Cô lái đò sông Châu với nhà thơ Nguyễn Bính

12:15 18/12/2016
Người bạn tôi đôi lần kết nối từ mobiphone đến Facebook, dù chưa trải qua "năm tao, bảy tuyết" hẹn hò, nhân vật chính: Cô lái đò sông Châu vẫn chưa xuất hiện ở chốn quê nhà. Khó thế, người ơi, cái nghề "hầu chuyện thiên hạ".

Tháng 11-2016, tôi cùng anh - người đồng hành thân thiết từ thuở Ty Văn hóa Nam Hà sơ tán về thôn Đức Bản, xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, Hà Nam hạ trại, cùng bắt tay nhau làm một chuyến "về nguồn", mong tìm lại bóng dáng người xưa, bến cũ, con đò 50 năm trước đã vào thơ, vào trang văn những đồng nghiệp của thi nhân chân quê Nguyễn Bính.

May sao, giời thương kẻ khó, cứ chốc chốc "ông" lại đãi đằng nồng hậu thêm thứ nắng lụa dịu dịu, se se của bãi bờ dâu tằm, mật nhãn, trầu thơm với những vườn hồng Lý Nhân chấm son vào thơ Nguyễn Bính (1918 - 1966).

Rong ruổi miền Nam Xương cố quận ngày nào, nay đường đi lối lại đã mở rộng, trải nhựa tít tắp phẳng lì. Đường thôn, lối bến thầm lặng bao đời, giờ đây cũng đồng loạt nâng cấp, trải bê tông bền chắc chạy về đến tận các bờ ao, cổng ngõ.

Con sông Châu xuôi về Nhân Nghĩa, đôi bờ nhiều nhà cao tháp xanh, mái đỏ, cửa gỗ, cửa gương ngó nghiêng soi bóng khiến du khách ngỡ ngàng. Xe máy rì rì vừa đi vừa nấn ná hỏi đường về Tầu Giang, Đức Bản, nơi UBND xã Nhân Nghĩa từng thu xếp cho bộ máy lãnh đạo Ty Văn hóa cùng mấy phòng nghiệp vụ nương nhờ nhà dân đặt nhiệm sở triển khai công tác phục vụ sản xuất chiến đấu những năm chống Mỹ. Kỷ niệm xưa vẫn còn trong ký ức người cao tuổi, trong câu chuyện nghĩa xóm tình làng.

Chúng tôi đến bến đò Đức Bản bên dòng sông Châu phẳng lặng. Sông xưa bến cũ, bóng đa, bậc đá vẫn còn đây. Đò nối bến sang chợ Chủ, Ngọc Lũ ngày lẻ bên kia; chợ Quán, Nhân Nghĩa, ngày chẵn bên này hãy còn cắm sào nép bóng tre bờ bên kia đợi khách. Ngày chưa xa, thời đò ngang, thuyền nan, thuyền đinh, thuyền buồm là phương tiện giao thông thiết yếu gắn với lề lối sinh nhai, công việc đồng áng, chợ búa, giao thương cả một miền quê mấy bề sông nước.

Bến đò Đức Bản xưa còn có tên bến đò Ông Ố, bố ông Ố là người mở bến, hay làm việc nghĩa của làng. Gia đình cụ xuất tài lực xin  làng cho tu bổ bến đò, đóng thuyền gỗ, giao cho người nhà túc trực khuya sớm chở đò phục vụ người quá giang. Công việc xuôi chèo mát mái, gia đình cụ được tiếng tốt, nhẹ vía may đò. Chở đò thành nghề gia bản mấy đời cha truyền con nối. Cô lái đò sông Châu - Trần Thị Thoa là cháu nội của cụ.

Lối ngõ cầu ao nhà ông Kiểm, thôn Đức Bản Nội, xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, Hà Nam - nơi nhà thơ Nguyễn Bính về ở và làm việc năm 1965.

