Hai thi phẩm, một thú chơi xưa

18:56 31/01/2019
Lần ấy tình cờ qua nhà văn Nguyễn Quốc Trung, tôi có được hai bài thơ chữ Hán gợi lại cả một thú chơi đẹp của tao nhân một thời.

Nguyễn Thi, chút lý lịch trích ngang

Bài thứ nhất của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh viết về nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn tức Nguyễn Thi.

Nhà văn Nguyễn Thi, người mà còn sống thì năm 2018 bước vào tuổi 90 (15-5-1928/?-5-1968). Mãi sau này, được nhà văn Ngô Thảo kể lại,  không ít người vẫn coi lý lịch của nhà văn Nguyễn Thi cứ như tiểu thuyết! Cậu bé Nguyễn Hoàng Ca, quê gốc Nam Định, con một chiến sĩ cách mạng đã phải theo mẹ vào tù đến 6 tháng. Khi ra tù, để tiếp tục hoạt động và mưu sinh, bà phải gửi con nhiều nơi.

Năm lên 9, cha mất vì bệnh lao, mẹ vừa phải tiếp tục gửi con vừa kiếm sống và hoạt động. Rồi đùng cái, mẹ đi bước nữa. Năm 1943, 15 tuổi,  Ca  vào  Sài Gòn nương nhờ  nhà người anh cùng cha khác mẹ.

Cách mạng Tháng 8 -1945, vừa 17 tuổi, Nguyễn Hoàng Ca đã gặp được đoàn thể cách mạng. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thành anh bộ đội và lấy tên là Nguyễn Ngọc Tấn. Suốt 9 năm liên tục ở các đơn vị chiến đấu cộng với chút năng khiếu văn nghệ: ca hát, nhảy múa, viết, vẽ… Nguyễn Ngọc Tấn đã  thành một cán bộ chính trị, làm công tác tuyên huấn. Các bài thơ đầu đời tập hợp trong tập Hương đồng nội được các chiến sĩ truyền đọc, nhận Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long năm 1951.

Năm 1954, Nguyễn Ngọc Tấn lấy vợ  tên là Bình Trang, một sinh viên Sài Gòn ra bưng biền kháng chiến. Sau Hiệp định Genever, anh theo đơn vị tập kết ra Bắc. Chị Trang được tổ chức bố trí ở lại tiếp tục hoạt động. 

Trở lại Bắc, anh đã gặp được người mẹ ruột của mình. Hoàn cảnh của bà đầy những trắc trở, bi thương. Bà đi tản cư, một mình nuôi mấy đứa con trong điều kiện khốn khó. 

Năm 1951, bà trở về Thành hoạt động bí mật. Ngày gặp lại, anh ở tuổi 27, bà mới 46, đang công tác ở Cơ quan Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định. Ngày gặp lại, biết con đã có vợ, có con ở trong Nam, bà mẹ vui mừng nhưng  đã linh cảm thấy một ngày mai xa cách.

Hai bài thơ của Nguyễn Trọng Oánh và Trần Hữu Thung, thủ bút của Xuân Ba.

Trở về Sài Gòn hoạt động và nuôi con, chị Bình Trang nằm trong tầm truy kích ráo riết những người kháng chiến cũ, chị phải đóng giả vợ chồng để hợp thức hóa sinh hoạt. Và chị đã có thêm một người con.  Được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhận được tin này Ngọc Tấn đã bị sốc dữ dội. 

Mấy năm sau, Nguyễn Ngọc Tấn đã xây dựng gia đình mới với một cô thôn nữ phải khai thêm để đủ tuổi kết hôn. Sau Đồng khởi 1960, Nguyễn Ngọc Tấn vẫn xung phong đi B.

Phải đến năm 1965, bạn đọc mới được đọc các bài viết ký tên Nguyễn Thi, tên người con trai khi anh đi B mới có 6 tháng tuổi. Những truyện và ký viết chủ yếu trong 2 năm 1966 - 1967 đã làm nên một tên tuổi Nguyễn Thi gắn với giai đoạn miền Nam đau thương anh dũng. Nhà văn Nguyễn Thi tham gia tổng tấn công đợt 2 Mậu Thân, khi đi theo một đơn vị đánh phản kích ở ngoại vi Thành phố.

Cho đến nay, sau nhiều nguồn tin và cả tư liệu được viết thành văn, ngày hy sinh, trường hợp hy sinh, vị trí nơi nhà văn mất vẫn chưa được xác định. Mấy năm gần đây, theo lời người dân mách báo, gia đình và bạn bè đi xác minh và khai quật nhưng đều không có kết quả. 

