"Bình thường mới" của Tết

08:15 01/02/2021
Chiều cuối năm thư thả, hẹn cậu em quen ngồi cà phê tâm sự mà bỗng giật mình. Bởi sau một năm gặp lại, không thể tưởng tượng nổi là một người sôi nổi, yêu đời, dạt dào cảm hứng như cậu giờ lại trở nên ủ dột với những nét căng thẳng, mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt. Cậu em người nước ngoài, sống ở Việt Nam đã nhiều năm, và là một trong những giáo viên tiếng Anh có uy tín, được nhiều trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội săn đón.


"Nhưng bây giờ, mỗi tuần chỉ đi dạy 2,3 buổi, lương bị cắt nhiều anh ạ" - cậu giãi bày. Đã thế bạn gái cậu làm ngành dịch vụ giờ cũng thất nghiệp, ở nhà. Giảm việc, giảm lương, đến nuôi mình và trả tiền nhà còn khó, giờ phải "tiếp viện" cả bạn gái, không mệt mới lạ. Tất cả đều do COVID-19 mà ra. Ba đợt COVID quét qua đất nước này đã khiến đời sống vật chất của những người như cậu từ "đỉnh cao" xuống "vực sâu". 

Vật chất biến động nên tinh thần cũng biến động. "Giờ em mất hết động lực, chẳng muốn làm gì. Mà có muốn cũng chẳng biết  làm gì", nghe cậu than thở bằng cái giọng tiếng Việt rõ ràng, sắc nét như người Việt mà tôi thấy sống mũi mình cay cay. "Rồi Covid sẽ qua đi, mọi thứ sẽ trở lại. Cuộc sống có lúc nọ lúc kia em ạ", tôi cố an ủi. Nhưng thật lòng vừa an ủi, vừa canh cánh: bao giờ nó mới thực sự trở lại, ngay cả trở lại trong trạng thái "bình thường mới", chứ không phải là "bình thường cũ"?

Đây chắc chắn không phải là câu hỏi riêng cho cậu em mà tôi quen biết. Đây chắc chắn cũng là câu hỏi chung của nhiều người, nhiều gia đình, nhiều số phận. Bởi những con số mới nhất mà Tổng cục Thống kê đưa ra cho thấy, tính đến tháng 12 năm 2020, Việt Nam có khoảng 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, trong đó có người mất việc, có người nghỉ giãn việc, có người nghỉ luân phiên, nói tóm lại là giảm giờ làm và giảm thu nhập. 32,1 triệu người, có nghĩa là khoảng 1/3 dân số cả nước. 32,1 triệu người cũng chưa phải là số liệu đủ sức bao quát, bởi trong 32,1 triệu người ấy chắc chắn có rất nhiều người là lao động chính, thậm chí là "cái cần câu cơm" duy nhất của một gia đình. Công việc của những người đó bị ảnh hưởng tiêu cực, đồng nghĩa với đời sống của nhiều gia đình cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. 

Nếu chỉ tính riêng số lượng người thất nghiệp thì con số này là 1,3 triệu người. Nói đơn giản: COVID-19 đã đẩy 1,3 triệu người vào cảnh không biết phải làm gì để có thể tiếp tục nuôi sống chính mình - ít nhất là như thế!

Hẳn nhiên họ có thể nhận được những khoản hỗ trợ từ nhà nước, từ cộng đồng để "cầm hơi" qua bữa. Nhưng những tác động tinh thần, những cuộc khủng hoảng về suy nghĩ mà họ phải đối diện thì  khó mà đong đếm nổi. Với trường hợp cậu em người nước ngoài tôi kể ở đầu bài viết, thật sự tôi đã nhìn thấy dấu hiệu trầm cảm ở cậu. Và tôi đã nghĩ, để vượt khỏi cơn trầm cảm này, có lẽ nỗ lực của một mình cậu, sự giúp đỡ của bạn bè, người thân xung quanh là chưa đủ. Đôi mắt quầng thâm lại, ngôn ngữ nhát gừng và tư thế ngồi co ro như thể muốn né tránh tất cả của cậu khiến tôi nghĩ, rất có thể cậu cần đến một phác đồ điều trị của những bác sĩ tâm thần.

Những năm 2018-2019, khi mà COVID-19 chưa hề xuất hiện, đã có một con số thống kê khiến rất nhiều người Việt Nam giật mình kinh ngạc: có khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh về rối loạn tâm thần, trong đó 25% bị trầm cảm. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, nhiều người mắc bệnh mà không hề biết mình mắc bệnh. Vì không biết mình mắc bệnh nên họ cứ thế sống, cứ thế làm việc, cứ thế sinh hoạt, để rồi đến một ngày mọi thứ "nổ tung", bắt buộc phải tới gặp bác sĩ thì bệnh đã rất nặng, việc điều trị trở nên rất khó khăn.

Thời điểm ấy, những nguyên nhân được chỉ ra đơn thuần nằm ở yếu tố thời tiết, khí hậu, môi trường sống, áp lực gia đình, áp lực công việc, sự căng thẳng quá mức trong các cuộc cạnh tranh xã hội… Tóm lại nó đều là những nguyên nhân điển hình trong một xã hội hiện đại đất chật, người đông, gần như ai ai cũng lấy danh vọng, tiền bạc làm tiêu chuẩn sống.

