Kia
Mobifone

Trào lưu “đồ ăn dị” từ mạng xã hội: Sự đu “trend” điên rồ

Thứ Ba, 11/06/2024, 08:28

"Trà sữa mắm tôm", "thịt chó nước cốt dừa" và 1001 món ăn "dị" khác, ngoài tác dụng tạo "trend", câu view, câu like bất chấp thì nhiều chuyên gia cho rằng, những món ăn không giống ai này đang hủy hoại ẩm thực thuần túy và ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

"Đu trend" các món ăn độc lạ

Một báo cáo mới nhất về thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 do iPOS phát hành vào cuối tháng 3 cho thấy, cứ 3 người Việt thì có ít nhất 2 người "đu trend" ẩm thực đường phố. Con số này cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của các trào lưu ẩm thực hiện nay.

Năm 2023, cà phê muối đã làm mưa làm gió thế nào trên thị trường ẩm thực Việt. Trong một thời gian khá dài, thức uống này chiếm vị trí số 1 trong các xu hướng ẩm thực mới tại Việt Nam với gần 35% người lựa chọn. Đứng thứ 2 là trà sữa mãng cầu với 19,5% thực khách lựa chọn, tiếp đến là trà ô long đậm vị, gỏi gà măng cụt, trà sữa nướng Vân Nam (trà sữa đất nung), bánh đồng xu và trà chanh giã tay.

c 1.jpg -0
Cà phê Latte uống cùng ớt cắt lát và bột ớt đang tạo ra “hot trend” ăn uống tại Trung Quốc.

Khi mạng xã hội không ngừng phát triển, thì cũng là lúc các món ăn độc lạ rất nhanh trở thành trào lưu ăn uống hút giới trẻ. Các đồ ăn thức uống được coi là "hot" xuất hiện ở mọi "mặt trận", từ các bài viết, video trên các nền tảng mạng xã hội cho đến thực đơn của những hàng quán lớn nhỏ. Trong đó nền tảng TikTok đang là mảnh đất màu mỡ cho các TikToker food reviewer đánh giá và sáng tạo món ăn với vô số video thu hút hàng triệu view. Có thể kể đến những món ăn được coi là "hot hit" được nhiều bạn trẻ săn lùng như mochi chấm kem sữa, gỏi gà măng cụt xanh, trà mãng cầu, gà trộn lá ổi non,…

Tuy nhiên, bên cạnh những món ăn "độc lạ" này, cũng có không ít các món ăn khiến người xem khiếp vía như trà sữa nấu mì tôm, kem ốc quế bún bò, cà phê trứng bắc thảo,… Hầu hết những món ăn đáng sợ này đều được tạo nên với mục đích câu view, gây sốc nhằm tạo độ thảo luận tương tác giữa những người xem và họ càng vào đông càng tốt, thậm chí chửi bới lẫn nhau vì bất đồng quan điểm càng tốt.

Những món ăn "biến tấu" này ít ai ngờ nó lại được bắt nguồn từ mạng xã hội Trung Quốc, rộ lên trong thời gian ngắn, sau đó nhanh chóng hết thời để nhường chỗ cho những món mới, độc hơn, lạ hơn. Mới đây, một quán cà phê ở Cam Châu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc đã ra mắt loại đồ uống kỳ lạ khi kết hợp giữa latte đá truyền thống với ớt khô và bột ớt. Được biết, quán cà phê này tên là Jingshi, họ ra mắt món "latte đá nóng" này vào cuối năm ngoái. Thức uống kỳ lạ này ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới trẻ Trung Quốc. Hiện tại, quán cà phê Jingshi bán khoảng 300 cốc cà phê ớt/ngày. Các video lan truyền trên Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc), cho thấy người ta rót cà phê vào cốc nhựa trước khi cho ớt khô vào và phủ bột ớt lên trên đồ uống.

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Starbucks cũng ra mắt món cà phê thịt lợn tại thị trường Trung Quốc với mô tả đồ uống mới này "mang phong vị truyền thống và có hương vị mặn, ngọt bất ngờ". Đài CNN cho biết, đồ uống mới này là sự kết hợp giữa nước sốt thịt lợn kho Đông Pha, cà phê espresso và sữa hấp. Ly cà phê vị thịt lợn này còn được trang trí thêm bằng nước sốt và thịt lợn. Từ khóa về món này lọt nhóm được tìm kiếm cao với khoảng 476.000 lần truy cập trên mạng xã hội Weibo.

c3_1 .jpg -0
Món trà sữa hành lá làm mưa làm gió giới trẻ thời gian gần đây.

Những món ăn độc dị sau đó cũng đã lan tới Việt Nam, xuất hiện nhỏ lẻ tại một số thành phố lớn. Gần đây nhất có lẽ là trà sữa hành lá. Món đồ uống lạ đời này được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc. Trong ngày cá tháng tư năm nay, một số thương hiệu Trung Quốc đã cho ra mắt món đồ uống này và làm dậy sóng cộng đồng mạng Trung Quốc. Bắt nhịp xứ người, một cửa hàng đồ uống ở TP Hồ Chí Minh đã đem trà sữa hành lá về bán với giá 49.000đ/ly. Theo nhận xét của một số người đã thử, trà sữa kết hợp cùng hành lá thì mùi hành lá hăng át hết tất cả, khiến tổng thể ly trà sữa cực kỳ khó uống, thậm chí buồn nôn.

