Những khung trời rất xa...

08:29 05/08/2018
Liệu bây giờ mình phá tung cái chấn song ọp ẹp này mà nhảy xuống dưới bể nước, thì có đột nhiên phiêu bồng đến một miền đời thực khác? Những suy nghĩ vẩn vơ ấy cứ nuôi dưỡng trong tôi những tò mò không dứt về một thứ gọi là khoảng trời.

Hồi nhỏ, tôi sống trong một căn nhà chật chội trên tầng 2 nằm trong lòng phố. Khu tôi ở trước là biệt thự của người Pháp. Sau năm 1954, Nhà nước ngăn rẽ tòa biệt thự thành từng phòng nhỏ chia cho những gia đình theo Cách mạng vào ở. Tổng diện tích sinh hoạt của gia đình tôi vào khoảng 20m² - bằng một phòng ngủ của ngôi biệt thự cũ. Thời kì quá tải nhất, đã từng có 6 người cùng sống trong đó.

Tôi cảm thấy ổn.

Vì nếp sống từ tấm bé vốn đã quen như vậy và tôi cũng chỉ gắn bó với duy nhất một khoảng không gian rất nhỏ. Đó là trên cái giường chật chội của ông bà, từ đó tôi nhìn ra một khung cửa sổ rất to. Cái cửa sổ sần sùi những vệt sơn rẻ tiền, cứ lớp này chồng lên lớp kia tạo nên một vẻ vá víu thô kệch. 

Mặc dù là trẻ con, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bóc những lớp sơn già nua kia để xem bên trong là gì (dù tò mò là đặc quyền của trẻ nhỏ). Tôi thích cảm giác sờ nhè nhẹ, thậm chí là ve vuốt những chấn song han gỉ, rồi đưa tay lên mũi... ngửi.

Tôi đã từng ngồi khóc bên khung cửa sổ ấy liên tục trong 2 giờ đồng hồ, vừa khóc vừa chà chạm trán mình vào những chấn song, bởi nó mang lại cho tôi cảm giác an toàn, khi chí ít nỗi đau trong lòng cũng được san bớt ra những nơi khác thuộc về xúc cảm vật chất.

Cái cửa sổ rách nát sát giường ấy nhìn ra bể nước của một ngõ xóm đằng sau lưng nhà tôi. Đó thực sự là một khoảng không rộng mênh mông đối với tâm hồn một đứa trẻ lên 6. 

Từ đây tôi có thể nhìn ngó tất cả sinh hoạt của những con người sống trong ngõ xóm nghèo nàn ấy. Sáng sớm họ lục tục kéo nhau ra bể nước đánh răng rửa mặt, những xô, những chậu, những thau, những thùng được xếp thành hàng nghiêm ngắn (mặc dù vậy tôi đã từng nhìn thấy có ông len lén thừa lúc mọi người không để ý đổi chỗ cho cái chậu của mình nhảy cóc lên 2,3 hàng). 

Chiều đến thì họ hò nhau ra lấy nước để rửa rau, rửa thịt, rửa cá. Có người mang cả chậu quần áo ra bể, múc nước giặt giũ ào ào. Tay làm không ngớt, miệng thì thoắt thoắt tán với nhau đủ thứ chuyện trên đời: chuyện đầu phố, chuyện trong xóm, thậm chí chuyện ngay cả nhà mình.

Rồi lại có những chiều buồn thê lương não lòng, như một thói quen, tôi lại nửa nằm nửa ngồi trên chiếc giường gắn chặt bên khung cửa sổ. Rè rè bên ngoài gian khách là tiếng nhạc Văn Cao ông nội tôi hay mở, phát ra từ chiếc radio cũ kĩ với những băng catset có tuổi thọ có khi còn lớn hơn cả tuổi tôi. 

Giọng hát Ánh Tuyết nũng nịu như người tình mới lớn hay hờn dỗi, nhưng cũng khắc khoải hơn cả những người đàn bà từng trải nhất, quyện hồ với lời nhạc Văn Cao trong chiều tàn, khiến người ta có cảm giác như say cafe, một trạng thái say chếnh choáng nhưng đầy kiểu cách: "Ai lướt đi ngoài sương gió/ Không dừng chân đến em bẽ bàng/ Ôi vừa thoáng nghe em mơ ngày bước chân chàng/ Từ từ xa đường vắng/ Đêm mùa thu chết/ Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng"

Tôi thích chống tay lên bậu cửa sổ, tựa lòng mình vào những vệt âm thanh của Văn Cao. Rồi tôi lại vơ vẩn nghĩ, sau cái nhà xiêu vẹo rúm ró kia là nơi chốn nào? Sau cái khoảng trời to bằng cả cái bể nước kia là một khoảng trời khác có rộng lớn hơn không? 