Nhưng đến năm 2020 thì chắc chắn những nguyên nhân này là chưa đầy đủ. Riêng trong năm 2020, chắc chắn người ta phải đặt ra một câu hỏi: 32,1 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng công việc, 1,3 triệu người mất việc làm do COVID-19, vậy số lượng những người bị rối loạn tinh thần sẽ biến thiên như thế nào từ con số 30% mang tính cột mốc nói trên? Nó sẽ tăng lên bao nhiêu? Nó sẽ diễn biến phức tạp và khôn lường tới mức nào? Trong lúc chờ đợi những tổng kết chính xác, lý tính, chúng ta có thể nói với nhau rằng "sang chấn tinh thần hậu COVID" chắc chắn là một vấn đề nhức nhối với nhiều cá nhân, nhiều gia đình - và đó là điều mà trước đó chúng ta không thể nào lường trước. Cũng chính vì vậy, nếu Tết năm nay không tươi tắn và rủng rỉnh như Tết năm ngoái thì đấy cũng là một "bình thường mới" của ngày Tết, bắt buộc phải làm quen.

Ảnh: L.G

"Em còn muốn ở Việt Nam lâu dài không?" - Tôi hỏi cậu em là giáo viên tiếng Anh người nước ngoài. Cậu trả lời chậm rãi: "Chắc chắn rồi! Bởi dẫu sao ở Việt Nam cũng rất an toàn. Ở nước em, nhiều người quen của em mắc COVID-19 lắm". Cậu kể rằng có những thời điểm không dám gọi điện về nhà nữa, bởi cứ mỗi cuộc điện thoại là lại nhận được tin một vài người bạn, người thân của mình lặng lẽ qua đời. Cậu nhăn mặt kể về câu chuyện ở đất nước cậu, và cũng là chuyện mà tôi đã thấy trên nhiều mặt báo: do số người nhiễm COVID-19 nhiều quá nên các bác sĩ bắt buộc phải chọn người để cứu. 

Và khi phải đứng trước sự chọn lựa, những người già, những người yếu thế, những người có sức đề kháng kém sẽ bị bỏ lại phía sau. Ngay cả khi những liều vắc-xin phòng ngừa COVID-19 đã được sản xuất thì "giai cấp nào được tiêm vắc - xin", và "giai cấp nào phải chờ đợi để được tiêm vắc-xin" cũng là một câu chuyện nhức nhối ở nhiều nơi. Và như thế, COVID-19 với hàng loạt những hậu quả và hệ quả của nó không chỉ đặt ra những vấn đề về nhân mạng, mà đặt ra hàng loạt trăn trở, hàng loạt ám ảnh trong cấu trúc tinh thần của con người.

"Dẫu sao ở Việt Nam cũng rất an toàn", tôi nghĩ mãi về lời nhận xét thành thực của cậu em người ngoại quốc. Liệu đây có phải là một điểm cộng giữa mù mịt những điểm trừ đang bủa vây đời sống tinh thần của cậu không? Và liệu bám vào điểm cộng này, trước sau cậu cũng sẽ tìm được một lối ra cho mình? Tết năm ngoái cậu phóng xe máy về quê bạn gái ở miền Trung, và sau đó đã viết những bài báo rất thú vị ghi lại những trải nghiệm "ăn Tết Việt Nam". Năm nay thì sao? "Em cũng chưa biết. Nói thật, bây giờ chỉ muốn ở một chỗ, chẳng muốn đi đâu", cậu trả lời. Khi tinh thần không trơn tru, thoải mái, người ta thường chỉ muốn thu mình một chỗ và tuyệt đối ngại di chuyển. Rất có thể năm nay cậu sẽ ở lại Hà Nội đón Tết. Một mình. Lặng lẽ.

Tết năm nay với cậu chắc chắn sẽ không bằng năm ngoái. Nhưng ở đây, ít nhất cậu cũng được an toàn. Trong cái "bình thường mới" của ngày Tết, giữa chộn rộn bộn bề những điều không như mong đợi, con người ta có lẽ phải học cách hài lòng với những thứ giá trị mà trong "bình thường cũ" mình cho là tất yếu - tôi trộm nghĩ.

Hài lòng và không ngừng hy vọng. Bởi năm con chuột vất vả và quá nhiều diễn biến khôn lường dẫu sao cũng đã ở lại sau lưng...

Phan Mỹ Chí

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Ngày 6/5, Cục CSGT cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung đi không đúng phần đường gây tai nạn khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Thanh Huệ (SN 1982; trú tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động khác luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.

Khoảng hai tháng qua, nhiều hộ nông dân tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước lo lắng, đứng ngồi không yên khi vườn sầu riêng đang xanh tốt bỗng dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tính đến nay đã có khoảng 200ha sầu riêng ở địa phương bị chết.

Chính quyền địa phương cho biết lũ lụt kỷ lục ở bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil đã khiến ít nhất 75 người thiệt mạng trong 7 ngày qua và 103 người khác được báo cáo mất tích.

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Miền Trung đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng, đây cũng là thời điểm liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm xuất phát từ việc chủ các cửa hàng kinh doanh, mua bán các loại thực phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước thực trạng này, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文