Đạo đức của thực phẩm

09:03 16/09/2020
Khoảng hơn 10 năm trước, trên bìa một tờ tạp chí Time có in hình một rổ bánh mỳ, rau, trái cây và thịt - một giỏ hàng bình thường có thể là của bất cứ bà nội trợ nào trên thế giới này, và đi kèm với dòng chữ lớn: "Chúng ta là cái mà chúng ta ăn".

Đúng thế, ngay cả sách bạn đọc hay nhạc bạn nghe chưa chắc đã nói nhiều về bạn như thức ăn bạn chọn -  nó nói lên tất cả, bạn đến từ đâu, bạn sống ở thời đại nào, bạn tin vào điều gì, thậm chí, bạn đang ở một nền kinh tế vận hành ra sao, lịch sử quốc gia của bạn thế nào, mối quan hệ của nó với các nước láng giềng ra sao. 

Nhà nhân loại học Claude Leví-Strauss mô tả rằng, văn minh là quá trình biến đổi từ đồ sống thành đồ nấu chín, đồ sống - đó là đại diện của tự nhiên, đồ nấu chín - đó là đại diện của văn hóa.

Những ngày qua, một vụ ngộ độc thực phẩm được quảng cáo là theo lối sống lành mạnh khiến chúng ta giật mình. Từ có gì ăn nấy, con người ngày nay quan tâm nhiều hơn đến dinh dưỡng, nhiều trường phái ăn ra đời: ăn chay, ăn thực dưỡng, ăn thuận tự nhiên, ăn thanh lọc cơ thể, ăn thực phẩm hữu cơ và rất nhiều nữa. Nhưng chúng có thật là ưu việt?

Một bức tranh trong loạt “Lò mổ” của Nguyễn Văn Đủ.

Hãy vờ như thực vật không biết đau!

Hãy thử bắt đầu với ăn chay, một phong cách sống thường được coi là ưu việt về đạo đức. Thậm chí rất nhiều những cá nhân kiệt xuất ăn chay không vì một niềm tin tôn giáo nào, Voltaire, Bernard Shaw, Mark Twain, Paul McCartney đều ăn chay. 

Trong lá thư gần cuối đời mình, Albert Einstein cũng cho biết ông đang ăn chay, và nếu trước đó ông không làm điều này, thì chỉ bởi hoàn cảnh không cho phép. Tuy nhiên, nếu như có người muốn lấy dẫn chứng rằng ngay một thiên tài như Einstein còn nghĩ "không gì tốt hơn cho sức khỏe con người và tăng cơ hội sống sót trên Trái Đất cho bằng cuộc cách mạng tiến tới ăn chay", thì lại phải nhớ rằng Einstein không phải một nhà dinh dưỡng. Tham vấn ông về chuyện này cũng chẳng khác gì nhờ Charlie Chaplin chứng minh Thuyết tương đối cả!

Paul McCartney có lẽ có một lí giải có giá trị hơn: "Nếu lò mổ mà có cửa kính, tất cả chúng ta đều sẽ ăn chay". Chắc chắn là những tài phiệt công nghiệp thực phẩm sẽ không cho chúng ta nhìn thấy cảnh tượng ấy đâu, bởi họ cũng biết rõ điều đó như Paul Mccartney vậy. 

Song có một lần, tôi có dịp nói chuyện với một họa sĩ ở Việt Nam, người đã thành danh với những loạt tranh về lò mổ,  anh Nguyễn Văn Đủ. Nguyễn Văn Đủ không chỉ sử dụng màu để tái hiện lại khung cảnh lò mổ, anh còn dùng chính máu của những con vật bị giết ấy để làm màu đỏ trong tranh. 

Anh bảo với tôi rằng, khi trình bày tác phẩm của mình trong những phòng tranh, anh thường quan sát người tới ngắm, và có những người không chịu nổi cảnh bạo lực và không dám nhìn vào tác phẩm. Tôi còn nhớ nhất một bức trong loạt tranh của anh, “Bức tường lò mổ”, với rất nhiều những lớp máu đè lên nhau, như hàng ngàn con bò chết mỗi ngày, và máu của chúng theo ngày tháng tích tụ lên, cáu cạnh, nhớp nhúa, tanh tưởi. 

