Từ chủ nghĩa công tử đến văn chương như một phong cách sống

15:42 08/12/2021

Khi nghĩ về một nhà văn, ta thường bất giác nghĩ về chân dung một người lọt thỏm giữa bộn bề sách vở, như thể người đó đã quyết chí bàn làm việc chính là nấm mồ của mình, sách là văn bia, mọi thứ của người đó ngoài trang giấy đang viết thì đều cáu cạnh, và người đó hẳn phải mang bộ mặt khắc khổ, buồn bã và túng quẫn như thể sắp vỡ nợ đến nơi.

Một nhà văn trưng diện ư? Một nhà văn diêm dúa ư? Dường như trưng diện hay diêm dúa không phải biểu hiện của một trí tuệ đáng kính và nghiêm túc. Nhưng có nhất thiết phải là như vậy?

30 tháng 11 là ngày mất của Oscar Wilde. Hằng năm, cứ vào ngày này, những người yêu văn chương trên thế giới lại hành hương tới nghĩa trang Père-Lachaise ở Paris để đặt những nhành hoa và thậm chí là những dấu môi hôn lên mộ chí của Wilde hay tới thăm bức tượng của Wilde ở Dublin. Dù nhà kịch tác gia đã qua đời hơn trăm năm, nhưng bức tượng tạc Wilde vẫn bảnh bao như thể tượng tạc một người mẫu của thế kỷ 21. Với mái tóc bồng bềnh lượn sóng chẳng thua gì tài tử trẻ tuổi Timothée Chalamet và trong chiếc áo jacket xanh viền hồng, Wilde ngả người trên một phiến đá, nheo mắt và nhếch mép cười một cách chòng ghẹo với chúng ta.

Bức tượng chàng “Dandy” Oscar Wilde ở Dublin

Oscar Wilde hẳn là một trong những chàng dandy đầu tiên trong nghệ thuật, người biến phong cách sống trở thành phần kéo dài của sự nghiệp sáng tác - không chỉ là bạn viết gì hay vẽ gì, mà cả việc bạn mặc gì cũng là một khía cạnh của lao động sáng tạo. Khi danh họa Salvador Dalí mặc chiếc áo trenchcoat lông báo khệ nệ đi dạo phố, khi huyền thoại âm nhạc David Bowie mặc quần yếm đỏ và áo sơ mi thắt eo lên sân khấu biểu diễn hay khoác sơ mi viền ren đi dự tiệc, khi Trương Quốc Vinh nhảy điệu mambo trước tấm gương trong “A Phi chính truyện”, thì tất cả những nghệ sĩ biểu diễn này đều đang thực hành thứ nghệ thuật mà Oscar Wilde – một nhà văn - đã tiên phong – lấy vẻ ngoài làm tuyên ngôn cho triết lý. Dandy, hay công tử, đã trở thành một chủ nghĩa.

Nên cho qua rồi cái thời ta xếp văn chương hay triết học là chuyện của tâm hồn, chỉ xảy ra ở một tầng cao siêu hình thoát ly khỏi vật chất, và nhà văn thì không phải là một nghệ sĩ biểu diễn như một diễn viên, chỉ cần xuề xòa là đủ. Thậm chí theo nhà thơ Charles Baudelaire, chính những chàng công tử - “một người giàu có và nhàn rỗi”, “không có nghề nghiệp nào khác ngoài việc theo đuổi hạnh phúc trường tồn”, “chuyên môn duy nhất là sự tao nhã”, “sống và chết trước một tấm gương” – là tia lửa cuối cùng của chủ nghĩa anh hùng như thời Hy La. Họ dũng cảm chẳng khác chi những võ sĩ giác đấu, tôn thờ mỹ học và tôn thờ cái tôi. Chính trong sự chải chuốt và làm đỏm thuần túy vì cái đẹp phù phiếm mà không tính đến sự hữu dụng, một công tử mới có thể vượt lên trên số đông, và anh ta có thể sống ba ngày thiếu đi bánh mì chứ chẳng thể sống ba ngày thiếu đi thi ca.