Ông Trần Văn Chương, trưởng tộc, cháu nội của cụ chủ bến đò xưa cùng bà Nguyễn Thị Tiên, vợ ông, tuổi 82. Ông bà vẫn còn tinh anh, ân cần tiếp chúng tôi trong ngôi nhà xây từ năm 1934, đã trùng tu, cụ cố xưa để lại cho con cháu. Ba nếp nhà xây khuôn viên kề nhau của gia đình 3 anh em ông Chương, được Phòng Bảo tàng Ty Văn hóa nhờ cậy, chọn làm nơi triển khai công tác thời chống Mỹ, lưu trữ, bảo quản tài liệu lịch sử văn hóa của tỉnh.

Ông Chương có 30 năm công tác ở Ban Vận tải đường sông, nghỉ hưu từ năm 1992. Con cháu ông bà, nhiều người là giáo viên, người công tác ở Hà Nội, người dạy học ở quê nhà.

Ông cho biết: Bà Trần Thị Thoa, em gái thứ tư của ông, từ thành phố Hồ Chí Minh đã bay về quê chồng, hẹn với anh chị, buổi chiều sẽ sang đây. "Nhà chúng tôi có bà thím, tuổi 97, yếu mệt, cô ấy về thăm bà. Các bác gặp may đấy!". Khỏi phải nói, chúng tôi vui như thế nào!

Trên đường tìm ngôi nhà Nguyễn Bính sơ tán năm xưa, tôi sực nhớ lời bạn than thở lúc khởi hành: "Cái số ông Nguyễn Bính vất vả long đong thật. Đến cả cô lái đò muốn chết thay để ông sống làm thơ, hẹn rồi mà vẫn không sao gặp được". Bạn tôi, anh Nguyễn Văn Nhuận, Hội VH-NT tỉnh Hà Nam đã chuẩn bị cho chuyến đi viết bài này. Tôi thủng thỉnh: "Ông thấy chưa. Cả ông Nguyễn Bính năm xưa và công việc chúng ta hôm nay đang đồng hành sắp đến đoạn kết của một "Chuyện văn, chuyện đời" có hậu. Giời có mắt đấy chứ!". Anh nhẹ nhàng: "Đúng vậy".

Tập kết ra Bắc từ mùa hè năm 1954, Nguyễn Bính về công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam rồi làm Báo Trăm hoa ở Hà Nội, thay anh cả Trúc Đường. Khi Báo Trăm hoa bộ mới không phù hợp thời cuộc, Nguyễn Bính về quê. Bạn bè đồng nghiệp chứng kiến một sự hồi sức và nhập cuộc thật bài bản của Nguyễn Bính trong chuyến "quy cố hương" sau các chuyến hành phương Nam, hồi phương Bắc...

Chỉ kể về số lượng tác phẩm mới, ông có thêm 2 vở chèo, một trường ca đoạt giải Báo Văn nghệ, mấy tập thơ trữ tình, truyện thơ phục vụ đấu tranh thống nhất đất nước. Năm 1964, nhà thơ nhận lời mời về làm việc ở Phòng Sáng tác Ty Văn hóa Nam Hà, phụ trách công việc biên tập thơ, tham gia bồi dưỡng các cây bút trẻ của tỉnh.

Trước ngày máy bay Mỹ ném bom thành phố Nam Định, ông hăng hái lên đường cùng đồng nghiệp cơ quan sơ tán về miền thượng Lý Nhân từ hè năm 1965. Nguyễn Bính về ở nhà ông Kiểm, thôn Đức Bản Nội. Ở đây, mênh mang như trời là trưa hanh hánh nắng sánh mây mềm sóng nước đường cây bờ bãi lụa là sông Châu. Thứ ánh sáng nhẹ tươi chín thầm những tâm hồn cây "Lòng bưởi đào lòng gấc đỏ như son".