Ăn chay đồng nghĩa với việc ta bứt mình ra khỏi vòng tròn tiêu thụ - sản xuất ghê rợn ấy. Nhưng ăn chay thì có đạo đức hơn không? Trong tri nhận của con người, động vật thì giống chúng ta hơn là thực vật. Họ không biết, hay lờ đi sự thật rằng thực vật có bộ gene giống khoảng 50% bộ gene của cây chuối, 40% với cây táo, nghĩa là thực vật cũng là họ hàng xa của chúng ta. 

Những người ăn chay chỉ đang mặc định rằng thực vật không có xúc cảm và không biết đau đớn. Song thực vật cũng có cơ chế để nhận biết khi nào mình bị thương, chúng thậm chí còn liên lạc với nhau qua những chất hóa học để cảnh báo về nguy hiểm, chúng cũng có bản năng sinh tồn, có điều, con người không nhìn thấy chúng khóc lóc, kêu eng éc hay chảy máu, và "khuất mắt trông coi" - những người ăn chay vờ như thực vật không biết đau cũng vin vào cùng một cớ như những người ăn thịt vờ như không biết đến cảnh giết thịt trong lò mổ.

Bìa tạp chí “Time”: "Chúng ta là cái mà chúng ta ăn".

Hữu cơ - "một lí tưởng đáng tôn kính đã bị khoét rỗng"

Trong cuốn “100 triệu năm thực phẩm” của Stephan Lê, Tiến sĩ Nhân chủng học người Canada gốc Việt,  mới được dịch và ấn hành tại Việt Nam, Lê đặt ra câu hỏi từ bao giờ tổ tiên của chúng ta thích ăn thịt, và ăn thịt hay ăn chay mới là bản chất của chúng ta? 

Ông nhìn vào phả hệ của loài người từ 50 triệu năm trước, khi nhiệt độ Trái Đất giảm xuống và rừng mưa nhiệt đới ít ỏi hơn, các loài linh trưởng đã buộc phải tự tìm cách thích nghi, và mặc dù có nhiều loài linh trưởng tiếp tục ăn cỏ - nhưng đó hiển nhiên không phải là những nhánh phát triển thành con người, loài động vật có thể ăn mọi thứ, và chính vì thế mà dễ dàng sinh sôi! Và sự thực, tổ tiên gần nhất của chúng ta là loài tinh tinh bonobo rất khoái món thịt. Điều đó trước hết cho biết, ăn thịt là hành vi thuận tự nhiên, và không có gì xấu.

Và thế là ra đời một trường phái ăn khác có vẻ bớt 'cực đoan' hơn ăn chay, nghĩa là vẫn ăn thịt, nhưng ta sẽ không nuôi nhốt lũ gia súc như tù binh và không giết hại chúng một cách man rợ. Chúng ta sẽ tạo ra những loài vật sống trong hạnh phúc và khi chết cũng được chết trong hạnh phúc. Nói cách khác, chúng ta sẽ tạo nên thực phẩm hữu cơ.

Khác với những con gà bị nhồi nhét trong lồng nuôi, ăn thức ăn công nghiệp, lũ gà hữu cơ được quảng cáo là chăn thả tự do, nuôi trồng nhân đạo và cho ăn thức ăn chất lượng cao. Đó thực là một khung cảnh thanh bình và khiến cho ta thở phào nhẹ nhõm mỗi khi đặt đũa vào một chiếc cánh gà rán vàng rụm: thôi thì ít ra lũ gà đã không phải chịu đau đớn để được bày lên cái đĩa này. Nhưng sự thực không tốt đẹp như ta nghĩ (hay như những nhà sản xuất thức ăn muốn ta nghĩ).

"Tôi tới thăm chú gà hữu cơ Rosie tại trang trại của nó ở Petaluna, hóa ra là trại chăn nuôi tập trung chứ không phải trang trại. Nó sống trong chuồng gà với 20.000 chú gà khác, mà ngoài thức ăn gia cầm hữu cơ được chứng nhận, sống cuộc đời hầu như không khác bất cứ con gà công nghiệp nào. Ồ, thế còn cuộc sống "chăn thả tự do" như hứa hẹn trên nhãn thì sao? 