Nhưng hẳn phải tới Oscar Wilde, ta mới được chứng kiến rõ ràng cách mà thời trang có thể tạo nên một nhà văn lớn ra sao. Trong tiểu thuyết và các vở kịch của Wilde, luôn luôn có ít nhất một người đàn ông quý tộc điệu đà, ăn mặc đẹp, chẳng làm gì hơn ngoài ngồi ngả lưng trong những yến tiệc và phát ngôn những quan điểm táo tợn mà cám dỗ về đạo đức, hôn nhân, tình yêu, tiền, nghệ thuật, chủ nghĩa khoái lạc – người đó tất nhiên là Wilde thu nhỏ trên trang viết. Wilde không phải nhà văn đầu tiên tự hư cấu hóa bản thân thành một nhân vật. David Copperfield dựa trên nguyên mẫu cuộc đời của chính Charles Dickens, và nàng Lucy Snowe rời khỏi quê hương để đi dạy trong một ngôi trường nữ sinh ở tiểu thuyết Villette chính là tác giả Charlotte Bronte. Nhưng khác với Dickens hay Bronte chỉ viết như họ sống, Wilde đi xa hơn khi sống như ông viết. Một mặt, văn chương giống như một thứ trang sức, một chiếc áo choàng xa hoa mà ông khoác lên người. Mặc khác, văn chương là một sàn catwalk thời trang mà tất cả các nhân vật là những model diễu qua diễu lại không phải để thể hiện cá tính riêng mà để tôn lên vẻ hào hoa của bộ sưu tập triết lý độc hại do một mình Oscar Wilde cắt may và thiết kê nên.

Bằng cách đó, Wilde đi ngược lại với giao kèo ban đầu của nhà văn với tác phẩm là nhà văn sẽ đứng sau tác phẩm. Wilde đĩnh đạc bước lên sân khấu như một minh tinh, một ngôi sao thần tượng. Cho nên, khi ai đó nói “tôi yêu Dickens” hay “tôi yêu Bronte”, thực ra ý người ấy muốn nói rằng “tôi yêu những câu chuyện của Dickens”, “tôi yêu những câu chuyện của Bronte”. Còn khi ai đó nói “tôi yêu Wilde”, ý người ấy đích thực là họ yêu cái tên Wilde, yêu hình tượng Wilde, yêu con người Wilde, yêu cuộc đời Wilde, và những câu chuyện của Wilde là một phần trong thế giới ấy.

Wilde cùng chủ nghĩa công tử nơi ông đã mở đường cho một kiểu nhà văn mới, kiểu nhà văn tạo nên hệ sinh thái văn chương – triết lý sống - phong cách sống – thời trang của riêng mình, một điều mà văn đàn thế giới đang đưa vào guồng quay nhuyễn hơn bao giờ hết, còn với văn đàn Việt Nam có thể là một gợi ý không tồi. Hiểu đơn giản, nó gần như là xây dựng cho nhà văn một thương hiệu cá nhân, một vũ trụ riêng, hệt như cách những thương hiệu lớn tạo nên một lối sống gắn liền với sản phẩm của họ, nhắc tới Apple là nhắc tới lối sống tiên phong và hiện đại, nhắc tới Muji là nhắc tới lối sống tối giản và tiết chế. Còn nhắc đến Wilde là nhắc tới tự do, thách thức và duy mỹ.

Joan Didion, ở tuổi ngoài 80 vẫn là đỉnh cao cho sự hợp nhất giữa văn chương và thời trang