Ngày hy sinh được báo tử là 9-5. Nhưng trên ngôi mộ gió trong nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố, đặt nằm cạnh Nhà thơ Anh hùng Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân, cả hai đều được ghi cùng một ngày mất, 23-5-1968.

Chất bi của Nguyễn Trọng Oánh

Và đây là bài thơ không đề viết về Nguyễn Thi của Nguyễn Trọng Oánh. Hai người bạn từng ở số 4 Lý Nam Đế một thời gian dài. Từng cật ruột với nhau. Rồi cùng tham gia Mậu Thân.

Phiên âm:

Hữu thử sinh hề, hữu thử thân,
Nhĩ hà nhân dã, ngã hà nhân?
Thập niên vị giác hoàng lương mộng,
Thiên lý nan sưu bạch cốt trần.
Đảm khí hữu hoài siêu thế tục,
Trung hồn chung tự nịch mê tân.
Lục bình chiến mạo ô y khách,
Nam vọng Trường Sơn duy bạch vân.

Dịch nghĩa:

Có kiếp này chừ, có tấm thân này,
Anh là ai, tôi là ai?
Giấc mộng kê vàng mười năm chưa tỉnh,
Bụi trần xương trắng ngàn dặm khó tìm!
Lòng mang dũng khí vượt thế tục,
Anh hồn trung nghĩa nhấn chìm bến mê.
(Đâu rồi) người khách mũ tai bèo, áo đen,
Ngóng về Trường Sơn chỉ có làn mây trắng

Ở nhà số 4 Văn nghệ Quân đội, nhiều người nhận xét nhà văn, nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh người Khu Tư (quê ở Nghi Lộc) trong đời sống thường ngày và ngay cả tác phẩm là người can trường hơi cực đoan. 

Nguyễn Trọng Oánh người gầy, đen, khuôn mặt khắc khổ. Khoác áo lính từ  tuổi 17 cho tới lúc từ giã cõi đời. Luôn kiên định lập trường, ông khiến người đối thoại e ngại vì hễ nói sai một tí là ông chỉnh liền. Nhưng tại bài thơ chữ Hán viết về Nguyễn Thi trong nỗi đau hụt hẫng mất bạn và tổn thất của cuộc chiến, Nguyễn Trọng Oánh dường như đột ngột ló dạng một tâm trạng khác. 

Giấc mộng hoàng lương (nồi cháo kê) là điển tích nói về sự lỡ làng, hão huyền, nói tóm lại là thất bại mà các nhà thơ cổ điển thường dẫn, hay vận. Giấc mộng hoàng lương chợt tỉnh ra/ Mới hay muôn việc thảy không mà (Nguyễn Trãi).

Nếu nói âm hưởng chủ đạo của cả bài thơ là bi hùng thì cũng chả sợ sai. Lòng mang dũng khí vượt thế tục, Anh hồn trung nghĩa nhấn chìm bến mê. Nhưng phần bi ở đây trội nổi hơn phần hùng. 

Đất trắng từng phản ánh đa chiều về cuộc chiến đấu thì trong bài thơ này người đọc không thể không xót xa, trĩu nặng một tâm trạng về cái bi thương mất mát: Giấc mộng kê vàng mười năm chưa tỉnh/ Bụi trần xương trắng ngàn dặm khó tìm! Có lẽ phải nương, phải chiểu từng chữ của ngữ nghĩa từ Hán thì mới ngẫm và thấm sâu cái phần bi trong hai câu rất u hoài, thần thái Thập niên vị giác hoàng lương mộng/ Thiên lý nan sưu bạch cốt trần…

Ta chưa biết được Nguyễn Trọng Oánh viết bài thơ này vào thời điểm nào nhưng dường như ông đã tiên liệu, đã chia ở thì tương lai một vấn đề u ám của hậu chiến?  

Đau đớn một liệt sĩ Nguyễn Thi không biết thời gian và địa điểm hy sinh, không tìm thấy xác nhưng cái câu “Thiên lý nan sưu bạch cốt trần” ngẫm sâu  mới thấy hết cái xót xa hiện tại bởi hàng vạn hài cốt liệt sĩ trải dài khắp phía Nam nay vẫn chưa tìm thấy?

Và nữa, cứ như thứ đồng bệnh tương lân. Cứ gai gai người khi ngẫm lại hoàn cảnh hai nhà văn Nguyễn Thi và Nguyễn Trọng Oánh có một mẫu số chung là thua thiệt!  Nhất là những tất tả tật bệnh cùng ít nhiều cô đơn cuối đời của tác giả Đất trắng như vế đối vui của ai đó: “Đất trắng, người đen, bàn tay trắng”. 