Theo trào lưu hành lá, một số quán cho ra nhiều thức uống "quái lạ" như trà chanh giò heo, trà sữa mắm tôm, trà sữa ớt tắc, trà sữa mỳ tôm hải sản... Sau khi món này xuất hiện, đã gây tranh cãi rất nhiều vì nó liên quan đến vấn đề sức khỏe, an toàn thực phẩm.

Hậu quả nhãn tiền

Với sức ảnh hưởng rất lớn của mạng xã hội hiện nay, đã có nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội tốt phát triển và lan tỏa ẩm thực dân tộc từ những món ăn đầy sáng tạo. Vì những món ăn "độc lạ" này không hẳn là "độc lạ", đôi khi nó chỉ là một món ăn dân dã của một vùng quê nào đó nhưng người xem không biết tới hoặc không thân thuộc với vùng miền đó mà thôi. Đơn cử như món gỏi gà măng cụt - một món ăn dân dã từ xa xưa của bà con miền Tây nhưng ít được quảng bá nên chỉ có người bản xứ mới biết.

c4.jpg -0
Nhiều bạn trẻ cho biết, món trà sữa mắm tôm này không thể nuốt nổi dù 1 thìa.

Nhiều đầu bếp nổi tiếng tại Việt Nam cũng từng phải thừa nhận rằng chính những video về các món ăn "độc lạ" trên mạng xã hội là yếu tố chính nhắc nhở họ nhớ lại những món ăn thôn quê của hàng chục năm về trước hay gợi nhớ lại các kỷ niệm tuổi thơ. Từ đó trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo để họ tạo ra các món ăn theo tiêu chuẩn chất lượng phục vụ cho nhà hàng của mình. Tuy nhiên bên cạnh những ý kiến tích cực thì nhiều cư dân mạng cũng cho rằng có không ít các nhà sáng tạo nội dung về ẩm thực trên mạng xã hội đang lấy cái cớ sáng tạo để thỏa sức tạo ra các món ăn khủng khiếp nhằm câu view, thu hút sự chú ý của người xem. Rõ ràng những điều này đang đi ngược lại giá trị của ẩm thực Việt và khiến người xem hoang mang không biết có nên đặt niềm tin vào những công thức nấu ăn được truyền tải trên mạng xã hội như vậy không?

Có thể thấy rằng trend đồ ăn không phải một điều gì quá tiêu cực, thậm chí nó còn mang lại lợi nhuận cho nhiều nhà kinh doanh. Tuy nhiên, cần phải thật cẩn thận khi "đu trend" và thử sức với những trào lưu mới này. Có không ít chủ cửa hàng đã phải ngậm đắng nuốt cay khi "đu trend" nhưng lại bị trend "đè". Vì những trend đồ ăn mới từ TikTok thường có tuổi thọ ngắn, nên nếu muốn "đu trend", người kinh doanh phải thật nhạy bén với thị trường, phân tích rõ tiềm năng và dự đoán đúng xu hướng của nó.

Bên cạnh đó những món ăn "độc lạ" này có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng là rất dễ xảy ra. Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, tư vấn dinh dưỡng cảnh báo: Xét về mặt dinh dưỡng, những món như trà sữa hành lá, trà sữa giò heo… chưa phải tạo ra chất độc gây hại đến cơ thể. Nhưng sự sáng tạo về các món ăn như vậy sẽ tạo ra những công thức, những hợp chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề về tiêu hóa. "Thay vì chỉ tập trung những món ăn độc lạ để câu view, gây ra nhiều tranh cãi, các bạn trẻ hãy sáng tạo những món ăn gần gũi với thiên nhiên, những món ăn cân bằng, tốt cho sức khỏe...", BS Hùng nói.

Thực tế, một số thương hiệu lớn cũng từng cho ra mắt những món ăn kỳ lạ. Đầu năm 2019, thương hiệu Pizza 4P's cho ra đời món pizza... bún đậu mắm tôm. Các thực khách nhận xét sự kết hợp giữa ẩm thực Ý và ẩm thực Việt này cũng không quá tệ. Nhưng nhìn chung mùi vị không hài hòa, quá mới lạ và khó chấp nhận đối với nhiều người. Trong trường hợp của Pizza 4P's hoặc Starbucks, phần lớn là các thương hiệu đã có tính toán và mong muốn có thể nâng cao độ nhận diện thương hiệu thông qua các món ăn đó. Hay nói cách khác, họ đang biến chiêu kết hợp ẩm thực kỳ lạ thành một công cụ tiếp thị.

Trong khi đó, khi người ta nhắc đến các món ăn/đồ uống kỳ quái hoặc theo xu hướng như trà sữa hành lá, trà chanh giã tay hay bánh đồng xu phô mai, họ thường chỉ nhắc và nhớ đến bản thân món ăn, chứ không đề cập gì đến thương hiệu. Tức là những món ăn này cũng chỉ là chiêu câu view nhất thời từ sự hiếu kỳ của khách hàng. Một khi đã là nhất thời và không có sự tính toán lâu dài, thì xu hướng ấy rất dễ thoái trào.

Việc chạy theo trend là không thể tránh khỏi khi mạng xã hội ngày càng phát triển. Thế nhưng, nếu chạy theo trend một cách tiêu cực rất có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa và rối loạn vị giác. Chính vì vậy, mỗi người cần có sự tỉnh táo trước khi tiếp tận một "hot trend" nào đó. Có như vậy mới tránh được sự vô ích, lãng phí và hiệu ứng đám đông, chưa kể lâu dần, con người ta sẽ có xu hướng lựa chọn những món ăn, thức uống dị, đi ngược với văn hóa, với tâm sinh lý bình thường khi cố tình đua trend điên rồ.

Bảo Phương

.
.