Đúng là có một cánh cửa nhỏ ở chuồng gà, dẫn ra một cái sân có hẹp. (…) cánh cửa đó bị đóng chặt cho tới khi lũ gà tối thiểu năm hoặc sáu tuần - vì sợ rằng chúng sẽ nhiễm bệnh bên ngoài - và lũ gà được giết mổ chỉ sau đó hai tuần.", tác giả Michael Pollan kể lại về cuộc đời một chú gà hữu cơ trong “Nào tối nay ăn gì”, cuốn sách nằm trong top 5 sách phi hư cấu hay nhất năm do tạp chí New York Times bình chọn.

Thực phẩm hữu cơ là một lí tưởng đẹp, chắc chắn thế, nhưng có lí tưởng nào không đẹp? Chỉ là lí tưởng sẽ luôn bị các nhà tư bản khoét rỗng. Theo Pollan, nhiều trang trại nông nghiệp hữu cơ lớn nhất lại do những trang trại truyền thống khổng lồ sở hữu và điều hành. 

Bản thân "hữu cơ" đã trở thành ngành công nghiệp trị giá 11 tỉ USD, và một bữa ăn hữu cơ cũng "nhúng trong nguyên liệu hóa thạch" như bữa ăn truyền thống: bởi để vận chuyển những loại thức ăn này, cần đốt một lượng xăng dầu không hề nhỏ, vệt cacbon để lại ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên và gây hại cho các hệ sinh thái nói chung, nên xét về tổng thể, bữa ăn hữu cơ cũng chẳng đạo đức hơn là bao so với một bữa ăn thông thường.  

Thực phẩm, hơn bất cứ tôn giáo nào, là thứ có mặt sớm nhất, gắn bó mật thiết nhất trong lịch sử tiến hóa của con người. Đạo đức thực phẩm, vì thế cũng dài lâu hơn dù là Phật giáo hay Hồi giáo - những tôn giáo sau này đặt ra các quy tắc về ăn uống. 

Một vấn đề lớn như thế, thật khó để nói hết trong dung lượng một bài báo, nhưng có một cảm giác rằng, dường như dù chúng ta có làm gì đi chăng nữa, chúng ta ăn gì, nuôi trồng ra sao, thì cuối cùng cũng vấp phải những vấn đề đạo đức. 

Không phải con người bất chấp đạo đức để sinh tồn, chúng ta có nghĩ đấy chứ, có rất nhiều người như Paul McCartney, nghĩ rằng họ có thể làm một điều gì đó tốt hơn cho thế giới thông qua thói quen ăn hằng ngày, nhưng rồi ta lại phát hiện ra đó chỉ là một ảo tượng tập thể. Có phải chăng ngay sự tồn tại của con người cũng đã là phi đạo đức, hoặc, đạo đức quá phức tạp, ta không bao giờ đạt tới được?

Nhưng đạo đức cũng có thể rất đơn giản, như khi sư tử Mufasa trong bộ phim hoạt hình “Vua Sư Tử”nói với đứa con Simba: "Mọi thứ con nhìn thấy tồn tại cùng nhau trong một sự cân bằng tinh tế. Là vua, con cần hiểu sự tinh tế ấy và tôn trọng mọi loài sinh vật, từ một con kiến đang bò cho đến một con linh dương đang nhảy." 

Sư tử con Simba liền hỏi bố: "Nhưng bố ơi, chẳng phải chúng ta cũng ăn thịt linh dương hay sao?". Và  Mufasa đáp lời: "Phải, Simba, nhưng hãy để bố giải thích. Khi chúng ta chết, thân xác chúng ta sẽ trở thành cỏ, và linh dương lại ăn cỏ. Và vì thế chúng ta đều kết nối trong Vòng quay Cuộc sống vĩ đại".

Vòng quay Cuộc sống Vĩ đại, điều đó có lẽ là đạo đức lớn hơn bất cứ trường phái đạo đức nào. 
Hiền Trang

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

Ngày 7/5, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ để điều tra, làm rõ nguyên nhân một nam công nhân tử vong trong lúc làm việc tại xưởng sản xuất…

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文