trong nước sông Seine thì từ nhiều tháng nay, chính quyền Paris và vùng phụ cận đã lắp đặt một hệ thống làm sạch sông Seine. Chi phí ước tính khoảng 1,4 tỷ euro (1,5 tỷ USD), do Chính phủ Pháp và các tập thể địa phương chi trả.
2. Theo truyền thống, ngọn đuốc Olympic đã được thắp sáng vào ngày 15/4 tại Olympia, Hy Lạp, để ghi nhớ nơi khai sinh lịch sử của Thế vận hội. Sau đó, nó bắt đầu hành trình đến Athens để lên con thuyền cổ "Belem", một con tàu ba cột buồm được hạ thủy từ thế kỷ thứ 18, sẽ mang ngọn đuốc băng qua đại dương cập bến điểm dừng đầu tiên ở Pháp - thành phố cảng Marseille. Từ ngày 8/5 đến ngày 26/7, hàng nghìn người - từ vận động viên Olympic đến các tình nguyện viên, rước đuốc đi qua hơn 400 thị trấn trên khắp nước Pháp và các vùng lãnh thổ của Pháp, từ thành phố Marseilles ở phía Nam đến tận Lille, một thành phố nằm ở vùng cận cực Bắc đất nước, cho đến điểm dừng cuối cùng ở Paris để tham dự Lễ khai mạc Thế vận hội.
Một số cá nhân và hội đoàn người Việt Nam tại Pháp cũng đã tham gia vào những ngày hội này. Hội Tiếng Tơ Đồng, chuyên về Âm nhạc cổ truyền và trường Tiểu Long Đường, gồm những câu lạc bộ Võ cổ truyền Việt Nam tại Pháp đã tham gia tháp tùng rước đuốc vào ngày 21/7 ở thành phố Créteil, ngoại ô Paris.
Cũng như mọi người dân của thành phố Créteil, chị Hồ Thụy Trang, Chủ tịch Hội Tiếng Tơ Đồng rất vui và rất háo hức trước sự kiện này, nhất là khi được Tòa thị chính đề nghị để thực hiện những màn trình diễn trong ngày hội lớn này của thành phố. Là một người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa truyền thống Việt, cũng như bao Kiều bào, chị Trang đã luôn ước mong thế giới biết đến Việt Nam, trong mọi lĩnh vực.
Chia sẻ với phóng viên, chị Trang nói: "Tôi thấy tự hào khi Hội Tiếng Tơ Đồng được mời tham gia chương trình diễu hành trong lễ hội hóa trang và biểu diễn. Hội Tiếng Tơ Đồng đã tham gia rất nhiều chương trình lễ hội âm nhạc thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia lễ hội thể thao. Đến với chương trình, các thành viên trong đội múa Tiếng Tơ Đồng sẽ trình diễn múa quạt kết hợp với thế võ và đường quyền của võ Bình Định. Đây là lần đầu tiên tôi mời các hội bạn cùng tham gia với Hội Tiếng Tơ Đồng. Chúng tôi rất tự hào khi người dân ở Creteil cũng như khán giả màn ảnh nhỏ trên thế giới sẽ nhận ra sự có mặt của Viêt Nam tại lễ hội với gần 100 thành viên, 100 tà áo dài sẽ tung bay trong gió".
Đúng thế, niềm tự hào của chị Hồ Thụy Trang cũng là niềm tự hào của mọi kiều bào xa quê hương, luôn muốn quảng bá và lan tỏa hình ảnh Tổ quốc mình với mong muốn Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn nữa. Và cùng với các thành viên trong đoàn thể thao Việt Nam tham gia Olympic tại Paris, lá cờ và tà áo dài Việt Nam sẽ tiếp tục phấp phới bay trên các đường phố của Paris và nước Pháp trước sự chứng kiến của bè bạn năm châu.