Liệu bây giờ mình phá tung cái chấn song ọp ẹp này mà nhảy xuống dưới bể nước, thì có đột nhiên phiêu bồng đến một miền đời thực khác? Những suy nghĩ vẩn vơ ấy cứ nuôi dưỡng trong tôi những tò mò không dứt về một thứ gọi là khoảng trời.

...

Độ này tôi đang đọc một cuốn sách: Kitchen của Banana Yoshimoto. Bối cảnh chính của câu chuyện là phòng khách (nói chính xác hơn là phòng khách thông với bếp) trong một khu chung cư cao tầng đồ sộ, kiên cố. 

Tôi thích nhất là phân đoạn khi Yuichi và Mikage đang ngồi trên chiếc ghế sofa bự chảng đầy êm ái để nói về cái chết của cô Eriko - người mẹ xinh đẹp của Yuichi vốn là đàn ông chuyển giới. Eriko bị đâm chết bởi một gã si mê mình:

"...Nụ cười tươi tắn mà cô đơn, tựa như ánh sáng tan ra. Đêm, mỗi lúc một khuya hơn. Tôi quay ra nhìn khung cảnh ban đêm đang lấp lóa tuyệt đẹp bên ngoài cửa sổ. Khu phố nhìn từ trên cao xuống như được tô một đường viền bằng những hạt sáng, và làn xe cộ chợt biến thành dòng sông ánh sáng chảy tràn giữa bóng tối...".

Tôi mới chỉ đọc tới đây và hoàn toàn không biết Yuichi và Mikage suy nghĩ gì về cái chết bất ngờ của cô Eriko, khi trước mắt họ là khoảng trời nhìn từ tầng 10 của tòa chung cư nơi Yuichi sống. 

Hoặc giả, bối cảnh chính của Kitchen không phải một nơi với tầm nhìn huy hoàng như vậy mà là một căn phòng chật chội, ẩm thấp trong một xó xỉnh, u ám ở 1 khu ổ chuột nào đó, thì liệu Mikage có được nhìn thấy nụ cười tựa như ánh sáng tan ra của Yuichi, khi cậu đang chầm chậm kể về cái chết kinh hoàng của mẹ mình?

Người Nhật thật kì lạ. Không chỉ trong Kitchen mà trong rất nhiều tác phẩm khác của các tác gia Nhật tôi từng đọc, cách người Nhật đối diện với cái chết (cái chết của người thân hay thậm chí là cái chết của chính họ) thật dễ chịu. 

Cái chết đối với họ chỉ đơn giản là một cơn gió mỏng manh đang chảy thành từng vũng bên ngoài ban công, ở căn phòng tầng 10 của một chung cư ngẫu nhiên nào đó. Hoàn toàn điềm lặng, họ mở cửa cho vũng gió ấy tràn vào nhà.

...

-  Có sợ không?

-  Có sợ chết không?

Câu hỏi ấy cứ văng vẳng trong suy tưởng tôi suốt mấy ngày kể từ khi chuyển về căn hộ trên tầng 6 của một tòa chung cư giữa thành phố. Trong phòng khách của căn hộ, nổi bật lên một khung cửa sổ rất to, cỡ bằng cả cái bể nước công cộng trong kí ức thuở nhỏ. 

Từ đây tôi có thể nhìn ra một khoảng trời bao la đúng nghĩa, không một tòa nhà nào che chắn, không bị phiền nhiễu bởi khói bụi ồn ào, thi thoảng còn sẽ sàng tiếng hót líu lo của một chú chim nhỏ lạc bầy nào đó. Phóng tầm mắt ra xa, có thể nhìn thấy hàng lớp lớp những rặng rợp cây trong khuôn viên của trường mẫu giáo kề sát. Kì lạ lắm.

Có khi ngồi ven cửa sổ, uống một tách trà nóng mà ngắm nhìn khoảng không, tôi bất chợt nhận ra sắc vàng pha úa nặng nề của rặng cây ấy cứ như muốn tuôn cả xuống. 

