Từ chuyện bữa ăn đến con đường duy nhất đổi đời của bóng đá nữ Việt Nam
So với các đồng nghiệp nam, các cầu thủ nữ chịu thiệt thòi đủ thứ. Tuy nhiên, đó là thực tế mà họ phải chấp nhận bởi lẽ sau cùng, bóng đá vẫn là một ngành công nghiệp giải trí. Con đường duy nhất để các cầu thủ nữ đổi đời là đạt được những thành tích vượt trội, giống như giành vé dự World Cup. Điều này thể hiện rất rõ qua chuyện bữa ăn của Huỳnh Như và các đồng đội trong những ngày này.
Một thập kỷ “liệu cơm gắp mắm”
Đội tuyển nữ Việt Nam đã mất gần một thập kỷ để “nhân 3” khẩu phần ăn. Năm 2014, các cô gái áo đỏ để thua Thái Lan đầy cay đắng tại sân Thống Nhất và lỡ vé đi World Cup. Ở thời điểm đó, chế độ ăn uống của tuyển nữ hoàn toàn do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chi trả và chỉ giới hạn khoảng 300.000 đồng/1 người/1 ngày. Đây là khẩu phần thấp hơn cả vận động viên các môn thể thao khác.
Tổng cục Thể dục thể thao khi đó không xem bóng đá nữ là môn thể thao đỉnh cao cần đầu tư trọng điểm. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi lẽ số lượng thành viên của đội tuyển bóng đá luôn đông đảo hơn rất nhiều so với các môn thể thao khác.
Chuyện không có gì đáng nói nếu tuyển U19 Việt Nam có khẩu phần ăn cao… gấp 10 lần trong cùng năm 2014. Tại giải U19 quốc tế 2014, mỗi cầu thủ U19 Việt Nam được hưởng khẩu phần ăn lên đến 3 triệu đồng/ngày. Các món ăn được đầu bếp tại khách sạn REX chế biến theo yêu cầu của bác sĩ đội U19 Việt Nam cũng như các chuyên gia dinh dưỡng.
Tất nhiên, chế độ của U19 Việt Nam ở thời điểm này là ngoại lệ hiếm gặp. Trong bối cảnh bóng đá nước nhà đi xuống, lứa cầu thủ do Hoàng Anh Gia Lai đào tạo - dẫn đầu là Nguyễn Công Phượng tạo ra cơn sốt chưa từng có. Nhờ đó, U19 Việt Nam nhận được đãi ngộ đặc biệt từ các nhà tài trợ lớn.
Dù vậy, chế độ chung của các đội tuyển nam vẫn hơn xa đội tuyển nữ. Tại AFF Cup, các tuyển thủ Việt Nam được chu cấp khẩu phần ăn 1,5 triệu đồng/ ngày, gấp 5 lần tuyển nữ. Con số này tăng dần theo từng năm, trong khi các cầu thủ nữ phải “liệu cơm, gắp mắm” với chế độ dao động từ 300.000 đến 400.000 đồng/ ngày.
Dinh dưỡng thể thao trở thành khái niệm xa xỉ với các cầu thủ nữ. Trong thời gian dài, chuyên gia dinh dưỡng của tuyển nữ Việt Nam chính là… HLV Mai Đức Chung. Tại SEA Games 2017, HLV Mai Đức Chung từng than thở về việc các học trò của ông chưa bỏ được tính ăn vặt, ăn những đồ ăn đóng gói không có lợi cho sức khỏe của vận động viên chuyên nghiệp. Các cô gái áo đỏ thậm chí mang theo cả… mì tôm để “chống đói” khi cần thiết.
Nguyên tắc trong các bữa ăn của cầu thủ chuyên nghiệp là đủ năng lượng, đủ các chất dinh dưỡng, phân bố bữa ăn hợp lý. Năng lượng trung bình dành cho mỗi người khoảng 5.000 kcal/ ngày, trong đó bữa sáng và các bữa phụ khoảng 2.000 kcal, bữa trưa khoảng 1.700 kcal và bữa chiều là 1.300 kcal. Tuy nhiên, hiếm có tuyển thủ nữ nào làm được điều này.
Tại SEA Games 2019 ở Phillippines, hình ảnh bữa ăn của các cầu thủ nữ Việt Nam từng gây ồn ào dư luận. Ở thời điểm đó, bên cạnh sự yếu kém của nước chủ nhà, ngân sách hạn chế cho tuyển nữ là lý do khiến các cầu thủ phải “ăn ít đi một chút” như lời HLV Mai Đức Chung chia sẻ.
Với người thường, khẩu phần 300.000 đồng/1 ngày là nhiều, nhưng với các vận động viên chuyên nghiệp, con số này không đủ để họ ăn ngon, ăn no chứ chưa nói đến chuyện đủ dinh dưỡng hay không. Tuy nhiên, tuyển nữ Việt Nam đã quá quen với khó khăn và luôn biết cách vượt qua nghịch cảnh. Hơn ai hết, họ hiểu rõ thiệt thòi của bản thân và hiểu rằng họ phải cố gắng trong mọi hoàn cảnh.
Con đường duy nhất
Sau gần một thập kỷ “liệu cơm gắp mắm” như thế, tuyển nữ Việt Nam cuối cùng cũng có ngày được hưởng chế độ ăn tiền triệu. Trong quá trình chuẩn bị cho World Cup nữ 2023, các cầu thủ nữ Việt Nam có khẩu phần ăn 1 triệu đồng/ ngày.
"Cuộc sống của đội tuyển nữ Việt Nam đã thay đổi rất nhiều so với thời gian trước, được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm trong tập luyện và ngay trong từng bữa ăn. Chế độ của cầu thủ bây giờ cũng được hơn 1 triệu đồng/ngày. Đây là điều rất tốt và phấn khởi", HLV Mai Đức Chung tiết lộ với truyền thông.
