Bốc phét và bóc phốt
Chưa bao giờ số lượng thánh y nhiều đến thế. Tuổi tác thì các thánh y có thể từ thanh niên cho tới 80 - 90 tuổi. Tuổi gì thì "tài năng" của họ đáng gọi là "cụ của thầy thuốc".
Đặc điểm là thánh y không có bằng cấp về chuyên môn, không giấy phép hành nghề nhưng họ phán thì Hoa Đà cũng phải đóng bỉm cho khỏi ướt quần.
Cách quảng cáo của các thánh y khá giống nhau. Họ không hề nói đến bằng cấp hay trường đào tạo mà chỉ lặp đi lặp lại câu “nhà tôi ba đời bốc thuốc”…
Hình ảnh quảng cáo thì chọn một bức ảnh người đàn bà dân tộc thiểu số.
Thoái hóa cột sống, sỏi thận, suy gan, AIDS, ung thư... uống vào khỏi hết.
Có gia đình hai vợ chồng già mắc hai thứ bệnh khác nhau nhưng khi khám bệnh lại nhận được một loại thuốc giống hệt nhau. Thần dược mà, chữa được bách bệnh từ ung thư đến ghẻ.
Ngày xưa, các cụ gọi dạng thánh y này là lang băm. Nhưng cho dù nhiều đời cảnh báo với dạng lang băm này thì cũng khó mà giải quyết được, khi tâm lý có bệnh vái tứ phương vẫn tồn tại. Tiếng tăm đi theo con đường rỉ tai, bà nọ mách cô kia. Thế là kéo đến ầm ầm. Dịch vụ kèm theo là họ tổ chức những chuyến xe bus gom bệnh nhân. Chuyến này gom các cựu chiến binh, chuyến khác gom giáo viên, học sinh. Mỗi bệnh nhân đóng tiền xe, cơm cháo, tiền thầy tự trả.
Có thánh y tại Phú Thọ trị xoang theo nguyên lý là bắt sâu, bệnh càng nặng thì sâu càng nhiều. Thánh y rót nước thuốc xoa lên đầu bệnh nhân một lúc rồi dùng ảo thuật bắt ra những con sâu bé bằng cái đinh đóng guốc. Ô ghê chưa. Những con sâu giãy giụa ngay trước mắt. Trò này giống trò bắt sâu răng của mấy anh mãi võ ngồi chợ. Thánh y "bắt sâu" tài quá. Rất tiếc, bệnh nhân này không hề bị xoang.
Có dạng thánh y không cần khám, cũng không cần nhìn thấy bệnh nhân mà vẫn bán thuốc với cam đoan khỏi trăm phần trăm. Nói chung, các bệnh nhân đều giống nhau ở chỗ không hiểu rõ bệnh của bản thân nên lạc lối vào những huyền hoặc, mê tín.
Nhiều bệnh nhân tin rằng đến nhà thánh y Đồng Nai chỉ cần xoa bóp, sờ nắn là bệnh sẽ tan. Trong nhà đông nghịt người chờ để được sờ. Nhưng khi người nhà báo có cán bộ kiểm tra thì ngôi nhà đóng cửa. Khi cán bộ được mời vào thì trong nhà bệnh nhân đã trốn sạch.
Có thánh y chữa trong nước không đủ, còn sang tận Mỹ chữa bệnh cho Việt kiều. Cách chữa thì chỉ có xoa, nắn. Chữa câm bằng cách vỗ hai tay vào mang tai. Nhiều người nhà bệnh nhân khẳng định ông ta chữa không khỏi. Có người nhà bệnh nhân tố rằng em trai của anh ấy sau khi được thầy chữa cho chừng 1 giờ đồng hồ thì qua đời.
Ở Vĩnh Long, có hai thánh y đuổi ma diệt tà cho bệnh nhân bằng cách đánh, khiến bệnh nhân tử vong. Một thánh y ở Đồng Tháp bấm huyệt khiến bệnh nhân chết ngay tại chỗ.
Một số thánh y cũng quảng cáo trên mạng xã hội. Họ cho đóng những video clip có vẻ rất thật thà nhưng chính sự thật thà cho thấy phẩm chất cáo già.
Loại quảng cáo này nổi tiếng đến mức thanh niên “chơi lầy” chế lại thành một ca khúc với ca từ là toàn bộ văn quảng cáo: "Bà con ai đang gặp các vấn đề về xương khớp, gọi cho tôi! Tôi cam kết chữa khỏi 100%".
Phần lớn các video khác không khéo mà huỵch toẹt tuyên bố nhà tôi ba đời bốc thuốc chữa… Thế mà vẫn khối người tin. Đúng ra không phải nhà tôi ba đời bốc thuốc mà là ba đời bốc phét.
Những sai phạm kiểu "ba đời" này hiện vẫn chỉ bị phạt ở mức không đủ răn đe. Hoạt động "cứu nhân độ thế" bất hợp pháp ở mức nhẹ là lừa đảo nhưng ở mức nặng thì là tội ác. Không chỉ gây thiệt hại cho bệnh nhân về tài sản mà cả tính mạng. Các Hoa Đà tái thế phải biết thiên hạ không phải ai cũng là "con gà".
Có kẻ bốc phét thì có người "bóc phốt".