Như một thứ dự báo gì đó về phần bi nhiều hơn phần hùng khi Nguyễn Trọng Oánh dẫn ra điển tích “Giấc mộng kê vàng mười năm chưa tỉnh”. 10 năm đây không phải là con số, là định lượng cụ thể mà là thứ hình dung từ để gọi sự dằng dặc lê thê của cả một đời người?

Và chất hùng của Trần Hữu Thung

Bài thứ hai của nhà thơ Trần Hữu Thung, chính xác là họa lại bài thơ của Nguyễn Trọng Oánh.

Phiên âm:

Độc thử thi hề, niệm thử thân,
Vấn tâm vấn ngã vấn đồng nhân.
Thập niên kỷ độ hoài sinh mộng?
Thiên lý hà phương mịch cốt trần?
Cổn cổn văn phong lưu tỉnh tục,
Thao thao đảm khí tẩy mê tân.
Trường Sơn nam vọng ưu thời khách,
Ô giáp, binh quan chiếu bạch vân.

Dịch nghĩa:

Đọc bài thơ này chừ, nghĩ về tấm thân này,
Hỏi lòng, hỏi mình, hỏi đồng chí!
Mười năm bao lần ôm giấc mộng,
Ngàn dặm tìm đâu nắm xương tàn?
Văn phong dào dạt lưu cõi tỉnh,
Hùng khí cuồn cuộn rửa bến mê.
Ngóng về Trường Sơn, khách lo đời,
Áo đen, mũ chiến sĩ chiếu lên làn mây trắng.

Có ai đó đã nói đại ý, lộ trình Thăm lúa đã đưa Trần Hữu Thung từ ông nông dân thành nhà thơ. Và lối đi ấy dẫn ông từ Diễn Châu từ Vinh Khu Tư ra Hà Nội. Nhưng sau một hồi đua chen thành thị, bạc tóc với trường văn trận bút cùng đời sống thị thành, Trần Hữu Thung lại từ Hà Nội xuôi Vinh rồi về hẳn quê Diễn Châu!

Trở lại bài thơ như một khúc họa thơ Nguyễn Trọng Oánh.  Có thể nói đây là một bài họa chuẩn chỉnh về sự đăng đối ngữ lẫn nghĩa. Toàn bộ bài họa như toát lên âm hưởng chủ đạo của tinh thần lạc quan chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khác với chất bi của Nguyễn Trọng Oánh. 

Trần Hữu Thung hào phóng phát lộ cái chất hùng từ đầu chí cuối. Vẫn có mộng vẫn có bến mê (mê tân) đấy nhưng là Văn phong dào dạt cõi tỉnh. Nếu có bến mê thì hùng khí cuồn cuộn sẽ tẩy rửa cuốn phăng hết!

Hai câu cuối như một bức tượng đài hoành tráng. Hình tượng người chiến sĩ giải phóng với áo đen mũ tai bèo hiện lên sừng sững trên làn mây trắng Trường Sơn! Khác với vẻ ngậm ngùi bi lụy hình ảnh người chiến sĩ vọng ngóng về dãy Trường Sơn chỉ có làn mây trắng ngổn ngang trong thơ Nguyễn Trọng Oánh!

Tôi đương bồi hồi nghĩ đến cái đoạn những năm ở đất Hà Thành, hai ông nhà thơ nhà văn, một quê ở Nghi Lộc, một ở Diễn Châu cùng xứ Nghệ, Nguyễn Trọng Oánh sinh năm 1929 kém Trần Hữu Thung 6 tuổi đã từng đi lại và thâm giao…

Và cũng cố tưởng tượng ra cái nhăn trán của Trần Hữu Thung khi thẩm thơ ông bạn Nguyễn Trọng Oánh rằng, mần chi mà phải bi lụy dẫn ra cái điển mộng kê vàng cùng bến mê này khác? Hình như cùng với cấu tứ, ngữ nghĩa trong bài họa, Trần Hữu Thung đã hóa giải phần nào những giăng mắc bi lụy mà Nguyễn Trọng Oánh từng u ẩn?

Đã vắng rồi, thú chơi tao nhã

Thưởng lãm hai bài thơ chữ Hán trên, một chút bồi hồi lẫn bâng khuâng. Rằng chưa xa lắm, xứ mình có những nhà văn nhà thơ tầm túc nho như Nguyễn Trọng Oánh, Trần Hữu Thung. Lại sành thạo thứ xướng họa này khác. 

Cứ như họ là thứ hậu duệ, sự tử tế cuối cùng sót lại từ thế kỷ trước vậy! Tất nhiên bây giờ không thiếu những nhà viết trẻ thông rành ngoại ngữ nhất là tiếng Tây (Anh, Pháp, Tây Ban Nha…) nhưng thấy bặt đi cái thú chơi tao nhã xướng họa, cứ thấy thiêu thiếu thế nào?

Xuân Ba

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文