Tiếng rì rầm ngàn năm đất bãi phì nhiêu làm ông ngơ ngẩn. Nguyễn Bính có biết hôm nay trên dải đất Hà Nam thời hội nhập đang về đích xây dựng nông thôn mới vẫn có những người thương quý, ghi nhớ hình bóng thi nhân áo vải, dép lốp qua lại miền quê thuần hậu này. 

Khách hỏi thăm, các cô giáo Trường Tiểu học Đức Lý điện đàm hỏi giúp, rồi cô giáo dạy văn Trường THPT Lý Nhân vui vẻ chỉ lối cho chúng tôi tìm về ngôi nhà mái lá, vách thưng, nơi Nguyễn Bính đặt chõng, kê bàn làm công việc của một nhà thơ chuyên nghiệp.

Bà Trần Thị Thoa, 66 tuổi - “cô lái đò sông Châu” năm 1965 - 1966.

Khách đến hơi lo vì không hẹn trước. Ông Kiểm chủ nhà xưa... các con cháu ông đều vắng nhà. Nhà xưa ngõ cũ, cổng rào để ngỏ, thay vào là cổng vòm thép tuýp, khóa đồng, nhà xây chỉnh trang đời mới. Chỉ còn lối cầu ao, mặt nước cánh bèo, bóng nhãn với cánh buồm heo may xanh mở trên tàu chuối ngự còn đung đưa ít nhiều dáng dấp thuở xa xưa.

Chiều, quay lại nơi hẹn gặp. Tôi chưa hình dung cô lái đò cuối cùng trong đời thơ Nguyễn Bính ra sao, thì bạn tôi reo khẽ: "Kia rồi, kia rồi! Cô ấy đã về!". Tôi vui hơn cả khách sang sông được người chở đò đón đợi. Một tiếng chào giọng nữ trung trong trẻo và người ấy bước ra khoảng sân đón khách.

Mái tóc đen, gương mặt tươi sáng, trang phục của một phụ nữ thành đạt, lịch thiệp. Cô lái đò tuổi mười sáu "bẻ gãy sừng trâu" năm xưa đây ư? Cái người chở đò không bao giờ lấy tiền đò Nguyễn Bính, cái người khi nhà văn Chu Văn báo tin bác Nguyễn Bính làm thơ sang đò năm ngoái đã mất, đã òa khóc bên mái chèo, rằng: "Cháu muốn được chết thay để bác Bính sống làm thơ" là đây? Những giọt nước mắt thánh thiện ấy chắc sông Châu còn giữ...

Tại ngôi nhà nề nếp này, cô lái đò sông Châu có tuổi thơ êm đềm. Mẹ cô chở đò ngang tài lắm. Khi đò sang bến đón khách, bà tựa lưng vào tấm chắn, chèo đò bằng chân. Thuộc ca dao, dân ca... bà dạy con chèo lái thành thục, dạy con hát. 

Sinh năm 1950, Trần Thị Thoa lớn lên trong gia đình đông anh chị em thuận hòa. Năm học lớp bảy, cô được mẹ phân công chở đò đỡ chị Tam, từ chiều Thứ bảy sang Chủ nhật. 

Cô con gái thứ tư của bà chăm học, chăm làm, nhanh chân nhẹ miệng, giỏi bơi, là "vận động viên thanh thiếu niên" lứa học trò trường quê. Ngày ấy, chợ Chủ bên Ngọc Lũ có cửa hàng mậu dịch bán hàng tem phiếu. Các bác, các chú bên Ty Văn hóa thường sang đò mua nhu yếu phẩm mang về. Cô lái đò sông Châu nhanh nhẹn, ân cần, được mọi người quý mến. Lên đò, có chú mở sách ký họa tặng cô. Có chú hát ca khúc mới theo nhịp chèo đưa. 

