Cuộc trò chuyện giữa một người dân và một luật sư

16:12 25/11/2011

Người dân: Thưa ông, thời gian gần đây dư luận ồn ào về một vấn đề đầu tiên tưởng nhỏ, đó là việc Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cấm các cán bộ thuộc cấp chơi gôn. Ý kiến ông thế nào?
Luật sư: Đây là một vấn đề ngó qua tưởng đơn giản nhưng lại rất phức tạp. Đứng về mặt luật pháp, thì có vẻ như Bộ trưởng sai.

Người dân: Xin lỗi. Chúng ta cần tranh luận điều này. Đầu tiên, luật pháp ở ta chưa hoàn chỉnh, nó vẫn đang cần bổ sung và hoàn thiện chứ không phải đó là một chân lý bất biến.

Luật sư: Suy cho cùng thì không có cái gì là chân lý bất biến.

Người dân: Để tôi nói tiếp. Hãy nhìn thẳng vào thực tế: Đó là hầu như toàn thể người dân không hề chơi gôn, thậm chí chả biết “gôn” là gì. Do đó, luật cấm này chả hề ảnh hưởng tới họ.

Luật sư: Đúng.

Người dân: Vậy ta có thể chuyển tranh chấp của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, thực chất là tranh chấp giữa người dân mà Bộ trưởng đại diện với những kẻ chơi gôn, thành tranh chấp giữa người dân với những kẻ ấy được không?

Luật sư: Ừ, thôi thế cũng có thể được.

Người dân: Với tư cách một luật sư, chắc ông thừa biết một luật lệ: mọi nghi vấn tại tòa đều phải được hiểu theo nghĩa có lợi cho bị cáo, đúng không?

Luật sư: Đúng. Nhưng ai là bị cáo ở đây? Những kẻ chơi gôn à? Bởi bị cáo chịu tác động của lệnh cấm đó?

Người dân: Không. Theo tôi, bị cáo là dân, những người bị tác động của việc ùn tắc giao thông, mà không nghi ngờ gì nữa, việc ùn tắc này do một số quan chức thiếu trách nhiệm gây ra.

Luật sư: Thấy chưa, mỗi chuyện xem xét ai là bên nguyên, ai là bên bị đã phức tạp rồi. Nhưng tôi có thể tóm tắt thế này được không? Mọi người có cảm giác khi quan chức bớt chơi bời, chuyên sâu vào công việc thì tai nạn sẽ giảm đi. Nhưng đấy là cảm giác thôi. Nếu ra trước pháp luật, cảm giác đó phải được chứng minh. Mà trong khi chờ đợi sự chứng minh bất kỳ một sự cấm đoán nào đều sai, nhưng tiếc thay xưa nay chúng ta vẫn hay làm thế.

Người dân: Tôi không đồng ý với luật sư.  Như trên đã nói, pháp luật của chúng ta chưa hoàn thiện, và trong khi chờ đợi sự hoàn thiện, việc các quan chức nhận phần thiệt về mình là việc nên làm cả về đạo đức lẫn về trách nhiệm. Đừng tưởng ở các nước có nền luật pháp vững mạnh họ không áp dụng những nguyên tắc bổ sung. Ví dụ như bên Anh, những nhà phê bình văn học được khuyên không kết thân với các nhà văn trước khi bình luận các tác phẩm đoạt giải, mặc dù tình bạn đó rất khó chứng minh. Xưa nay, sự thiên vị về luật pháp, nếu có, thường thiên về quan chức. Bây giờ, nhờ ông Bộ trưởng, người dân thấy nó có thể thiên về dân chúng. Đấy là một cảm giác tốt.

Luật sư: Thế này anh ạ, chúng ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền, là một mục tiêu tối cao.

Người dân: Vâng.

Luật sư: Để tới được mục tiêu đó, chúng ta cần hết sức tránh các “ngoại lệ”. Nghĩa là tránh vi phạm pháp luật ở bất cứ dạng nào, bất cứ vì mục đích gì. Việc Bộ trưởng cấm chơi gôn trong hoàn cảnh này mới nghe có vẻ rất phù hợp và rất được lòng nhiều người, và với tư cách cá nhân, tôi ngưỡng mộ, đánh giá cao điều đó. Nhưng với tư cách một luật sư, tôi sợ rằng đấy vẫn là một lợi ích nhỏ so với lợi ích lớn hơn là xây dựng phong cách “sống và làm việc theo pháp luật”.  Việc làm của Bộ trưởng có thể tạo ra một tiền lệ là người ta sẽ tùy hoàn cảnh, tùy cơ hội, dẫn tới tùy cảm tính mà tự ý điều chỉnh luật pháp theo ý mình, chuyện ấy rất tai hại, chả có gì đáng hoan nghênh cả.

Người dân: Nhưng nếu điều “tai hại” ấy cần thiết thì sao?

Luật sư: Sự cần thiết cho một thể chế phải được đặt cao hơn sự cần thiết cho một nhóm người, công dân ạ. Anh có đi bệnh viện bao giờ chưa?

Người dân: Chưa! Sao luật sư lại hỏi thế?

Luật sư: Vì nếu anh mang bệnh, anh sẽ biết nhiều lúc bác sĩ thà để anh đau chứ không cho phép anh uống thuốc giảm đau. Thuốc ấy có tác dụng chốc lát nhưng sẽ làm các chuyên gia mất các triệu chứng lâm sàng, do đó mất khả năng chuẩn đoán. Việc cấm chơi gôn cũng thế thôi, nó có thể làm cho dư luận hả hê, nhưng nó chưa chắc giải quyết tận gốc vấn đề. Thực ra, các nhà quản lý chơi gôn hay chơi gì đi nữa không quan trọng, miễn là họ hoàn thành trách nhiệm, đúng không nào?

Người dân: Đúng.

Luật sư: Trong các biện pháp mà chúng ta hay áp dụng trong tất cả các lĩnh vực, thì biện pháp “cấm” luôn luôn chứng tỏ sự thiếu hiệu quả chứ ít khi ngược lại. Tôi hoan nghênh sự quyết liệt của Bộ trưởng. Tôi yêu ông và muốn người khác yêu ông. Nhưng tôi mong ông tìm những cách xử lý quyết liệt khác và áp dụng ở những chỗ khác chứ không phải chỉ có sân gôn này!

L.T.L.H.

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文