Nhưng cũng có lúc không chủ đích, lại cảm giác trong những thước hình ngoài khung cửa sổ, là một biển đỏ đang theo gió lay động rì rào. Tôi không chắc về tâm tưởng của mình cũng như không chắc về màu sắc thực sự của rặng cây bên cửa sổ.

Ảnh: Đình Nguyễn.

Hai câu hỏi ấy đến ngay khi tôi nhìn thấy khung cửa sổ của căn nhà mới. Bởi nó nhắc tôi nhớ về kí ức của mình và một người bạn trong khuôn viên Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. 1 ngày trước khi bạn vào phòng mổ, tôi và bạn đã lững thững đi dạo trên hành làng tầng cao nhất của tòa nhà cũ trong bệnh viện. 

Từ đây, chúng tôi có thể nhìn thấy rất nhiều khoảng trời đan xen nhau, nối tiếp nhau, lạc trong nhau. Khoảng trời đang ôm trọn những đám mây, hay khoảng trời trong đôi mắt của những người trọng bệnh.

Tôi vốn muốn nói một điều gì đó lạc quan hơn để động viên bạn mình nhưng không kìm lòng được mà buột ra những câu hỏi ấy. Tôi sợ và tin bạn mình cũng sợ, thật thế! Chết ai mà không sợ. 

Hoặc có khi người ta không sợ chết mà sợ những khoảng trời lơ lửng sau khi chết. Sợ những thứ người ta không thể sờ chạm. Sợ những thứ người ta không làm cho rõ ràng đen trắng được.

Bạn tôi mỉm cười và chỉ tay về phía khung trời trước mặt thay cho câu trả lời:

- Nhìn kìa! Trời hôm nay đẹp quá!

Ngày hôm sau, bạn tôi bước vào phòng mổ. Một năm sau đó, bạn mất vì căn bệnh ung thư.

...

Chúng ta đang sống trong lòng một thành phố chật chội, không có đủ chỗ để chứa nổi dù chỉ một khoảng trời, không còn sót một khoảnh đất đủ cho một thân phận. 

Đứng trên tầng cao của thành phố mà vọng mắt nhìn xuống, hẳn là lúc cảm thức của bản thân sẽ đối diện với cái vô cùng của cuộc đời một cách trực diện, trực diện đến nghiệt ngã, kể cả đối với những kẻ võ biền gân guốc hay những kẻ trơ lì vô cảm.

Ấy cũng chính là lúc ta tự cho phép mình được níu vào một cơn gió nào đó để lạc trong miên man vô thường, dẫu chỉ trong khoảnh khắc!

Nguyễn Din

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...

Chúng tôi đến thăm Thư viện Tưởng niệm Các Mác và Trường Công nhân tại thủ đô London (Anh) vào một ngày nắng đẹp. Khám phá Thư viện, thấy nhiều điều thú vị về cuộc đời hoạt động của nhà tư tưởng cách mạng tiến bộ, lỗi lạc C. Mác. Có thể khẳng định đây là nơi một "kho báu" lưu giữ giá trị của Chủ nghĩa Mác giữa lòng Chủ nghĩa Tư bản.

Nhiều dịch bệnh bùng phát từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi; các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà… đều tăng số ca mắc.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Thái Thụy (SN 1988, trú tại khu 5A, thị trấn Na Dương), Hoàng Ngọc Công (SN 1999) và Hoàng Ngọc Anh (SN 2001), cùng trú tại khu 6, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Ngày 5/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Đinh Vũ Đức Anh (SN 2008), trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và Dương Trung Kiên (SN 2008), trú tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để điều tra làm rõ về hành vi cướp tài sản. 

Một quan chức cấp cao tại bang Baja California (Mexico) hôm 4/5 thông tin, các thi thể được tìm thấy dưới một đáy giếng ở khu vực Ensenada của bang này rất có thể là của các vận động viên lướt sóng quốc tịch Mỹ và Australia, vốn được thông báo mất tích hồi tuần trước. 

Giới chức Pháp hôm 4/5 cho biết, ít nhất một người đã thiệt mạng và sáu người khác bị thương trong vụ xả súng xảy ra ở ngoại ô phía Bắc Thủ đô Paris. Vụ xả súng này được cho là liên quan tới các băng nhóm buôn bán ma túy.

Không chỉ thúc các địa phương tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cũng đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu khẩn trương phân bổ vốn và giải ngân vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文