Chuyến đò chở văn nghệ sĩ thật vui. Bác Bính còn có thơ tặng cô cháu lái đò, song vẫn giữ vẻ thanh thản, điềm tĩnh. Những lần một mình sang đò vào Chủ nhật với xe đạp, túi vải xuềnh xoàng ngoắc ghi-đông, hai bác cháu trên con đò, bác thong thả hỏi chuyện học hành của Thoa. Biết Thoa là học sinh giỏi, bác Bính khen. 

Có lần chiếc túi vải mang về không, vì hết hàng, bác lại có câu mời đối: "Đi chợ Chủ, chủ mua đường, đường không mua được, chỉ mua đường" đọc cho Thoa nghe. Bác hỏi: "Cháu nghe bác mời đối được không?”. "Dạ, thưa bác, cháu hiểu ý tứ của bác, hay lắm ạ. Cháu là học sinh yêu văn. Cháu thuộc cả thơ bác nữa đấy ạ".

Nghe Thoa nói thế, bác Bính gật đầu, cười vui. Những lần sang chợ trở về, đò ra giữa dòng sông,  bác bỏ mũ, xắn tay áo, cẩn thận vốc nước sông  rửa mặt rồi ngồi nghiêm ngắn trên sạp đò khoan khoái ngắm ánh chiều buông tha thướt đôi bờ sông Châu trong mát.

Lúc cắm sào, cập bến, lần nào Thoa cũng nhanh nhẹn chuyển xe đạp lên bờ giúp bác. Nhà thơ rất hài lòng: "Cảm ơn cháu", rồi ông dong xe về cơ quan sơ tán. Thoa buồn lắm khi bác Bính làm thơ mất. Cả gia đình Thoa thương tiếc bác Bính. Vắng bóng thi nhân từ độ ấy... Mênh mang buồn.

Năm mười tám tuổi, cô lái đò sông Châu nộp đơn vào Trường Trung cấp Công nghiệp của tỉnh. Tốt nghiệp, cô về xí nghiệp Than Đồi Hoa, Hòa Bình làm kế toán. Cô lập gia đình năm 1971 với chàng trai ngành địa chất. Quê anh ở Bối Cầu, Bình Lục, phía bên kia dòng sông Châu. 

Mối lương duyên của hai người được gia đình đôi bên vun đắp, thật tốt đẹp. Họ sức rộng vai dài, yêu nghề, yêu đời, chăm chỉ công tác. Họ sinh các con trai, con gái, nuôi dạy các con nên người hiếu thảo, công tác thành đạt...

Chiều lưu luyến nắng. Chúng tôi chia tay "cô lái đò sông Châu" Trần Thị Thoa bên bến sông quê tình nghĩa, hẹn gặp nhau vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Bính - người vẫn thương về nơi bến xuân... 

Lý Nhân, 15-11-2016

Phạm Trọng Thanh

Ngày 20/12, Cơ quan CSĐT Công an  Đà Nẵng cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Huỳnh Thị Thanh Hiền (SN 1977, trú phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hiền được nhiều người biết như một “đại gia”, từng thành lập nhiều doanh nghiệp bất động sản và đầu tư một số dự án.

Trưa 20/11, Công an quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh tiếp tục phong tỏa hiện trường vụ cháy tại căn nhà 4 tầng vừa là nơi kinh doanh ăn uống vừa ngăn phòng cho thuê trên đường Xuân Hồng, phường 12, quận Tân Bình để làm rõ nguyên nhân. Vụ cháy khiến nhiều người bị ngạt khói phải chuyển vào bệnh viện cấp cứu, thông tin ban đầu có 2 người tử vong.

Nghe quảng cáo căng chỉ để nâng cao sống mũi, tạo dáng mũi thẳng và cao hơn, cô gái 25 tuổi, ở Hà Nội bị biến dạng thủng mũi sau 3 tháng làm đẹp ở cơ sở "chui". Gần đến Tết, nhu cầu làm đẹp gia tăng và nhiều người gặp biến chứng hoại tử khi thực hiện ở những cơ sở "chui".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文