Nếu cảm thấy Wilde đã thuộc về một thời đại khác thì hãy cùng xem xét hai biểu tượng văn chương đương đại: Haruki Murakami và Joan Didion. Mùa xuân năm nay, Murakami hợp tác với một thương hiệu thời trang bình dân Nhật Bản để ra một bộ sưu tập áo thun lấy cảm hứng từ các tác phẩm nổi tiếng của ông. Chiếc áo hình con mèo cầm bút ngồi trên bàn viết với ly cocktail hay chiếc áo hình đĩa vinyl “Rừng Nauy” bán cháy hàng. Nghe không mấy liên quan nhưng Murakami thực sự giống Wilde, giống ở chỗ các nhân vật mà hai người họ tạo nên thực chất là nhân bản từ chính tác giả, hoặc chỉ là những model tròng vào người quan điểm sống của tác giả mà thôi. Nhân vật nào của Murakami cũng am tường nghệ thuật khác thường, dù đó là một tài xế taxi hay một cô bé con chưa dậy thì. Nhân vật nào cũng cô đơn. Nhân vật nào cũng “chill” (thư giãn). Điều đó lí giải vì sao Murakami là một nhà văn thần tượng. Ông tạo ra một phong cách sống trong đó ta cô đơn, ta yêu mèo, ta ăn mặc tinh tế dù không đắt đỏ, ta nhâm nhi một ly rượu trong khi nằm nghe một chiếc đĩa vinyl của Charles Mingus, nói chung là ta có gu thưởng thức. Cho nên chiếc áo phông Murakami đã tạo một cơn sốt với người hâm mộ, song ta nghi ngờ sẽ có ai đó mua chiếc áo phông có in hình một nhân vật của David Mitchell hay Hilary Mantel, những tác giả đương đại nổi tiếng khác song không tạo nên phong cách sống nào cụ thể trong văn chương của mình.

Còn với Joan Didian, nhà văn huyền thoại kiêm cựu biên tập viên kinh thánh thời trang Vogue, kiêm gương mặt đại diện của nhà mode Céline dù đã hơn 80 tuổi, bà thậm chí còn biến áo quần trở thành ấn chứng của sự sống trong các tác phẩm của mình. Trong tự truyện văn chương “Blue Nights”, ký ức về người chồng và đứa con quá cố luôn khởi lên trước hết từ những bộ quần áo, từ đôi giày trước đây họ từng mặc, từng đi. Bà nhớ về đôi giày Christian Louboutine lộng lẫy mà cô con gái đã mang khi bước vào làm lễ cưới chỉ vài tháng trước khi chìm vào cơn hôn mê. Từng có những nhà phê bình nghi ngờ trí tuệ của Didion, vì một người phụ nữ thông minh sao có thể quan tâm tới áo xống nhiều nhường ấy? Nhưng với Didian, thời trang rõ ràng không chỉ là lớp choàng hời hợt ở bên ngoài, một bộ quần áo khi được mặc sẽ căng phồng nhựa sống, còn khi chủ nhân đã ra đi, nó xẹp lép vô hồn. Theo nghĩa ấy, thời trang thuộc về phạm trù hiện sinh, là hiện thân của tồn tại, mà những điều này đều là DNA của văn chương. Thế giới của Didion là thế giới của một nỗi đau mất mát đầy phẩm giá, sụp đổ nhưng không ngã quỵ, và tất cả những điều ấy được biểu hiện qua cách bà chỉn chu chọn một kiểu tóc, một đôi hoa tai, một chiếc váy, như thể sự duyên dáng có thể hoàn toàn vô tri với bản chất hữu hạn của cuộc đời và cầm chân cái chết. Và đừng hỏi tại sao khi Netflix phát hành bộ phim tài liệu về đời bà, nó khiến ta đặt ra câu hỏi, không phải “làm sao để viết như Didion?”, mà là “làm sao để sống như Didion?”. Sống, với bà, đã bao hàm cả viết rồi.

Didion, như Murakami, như Wilde, khiến văn chương không chỉ bị ép dẹp trong mớ chữ nghĩa hai chiều, mà được dựng thẳng lên trong không gian ba chiều. Thay vì rao giảng suông và vẽ ra một thế giới không tưởng trong tuyệt vọng, họ thực hành thứ văn chương ấy, tự trở thành một người biểu diễn, một minh chứng nhãn tiền của thứ mà họ đang rao giảng.

Sự hợp nhất này khó – hợp nhất trưng diện và trí tuệ, hợp nhất văn chương và thời trang – mà đâu phải sự trưng diện nào cũng là sự trưng diện lãng mạn, sự trưng diện anh hùng, sự trưng diện hiện sinh. Có những sự trưng diện giả dối, sự trưng diện vụng về, sự trưng diện vô tri. Nhưng sau rốt, nói như Wilde thì, nếu một người không thể là tác phẩm nghệ thuật, thì người đó cũng nên mặc một tác phẩm nghệ thuật. Đó là khởi đầu của duy mỹ.

Hiền Trang

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文