Chế độ này tương đương với đội tuyển nam trong các lần tập trung gần đây. Thực đơn ăn uống của đội tuyển nữ Việt Nam cũng được điều chỉnh với thịt gà, thịt bò, cá hồi 2 bữa mỗi ngày vào thời điểm phù hợp. Bên cạnh đó, trứng vịt lộn, sữa, vitamin và thực phẩm chức năng cũng được bổ sung nhằm giúp các cầu thủ tăng cường sức bền.
Tuy nhiên, sự thay đổi này chỉ đến nhờ kỳ tích tham dự World Cup nữ 2023. Đó chính là mấu chốt của vấn đề. Khẩu phần ăn của tuyển nữ Việt Nam chắc chắn sẽ không được cải thiện đáng kể nếu họ tham dự AFF Cup hay SEA Games. Ngay cả khi liên tục thống trị các giải đấu này, đội bóng của HLV Mai Đức Chung cũng không được ưu ái hơn.
World Cup là câu chuyện hoàn toàn khác. Đó là lịch sử, là thành tích mà bóng đá nam chưa từng đến gần và chưa biết khi nào đạt được. Nói đơn giản, đó chính là “điều kiện” để bóng đá nữ Việt Nam đổi đời - ít nhất ở cấp đội tuyển. Chỉ có thành công vượt trội mới có thể giúp các cô gái áo đỏ tạo ra hiệu ứng lớn trong thời gian dài, từ đó thu hút sự quan tâm của giới hâm mộ cũng như của các nhà tài trợ, và của cả các ban ngành liên quan.
Có một thực tế phũ phàng là bóng đá nữ gần như không được chú ý ở Việt Nam. Giải vô địch quốc gia hiếm khi có khán giả yêu bóng đá thuần túy đến xem. Thậm chí ngay cả người thân của các cầu thủ cũng không muốn bỏ thời gian đến sân để cổ vũ con em mình. Năm nào giải đấu cũng đứng trước nguy cơ “vỡ trận” vì thiếu hụt kinh phí.
Đây là số phận chung của bóng đá nữ ở nhiều nơi trên thế giới. Trước thềm World Cup nữ 2023, các đại diện châu Phi thay nhau dọa bỏ giải vì thiếu kinh phí. Ở một số quốc gia khác như Jamaica, các cầu thủ phải tự thân vận động tìm kinh phí ăn ở khi lên tuyển. Ngay cả với quốc gia giàu có như Canada, chuyện này cũng xảy ra. Tổng thư ký tạm thời của Liên đoàn Bóng đá Canada, Jason de Vos cho biết tuyển nữ quốc gia này thậm chí chưa… có tiền bay sang New Zealand.
Chính vì vậy, chuyện bữa ăn được nâng cao chỉ là bước đầu thay đổi bóng đá nữ Việt Nam. Muốn tạo ra bước ngoặt lớn hơn, tuyển nữ Việt Nam bắt buộc phải thành công hơn. Đó là con đường duy nhất giúp họ “đòi quyền lợi” trong tương lai.
Đáng tiếc ở chỗ, vẫn có điểm mà tuyển nữ Việt Nam chưa được cải thiện trước World Cup nữ 2023. Họ vẫn chưa có chuyên gia dinh dưỡng riêng, và HLV Mai Đức Chung buộc phải cùng đội ngũ y tế bàn bạc, đưa ra thực đơn tốt nhất có thể. Câu chuyện lúc này quay sang một vấn đề khác. Các cầu thủ nữ đã được ăn no, ăn ngon hơn nhưng chưa chắc đã hiệu quả về mặt thể thao. Đây là điều mà VFF phải tính lại trong thời gian tới nếu thực sự quyết tâm đẩy bóng đá nữ lên một tầm cao mới.
Suy cho cùng, chuyện ăn uống với bất cứ vận động viên chuyên nghiệp nào đều quan trọng. Với các cầu thủ nữ thậm chí còn quan trọng hơn, bởi lẽ cường độ hoạt động của họ rất cao và kéo dài ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, năm này qua năm khác. Sau khẩu phần ăn, sẽ là câu chuyện ăn như thế nào cho đúng.
Đội tuyển nữ Thái Lan ăn gì ở World Cup?
Thái Lan là đại diện đầu tiên của Đông Nam Á tham dự World Cup nữ, và họ là đội duy nhất góp mặt ở ngày hội bóng đá nữ lớn nhất hành tinh nhiều hơn 1 lần. World Cup nữ 2023 là vòng chung kết ra mắt của cả Việt Nam và Phillippines.
Tấm vé của Thái Lan thậm chí khó nhằn hơn rất nhiều, bởi lẽ các vòng chung kết họ tham dự chỉ có tổng cộng 24 suất thay vì 32 suất như hiện tại. Để có thành công sớm vang dội như vậy, người Thái đã tập trung vào việc cải thiện thể trạng của các cầu thủ từ rất sớm. Song song với các bài tập thể lực là chế độ ăn uống đặc biệt dành riêng cho tuyển thủ nữ.
Thực đơn của đội tuyển Thái Lan được xây dựng theo các cường quốc về dinh dưỡng thể thao như Mỹ, Anh và Đức. Cụ thể, các cầu thủ bắt buộc phải bổ sung thực phẩm protein và carbohydrate. Đương nhiên, họ sẽ được đầu bếp cung cấp cho thực đơn bao gồm hàng chục món chế biến khác nhau để tránh cảm giác chán ăn. Trong đó, các thực phẩm chủ đạo bao gồm trứng, thịt bò, thị gà, cá hồi, rau cải, sinh tố hoa quả.